Ông Tập nắm quyền kiểm soát quân đội, nhưng Trung Quốc có thể thắng trận không vẫn còn là ẩn đố
Theo các nhà phân tích, thế giới có thể dự đoán một Trung Quốc hung hăng hơn về mặt quân sự sau khi ông Tập Cận Bình đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, củng cố vị thế là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyền lực nhất của ông ấy kể từ thời ông Mao Trạch Đông, người cầm quyền đầu tiên của chính quyền này.
Các nhà phân tích cho biết, nhiệm kỳ năm năm tới đây của ông Tập, và có lẽ thêm nhiều năm nữa, cũng đưa ông ấy vào vị trí lãnh đạo một quân đội mà, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, đặt ra mối đe dọa thực sự đối với những nước khác trong khu vực. Nhưng với những người trung thành mới được bổ nhiệm trong quân đội đều là những người có tuổi và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thì ông Tập cũng phải đối mặt với sự không chắc chắn khó lường là liệu nhánh quân sự của Đảng, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), có thể thực sự giành chiến thắng trong các cuộc chiến với các đội quân tinh nhuệ hay không.
Quyết định tái bổ nhiệm nhà lãnh đạo này vào chức tổng bí thư Đảng được đưa ra sau khi Đại hội Toàn quốc khóa 20 của ĐCSTQ bế mạc hôm 23/10, trong đó cũng công bố bảy ủy viên mới trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ. Trừ hai cựu ủy viên vẫn tiếp tục giữ chức trong nhiệm kỳ này, thì bốn thành viên mới được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ đều là đồng minh của ông Tập.
Bà Aparna Pande, một viện sĩ nghiên cứu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng ông Tập hiện “quyền lực hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của mình”, bao gồm cả ông Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ từ năm 1978 đến năm 1989, người thậm chí đã phải đấu tranh với các bô lão của Đảng.
Việc củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo này đi đôi với việc đẩy mạnh tuyên truyền mô tả ông Tập là “nòng cốt” của Đảng. ĐCSTQ đã sửa đổi điều lệ hôm 22/10 để củng cố hơn nữa các chính sách và hệ tư tưởng của ông Tập. Năm 2017, điều lệ Đảng đã được sửa đổi để đưa vào bộ giáo lý riêng mang thương hiệu của ông Tập, được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Trong tuần qua, một vài bài viết về ông Tập trên ứng dụng di động của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã được gắn thẻ với tiêu đề “nhà lãnh đạo của nhân dân”.
Việc tôn sùng cá nhân dưới cờ hiệu “nhà lãnh đạo của nhân dân” này đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ cải tổ kinh tế Trung Quốc được khởi xướng dưới thời trị vì của ông Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980, ông Frank Lehberger, một nhà Hán học và chuyên gia về các chính sách của ĐCSTQ tại Âu Châu, người lưu ý rằng ông Đặng đã cấm các nhà lãnh đạo không được tạo ra sự tôn sùng cá nhân, cho biết.
Mối đe dọa tăng cao
Cũng như nhiều người một sự so sánh đã được đưa ra giữa ông Tập và ông Mao, các chuyên gia lưu ý rằng mặc dù ông Tập, không giống như ông Mao, không phải là một nhà lãnh đạo quân sự cứng rắn, nhưng ông ấy đã củng cố quyền kiểm soát quân đội bằng cách loại bỏ sự bất hợp tác từ PLA và bổ nhiệm những người trung thành. Ông Tập lãnh đạo PLA với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự cao nhất của Đảng.
Ông Grant Newsham, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh và là nghiên cứu viên tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên kể từ sau ông Mao, người có bản lĩnh chính trị để đưa chế độ cộng sản đi theo hướng mình đã chọn.
“Nhưng không giống như ông Mao, ông Tập có khả năng quân sự để đối đầu với Hoa Kỳ và khai triển lực lượng ở vùng lân cận gần nhất của Trung Quốc,” ông Newsham cho biết, nói thêm rằng PLA đang từng bước xây dựng khả năng phát triển sức mạnh ở cả trong khu vực và toàn cầu.
Theo ông Newsham, nếu cần thiết, ông Tập sẽ không ngại sử dụng vị trí vững chắc và khả năng quân sự ngày càng tiến bộ của mình để đe dọa và tấn công Đài Loan, hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ tuyên bố là của mình.
Theo bà Pande, một ông Tập không bị thách thức không chỉ là mối lo ngại đối với Hoa Kỳ, mà còn đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á Châu — từ Nhật Bản, Nam Hàn đến Ấn Độ và Việt Nam.
Bà Pande cho biết, “Ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục các chính sách trong thập niên vừa qua của mình bao gồm một Trung Quốc hung hăng hơn tìm cách xóa sổ thế kỷ bị làm bẽ mặt, giành lại lãnh thổ thông qua chiến thuật cắt lát xúc xích (salami slicing), cũng như sử dụng điểm yếu của một số cường quốc (Nga) và đánh lạc hướng các nước khác (Hoa Kỳ) để xây dựng sự hiện diện của họ ở các khu vực quan trọng trên thế giới.”
Những mục tiêu như vậy cho thấy “khía cạnh thiên sai đối với hành vi của ông Tập”, theo ông Newsham, người nói rằng Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác nên chuẩn bị cho một cuộc chiến.
Ông nói: “Mong đợi cuộc chiến tranh chính trị của Trung Quốc—một sự chuẩn bị dạo đầu đến chiến tranh hỏa lực—sẽ tiếp diễn trên toàn cầu,” ông nói. Về chiến tranh chính trị, thì ông Newsham có ý muốn nói là sử dụng một loạt các biện pháp, thường là phi bạo lực, để làm suy yếu, làm bối rối, làm mất tinh thần, hoặc thậm chí là đánh bại đối thủ.
Bổ nhiệm những người trung thành trong quân đội
Mặc dù quân đội của ĐCSTQ có thể đặt ra mối đe dọa lớn đối với những quốc gia ở trong và ngoài khu vực Á Châu, ông Lehberger cảnh báo rằng việc ông Tập đề bạt các tướng lĩnh dựa trên lòng trung thành, thay vì kinh nghiệm chiến đấu hoặc chuyên môn, tượng trưng cho gót chân Achilles.
Trong suốt 10 năm cầm quyền cho đến nay, ông Tập tỏ ra cực kỳ nghi ngờ cấp chỉ huy của PLA và đã thanh trừng nhiều người trong số họ trong khi bổ nhiệm những người trung thành quá tuổi về hưu xung quanh mình, ông Lehberger lưu ý. Ông Tập cũng đã tổ chức lại cấu trúc quốc phòng hoàn chỉnh, đáng chú ý nhất là trong những lần cải tổ quân đội sâu rộng vào năm 2015.
Việc tái tổ chức này được “thiết kế để ngăn chặn các tướng lĩnh PLA [không] tấn công [ông Tập] và lật đổ ông ta khỏi quyền lực tuyệt đối,” ông Lehberger nói, lưu ý rằng trớ trêu thay, quá trình này cũng tạo ra những kẻ thù hùng mạnh.
Để khắc phục sự bất phục tùng, ông Tập hôm 24/10 đã công bố việc thăng chức của một vài tướng lĩnh mà ông có thể tin tưởng như vị tướng 72 tuổi Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), người mà ông Lehberger mô tả là “hàng xóm và bạn chơi thân khi còn nhỏ” của ông Tập.
Nhà phân tích này lưu ý, ông Trương, từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, là một trong số ít tướng lĩnh PLA có kinh nghiệm thực chiến, nhưng đó là từ hơn bốn thập niên trước ở Việt Nam.
Ông Lehberger nói, “Ông ấy đã quá tuổi nên được về hưu theo các quy tắc của ĐCSTQ, nhưng ông Tập đã bẻ cong các quy tắc ấy để có lợi cho mình và hiện ông này được đưa lên làm phó chủ tịch thứ nhất của Quân ủy Trung ương, nhà quân sự quyền lực thứ hai chỉ sau chính ông Tập.”
Vị trí phó chủ tịch khác thuộc về ông Hà Vệ Đông (He Weidong), từng là chỉ huy của Quân đoàn 31 trên bờ biển đối diện Đài Loan ở tỉnh Phúc Kiến, và cũng đã quá tuổi về hưu, ông Lehberger cho biết, nói thêm rằng vị tướng này trước đây phụ trách Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây bộ, có trụ sở chính tại khu vực miền Tây của Trung Quốc và có nhiệm vụ chống lại Ấn Độ.
Ông Lehberger nói, “Trong những năm qua, ông Tập thích thành tích [của ông Hà] ở phía tây và đã thăng chức cho ông Hà nhanh chóng trở thành người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, lực lượng đảm trách cuộc xâm lược dự tính vào Đài Loan. Ông này hiện là phó chủ tịch thứ hai của Quân ủy Trung Ương (CMC) sau tướng Trương.”
Nhân vật thứ ba của PLA được đề bạt vào Quân ủy Trung ương là Đô đốc Miêu Hoa (Miao Hua), 66 tuổi, người mà ông Tập đã quen biết 30 năm nay. Ông Lehberger mô tả ông Miêu là “một quan chức chính trị hàng đầu khác (không có kinh nghiệm chiến đấu và chỉ là một công vụ viên cộng sản trong quân đội) từ Quân đoàn 31,” người mà ông Tập đã biết từ những ngày còn là quan chức Đảng ở tỉnh Phúc Kiến từ năm 1985 đến năm 2002.
Theo vị chuyên gia này, ông Tập muốn thôn tính Đài Loan, vậy nên ông ấy cần kiến thức chuyên môn vững chắc về chiến tranh công nghệ cao, đặc biệt là tác chiến trên không và tác chiến trên biển hoặc hải quân.
Ông nói: “Vì vậy, ông Tập đã xây dựng lực lượng Hải quân của mình tới quy mô ấn tượng [đến mức] giờ đây sánh ngang với Mỹ quốc về số lượng,” nhưng “đội ngũ binh sĩ cũng như các sĩ quan đều thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nếu so sánh với những nước hùng cường nhất trong khu vực: Hải quân Nhật Bản và Hải quân Hoa Kỳ.”
Ông Lehberger cho biết việc ông Tập chọn ông Miêu phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt này, và cho thấy điều gì có thể bộc lộ ra về sau này.
Ông nhận định, “Ông Miêu chỉ là một sĩ quan chính trị, về căn bản là một quan chức đầy mưu mô không có bất kỳ kinh nghiệm hải chiến nào. Vì vậy, nếu một người như thế đảm trách cuộc xâm lược Đài Loan, thì điều này chỉ có thể dẫn đến thảm họa cho chính ông Tập.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times