Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với Đài Loan
Hôm 16/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong khi ông khai mạc một đại hội quan trọng của Đảng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Lần thứ 20 của ĐCSTQ khai mạc tại Bắc Kinh hôm Chủ Nhật trong bối cảnh công chúng thất vọng vì các hạn chế COVID-19 leo thang trong nước và sự chỉ trích của quốc tế trước hành vi gây hấn của ĐCSTQ đối với Đài Loan.
Trong đại hội kéo dài một tuần này, ban lãnh đạo hàng đầu tiếp theo của Đảng sẽ được công bố. Ông Tập, 69 tuổi, có khả năng phá kỷ lục, giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba, củng cố vị trí của mình khi là người cai trị quyền lực nhất của Đảng kể từ thời Mao Trạch Đông.
Nói tại phiên khai mạc đại hội đảng, ông Tập đã ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong suốt 5 năm mà ông gọi là “vô cùng hiếm thấy và khác thường”.
Ông Tập bảo vệ chính sách zero-COVID của ĐCSTQ và lập luận cách tiếp cận này đã bảo vệ cuộc sống và kinh tế của người dân, nhưng không đề cập đến việc chính sách nghiêm ngặt này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước và gây tổn thất cho người dân của mình như thế nào.
Khẳng định lại lập trường cứng rắn của Đảng, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ “không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực” đối với Đài Loan, chọc tức hòn đảo tự trị, vốn đã tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ của mình.
Ông Tập đã có một bài diễn văn kéo dài khoảng hai tiếng, thời gian ngắn hơn đáng kể so với bài diễn văn của ông hồi năm 2017, kéo dài hơn ba giờ đồng hồ.
Trong bài diễn văn này, các từ “an ninh” và “an toàn” xuất hiện thường xuyên hơn năm năm trước. Theo một bản ghi được hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã công bố, ông Tập đã đề cập đến hai từ này 73 lần hôm Chủ Nhật, tăng từ 55 lần trong đại hội năm 2017. Trong khi đề cập đến an ninh lương thực và an ninh chuỗi cung ứng, ông Tập nhấn mạnh đến “an ninh quốc gia”.
Sự kiện chính trị quan trọng này diễn ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông, cũng như việc họ sách nhiễu Đài Loan. Trước thềm đại hội, các nhà lập pháp trên khắp thế giới đã kêu gọi các nước dân chủ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của mình. Trong một tuyên bố hôm 14/10, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc cho biết đại hội này cho thấy ĐCSTQ sẽ củng cố quyền cai trị độc tài của mình đối với đại lục, điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục là một “mối đe dọa đối với nhân quyền và hòa bình cũng như sự ổn định trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.”
Đài loan
Tiếng vỗ tay lớn nhất trong cuộc họp diễn ra khi ông Tập nhấn mạnh sự phản đối của ĐCSTQ đối với nền độc lập của Đài Loan.
Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình, đã phải chịu đựng áp lực quân sự, chính trị, và kinh tế leo thang từ Bắc Kinh trong những tháng gần đây. Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng 11 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Bắc hồi tháng 08/2022.
Trình bày tại Bắc Kinh, ông Tập ca ngợi các hành động khiêu khích của ĐCSTQ như một sự thể hiện “lòng quyết tâm và năng lực” của họ trong việc chiến đấu chống lại “các lực lượng ly khai”.
Ông Tập tuyên bố: “Sự thống nhất hoàn toàn của đất nước chúng ta phải được thực hiện và chắc chắn có thể được thực hiện.”
Đáp lại, Đài Loan tuyên bố họ là một quốc gia có chủ quyền và sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ nền dân chủ và tự do của mình.
Trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật, ông Trương Đôn Hàm (Chang Tun-han), phát ngôn viên của Văn phòng Tổng thống Đài Loan, cho biết: “Quan điểm của Đài Loan là không suy chuyển: Không lùi bước trước chủ quyền quốc gia, không thỏa hiệp về dân chủ và tự do, và cuộc đọ sức trên chiến trường chắc chắn không phải là một lựa chọn cho hai bên Eo biển Đài Loan.”
Tuyên bố nêu rõ: “Đây là sự đồng thuận của người dân Đài Loan.” Tuyên bố cho biết thêm rằng nhóm an ninh quốc gia của Đài Loan sẽ theo dõi sát sao các diễn biến trong Đại hội ĐCSTQ kéo dài một tuần này.
Chính sách zero-COVID
Trong bài phát diễn văn tại phiên khai mạc hôm Chủ Nhật, ông Tập cho biết ĐCSTQ “ưu tiên người dân và cuộc sống của họ trên hết, và kiên trì theo đuổi [một] chính sách zero-Covid linh hoạt trong việc phát động cuộc chiến toàn dân chống lại virus.”
Những nhận xét của ông Tập dường như đánh tan hy vọng của những người dân Trung Quốc đang mong các dấu hiệu nới lỏng chính sách Zero-COVID. Cách tiếp cận hà khắc này nhằm mục đích loại bỏ mọi sự lây nhiễm giữa các cộng đồng thông qua các cuộc phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm nhiều lần, và giám sát hàng loạt.
Nhiều tuần trước hội nghị, các quan chức ĐCSTQ trên khắp Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa mặc dù chỉ có một số ít ca nhiễm được ghi nhận. Theo ước tính của ngân hàng Nhật Bản Nomura hôm 10/10, ít nhất 36 thành phố của Trung Quốc đã bị áp đặt một số biện pháp hạn chế hoặc phong tỏa, ảnh hưởng đến khoảng 196.9 triệu người.
Những hạn chế như vậy đã làm nản lòng công chúng và dẫn đến những cuộc biểu tình hiếm hoi trong nước. Khi chỉ hai ngày nữa là diễn ra đại hội, hai biểu ngữ lớn mang khẩu hiệu, bao gồm lời kêu gọi lật đổ ông Tập và chấm dứt chính sách zero-COVID hà khắc, đã được giăng ra ở trung tâm chính trị này trong bối cảnh an ninh thắt chặt.
Các nhà hoạt động Trung Quốc cho rằng những hạn chế COVID-19 này là nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của ĐCSTQ hơn là ngăn chặn các đợt bùng phát.
Ông Triệu Thường Thanh (Zhao Changqing), một nhà hoạt động nhân quyền, nói với The Epoch Times hôm Chủ Nhật rằng: “Dịch bệnh này ít nghiêm trọng hơn bệnh cúm.”
Theo ông Triệu, có nhiều bi kịch xảy ra là do kết quả của các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn là do chính virus. Ở Tây Tạng, nơi một số thành phố đã phải chịu đựng cuộc phong tỏa kéo dài 50 ngày vào tháng trước, một cuộc phong tỏa vô nhân đạo đã khiến ít nhất 5 người tự sát, theo Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, một nhóm vận động nhân quyền.
Ông Triệu cho rằng cuộc biểu tình hiếm hoi ở Bắc Kinh thể hiện mong muốn ngày càng tăng của công chúng về việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xã hội.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Lạc Á
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times