Ông Peter Schiff: Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ trải qua hàng thập niên trong ‘khủng hoảng kèm lạm phát’
Ông Schiff dự đoán rằng cuộc suy thoái này sẽ tồi tệ hơn những gì đã diễn ra hơn một thập niên trước
Sau khi GDP quý 2 giảm 0.9%, các chuyên gia đang tranh luận xem liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật hay không.
Các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), trọng tài trong việc xác định suy thoái, vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Cho đến lúc đó, Wall Street và Hoa Thịnh Đốn sẽ tranh luận xem tình hình hiện tại có được tính là suy thoái hay không.
Trong khi các ý kiến và phân tích xung quanh tình trạng nền kinh tế Hoa Kỳ còn khác nhau, nhà kinh tế kiêm nhà đầu tư nổi tiếng Peter Schiff, người sáng lập Euro Pacific Capital, lại có một góc nhìn khác: Hoa Kỳ đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng kèm lạm phát.”
“Tôi nghĩ rằng sự suy yếu kinh tế sẽ rất rõ rệt và sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian dài đến mức thậm chí không hợp lý để gọi đó là suy thoái,” ông nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ rằng khủng hoảng sẽ là một mô tả chính xác hơn về những gì chúng ta sẽ phải trải qua.”
Ông nói thêm, mặc dù đất nước sẽ trải qua phần lớn thập niên này trong tình trạng khủng hoảng, “giá cả sẽ tăng nhiều hơn trong thập niên này so với trong những năm 1970.”
Dự đoán kinh tế
Nhiều triển vọng kinh tế từ các công ty đầu tư và ngân hàng lớn ở trong khoảng từ suy thoái nhẹ đến tốc độ tăng trưởng trầm lắng trong 18 đến 24 tháng tới.
Ví dụ, Wells Fargo gần đây đã điều chỉnh dự báo kịch bản cơ sở của mình cho năm 2023 từ hạ cánh nhẹ về kinh tế sang suy thoái kinh tế nhẹ vào giữa năm tới. TD Economics dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 1.4% trong năm tới.
Các dự báo kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (pdf) cho thấy GDP thực tế sẽ tăng trưởng ở mức 1.7% trong năm nay và năm sau.
Hơn nữa, Ngân hàng Fed Atlanta đã công bố ước tính mô hình GDPNow đầu tiên cho quý thứ ba, cho thấy tốc độ tăng trưởng là 2.1%.
Cho đến nay, không có quá nhiều chuyên gia tài chính ám chỉ đến sự sụp đổ kinh tế của năm 2008-2009. Nhưng ông Schiff cho rằng đây là một sai lầm, có thể so sánh với những gì đã xảy ra vào năm 2007 khi các dự báo kinh tế chỉ dự đoán nhiều nhất là một sự chậm lại vừa phải. Thảm họa kinh tế khi ấy đã trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng.
Theo ông Schiff, cuộc suy thoái này sẽ tồi tệ hơn những gì đã diễn ra hơn một thập niên trước.
Ông Schiff giải thích: “Tôi nghĩ rằng cuộc suy thoái này sẽ tồi tệ hơn và lâu dài hơn cuộc suy thoái đó.”
“Mọi người quên rằng cuộc suy thoái này đã kéo dài khoảng sáu, bảy tháng nay,” ông nói. “Chúng ta đã ở trong suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Bây giờ, thất nghiệp sẽ gia tăng khi suy thoái kinh tế tồi tệ hơn. Khi thất nghiệp thực sự bắt đầu gia tăng, thì vấn đề này sẽ gây thêm áp lực đi xuống cho nền kinh tế.”
Dữ liệu tổng thể cho thấy một thị trường lao động vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, điều mà nhiều nhà hoạch định chính sách công liên tục ám chỉ trong các lập luận của họ rằng đất nước không bị suy thoái.
Những con số khác đang dần chỉ ra sự chậm lại trong lĩnh vực việc làm.
Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, đạt 256,000 trong tuần kết thúc hôm 23/07.
Tuần này (25-31/07), các nhà kinh tế dự đoán rằng báo cáo việc làm tháng Bảy sẽ cho thấy 250,000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với báo cáo tháng Sáu là 372,000. Nếu chính xác, đây sẽ là tháng bổ sung việc làm thấp nhất kể từ tháng 04/2021.
Ông Schiff nói thêm: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu với tình trạng mất việc làm vì số đơn đăng ký sẽ thực sự tăng lên theo thời gian.”
Fed đã phá vỡ lạm phát chưa?
Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 9.1% trong tháng Sáu, hy vọng rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm. Đây là một kỳ vọng ngày càng tăng khi giá năng lượng đã giảm đáng kể.
Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giảm 9.37% trong tháng Bảy trên Sàn Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX). Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), mức trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng và dầu diesel lần lượt giảm 15% và 8% so với mức đỉnh.
Fed đã tăng lãi suất thêm 0.75% lần thứ hai liên tiếp lên biên độ từ 2.25 đến 2.5%.
Không phải ai cũng tin rằng biện pháp này sẽ hoàn thành cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers đã gọi đây là “suy nghĩ viển vông” khi nói với Bloomberg Television rằng “không có cách nào có thể hình dung ra được rằng một mức lãi suất 2.5%, trong một nền kinh tế đang lạm phát như hiện nay, lại là ở gần mức trung lập.”
Cho dù điều này này có đúng hay không, thì thị trường tài chính đã phục hồi khi thuật ngữ này được đưa ra.
Ông Schiff cho rằng Fed cần phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả tăng vọt. Ông Schiff nói rằng cuối cùng thì Fed sẽ nâng lãi suất lên trên tỷ lệ lạm phát.
Đồng thời, ông Schiff khẳng định, ngân hàng trung ương không thể làm điều đó một mình. Nền kinh tế cũng sẽ yêu cầu chính phủ liên bang bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
Ông Schiff nói: “Chúng ta cần cân đối ngân sách; thâm hụt đang quá lớn. Fed không có can đảm chính trị để đẩy lùi thâm hụt. Họ đang nói về việc thắt chặt định lượng, nhưng họ sẽ không làm điều đó. Họ sẽ in nhiều tiền hơn vì đó là cách duy nhất mà chính phủ có thể tài trợ cho những khoản nợ này.”
Sắp tới, ông Schiff dự đoán rằng lạm phát có thể sẽ lên đến đỉnh điểm trong một vài tháng và có thể sẽ giảm xuống khoảng 6%. “Nhưng điều tiếp theo quý vị biết, lạm phát sẽ là 10 hoặc 11%.”
Ông nói: “Vì vậy, chúng ta đang ở gần đỉnh của chu kỳ lạm phát vì chính sách tiền tệ vẫn đang thúc đẩy lạm phát.”
Tuần trước (18-24/07), chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) — thước đo lạm phát ưa thích của Fed — đã tăng lên 6.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Sáu, mức cao nhất kể từ tháng 01/1982. Chỉ số giá PCE cốt lõi, loại bỏ thực phẩm và ngành năng lượng dễ biến động, cũng đã tăng lên 4.8%. Những con số này một lần nữa cao hơn những gì các nhà kinh tế đã dự đoán.
Cuối cùng, ý kiến đồng thuận là Hoa Kỳ đang trên con đường tăng trưởng kinh tế chậm lại. Hướng của nền kinh tế trong những tháng hoặc năm tới, cho dù là lạm phát đình trệ hay suy thoái, vẫn còn phải xem xét. Dù trường hợp có thể xảy ra là gì, ông Schiff cho hay, “chúng ta đang gặt hái những hậu quả” của việc kích thích tài chính và tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).