Chuyên gia: ‘Vòng xoáy tử thần’ của nợ đang cận kề sẽ buộc Fed khởi động lại máy in tiền sớm hơn
Khi Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại nhanh chóng, nhà phân tích kinh tế vĩ mô Luke Gromen cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng về một “vòng xoáy tử thần” vỡ nợ đỉnh điểm của chính phủ Hoa Kỳ sẽ buộc ngân hàng trung ương phải tạm dừng thắt chặt tiền tệ sớm hơn thị trường mong đợi, và sau đó khởi động lại máy in tiền để tiếp tục tiền tệ hóa nợ.
Lạm phát tăng vọt đã khiến ngân hàng trung ương Hoa Kỳ bắt tay vào con đường thắt chặt định lượng, với kỳ vọng của thị trường — chủ yếu dựa trên các hợp đồng tương lai đồng USD [ở các ngân hàng] quốc tế — dự đoán rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong sáu tháng nữa hoặc lâu hơn trước khi tạm dừng.
Công cụ theo dõi kỳ vọng thị trường của Fed tại Atlanta , ước tính lãi suất cho vay trung bình trong ba tháng bằng cách sử dụng phương pháp tập trung vào hợp đồng tương lai đồng USD trên thị trường quốc tế, dự đoán Fed sẽ không tăng cao hơn khoảng 350 điểm căn bản, tương đương 3.50%.
Lần tăng cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng 12 của Fed, với công cụ theo dõi sau đó ước tính lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ và ổn định, xuống khoảng 284 điểm căn bản vào giữa tháng 06/2023.
Ông Gromen lập luận, nhưng quan điểm đồng thuận này — cụ thể là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm sáu tháng nữa trước khi xoay trục — sẽ phải đối mặt với một cuộc kiểm tra thực tế khó khăn khi các chỉ số kinh tế xấu đi và GDP chậm lại, gây áp lực lên chi phí trả nợ và buộc Fed phải đưa ra lịch trình cho một trục xoay.
Fed xoay trục nhanh hơn nhiều?
Ông Gromen, người sáng lập công ty nghiên cứu vĩ mô và đầu tư Forest For The Trees, nói với chương trình Real Vision Finance trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông cho rằng đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed chỉ còn một tháng nữa.
Ông nói, “Tình huống căn bản mà tôi dự đoán [kịch bản] là những gì chúng ta có thể thấy, theo quan điểm của tôi, trong dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới có thể sẽ kéo ngày đó đến sớm hơn … khi Fed buộc phải tạm dừng tăng lãi suất,” và dự đoán rằng “đợt tăng cuối cùng của Fed sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám năm nay.”
Một số chỉ số kinh tế — ngoại trừ đáng chú ý là dữ liệu thị trường lao động tương đối mạnh — cho thấy Hoa Kỳ đang tiến tới một cuộc suy thoái
Thu nhập khả dụng thực tế, doanh số bán hàng thực tế, và GDP hàng tháng đều giảm trong ba tháng qua, cùng với dấu hiệu hạ nhiệt của thị trường nhà ở và niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh.
Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của Conference Board (LEI), sử dụng trung bình có trọng số của 10 chỉ số để cho biết nền kinh tế đang cải thiện hay trở nên tồi tệ hơn, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Sáu, với việc các nhà phân tích của tổ chức này dự đoán một cuộc suy thoái của Hoa Kỳ hiện là tình huống cơ sở (base case).
Ông Ataman Ozyildirim, giám đốc cao cấp về Nghiên cứu Kinh tế tại The Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Trong bối cảnh lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh chóng, Conference Board dự tính tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm suốt năm 2022. Giờ đây một cuộc suy thoái của Hoa Kỳ vào cuối năm nay và đầu năm sau là có thể.”
Rủi ro vỡ nợ Chính phủ
Trong cuộc phỏng vấn, ông Gromen đã được hỏi những yếu tố nào có thể khiến Fed tạm dừng tăng lãi suất sớm hơn so với quan điểm đồng thuận trong khoảng sáu tháng kể từ bây giờ, và ông đã trả lời rằng đó có thể là một căng thẳng cụ thể trên thị trường Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ hoặc thị trường tín dụng.
Ông Gromen nói: “Sự căng thẳng đó có thể cực đoan giống như điều mà chúng ta đã thấy ở giai đoạn cuối với lãi suất repo tăng đột biến vào tháng Chín/2019,” hoặc nó có thể ngấm ngầm như việc thị trường Trái phiếu Kho bạc giảm cùng với chứng khoán.
Ông Gromen nói thêm rằng lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, chuyển động ngược với [giá trái phiếu], là “rất bất lợi” cho tình trạng tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Trích dẫn nghiên cứu (pdf) của ông Brian Hirschmann, đối tác quản lý tại quỹ đầu cơ Hirschmann Capital, ông Gromen nói rằng lịch sử cho thấy rằng mọi quốc gia trong hơn 200 năm qua (ngoại trừ Nhật Bản) đều đạt 130% nợ trên GDP — mà Hoa Kỳ vượt quá một thời gian ngắn vào năm 2020 — đã tiếp tục vỡ nợ.
Ông Hirschmann viết trong phân tích của mình: “Kể từ năm 1800, 51 trong số 52 quốc gia có tổng nợ chính phủ lớn hơn 130% đã vỡ nợ, thông qua cấu trúc lại, phá giá, lạm phát cao, hoặc vỡ nợ hoàn toàn.”
Nhật Bản là ví dụ duy nhất về một quốc gia tránh vỡ nợ mặc dù có nợ chính phủ lớn hơn 130% GDP, mặc dù ông Hirschmann lập luận rằng việc Nhật Bản vỡ nợ là “không thể tránh khỏi.”
Dữ liệu của Fed tại St. Louis cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP của Hoa Kỳ đạt 134% trong quý 4/2020, và trong quý 1/2022, tỷ lệ này ở mức 125%.
‘Vòng xoáy nợ nần’
Nếu GDP tiếp tục xấu đi ở Hoa Kỳ và lãi suất tiếp tục ở mức cao, ông Gromen dự đoán một “vòng xoáy nợ nần” sẽ khiến chi phí trả nợ không bền vững.
Ông Gromen nói: “Khả năng thực hiện thắt lưng buộc bụng ở Hoa Kỳ hoàn toàn là một sự ảo tưởng.”
Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã có cơ hội áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng cách đây một thập niên, nhưng không thành công.
Ông nói: “Sự thất bại của vai trò lãnh đạo của lưỡng đảng tại Hoa Kỳ và các nền dân chủ xã hội phương Tây khác có nghĩa đây là điều quý vị phải làm — nếu quý vị làm lạm phát xảy ra, quý vị phải dùng lạm phát để giải quyết nó,” có nghĩa là khả năng thực tế để chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ là cho phép lạm phát tăng nóng.
Nhưng với tình trạng lạm phát tăng cao gây ra một sức ép lớn về chi phí sinh hoạt đối với các gia đình Mỹ và các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát đã trở thành một vấn đề hàng đầu của người Mỹ, Fed dường như quyết tâm tăng lãi suất một cách mạnh mẽ.
Ông Gromen tin rằng nếu Fed không sớm xoay trục khi đối mặt với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thì điều này có nguy cơ dẫn đến một “cuộc khủng hoảng to lớn.”
‘Tình hình sẽ trở nên lạm phát’
Bên cạnh dự đoán rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào cuối tháng Tám, ông Gromen cho rằng vào tháng 07/2023, ngân hàng trung ương sẽ kích hoạt các máy in tiền và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng.
Ông nói về các cuộc thảo luận xung quanh việc nới lỏng định lượng và giảm mạnh lãi suất: “Tôi nghĩ một năm nữa thì thời điểm để chúng ta tranh luận đã qua từ lâu. Tôi nghĩ lúc đó thì chuyện đã rồi. Tôi nghĩ cơ quan này sẽ quay về với việc nới lỏng định lượng.”
Khi được hỏi Fed có khả năng sẽ làm gì nếu Fed xoay chiều và lạm phát vẫn trên 4%, ngân hàng trung ương có khả năng áp dụng một số hình thức kiểm soát đường cong lợi suất, như ở Nhật Bản.
Ông Gromen nói: “Thắt lưng buộc bụng sẽ dẫn đến vòng xoáy nợ nần đó,” đồng thời cho biết thêm rằng các nhà hoạch định chính sách tại Fed “thực sự đang bị tiến thoái lưỡng nan.”
Ông Gromen tin rằng, thật không may, nếu Fed nới lỏng hệ thống phanh [thắt chặt lãi suất], điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao, có thể trên 4%.
Ông nói, “Rồi sẽ lại lạm phát. Sẽ có cảm giác rất giống như Hoa Kỳ là Argentina với các đặc điểm của Hoa Kỳ.”
“Đây có phải là cách tôi muốn nó diễn ra? Không. Nhưng một lần nữa, chúng ta đã có 40 năm để các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta trưởng thành — và họ đều không làm được ở cả hai đảng. Và kết cục này là những gì quý vị nhận được. ”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’