Thiệt hại do lạm phát sẽ không được khắc phục
Sự căm ghét của công chúng đối với những đợt tăng giá này lan rộng khắp qua tất cả các đảng phái và tầng lớp dân chúng. Nhiều người cũng bày tỏ sự mong mỏi: “Giá này phải trở lại bình thường. Giá cả đang khiến tôi chao đảo. Chắc chắn mọi chuyện sẽ lắng xuống.”
Đây là một hy vọng rộng rãi sinh ra từ sự hoài nghi về những gì đã xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Chắc chắn vậy, điều này không thể kéo dài!
Tin xấu: sẽ không có đường lùi. Đúng vậy, một số mức tăng giá sẽ kéo lùi và một số khác sẽ tăng nhưng hãy nghĩ về lạm phát như một con tàu bị rò rỉ ở thân tàu. Ngay cả khi chỗ rò rỉ được bịt kín, con thuyền này sẽ vẫn đầy nước và nó sẽ mãi mãi chìm đắm từ bộ phận này sang bộ phận khác.
Trừ khi chỗ rò được rào quanh. Trong trường hợp lạm phát hiện nay, hy vọng duy nhất là bịt lỗ hổng. Sẽ không có rào quanh.
Điểm rò rỉ đơn giản này thường bị ẩn dấu dưới một loạt dữ liệu mà hầu hết mọi người không thể bắt đầu theo dõi. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai — bất kỳ ai cũng đoán được — truyền thông sẽ hân hoan thông báo rằng lạm phát đang giảm. Hiện tại, Chỉ số Giá Tiêu dùng đang ở mức 8.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ tăng đó giảm xuống 8%, thì những phát ngôn viên sẽ nói rằng ông Biden đang chế ngự lạm phát.
Nhận thức này là sai lầm nghiêm trọng. Một tốc độ tăng giá giảm đi thì vẫn là tăng. Mọi thứ vẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn, chỉ với tốc độ chậm hơn thôi. Ngôn ngữ ở đây thực sự quan trọng: lạm phát không giảm nếu giá vẫn tăng.
Đây là ý nghĩa rất vô lý về mục tiêu được cho là của Fed là 2%. Nếu Fed thực sự đạt được mục tiêu ấy, Fed sẽ không làm gì để khắc phục thiệt hại vốn đang hiện hữu này. Mục tiêu này chỉ có nghĩa là sự suy giảm sức mua thực sự ngày càng tồi tệ hơn sẽ diễn ra chậm hơn. Để giá cố định ở mức hiện tại, cho dù ở mức bán buôn hay bán lẻ, tốc độ tăng sẽ phải giảm xuống bằng không.
Nói rõ hơn, bởi vì ý nghĩa này không hoàn toàn dễ thấy đối với hầu hết mọi người, tỷ lệ lạm phát bằng 0 có nghĩa là tất cả các mức giá đã tăng lên mà bạn thấy xung quanh mình nói chung sẽ vẫn giữ nguyên, ngay cả khi một số giá tăng và một số giá khác giảm.
Đây là hình ảnh về sức mua của đồng USD kể từ khi bắt đầu phong tỏa vào tháng Ba năm 2020. Đây là mức giảm giá trị nội địa của đồng USD lớn nhất cho đến nay trong 40 năm.
Giá trị của đồng USD vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Reagan giờ chỉ có trị giá 34 xu. Đó là thiệt hại đã xảy ra. Nếu Fed đạt được mục tiêu của mình một cách kỳ diệu, thì những thực tế hiện tại này sẽ vẫn tồn tại và chỉ xấu đi với tốc độ chậm hơn.
Chúng ta đã thảo luận về lý do chính xác tại sao điều này xảy ra. Quốc hội trong hai năm đã cho phép khoảng 6 ngàn tỷ USD thanh toán cho các cá nhân và doanh nghiệp, tất cả đều được tài trợ bởi các công cụ nợ do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tạo ra và được Fed mua bằng tiền mới in. Để đơn giản hóa quy trình kéo dài hai năm, chúng ta thức dậy với số tiền mới trong tài khoản ngân hàng của mình nhưng khi tiêu tiền, chúng ta nhận thấy giá đã tăng lên đủ để khiến sự giàu có mới của chúng ta thành vô nghĩa.
Hãy thử một trò chơi giả định và tưởng tượng một thế giới trong đó mọi thứ thực sự trở lại như cũ vào năm 2019, như nhiều người hy vọng sẽ xảy ra. Trở lại như cũ vào năm 2019 sẽ đòi hỏi giá thực tế phải giảm 15% trên diện rộng để khắc phục lại mức tăng giá đã xảy ra. Đơn giản là không có kịch bản nào để việc đó có thể xảy ra. Thật không thể tưởng tượng nổi.
Chắc chắn là giá giảm nên xảy ra. Không có gì sai với việc giá cả giảm xuống, ý nghĩa đằng sau nó là sự gia tăng giá trị của đồng tiền. Trong điều kiện thị trường bình thường với nguồn tiền tốt, sự gia tăng của giá trị đồng tiền sẽ được mong đợi và là hữu ích vì giá trị tiền tăng tưởng thưởng cho những người tiết kiệm và cung cấp nguồn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, vì những lý do kỳ cục – và điều này đã đúng từ những năm 1930N – Fed tin rằng đây sẽ là nghiệp chướng tồi tệ nhất có thể xảy ra. Về mặt thể chế, Fed sẽ tăng lạm phát bất kể ra sao để ngăn chặn viễn cảnh đó.
Fed hoàn toàn không đúng về niềm tin này. Giá giảm – sức mua tăng – nên là một tiêu chuẩn. Trong 5 năm từ 1872 đến 1877, giá tiêu dùng đã giảm 12.3%. Từ năm 1882 đến năm 1885, giá giảm thêm 13.8%. Từ năm 1892 đến năm 1894, giá giảm thêm 3.6%. Toàn bộ thời kỳ này được gọi là thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ vì đồng USD ngày càng tăng giá trị, đó là một chiến thắng cho người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Cũng trong thời kỳ này, đời sống ở Hoa Kỳ đã hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của các chuyến bay, xe hơi có động cơ đốt trong, thép sẵn có vô khối để xây dựng các tòa nhà chọc trời và những cây cầu dài, chưa kể đến hệ thống ống nước trong nhà, điện, sự bùng nổ nhiên liệu hóa thạch, và các công nghệ truyền thông mới. Hỗ trợ cho tất cả những thành tựu xuất hiện này là tiền tệ hiệu quả.
Một trường hợp nổi bật về cuộc khủng hoảng kinh tế không có sự can thiệp của Fed với “nới lỏng định lượng” là 1920–22. Chỉ trong hai năm, giá đã giảm 17.8%. Kết quả là một sự phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc. Thứ “Giảm phát” này đã không gây tác hại mà là sự chữa lành.
Tôi trích dẫn những trường hợp này chỉ để nêu rõ quan điểm rằng việc Fed nỗ lực khắc phục những thiệt hại đã gây ra đã không phải là điều chưa từng có. Và thực sự ngày nay, giá sẽ cần giảm khoảng 15% để khôi phục lại hiện trạng trước đây.
Việc này sẽ không xảy ra một cách đơn giản bởi vì ngay cả ngày hôm nay, Fed vẫn còn hoảng sợ với kinh nghiệm từ năm 1930 đến năm 1933 trong thời gian giá đã giảm 28%. Đồng thời, một lý thuyết kinh tế học mới ra đời đã tuyên bố rằng giá cả giảm là một nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chứ không phải là một dấu hiệu may mắn cho thấy cuộc khủng hoảng đang tự giải quyết. Kể từ những ngày đó, chính sách tiền tệ đã được thực hiện với giả định rằng giá cả giảm sẽ là một thảm họa.
Tất cả những nguyên nhân đó có ý rằng: sẽ không có đường lui. Ngay cả khi Fed đạt được mục tiêu của họ, thiệt hại vẫn còn. Đây là thế giới mới của quý vị. Giá quý vị thấy hôm nay sẽ không đổi và đó là kịch bản tốt nhất trong các kết quả có thể xảy ra. Điều tồi tệ nhất là lạm phát trở nên tồi tệ hơn, và đó là một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Hiện tại, mọi người đang trông đợi Fed để giải quyết được vấn đề lạm phát nhưng điều này không thể xảy ra ngay cả trong những điều kiện tốt nhất có thể. Đó là bởi vì vấn đề này còn vượt xa việc in tiền. Tất cả chúng ta đều đã trải qua cú sốc kinh tế lớn trong lịch sử thế giới với những cuộc phong tỏa và sự đổ vỡ lớn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu và dẫn đến mất niềm tin kinh doanh và sự mất tinh thần của nhân viên.
Hệ quả này không dễ dàng khắc phục được. Làm vậy đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế to lớn.
Hãy nhớ lại rằng những ngày vinh quang của những năm 1980 không hoàn toàn do ông Paul Volcker tại Fed chuẩn bị. Đúng vậy, ông ấy đã thẳng tay đối với chính sách nới lỏng tiền tệ tại Fed và đó là điều cần thiết. Nhưng điều quan trọng không kém là những thay đổi lớn trong chính sách điều tiết công nghiệp và những đợt cắt giảm thuế lớn đã tạo cảm hứng cho đầu tư. Truyền thông vào thời điểm đó không bao giờ muốn đánh giá cao chính phủ ông Reagan vì bất cứ điều gì nhưng sự thật là sự bùng nổ kinh tế của những năm 1980 sẽ không xảy ra nếu không có những thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách.
Ngày nay chúng ta đang phải chịu đựng dưới ách thống trị của một chính phủ gần như hàng ngày kêu gọi và hoạt động để kết thúc nhiên liệu hóa thạch vốn cung cấp 85% nhu cầu năng lượng của người Mỹ. Thật khó để tìm được một chính sách vô trách nhiệm và phá hoại hơn. Hành xử này giống như nhắm mục tiêu vào chính sự thịnh vượng và liên tục bóp cò. Và họ tự hỏi tại sao chúng ta đang ở bờ vực của suy thoái cùng với lạm phát khủng khiếp!
Để trở lại được đúng hướng một lần nữa sẽ là một công việc to lớn, một điều dường như là không thể với chính phủ hiện tại. Chúng ta cần một FED từ bỏ nỗi sợ giá cả giảm, chấm dứt tấn công kinh doanh, một môi trường thuế mới thân thiện với doanh nghiệp, khôi phục pháp quyền, và kiềm chế đáng kể quyền lực tùy ý của nhà nước hành chính.
Đó là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.
Ông Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm “Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty” (“Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do”).