Lạm phát chỉ là hậu quả nhẹ nhất của chính sách ngoại giao kém cỏi của TT Biden
Khi cựu Tổng thống (TT) Barack Obama nhận giải Nobel Hòa bình chưa đầy 11 tháng sau khi ông nhậm chức vào năm 2009, mà được cho là do đã thiết lập, trong số nhiều thứ khác, “một bầu không khí mới về chính trị quốc tế”, trong đó “đối thoại và đàm phán được ưu tiên làm công cụ để giải quyết ngay cả các mối xung đột quốc tế khó khăn nhất”, vị tân tổng thống trẻ, với kinh nghiệm chính sách ngoại giao gần như bằng 0 đã chính xác khi đưa ra một luận điểm để bảo vệ thông lệ đối phó với các chế độ hung bạo.
Ông Obama đã nói tại Oslo rằng, nhân quyền “phải đi đôi với chính sách ngoại giao thận trọng. Tôi biết rằng khi đã quan hệ với các chế độ áp bức thì ta sẽ không biểu đạt hết được ra sự công phẫn thực sự của chúng ta đối với chế độ đó. Nhưng tôi cũng biết rằng các biện pháp trừng phạt mà không tiếp cận được — lên án mà không thảo luận — chỉ có thể dẫn đến một tình trạng què quặt mà thôi. Không một chế độ áp bức nào có thể chuyển sang một đường hướng mới trừ khi có được cơ hội để ngỏ.”
Không chỉ TT Joe Biden — nổi tiếng với kinh nghiệm về chính sách ngoại giao, với tư cách là chủ tịch hoặc thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện trong hàng chục năm liên tục và phó tổng thống Hoa Kỳ trong 8 năm — đã bất chấp lời khuyên của cấp trên cũ một cách cố ý, nhưng sự vụng về về chính sách ngoại giao của chính phủ TT Biden đối với một mối quan hệ đồng minh không còn nguyên vẹn của Hoa Kỳ đã giúp cho Trung Cộng hướng tới mục tiêu thống trị toàn cầu của nó.
Lạm phát vài tháng trước đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với mức mà chính phủ ông Biden, trong mơ tưởng hão huyền của mình, đã tin là có thể xảy ra. Một cách có thể để làm giảm lạm phát là yêu cầu Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng, đặc biệt là để bù đắp cho lượng dầu từ Nga hiện đang bị Mỹ và Âu Châu cấm vận vì đã xâm lược Ukraine. Nhưng làm thế nào để yêu cầu như thế khi về mặt ngoại giao, quý vị đã công kích thành viên quan trọng nhất của OPEC, Ả Rập Xê Út, nhà xuất cảng dầu mỏ lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất thế giới, về vụ sát hại dã man nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi năm 2018, được thực hiện trong đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul và do Đặc vụ Ả Rập Xê Út tiến hành?
Ngay cả một sinh viên đại học ngành khoa học chính trị tham gia một buổi thực hành ngoại giao giả định cũng biết rằng cảnh Thái tử Ả Rập Xê Út 36 tuổi Mohammed bin Salman mặc quần sọc tại cung điện bên bờ biển sẽ là một tín hiệu để giữ cho mọi thứ trở nên êm nhẹ. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà cai trị Ả Rập Xê Út trên thực tế này hồi tháng 9 năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia của TT Biden, ông Jake Sullivan, với khuôn mặt của trẻ thơ ở tuổi 45, đã bày tỏ sự “công phẫn thực sự thỏa đáng” một cách thiếu khôn ngoan và nhắc lại về vụ Khashoggi. Không có gì ngạc nhiên khi ông cố vấn bị vị thái tử trẻ tuổi hét vào mặt — người cũng nói với ông rằng mong muốn của Hoa Kỳ về việc OPEC tăng sản lượng dầu mỏ sẽ không trở thành hiện thực.
Vụ việc này chỉ cho thấy một giai thoại được đúc kết về sự ngu ngốc của chính phủ ông Biden đối với Ả Rập Xê Út — quốc gia sẽ có thể trở thành một mối đe dọa khủng bố Hồi giáo lớn nếu hoàng gia của họ bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu dân chủ — và đối với cả Trung Đông nói chung. Đầu tiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã hứa rằng ông “thực tế sẽ không bán thêm vũ khí” hoặc cung ứng “trợ cấp” và “vật chất” cho Ả Rập Xê Út, và rằng ông sẽ “bắt họ phải trả giá và khiến họ ra rìa, như họ đang bị trên thực tế.” Chưa hài lòng với điều đó, ông Biden còn cáo buộc hoàng gia Ả Rập Xê Út “sát hại trẻ em.”
Kể từ khi trở thành tổng thống, ông Biden gần như cố ý đẩy Ả Rập Xê Út tiến tới các mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc và Nga, cả hai nước này đều mang đến cho Riyadh sự nhất quán giống nhau về chính sách không bao giờ bị can thiệp vào các cuộc bầu cử thực tế mà chính phủ Ả Rập Xê Út thực hiện. Chúng ta có thể chắc chắn rằng chưa có nhà ngoại giao nào của Bắc Kinh hoặc Moscow đã từng phá hỏng các cuộc gặp riêng với ông Salman bằng cách trách mắng ông ta về vụ nhà báo Khashoggi; các nhà cầm quyền này đều có các vụ kiểu Khashoggis của riêng họ.
Trước hết, ông Biden đang làm hồi sinh một phiên bản tệ hơn đáng kể của thỏa thuận hạt nhân với Iran của ông Obama, mà Ả Rập Xê Út biết rằng sẽ nhanh chóng đưa đến một Iran được vũ trang hạt nhân. Chính phủ ông Biden cũng đưa nhóm Houthi do Iran tài trợ ở Yemen ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố chính thức của Hoa Kỳ, bất chấp việc nhóm này thường xuyên nhắm mục tiêu vào dân thường và còn từ chối đánh giá lại sau khi nhóm này tiếp tục các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái vào các nước láng giềng. Ả Rập Xê Út dẫn đầu một liên minh 9 quốc gia can thiệp vào cuộc Nội chiến Yemen và người Houthi đã liên tục nã đạn vào các thành phố của Ả Rập Xê Út.
Chứng minh cho những hiệu ứng dây chuyền nghiêm trọng do sự thiếu cẩn trọng của Hoa Kỳ có thể vô tình gây ra, đầu năm nay Ả Rập Xê Út đã bắt đầu các cuộc đàm phán tích cực với Trung Cộng để chuyển sang thực hiện, ít nhất là một phần, việc bán dầu cho Trung Cộng bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD, một sự thay đổi có thể khiến các nước sản xuất dầu mỏ khác cũng làm theo, Trung Cộng hiện khoe khoang là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Cộng, Ả Rập Xê Út là một bên đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá cả ngàn tỷ USD của Bắc Kinh, là sáng kiến nhằm tìm cách mở rộng sự thống trị kinh tế của Trung Cộng trên thế giới, thường thông qua chính sách ngoại giao bẫy nợ. 19 quốc gia Ả Rập hiện đã đồng ý với các dự án xây dựng của BRI. Từ lâu, Trung Cộng đã bán vũ khí cho Saudi và dường như đang giúp vương quốc này chế tạo hỏa tiễn đạn đạo của riêng mình.
Trong bối cảnh Liên minh Âu Châu áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đối với Nga vì cuộc chiến với Ukraine, đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao hơn, “OPEC +”, kể cả Nga, sẽ chỉ tăng sản lượng 432,000 thùng/ngày vào tháng 6, bất chấp những lời khẩn cầu liên tục từ chính phủ ông Biden đề nghị tăng thêm sản lượng. Việc này đã diễn ra mặc dù trong số các quốc gia sản xuất dầu, chỉ riêng Ả Rập Xê Út có công suất dự phòng dồi dào cho sản xuất và xuất cảng. Mức trần sản lượng dầu này được xây dựng bởi Ả Rập Xê Út cùng với cường quốc sản xuất dầu mỏ lớn khác là Nga.
Có gì lạ trong tất cả những chuyện này, khi mà nhà lãnh đạo của thế giới tự do thậm chí không thể sắp xếp nổi một cuộc điện thoại với ông Salman, hoặc với quốc vương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan? Tháng 7 năm ngoái khi đến thăm Hoa Thịnh Đốn, Hoàng tử Khalid bin Salman, em trai của Thái tử, đã hủy bữa tối tại dinh thự của đại sứ Ả Rập Xê Út sau khi bị từ chối gặp Ngoại trưởng Antony Blinken theo thời gian mà ông yêu cầu.
Hiện ông Biden được cho là đang cân nhắc một cách nghiêm túc việc đến thăm Ả Rập Xê Út với hy vọng có được cuộc gặp trực tiếp với thái tử mà ông đã gọi là kẻ sát hại trẻ em. Có nhiều khả năng một chuyến đi như vậy sẽ được sử dụng để làm bẽ mặt ông Biden và Hoa Kỳ, khi ông Salman vui mừng đứng lên tạo lại vị thế của mình.
Lãnh đạo thực sự của siêu cường đơn độc của thế giới nhận thức rằng cái xấu tồn tại trong các hành lang quyền lực trên toàn thế giới. Để bảo vệ nền tự do, họ cân nhắc và đánh giá những kẻ xấu này, và cuối cùng cũng sẽ giải quyết chúng, mặc dù có đôi khi lại trở thành đồng minh với những kẻ côn đồ đó. Ả Rập Xê Út là một đồng minh còn nhiều thiếu sót, nhưng lại chứng tỏ là có giá trị vô song trong việc đối phó với Iran, một mối đe dọa thần quyền mà nếu tệ nhất thì có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực nếu được vũ trang nhiều, còn nếu nhẹ nhất thì cũng là khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông. Với việc phải đối đầu với Trung Quốc, Nga, và Iran, ông Biden đã nhắm mục tiêu của mình một cách vụng về, vì lợi ích tốt nhất có thể của Hoa Kỳ, vào một bên ít nguy hiểm hơn.
Ông Biden và đội ngũ ngoại giao sai lầm của mình sẽ cảm thấy có sự “hài lòng mỹ mãn” ra sao khi họ nhận ra rằng với tình trạng vị thế thống trị toàn cầu đang bị đe dọa, họ đã đi sai hướng?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Thomas McArdle từng là người viết bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush và viết cho trang IssuesInsights.com.