Cựu chính trị gia Anh chỉ trích cách truyền thông đưa tin về cuộc khủng hoảng nước ở Jackson, Mississippi
‘Một kiểu đưa tin phi lý mà người dân Mississi có thể tự mình nhìn ra’
Khi hành động đổ lỗi lẫn nhau cho những nguyên nhân đã gây ra cuộc khủng hoảng nguồn nước trong mùa hè vẫn tiếp tục diễn ra ở thành phố Jackson, Mississippi, thì một người ủng hộ thị trường tự do và quyền tự do cá nhân đã xem xét cách thức mà tin tức của giới truyền thông địa phương và quốc gia đã dựng lên hai thủ phạm — phân biệt chủng tộc và biến đổi khí hậu — cho phù hợp với phong cách đưa tin làm mất uy tín của tiểu bang này trong khi lại giảm nhẹ những gì ông cho là nguyên nhân thực sự: năng lực kém cỏi.
Đối với ông Douglas Carswell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Công Mississippi (MCPP) — một tổ chức bất vụ lợi ủng hộ mức thuế thấp, quy định gọn nhẹ, tiêu chuẩn cao hơn trong giáo dục, và chủ nghĩa biệt lệ Mỹ — sự khác biệt giữa tin tức của giới truyền thông và những gì người dân thành phố Jackson tận mắt chứng kiến đã trở thành một lời cảnh tỉnh quan trọng đối với thủ phủ của tiểu bang này.
“Bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra ở Mississippi, thì truyền thông lại sẽ gán sự việc đó với những sự kiện đã xảy ra từ 50 đến 150 năm trước để nói rằng tất cả đều là hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng,” ông Carswell nói với The Epoch Times. “Đó là một khuôn mẫu sẵn có mà các phóng viên sẽ đem ra bất cứ khi nào Mississippi xuất hiện vấn đề, nhưng tôi nghĩ cuộc khủng hoảng nguồn nước là bước ngoặt cho kiểu đưa tin đó vì những người dân bình thường của Mississippi có thể tự mình thấy nó thực sự nực cười thế nào.”
Các hãng thông tấn quốc gia và địa phương đổ lỗi rằng cuộc khủng hoảng nguồn nước là do sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong một thành phố mà người da màu chiếm đa số. Một số bài báo đã hoàn toàn sai khi tuyên bố thẳng thừng rằng thành phố này đã cạn kiệt nguồn nước do biến đổi khí hậu, trong khi đó, như ông Carswell đã chỉ ra, thành phố Jackson sở hữu một trong những hồ chứa nước lớn nhất ở miền nam Hoa Kỳ.
“Người La Mã đã xoay sở để làm chủ được công nghệ dẫn nước vào các đường ống để cung cấp nước ngọt cho một thành phố từ 2,000 năm trước,” ông Carswell cho biết. “Ngày nay không có lý do gì để khiến Jackson không làm chủ được công nghệ đó. Đây là sự kém cỏi, và người dân Jackson có thể thấy điều đó.”
‘Công lý môi trường và đình chỉ đầu tư’
Trong khi ông Carswell nói sự quản lý yếu kém của chính quyền thành phố là rõ ràng, thì chi nhánh Mississippi của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người Da màu (NAACP) lại cáo buộc rằng Thống đốc Đảng Cộng Hòa Tate Reeves đã ngừng cung cấp các khoản viện trợ của thành phố Jackson mà lẽ ra có thể dành để sửa chữa vấn đề này.
NAACP đã kêu gọi Văn phòng Công lý Môi trường và Quyền Dân sự Bên ngoài mới thành lập gần đây của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) điều tra sự việc này, nêu rõ trong bức thư gửi tới ông Reeves rằng, “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến lịch sử lâu dài của thành phố Jackson trong khi nhận được ít hơn sự chia sẻ công bằng nguồn viện trợ công từ ngân sách tiểu bang Mississippi và đôi khi, lại bị từ chối mọi khoản viện trợ trong khi khoản tiền đó là xứng đáng.”
NAACP đã đệ đơn khiếu nại lên EPA theo Đề mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964, củng cố cáo buộc rằng cuộc khủng hoảng nước là do sự phân biệt chủng tộc gây ra.
Văn phòng Công lý Môi trường và Quyền Dân sự Bên ngoài đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận về cuộc điều tra này.
Hôm 17/10, Dân biểu Bennie Thompson (Dân chủ-Mississippi), người giữ chức chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Hoa Kỳ về Vụ tấn công Ngày 06/01, đã tự mở cuộc điều tra riêng về vấn đề chi tiêu của tiểu bang này, yêu cầu ông Reeves cung cấp dữ liệu việc tiểu bang này lên kế hoạch phân bổ ra sao nguồn viện trợ của Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ và Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết chi hàng triệu [dollar] để chống lại “nạn phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc,” việc này đã dẫn đến các phòng ban về công bằng, đa dạng, và hòa nhập nảy nở ra trong các cơ quan chính phủ.
Thị trưởng thành phố Jackson Chokwe Antar Lumumba tuyên bố trong một thông cáo báo chí của thành phố rằng, “Chúng ta biết rằng tình trạng của hệ thống nước thành phố Jackson đã không ngẫu nhiên xuất hiện qua một đêm mà là do hàng thập niên không đầu tư vào cơ sở hạ tầng của thành phố.”
Tuy nhiên, có nhiều người dân tại Jackson đã quan sát việc này diễn ra trong nhiều năm và chỉ ra sự đầu tư ít ỏi của chính quyền thành phố vào cơ sở hạ tầng cấp nước, dẫn đến việc 150,000 công dân không có nước uống.
Trong một thông cáo báo chí hôm 17/10, ông Reeves cho biết, “Trong quá trình diễn ra tình huống khẩn cấp này, chúng tôi đã phải thường xuyên mua hóa chất, vật liệu, và thuê nhân công cho thành phố vì họ không có khả năng thực hiện điều đó.”
Ông Reeves nói thêm rằng tiểu bang đã “đổ hàng triệu USD của những người đóng thuế ở mỗi quận vào nỗ lực này nhằm giải cứu thành phố khỏi cuộc khủng hoảng thiếu năng lực.”
Hôm 20/10, trong một buổi lễ ân xá gà tây truyền thống nhằm hỗ trợ một chiến dịch được thiết lập để quyên góp tiền cho các gia đình trong dịp Lễ Tạ Ơn, ông Reeves đã trả lời (cuộc thảo luận bắt đầu lúc 14 giờ) một câu hỏi của một phóng viên về các vấn đề trong hệ thống nước của thành phố.
“Thị trưởng đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và đổ lỗi cho rất nhiều thứ về vấn đề đó,” ông Reeves nói. “Nhưng những gì chúng tôi chứng minh trong 52 ngày qua là những cuộc đấu tranh về nước tại Jackson đã là đặc trưng cho sự kém cỏi của chính quyền thành phố này.”
Ông Reeves cho biết hôm 29/08 tiểu bang đã can thiệp và thiết lập một cơ cấu chỉ huy đồng nhất, đặt định cho Sở Y tế và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Mississippi là những cơ quan lãnh đạo.
Trong vòng 72 giờ, nguồn nước của thành phố Jackson đã được phục hồi, ông Reeves cho biết, và thông báo về nước đun sôi đã được dỡ bỏ 15 ngày sau đó.
Ông Reeves nói: “Các hệ thống nước sinh hoạt không khó đến mức đó.”
Trong 19 năm tại vị của mình, với hơn 1,100 hệ thống cấp nước trong tiểu bang, ông Reeves cho biết đây là lần duy nhất ông phải ký một tuyên bố tình trạng khẩn cấp để bảo đảm nước được cung cấp cho thành phố.
‘Năng lực kém cỏi kỳ lạ’
Ông Carswell cho biết phần lớn vấn đề bắt nguồn từ một thất bại ngớ ngẩn trong việc tính hóa đơn cho người dân của thành phố.
“Năm 2017, hệ thống thanh toán hóa đơn nước của Jackson đã thu về 61 triệu USD, và chi phí vận hành của hệ thống cấp nước của thành phố là khoảng 54 triệu USD,” ông Carswell nói. “Nguồn thu đó để lại một khoản thặng dư dồi dào mà đội ngũ quản lý có năng lực có thể phân bổ để đáp ứng chi phí bảo trì.”
Năm 2022, tổng doanh thu đem về có khả năng đạt gần 40 triệu USD, ông Carswell cho biết là “thấp hơn nhiều so với chi phí vận hành.”
“Không chỉ không có thặng dư để thực hiện việc bảo trì, mà ngay cả khi có thặng dư thì [hệ thống] dường như cũng không được bảo dưỡng là mấy,” ông Carswell cho biết. “Làm thế quái nào mà một cơ quan cấp nước thành phố lại xoay xở để mất gần một phần ba doanh thu trong vòng 5 năm?”
Ở bất kỳ thành phố nào, thì nước là thứ mà ông Carswell gọi là “dịch vụ hái ra tiền” vì nó có thị trường độc quyền.
“Người dân được tính hóa đơn, và họ phải chi trả một khoản tiền cho chính quyền thành phố,” ông Carswell lý giải. “Những gì thành phố Jackson đã làm là sự thất bại kỳ quái trong việc tính hóa đơn cho người dân.”
Ông Carswell nói rằng vài năm trước, chính quyền thành phố đã ký hợp đồng với một công ty kỹ thuật để thiết lập một hệ thống thanh toán mới, kết quả là công ty đó bị kiện với số tiền 89 triệu USD, dẫn đến số tiền được chi trả cho các luật sư của thành phố còn nhiều hơn là chi cho việc cải thiện hệ thống nước của thành phố này.
“Nếu một doanh nghiệp tư nhân không lập hóa đơn cho khoảng một phần ba khách hàng của mình, thì doanh nghiệp đó sẽ phá sản,” ông Carswell cho biết. “Đây thì chúng ta đang ở Jackson với các nhà chức trách không tạo ra một phần ba doanh thu vì họ không thể tổ chức hoạt động hiệu quả và tính hóa đơn.”
Ngoài việc không tính hóa đơn, thành phố không có nhân viên đủ năng lực để vận hành các nhà máy nước, ông nói.
“Tiểu bang đã liên tục đưa ra lời đề nghị giúp đỡ, và những lời đề nghị đó đã bị phớt lờ,” ông Carswell nói thêm. “Cuối cùng, mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức tiểu bang phải vào cuộc và chịu một nửa chi phí và sửa chữa mọi thứ.”
Sau khi chính phủ liên bang và tiểu bang vào cuộc, ông cho biết tổng hóa đơn đã xuống dưới 200,000 USD.
Ông Carswell nói: “Đó là một số tiền rất nhỏ để sửa chữa một vấn đề mà phần lớn nguyên nhân là do sự kém cỏi kỳ lạ của các nhà lãnh đạo dân sự ở Jackson.”
Thành phố Jackson đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
‘Vùi dập tiểu bang Mississippi’
“Bất cứ ai tại thành phố Jackson đều có thể nhìn ra sự kém cỏi ấy, đó là lý do tại sao tôi cho rằng đây là thời điểm quan trọng khi lần đầu tiên trong một khoảng thời gian dài người ta có thể đánh giá trung thực mục tiêu của chính sách công ở tiểu bang mà không bị các ký giả liên tục giáng vào đầu bằng một nghị trình và tin tức tường thuật vô lý,” ông Carswell nói.
Không chỉ các phóng viên quốc gia không có mối liên hệ nào với tiểu bang tham gia vào việc khích bác này, mà còn cả các ký giả địa phương, ông cho biết.
“Có vẻ như một số trong số các phóng viên viết bài cho những tờ báo này đang cố gắng cho thế giới thấy rằng họ khá sành sỏi bằng cách vùi dập Mississippi,” ông Carswell nói.
Một ví dụ trong tuyên bố của ông Carswell có thể là phương pháp mà một kênh truyền thông địa phương trình bày cảnh ông Reeves trả lời câu hỏi của người phóng viên trong lễ ân xá gà tây như một lần cuộc chuyện giận dữ, bỏ qua phần người phóng viên đó đặt câu hỏi, ngụ ý rằng ông Reeves — một cách vô cớ — đã thực hiện một tràng lời nói công kích.
Là một cựu quan chức dân cử trong Nghị viện Vương Quốc Anh trong 12 năm, người đã đến Mississippi không chỉ với cái nhìn của người ngoài cuộc mà còn bằng tình yêu đối với tiểu bang này, ông Carswell cho biết điều đó thật đáng tiếc.
“Tôi nghĩ đây là một trong những nơi tuyệt vời nhất ở nước Mỹ, và không có một nơi nào mà tôi muốn được sống hơn ở đây,” ông nói. “Tuy nhiên, một số người trong số những phóng viên làm việc cho các tổ chức truyền thông của Mississippi dường như nghĩ rằng sự thành công của họ có thể được đo lường bằng tần suất họ làm nản lòng chính tiểu bang của mình.”
Ông Carswell cho rằng kết quả của sự nỗ lực với tư cách là một chính trị gia ở Vương Quốc Anh của ông là ủng hộ việc Anh Quốc rút khỏi Liên minh Âu Châu (còn gọi là Brexit) diễn ra vào năm 2020.
“Một khi đạt được những gì mình mong muốn, thì tôi từ bỏ công việc,” ông nói. “Tôi không muốn tham gia chính trị vì mục đích tìm kiếm một cái cớ khác để ăn bám người nộp thuế.”
Hiện sống tại Mississippi nơi ông là chủ tịch của MCPP, ông Carswell cho biết ông tiếp tục bênh vực điều mà ông gọi là chủ nghĩa biệt lệ Mỹ, vốn thường bị diễn giải sai lệch thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong các hệ tư tưởng của chủ nghĩa Marx, chẳng hạn như Thuyết Chủng tộc Trọng yếu (CRT).
MCPP đã soạn thảo một dự luật được thông qua và ký bởi ông Reeves.
Dự luật đó cấm giảng dạy các khái niệm gây chia rẽ và phân biệt chủng tộc được tìm thấy trong thuyết CRT mà thúc đẩy ý tưởng rằng một chủng tộc này bẩm sinh đã vượt trội hoặc thấp kém hơn chủng tộc khác.
‘Một sự kế thừa cao cả’
Đối với ông Carswell, nước Mỹ — bao gồm cả tiểu bang Mississippi — không phải là một mô hình chủ nghĩa phân biệt chủng tộc lỗi thời đang sắp trở nên vô phương cứu chữa mà là một ngọn hải đăng cho tự do đối với phần còn lại của một thế giới đang bị chặn chạm tới tiềm năng cao nhất của mình chỉ vì thiếu tầm nhìn.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times