Khảo sát: Người Mỹ bi quan hơn về kinh tế, chính phủ của Tổng thống Biden
Theo một cuộc thăm dò của CBS News từ hôm 22/05, người Mỹ ngày càng bi quan về tình hình nền kinh tế và nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, với 63% số người được hỏi mô tả tình trạng của đất nước là “khó khăn” và “đáng lo ngại”.
Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm và giá xăng ngày càng leo thang đang kìm hãm mức sống của hầu hết người Mỹ, với nhiều người đổ lỗi cho Tòa Bạch Ốc về những khó khăn của họ.
Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden ở mức 44% trong cuộc thăm dò của CBS, với 56% không tán thành cách điều hành của ông trong vai trò tổng thống.
Trong khi đó, 65% người được hỏi cho biết họ cảm thấy ông Biden “phản ứng chậm” khi các vấn đề phát sinh, và 69% cho biết nền kinh tế “tồi tệ” — tăng so với 46% vào mùa xuân.
Gần như tất cả các cuộc khảo sát từ cả hai đảng lớn đều chỉ ra rằng họ muốn các chính trị gia tập trung vào vấn đề lạm phát như là vấn đề bầu cử sơ bộ của họ vào mùa thu năm nay, trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng tăng với đường hướng của đất nước.
Ngày càng có nhiều người Mỹ lo ngại về giá cả hàng hóa và dịch vụ, nền kinh tế và thị trường chứng khoán, với nhiều người được hỏi trở nên bi quan về kế hoạch nghỉ hưu trong tương lai của họ.
2/3 những người có tiền trên thị trường chứng khoán bi quan về các khoản đầu tư của họ.
Hầu hết những người được hỏi ít lo ngại về virus ĐCSTQ hơn so với nền kinh tế, nhưng họ lạc quan hơn về sự sẵn có của các cơ hội việc làm tại địa phương.
Lạm phát đạt mức cao nhất kể từ năm 1982 khi chỉ số giá tiêu dùng, thước đo mức độ thay đổi của giá hàng hóa và dịch vụ trung bình trong nước, tăng lên 8.5% trong tháng Ba và dao động ở mức đó vào tháng Tư.
Lạm phát đã giảm nhẹ kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào tháng Năm, với các mức tăng tiếp theo dự kiến được đưa ra trong năm nay để chống lại tình trạng lạm phát gia tăng.
Mức tăng lãi suất của ngân hàng trung ương vào đầu tháng này là mức tăng cao nhất kể từ năm 2000.
Theo AAA, giá xăng trung bình trên toàn quốc vào cuối tuần trước đạt mức cao kỷ lục 4.59 USD/gallon.
Trong cuộc họp báo chung hôm 23/05 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản, ông Biden đã được hỏi về nỗi đau tài chính mà người Mỹ đang cảm thấy do giá xăng tăng.
Ông Biden trả lời, “Đây là tình hình. Và khi nói đến giá xăng, chúng ta đang trải qua một quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc, Chúa cho phép, khi nó kết thúc, chúng ta sẽ mạnh hơn và thế giới sẽ mạnh hơn và ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch.” Ông ngụ ý rằng các chính sách năng lượng của ông có liên quan trực tiếp đến việc tăng giá năng lượng.
Trước đó một ngày, các quan chức và các nhà lập pháp đã cân nhắc về vấn đề này, với việc các thành viên Đảng Cộng Hòa chỉ trích chính phủ ông Biden vì đã không ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) Ronna McDaniel, người đã dự đoán kết quả thuận lợi vào Ngày Bầu cử do hàng loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế mà chính phủ ông Biden phải đối mặt, cho biết: “Chúng ta đang có lạm phát gia tăng. Chúng ta có một cuộc khủng hoảng sữa công thức cho trẻ em. Chúng ta có một biên giới tràn ngập người nhập cư. Chúng ta có một cuộc khủng hoảng ma túy. Chúng ta có những gì đang xảy ra ở Ukraine. Chúng ta có giá xăng tăng cao ngất ngưởng.”
Bà McDaniel nói: “Khi mọi thứ lắng xuống, các thành viên Đảng Cộng Hòa sẽ gắn kết, bao gồm cả Tổng thống Donald Trump, để bảo đảm rằng chúng ta giành lại Hạ viện và Thượng viện”.
Thượng nghị sĩ Rick Scott ở Florida nói trên “Face the Nation” của CBS: “Tổng thống phản ứng rất chậm — cho dù đó là vấn đề biên giới, cho dù đó là lạm phát, cho dù đó là giá xăng — thậm chí cả Ukraine.”
“Cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay sẽ xoay quanh vấn đề lạm phát, nó sẽ là về tính hiệu quả của chính phủ của ông Biden, và tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại điềm lành cho các thành viên Đảng Cộng Hòa.”
Ông Scott tin rằng các phản ứng của chính phủ liên quan đến nền kinh tế và một loạt các vấn đề quan trọng khác sẽ thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ GOP vào tháng Mười Một.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò của CBS cho thấy các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội dường như không có nhiều lợi thế về vấn đề lạm phát.
Các nhà lập pháp GOP đang bị nhiều cử tri phái bảo tồn truyền thống đổ lỗi vì đã không làm đủ để ngăn chặn các dự luật mà họ nói là chứa đầy chi tiêu lãng phí, thất bại trong việc ngăn cản nghị trình cấp tiến, và bỏ bê các vấn đề quan trọng trong nước.
Khi được người dẫn chương trình của Face the Nation là bà Margaret Brennan hỏi về những gì GOP nên làm, ông Scott đáp, “Chúng tôi sẽ cân bằng ngân sách, chúng tôi sẽ bắt đầu theo dõi đồng USD rất sát sao, chúng tôi sẽ kiểm soát chi tiêu của mình, chúng tôi sẽ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang giảm bảng cân đối kế toán của họ. Vì vậy, tôi nghĩ chúng tôi phải thảo luận về những điều chúng tôi sẽ làm để có thể làm tốt hơn cho mọi người.”
Ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa đang nắm bắt lạm phát như một vấn đề then chốt của chiến dịch để nhắm mục tiêu vào các cử tri trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng vẫn chưa đưa ra nhiều chi tiết về cách giải quyết vấn đề này nếu họ giành được Quốc hội vào tháng Mười Một tới.
Phản hồi chính thức của chính phủ từ Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese là Tòa Bạch Ốc sẽ không loại trừ nguy cơ đất nước rơi vào suy thoái.
Trên CNN, ông Deese cho biết ông sẽ không loại trừ điều đó và “luôn có những rủi ro” rơi vào suy thoái. Ông giải thích rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong thời kỳ “chuyển đổi”.
Ông Deese nói: “Nền kinh tế của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn phục hồi mạnh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại sang giai đoạn có thể là một giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền bỉ hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn cho các gia đình.”
Ông nói, “Không còn nghi ngờ gì nữa, ngay lúc này chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, lạm phát là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất trong số đó, và vấn đề này đang ảnh hưởng nặng nề đến các gia đình.”
Ông nói: “Nhưng cũng không nghi ngờ gì về việc Hoa Kỳ đang ở vị thế tốt hơn so với bất kỳ nước lớn nào trên thế giới để giải quyết lạm phát mà không từ bỏ các tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đã có và đó là vì sức mạnh của sự phục hồi của chúng ta.”
Ông Deese ca ngợi cái mà ông gọi là “thị trường việc làm mạnh nhất trong lịch sử hiện đại” trên Fox News Sunday. Ông cho biết tổng thống hiểu rằng “những mức giá này tạo ra khó khăn thực sự và chúng cũng tạo ra sự bấp bênh.”
“Chúng tôi hiểu điều đó. Và đó chính xác là điều mà tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng chống lạm phát là ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông ấy.”
Một dấu hiệu đáng ngại khác về bất ổn kinh tế xuất hiện trong tháng này, khi ba chỉ số thị trường chính của Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp mới vào hôm 20/05, khi S&P 500, trượt vào lãnh thổ thị trường giá xuống vào giao dịch cuối tuần trước sau bảy tuần giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng cao hơn vào hôm 23/05, kết thúc chuỗi giảm giá hàng tuần dài nhất đối với Chỉ số Công nghiệp Dow Jones kể từ năm 1932, cùng với việc S&P 500 rơi vào lãnh thổ thị trường giá xuống vào tuần trước.
Chỉ số Dow đạt 618.34 điểm, tương đương 2% lên 31,880.24, S&P 500 kết thúc ở mức cao hơn 72.39 điểm, tương đương 1.9% ở 3,973.75, trong khi Nasdaq đóng cửa ở 180.66 điểm, tương đương 1.6% ở 11,535.27.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: