Giám đốc điều hành Goldman Sachs cảnh báo: Lạm phát ‘cố thủ’ sâu trong nền kinh tế
Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, ông David Solomon, cảnh báo rằng lạm phát có khả năng “cố thủ sâu” vào nền kinh tế toàn cầu và không rõ liệu nó có được cải thiện trong năm nay hay không.
Theo một số các hãng tin tức, ông Solomon nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi hôm 18/07: “Chúng tôi thấy lạm phát cố thủ sâu vào nền kinh tế, và điều bất thường trong giai đoạn cụ thể này là cả cung và cầu đều đang bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ngoại sinh, cụ thể là đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine.”
Lạm phát nhất thời đề cập đến giá cả cao hơn tồn tại trong thời gian ngắn và không dẫn đến thiệt hại kinh tế lâu dài. Lạm phát cố thủ có nghĩa là nó sẽ tồn tại lâu hơn và sẽ khó đảo ngược hơn.
Một số người đã suy đoán rằng lạm phát cố định có thể dẫn đến vòng xoáy giá cả tiền lương, nơi người lao động yêu cầu người sử dụng lao động tăng lương khi chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng. Kết quả là, các công ty chuyển những chi phí đó cho người tiêu dùng.
Ông Solomon cũng nói: “Cuộc đối thoại của tôi với các CEO điều hành các doanh nghiệp toàn cầu lớn, họ nói với tôi rằng họ tiếp tục thấy lạm phát dai dẳng trong chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, các nhà kinh tế của chúng tôi nói rằng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ giảm trong nửa cuối năm. Câu trả lời là không chắc chắn và tất cả chúng tôi sẽ theo dõi nó rất chặt chẽ.”
Trong nhiều tháng, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nói rằng ngân hàng trung ương sẽ cố gắng ngăn chặn việc lạm phát thành cố thủ.
Khi phát biểu trước Quốc hội vào cuối năm 2021, ông Powell nói với các nhà lập pháp: “Tôi chắc với quý vị rằng chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để bảo đảm rằng lạm phát cao mà chúng ta đang trải qua không trở nên cố thủ”, mặc dù vào thời điểm đó, ông dự đoán rằng giá sẽ giảm vào nửa cuối năm 2022. Dữ liệu được công bố cho tháng Sáu cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng đã tăng lên 9.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái, con số cao nhất trong nhiều thập niên.
Vào tháng Sáu, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất thêm 75 điểm căn bản. Một số quan chức Fed đã báo hiệu một đợt tăng lãi suất khác có thể đến vào cuối tháng Bảy khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang nhóm họp.
Ông Solomon cho biết ông lo ngại rằng nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang để chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến “niềm tin của doanh nghiệp và cả hoạt động của người tiêu dùng trong nền kinh tế.”
Ông Solomon nói: “Tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn và bất trắc hơn và trong bối cảnh môi trường hiện tại, chúng tôi sẽ quản lý tất cả các nguồn lực của mình một cách thận trọng.”
Cuối tuần qua, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Jared Bernstein thừa nhận rằng lạm phát ở Hoa Kỳ là “cao không thể chấp nhận được”, nói rằng ông không tin rằng một cuộc suy thoái đang xuất hiện.
Ông lập luận: “Vì vậy, ví dụ, lạm phát, cao đến mức không thể chấp nhận được — hãy làm rõ điều đó ngay từ đầu — đã tăng 1.3% trong tháng Sáu. Một lần nữa, một mức tăng cao không thể chấp nhận được. Riêng một nửa mức tăng đó là giá năng lượng. Kể từ đó, giá xăng đã giảm 50 xu một gallon. Hiện có 20,000 trạm xăng trên khắp đất nước này, nơi giá xăng dưới 4USD/ gallon.”
Ông cho biết chính phủ ông Biden đang cố gắng giảm giá hơn nữa, làm giảm nguy cơ suy thoái.
Anh Jack Phillips là một phóng viên tin nhanh của The Epoch Times có trụ sở tại New York.