Ông Gingrich kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp hàng loạt
Khi Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich suy ngẫm về sự qua đời gần đây của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, ông cho biết rằng các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngại sát nhân để bảo toàn quyền lực.
Ông Gingrich tin rằng ông Giang và các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc khác phải đưa ra rất nhiều câu trả lời cho các chính sách đàn áp và bạo lực có chủ đích của họ.
Kể từ khi ĐCSTQ được thành lập vào những năm 1920, “mọi lãnh đạo của Đảng đó đều là một nhà độc tài toàn trị,” ông Gingrich, một cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Gingrich nói thêm, “Không một ai trong số họ là người ôn hòa. Không một ai trong số họ là những người tử tế, dễ chịu theo cách mà chúng ta nghĩ, và tất cả họ đều sẵn sàng sát nhân. Đó là những gì họ cần để duy trì quyền lực.”
Những người ủng hộ nhân quyền mô tả ông Giang là kiến trúc sư của một trong những chiến dịch phản đức tin lớn nhất trong lịch sử hiện đại khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, một nhóm tu luyện gồm các bài tập khoan thai và các bài giảng đạo đức tập trung vào chân, thiện, nhẫn.
Cho rằng sự phổ biến ngày càng tăng của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình, ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch đàn áp toàn diện vào năm 1999, buộc các học viên phải chịu nhiều hình thức ngược đãi bao gồm tra tấn, lao động khổ sai, giam cầm, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Với tư cách là chủ tịch Hạ viện, ông Gingrich từng tiếp đón ông Giang ở Hoa Thịnh Đốn vào năm 1997. Ông coi ông Giang là “người bảo vệ rất tốt cho chính quyền Cộng sản Trung Quốc.”
Nhưng bản chất của đảng này tự bộc lộ khi gặp phải bất kỳ thách thức nào đối với sự cai trị của họ.
“Rõ ràng, chế độ độc tài này đã đi đến kết luận rằng Pháp Luân Công là một mối đe dọa sống còn vì Pháp Luân Công đại diện cho một nhóm hợp pháp độc lập,” ông Gingrich nói.
“Từ quan điểm của họ, [việc người dân] tin vào bất cứ điều gì khác ngoài nhà nước là mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhà nước,” ông nói, đồng thời chỉ ra các nhóm tín ngưỡng khác như tín đồ Cơ Đốc Giáo và Phật tử Phật giáo Tây Tạng cũng bị đàn áp vì lý do này.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công và cường độ của cuộc bức hại này thực sự đáng kinh ngạc, và cho quý vị biết tất cả những gì quý vị cần biết về mức độ chuyên chế sâu sắc của hệ thống.”
Sự bất mãn gia tăng
Ông Giang qua đời vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi chế độ này phải đối mặt với sự bất mãn lan rộng từ công chúng Trung Quốc — những người đã chịu đủ các chính sách COVID-19 hà khắc của nhà cầm quyền.
Cái chết của một nhà lãnh đạo đã tạo ra một lối thoát lịch sử cho những người không hài lòng với tình huống hiện tại và công khai phàn nàn. Năm 1989, sự thương tiếc cho cái chết của nhà lãnh đạo cải cách Hồ Diệu Bang đã biến thành một phong trào quần chúng kêu gọi cải cách và dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho xe tăng và binh lính tiến vào để đàn áp dữ dội những người biểu tình. Cuộc đàn áp đẫm máu gây chấn động thế giới phương Tây này hóa ra lại là bàn đạp cho sự trỗi dậy chính trị của ông Giang.
Các cuộc biểu tình chống phong tỏa gần đây ở Trung Quốc đã không chỉ là một dư âm mờ nhạt của thời kỳ đó.
“Đây là những cuộc biểu tình đầu tiên mà tôi có thể nhớ, kể cả Quảng trường Thiên An Môn, nơi quý vị thực sự có những người kêu gọi thay thế chế độ độc tài, và tôi nghĩ đó là một sự chuyển biến đáng kể,” ông Gingrich nói, trích dẫn những lời hô vang “Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy từ chức” và “Tập Cận Bình hãy từ chức” nổi lên trong các cuộc biểu tình gần đây.
Ông Gingrich cho biết những lời kêu gọi của họ (người dân Trung Quốc) hầu như không gây ngạc nhiên do nền kinh tế yếu kém liên tục và các chính sách COVID “đàn áp”.
Hợp đồng bất thành văn mà người dân Trung Quốc có với ĐCSTQ là “miễn nền kinh tế còn hoạt động, chúng tôi sẽ khoan dung cho chế độ độc tài này,” ông nói.
“Bây giờ, nền kinh tế không hoạt động.”
Ông Gingrich thận trọng về việc những người biểu tình Trung Quốc có thể duy trì đà phát triển bao xa, nhất là vì chế độ này có sẵn hệ thống giám sát lớn nhất thế giới để dập tắt mọi thứ mà họ cho là mối đe dọa.
Cả các nhà lãnh đạo Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đều có lịch sử sát nhân hàng loạt. Tháng 11 này đánh dấu nạn đói “Holodomor” mà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Joseph Stalin đã tạo ra vào những năm 1930 và khiến hàng triệu người Ukraine tử vong vì đói.
Tại Trung Quốc, nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ — ông Mao Trạch Đông — đã chủ trì chiến dịch kinh tế Đại Nhảy Vọt nhằm công nghiệp hóa Trung Quốc, dẫn đến nạn đói kéo dài 3 năm từ 1959 đến 1962 mà một số nhà sử học ước tính đã khiến 30 triệu người tử vong.
Ông Gingrich nói: “Những chế độ độc tài này có khả năng thống trị sâu sắc chỉ bằng vũ lực.”
Chế độ suy yếu
Ngay cả khi những cuộc biểu tình này không dẫn đến thay đổi chính trị, dấu hiệu suy yếu từ Bắc Kinh là khó có thể bỏ qua.
Hôm 28/11, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã để lộ một khoảnh khắc do dự hiếm hoi khi một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có chấm dứt chính sách zero COVID để xoa dịu những người biểu tình hay không.
Ông Triệu lướt qua các ghi chú trong khoảng một phút trước khi trả lời rằng mô tả của phóng viên về tình huống “không phản ánh những gì thực sự đã xảy ra.” Câu trả lời của ông đã không được đưa vào bản ghi chép chính thức được đăng tải sau đó.
Đối với ông Gingrich, đó là một dấu hiệu cho thấy nhiều quan chức cao cấp của Trung Quốc đã “rúng động” như thế nào trước quy mô của các cuộc biểu tình và tính tự phát của chúng, gây ra bởi những cái chết trong vụ cháy chung cư ở Tân Cương mà nhiều người tin rằng các hạn chế COVID chí ít được coi là một phần nguyên nhân vụ việc.
“Ngay cả với tất cả những nỗ lực và tuyên truyền của họ, và tất cả những nỗ lực của họ trong việc kiểm soát truyền thông, họ vẫn không thể kiềm chế được tình hình,” ông Gingrich nói, đề cập đến các cuộc biểu tình.
Sự bất mãn lan rộng này cùng với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc đặt ra một thách thức lớn đối với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, người vừa bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 10, và có thể nhanh chóng làm xói mòn quyền lực của ông.
Các quan chức Trung Quốc dường như đã bắt đầu giảm bớt thông điệp của họ về COVID. Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) cho biết hồi đầu tuần này rằng đất nước đang phải đối mặt với “những tình huống mới” với sự suy yếu của biến thể Omicron và việc chủng ngừa trên diện rộng. Nhiều thành phố cũng nới lỏng một số hạn chế về virus sau các cuộc biểu tình.
Ông Gingrich nói: “Mức độ mà tất cả những người hiện đang biểu tình có nguy cơ bị chế độ độc tài bắt giữ và biến mất là rất lớn, và mức độ đó cho quý vị biết lòng dũng cảm cũng như sự tuyệt vọng” của họ.
Từ Hoa Kỳ, ông Gingrich thất vọng khi thấy thiếu sự hỗ trợ tích cực cho những người biểu tình và ông lên án việc Bắc Kinh đàn áp họ.
Cho dù về vấn đề cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ hay các hạn chế về COVID của chế độ này, ông Gingrich tin rằng Hoa Thịnh Đốn cần có vai trò quyết liệt hơn. Thứ nhất, Hoa Kỳ nên mượn các công cụ được khai triển trong Chiến Tranh Lạnh, bao gồm cả việc trừng phạt các quan chức, để gây áp lực, ông nói.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times