Núi Rushmore: Ngôi đền của một Hoa Kỳ vĩ đại
Nếu bạn cho rằng những bức ảnh của Đài tưởng niệm Quốc gia Núi Rushmore khiến nơi này trở nên uy nghiêm và đầy cảm hứng, bạn nên tự mình đến nơi để thấy rằng khung cảnh thực tế còn hùng tráng hơn nhiều.
Chúng ta có thể đã từng xem qua rất nhiều lần hình ảnh của ngọn núi này nhưng không thể sánh với cảm xúc choáng ngợp khi bạn trực tiếp đứng tại nơi này.
Tôi lái xe quanh một khúc cua ở khu vực núi Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota, không quá xa thành phố Rapid, và đột nhiên bất ngờ xuất hiện ngay trong tầm mắt bạn – chỉ là một phần nhỏ của tác phẩm này, chỉ là khuôn mặt khổng lồ của Vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington – và chỉ là một phần như thế thôi mà tôi đã bị thu hút đến nỗi phải ngay lập tức tấp xe vào lề đường, chôn chân tại đó và ngắm nhìn một cách chăm chú trong một khoảng thời gian thật lâu rồi mới vụng về lấy chiếc máy chụp hình của mình ra để ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu này.
Nửa giờ sau, tôi đã đặt chân trên đài tham quan và hướng tầm mắt nhìn lên các vị tổng thống George Washington, Abraham Lincoln, Thomas Jefferson, và Teddy Roosevelt nằm chót vót trên Núi Black Hills từ độ cao từ 5,675 feet. Tôi đã gặp lại cảm giác sững sờ mà mình từng trải qua khi lần đầu tiên đứng trước những kỳ quan hùng vĩ như Kim tự tháp, những bức tượng bí ẩn khổng lồ trên Đảo Phục Sinh, ngôi đền Taj Mahal, cũng như là Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa.
Tất nhiên, ngoại trừ công trình ở Núi Rushmore, bạn sẽ cảm thấy kinh ngạc hơn cả là về những gì nhân loại có thể xây dựng. Chắc chắn rằng, kiến trúc này tự bản thân đã có thể mang đến cảm hứng tuyệt vời, nhưng những gì mà nhà điêu khắc vĩ đại của Hoa Kỳ và cũng là một nhà yêu nước chân chính – Ông Gutzon Borglum nhắm đến và xây dựng nên là một điều gì đó vô cùng cao quý vượt xa khỏi phạm vi của một đài tưởng niệm đơn thuần.
Và chính xác là như thế, đúng như dự định ban đầu của ông, đây chính là một ngôi đền khắc họa tự do và những giá trị vĩ đại của Hoa Kỳ. Ông coi đó như là “Sự thể hiện chính thức về triết lý của Chính phủ Hoa Kỳ được ghi tạc vào trong đá granite trên một đỉnh núi hùng vĩ”.
Ông hy vọng rằng ngắm nhìn công trình này sẽ là một trải nghiệm cảm động có thể giúp truyền cảm hứng hoặc củng cố niềm tin cho những ai đến tham quan nơi này, và động lực thúc đẩy ông ấy sáng tạo nên nó – chính là tình yêu đối với đất nước Hoa Kỳ này.
Ý tưởng đã thiết lập nên Ngôi đền
Ý định thành lập nên ngôi đền này bắt nguồn từ tư tưởng của nhà lịch sử học Doane Robinson ở tiểu bang South Dakota vào những năm 1920. Ông mong muốn phát triển ngành du lịch và đẩy mạnh kinh tế của tiểu bang bằng cách xây dựng một tượng đài khổng lồ ở đâu đó thuộc vùng núi Black Hills cho những vị anh hùng của Phương Tây, có thể là Lewis và Clark, cũng có thể là lính biên phòng John C. Fremont; lúc đó bản thân ông cũng chưa xác định được là sẽ chọn nhân vật nào.
Năm 1924, Robinson đã đưa Gutzon Borglum đến tiểu bang South Dakota để tìm kiếm những vị trí khả thi. Tại thời điểm đó, Borglum đang điêu khắc bức chân dung khổng lồ về cuộc diễu hành của Robert E.Lee và những người lính Liên Minh Miền Nam trên Núi Stone Mountain, tiểu bang Georgia, một dự án được người khác hoàn thành bởi vì Borglum được coi là một người phân biệt chủng tộc. Điều đó dường như rất ít được biết đến, không được – và cũng không nên – làm giảm đi sự thật hiển nhiên rằng cả bốn vị lãnh đạo được vinh dự tạc tượng trên Núi Rushmore đều thật sự là những công dân Hoa Kỳ vĩ đại, những người đã phục vụ đất nước này một cách tuyệt vời.
Mặc dù Núi Rushmore là công trình mà hiện nay ông được nhớ đến nhiều nhất, tuy nhiên Borglum là một nhà điêu khắc tài ba. Ông là người đã sáng tạo rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Tác phẩm điêu khắc đầu tiên của Hoa Kỳ được mua lại bởi Bảo Tàng Metropolitan của Thành Phố New York và những bức tượng của Mười Hai Sứ Đồ xuất hiện trong Nhà Thờ Thánh John the Divine là một vài công trình vĩ đại của ông. Trong rất nhiều năm trước khi Robinson liên lạc với ông, ông đã tập trung tất cả vào công việc mà người vợ uyên bác Elizabeth của ông đã mô tả là thể hiện “giá trị cảm xúc của thể tích”.
Borglum sinh ra tại tiểu bang Idaho vào năm 1867. Ông là một người con yêu nước mãnh liệt của những người nhập cư Đan Mạch theo tôn giáo Mormon. Borglum không chỉ tìm ra địa điểm hoàn hảo mà ông còn nâng cấp ý tưởng ban đầu từ một khu tưởng niệm địa phương tầm thường trở thành một ngôi đền tôn vinh những điều vĩ đại của Hoa Kỳ.
Tổng thống George Washington
Tổng thống George Washington là lựa chọn đầu tiên của ông – ông là vị tổng tư lệnh lãnh đạo toàn bộ quân đội Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh cách mạng, là “Vị cha lập quốc,” cũng là vị tổng thống đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vượt trên tất cả những cá nhân khác, ông chính là biểu tượng cho sự thành lập nền Cộng hòa của Mỹ quốc.
Tổng Thống Lincoln
Đối với Borglum, Tổng Thống Lincoln là một vị anh hùng đặc biệt (ông đặt tên con mình là Lincoln). Ông đã từng hoàn thành nhiều tác phẩm điêu khắc Lincoln được đánh giá rất cao, gồm cả bức tượng bán thân khổng lồ của Lincoln đang được đặt trong Tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ và bức tượng Lincoln đang ngồi hiện tại đang đặt trước cổng của Tòa Án ở Newark, tiểu bang New Jersey. Và đó cũng là công trình mà Robert – con trai của Lincoln gọi là “Bức chân dung đẹp phi thường của cha mà tôi đã từng thấy”.
Vì vậy, sự lựa chọn thứ hai của ông về người đàn ông vĩ đại đã bảo tồn Liên Bang Hoa Kỳ cũng là một quyết định dễ dàng.
Tổng thống Thomas Jefferson
Và cũng tương tự cho lựa chọn thứ ba, Thomas Jefferson, ông được chọn vì là vị tổng thống đã mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ về hướng Tây với Thương Vụ Louisiana vĩ đại. Và tất nhiên, ông chính là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
Đó chính là ba nhà lãnh đạo vĩ đại biểu tưởng của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khi mà dự án đang được triển khai, nó đã trở nên vô cùng nổi tiếng mà lại vẫn còn đủ không gian cho bức tượng thứ tư, rất nhanh, đã có rất nhiều bình luận từ công chúng nổi lên về ai là người sẽ được chọn, liệu có ai có thể được sánh vai cùng họ hay không.
Tổng Thống Teddy Roosevelt
Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Calvin Coolidge, đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ ở Công Viên Tiểu Bang Custer gần đó, ông không chỉ vô cùng yêu thích công trình Núi Rushmore mà ông còn rất cương quyết về việc lựa chọn danh nhân vĩ đại nào của Hoa Kỳ cho vị trí này. Một số người tranh luận rằng sự lựa chọn của Coolidge là một tổng thống tương đối mới đây thôi, và đó cũng là những tranh luận của thời đại ngày nay chống lại việc bổ sung thêm Ronald Reagan vào đó, tuy nhiên Borglum đã vô cũng vui vẻ chọn một vĩ nhân mà ông vô cùng ngưỡng mộ, cũng đồng thời là bạn thân của ông – Tổng Thống Teddy Roosevelt.
Kích thước tổng thể của công trình điêu khắc Núi Rushmore của Borglum thật đáng kinh ngạc. Quy mô của nó khổng lồ đến mức nếu Washington được tạc nguyên tượng từ đầu đến chân thì ông ấy phải cao đến 465 feet [gần 142 mét]. Khuôn mặt của Washington là 60 feet tính từ cằm đến trán, mũi cao 20 feet, mắt rộng 11 feet, miệng rộng 18 feet. Chỉ cái nốt ruồi nhỏ trên mặt Lincoln đã có chiều ngang đến 16 inch.
Hãy tận hưởng tối đa chuyến tham quan của bạn
Để có thể thưởng thức hết vẻ đẹp của nơi này, hãy luôn lưu ý rằng Borglum đã định vị các bức tượng để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên ban ngày. Ông đã cố tình chọn một đỉnh núi có mặt quay về hướng Đông Nam để các bức tượng có thể được chiếu sáng trực tiếp trong hầu hết thời gian ban ngày. Vậy nên đừng quá lo lắng khi thấy nó được thắp sáng vào ban đêm, khi đó cũng rất đẹp, nhưng thật ra, sẽ là tốt nhất để chiêm ngưỡng tác phẩm này trong điều kiện tối ưu khi được thiết kế, là vào ban ngày.
Hãy cố gắng đến vào buổi sáng sớm để có thể vừa tránh được đám đông, đồng thời vừa có thể có được điều kiện ánh sáng thích hợp nhất để nhìn ngắm và chụp hình tác phẩm điêu khắc vĩ đại này.
Hãy tận dụng cơ hội để tìm hiểu về thành tích đáng nể này bằng cách truy cập vào các trung tâm thông tin như Bảo Tàng Lincoln Borglum và Xưởng Điêu Khắc. Bạn sẽ học được nhiều điều, ví như, cách mà Borglum tạo ra một nguyên mẫu theo tỷ lệ 1 inch trên mô hình bằng với một foot trên ngọn núi thật rồi sau đó chuyển toàn bộ nguyên mẫu này lên thực địa bằng chiếc “Máy Sao Chép” mà ông đã sáng tạo ra.
Bạn cũng có thể học thêm nhiều điều về lịch sử của công trình vĩ đại này, hiểu được rằng tại sao ông lại chọn khu vực này, và làm sao mà các nhà điêu khắc phát minh ra những phương pháp mới để sử dụng thuốc nổ và búa khí nén để tạc vào đá nhanh hơn.
Khi bạn nhìn lại những bức ảnh cũ, bạn sẽ thấy những công nhân đang ở trên cao đi bộ dọc theo những khung giàn giáo trên núi đá, leo trèo qua các cầu thang, và đung đưa xung quanh những chiếc rổ và những sợi dây an toàn. Điều có lẽ sẽ làm bạn vô cùng ngạc nhiên là trong suốt 14 năm làm việc trên cao như thế (chỉ có sáu năm trong số đó được dành cho việc chạm khắc thực tế), không một người nào thiệt mạng hoặc thậm chí bị thương nặng.
Đừng ngắm nhìn công trình vĩ đại này chỉ từ Khu Vực Quan Sát Tổng Thể. Để có những góc nhìn cận cảnh hơn và hấp dẫn hơn, bạn có thể đi bộ dọc theo tuyến Đường Mòn Tổng Thống vốn không quá dài và tương đối dễ đi; Bạn cũng có thể lái xe dọc theo một số tuyến đường khác nhau trong khu vực để có thể bắt được nhiều hơn nữa các góc nhìn mới lạ khác nhau.
Chiêm ngưỡng tuyệt tác vĩ đại này của Hoa Kỳ, bạn có thể không nhận ra rằng tác phẩm này vẫn chưa hoàn thành.
Borglum dự định sẽ hoàn thiện các bức tượng xuống đến tận eo lưng bao gồm cả các chi tiết như tay và một phần trang phục. Tuy nhiên ông đã qua đời vào tháng 03/1941 và con trai của ông, anh Lincoln, người đã làm việc trong suốt thời gian đó bên cạnh ông, chịu trách nhiệm giám sát các chi tiết để hoàn thiện phần đầu của các bức tượng, đã ngừng công việc khoảng vài tuần trước khi Hoa Kỳ bị tấn công tại Trân Châu Cảng và chính thức tham gia vào Đệ Nhị Thế Chiến.
Chắc chắn rằng, hầu hết người dân Hoa Kỳ ngày nay đều đồng lòng với lời cầu nguyện của Gutzon Borglum rằng ngôi đền vĩ đại của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mang hình tượng của bốn vị tổng thống – Washington, Lincoln, Jefferson và Roosevelt – “sẽ trường tồn cho đến khi chỉ có gió và mưa mới có thể làm chúng hao mòn”.
Kinh nghiệm dành cho bạn
Để có thêm thông tin: Hãy truy cập vào trang TravelSD.com
Thời điểm tốt nhất để đến nơi đây: từ cuối mùa thu cho đến khoảng đầu xuân.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times