Nữ ký giả Trung Quốc bị trục xuất khỏi Thụy Điển từng kể về gia cảnh bị ĐCSTQ bức hại
Mới đây, chính phủ Thụy Điển đã quyết định trục xuất một nữ ký giả người Trung Quốc, cấm bà tái nhập cảnh Thụy Điển vĩnh viễn, đồng thời cáo buộc người này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Thụy Điển. Nữ ký giả Trung Quốc này tiết lộ rằng ba thế hệ trong gia đình bà từng bị ĐCSTQ tra tấn, nhưng ngược lại ngày nay họ đang “ca ngợi” cho chế độ chuyên chế toàn trị.
Theo Đài truyền hình Thụy Điển (SVT), nữ ký giả người Trung Quốc này đã bị cơ quan an ninh Thụy Điển bắt giữ hồi tháng Mười năm ngoái (2023), và dự kiến sẽ bị trục xuất vào ngày 16/11. Tuy việc trục xuất được trì hoãn do có kháng cáo nhưng cuối cùng bà cũng sẽ bị trục xuất bởi vì hôm 04/04, chính phủ Thụy Điển đã bác bỏ đơn kháng cáo.
Cục Cảnh sát An ninh Thụy Điển (Säpo) nói với Tòa án Di trú rằng nữ ký giả Trung Quốc này đã tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh Thụy Điển trong hơn 10 năm. “Thông tin mà chính quyền cung cấp rất đáng tin cậy, người kháng cáo gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Thụy Điển.”
Một hãng truyền thông khác của Thụy Điển là Kinamedia cho biết nữ ký giả Trung Quốc bị trục xuất tên là Trần Tuyết Phi (Chen Xuefei Axelsson), chủ kênh truyền thông trực tuyến Green Post, đồng thời là Hội trưởng Hiệp hội Văn hóa Trung Quốc-Âu Châu.
Hôm 11/04, ký giả Jojje Olsson của Kinamedia nói với VOA rằng: “Bà Trần Tuyết Phi hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Trung Quốc. Bà ấy cũng khá nổi tiếng trong giới nhân sĩ quan sát Trung Quốc ở Thụy Điển. Tôi có thể gọi bà ấy là tác nhân gây ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Nữ ký giả Trung Quốc tên Trần Tuyết Phi được cấp thị thực Thụy Điển lần đầu vào năm 2005, và được cấp quyền cư trú vĩnh viễn vào năm 2008. Bà kết hôn với một người đàn ông Thụy Điển, và họ có một người con.
Theo lời giới thiệu trên Green Post, bà Trần Tuyết Phi là biên tập viên và ký giả của Green Post, đồng thời là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành công ty Sweden-China Bridge. Công ty này từng giúp hàng chục phái đoàn Trung Quốc (chính phủ, doanh nghiệp tư nhân) đến thăm Thụy Điển để khai triển việc “học tập” về năng lượng mới và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, Sweden-China Bridge còn có liên quan đến một kênh truyền thông Hoa ngữ khác ở Thụy Điển là “Mạng Trung Hoa Bắc Âu” (chineseonline.se).
Ký giả The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã tìm thấy trên trang web “Mạng Trung Hoa Bắc Âu” một bài báo có tiêu đề “Mạng Trung Hoa Bắc Âu cần kiên trì lấy tuyên truyền tích cực làm chủ.” Bài báo được phát hành vào ngày 03/09/2023, có chữ ký của bà Trần Tuyết Phi, ký giả của Mạng Trung Hoa Bắc Âu và Green Post. Bài báo này cho biết, trang web Green Post chủ yếu là đăng tin tức tốt, tin tức tích cực [của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ].
Theo trang web Green Post, bà Trần Tuyết Phi sinh năm 1966 tại thôn Địa Tàng Tự, thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Từ năm 1988 đến năm 1990, bà học tại Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc. Từ năm 1990 trở đi, bà Trần Tuyết Phi làm việc tại Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc trong 15 năm, rồi lần lượt làm việc cho các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ với tư cách là ký giả tự do cho Nhân Dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã, và Thời Báo Hoàn Cầu tại Stockholm.
Trên trang web Green Post, ký giả của The Epoch Times phát hiện bà Trần đã từng viết một phóng sự dài với tiêu đề “Bách niên quốc gia” cho “Lễ kỷ niệm trăm năm thành lập đảng” của ĐCSTQ. Bài báo nói rằng, bằng cách mô tả số phận và những thay đổi của gia đình Trần Tuyết Phi, người đọc có thể hiểu được lịch sử hàng thế kỷ của Trung Quốc, và hiểu được Trung Quốc thông qua vận mệnh của một gia đình.
Trong phóng sự này, khi giới thiệu về số phận của ông bà nội, bà Trần đã nhắc đến Marx, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản, cho rằng tôn chỉ của “Tuyên ngôn cộng sản” là hiện thực hóa chủ nghĩa cộng sản và chôn vùi chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, theo “Bách niên quốc gia” giới thiệu, vào năm 1975, Đại Cách mạng Văn hóa do ĐCSTQ phát động đã sắp kết thúc. Lúc đó, chính quyền “vẫn đang tiến hành cắt đuôi của chủ nghĩa tư bản, không ai được phép đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, không được phép sản xuất nhỏ lẻ.” Bà Trần Tuyết Phi nói: “Gia đình chúng tôi trồng hẹ trên đất tư nhân. Kết quả là bí thư đại đội đã đến gặp cha tôi, và nói rằng hẹ của ông là cái đuôi của chủ nghĩa tư bản, phải trừ tận gốc, hơn nữa ông còn phải làm kiểm điểm.”
“Cha tôi cũng không có cách nào khác, cãi lại có thể bị phạt thêm. Vì vậy, ông đã nhổ bỏ hẹ rồi đến hội đồng huyện tự kiểm điểm, nói rằng tôi trồng hẹ là đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Khẩu hiệu lúc bấy giờ là “Thà có cỏ chủ nghĩa xã hội còn hơn có mầm mống của chủ nghĩa tư bản,” bà Trần Tuyết Phi nói.
So sánh ra, số phận của ông ngoại bà Trần thậm chí còn bi thảm hơn.
Vào năm 1963, khi nhà lãnh đạo bấy giờ của ĐCSTQ Mao Trạch Đông phát động phong trào chính trị “Tứ thanh” ở nông thôn, ông ngoại của bà Trần đã trở thành đối tượng bị điều tra vì sở hữu đất đai.
Theo bà Trần, cán bộ đại đội ngày nào cũng tìm ông ngoại bà để buộc ông khai báo có bao nhiêu tài sản, nếu không khai báo rõ ràng thì sẽ bị xếp vào loại địa chủ. Lúc đó, nếu ai bị xếp vào loại địa chủ, thì người đó có thể phải đối mặt với vô số lời đấu tố, thậm chí là nguy hiểm đến tính mệnh.
“Ông ngoại tôi đã nhiều lần khai báo nhưng vẫn không được tin tưởng. Ông cảm thấy bị sỉ nhục, nhất là khi họ (cán bộ đại đội) dọa sẽ tịch thu quan tài của ông.” Bà Trần cho biết, cuối cùng ông ngoại bà đã uống nước muối và tử vong trong quan tài.
Trên thực tế, ngoài việc ông ngoại của bà Trần bị bức tử, người vợ cả của cha bà cũng qua đời vì bệnh tật vào năm 1963. Sau đó, bà ngoại bà Trần cũng phẫn uất mà qua đời.
Khi nói về cha mình, bà Trần cho biết: “Cha tôi đi làm ở Nhà máy hợp kim Cẩm Châu. Thế nhưng gia đình luôn rơi vào cảnh đói khát nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi làm việc được hai năm, cha tôi đã trở về quê hương ở thôn Địa Tàng Tự. Về quê, một người đàn ông có thể kiếm được nhiều công điểm (cách tính công làm việc thời bao cấp), miễn cưỡng có thể nuôi sống gia đình. Ba năm thiên tai đã khiến cuộc sống của người nông dân càng khốn khổ hơn.”
Bà Trần kể rằng sau khi người vợ cả của cha bà qua đời vì bệnh truyền nhiễm vào năm 1963, lo lắng bốn đứa con sẽ không nuôi nổi, vậy nên cha bà đã gả cô con gái út cho một gia đình ở Cẩm Châu. Mẹ ruột của bà Trần sinh năm 1944 và kết hôn với cha bà khi 19 tuổi. Bà kể: “Ông ngoại tôi là một thương nhân, còn mẹ tôi khi còn trẻ có cuộc sống sung túc, thường hay ăn trứng, thịt chân giò, v.v. Những món này rất hiếm khi chúng tôi còn nhỏ.”
Bà Trần cũng kể về bà nội của mình. Bà nội của bà đã nói về cách quân đội cộng sản tuyển mộ binh lính: Bát lộ quân (tiền thân chính của Quân Giải phóng Nhân dân) mỗi khi đến đâu đều sẽ tuyển mộ binh lính mới ở nơi đó. Cách thức chiêu mộ của Bát lộ quân rất xảo quyệt. Họ tập hợp tất cả thanh niên trong làng lại, ngồi trên chiếc giường đắp bằng đất, bên ngoài phái người đốt lửa lên. Người hướng dẫn đang làm công tác tư tưởng trong phòng, nói hy vọng mọi người tích cực nhập ngũ, không cần gật đầu, chỉ cần cử động thân thể hoặc cử động mông đều xem như đồng ý. Kết quả lúc giường rất nóng, hầu như ai cũng phải nhấc mông lên. Thế là người đứng đầu [Bát lộ quân] vui vẻ nói, mọi người đều đồng ý, hoan nghênh các bạn nhập ngũ! Bằng cách này, đi đến đâu họ cũng chiêu mộ được không ít tân binh.
Bà nội của bà Trần cũng nhắc đến “Thời kỳ ba năm khó khăn,” tức là ba năm nạn đói sau phong trào “Đại nhảy vọt” của ĐCSTQ, chính quyền gọi là “ba năm thiên tai.”
“Bà tôi kể thời đó người ta không đủ ăn, hầu như lúc nào cũng đói và sưng tấy. Lúc đó ở nông thôn có rất nhiều người bị bệnh bướu cổ (bướu cổ địa phương) và nhiễm dịch bệnh. Ví dụ như viêm não Nhật Bản, bệnh sán máng, bệnh giun đũa, bệnh cổ dày (phì đại tuyến giáp), v.v. Bà Trần kể: “Bà nội tôi không bị bệnh cổ dày nhờ ăn muối i-ốt. Thế là công xã (chính quyền cấp dưới của ĐCSTQ) yêu cầu bà nói: Đảng Cộng sản tốt, đã chữa khỏi bệnh bướu cổ của bà.”
Từ phóng sự này có thể thấy, câu chuyện bà Trần kể là số phận bi thảm của gia đình mình, nhưng lại phản ánh lịch sử tàn bạo của ĐCSTQ đối với người dân gần một thế kỷ.
Tuy nhiên, một mặt bà Trần kể lại lịch sử đầy máu và nước mắt của gia đình mình, mặt khác bà cũng “ca ngợi” chính quyền ĐCSTQ.
Năm ngoái, Trung tâm Trung Quốc (NKK) của Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển (UI) đã công bố một báo cáo cho biết, bà Trần đã tích cực truyền bá tin tức của ĐCSTQ trên trang web tin tức cá nhân. Những bài báo mà bà đăng không chỉ được Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm tài trợ mà còn được các tổ chức đảng khác của ĐCSTQ tài trợ.
Theo Đài truyền hình Thụy Điển, ngoài vai trò ký giả, bà Trần Tuyết Phi còn tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển, cùng những người có mối quan hệ mật thiết giữa Thụy Điển và chính quyền ĐCSTQ. Bà Trần đã dẫn nhiều phái đoàn chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm Thụy Điển. Bà còn cố gắng sắp xếp cho họ đến thăm một số cơ quan chính phủ Thụy Điển. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ràng từ thư điện tử của bà Trần Tuyết Phi.
Bà Trần cũng sắp xếp một chuỗi hoạt động ở Thụy Điển để ủng hộ chính quyền ĐCSTQ, chẳng hạn như tổ chức triển lãm ảnh Tân Cương ở Thụy Điển nhằm ủng hộ quan điểm của ĐCSTQ. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, gần một triệu người Hồi Giáo thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã bị giam trong các trại tập trung ở Tân Cương.
Hôm 09/04, bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), ký giả, nhà văn, và nhà bình luận thời sự người Canada gốc Hoa, nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng, việc chính quyền Thụy Điển trục xuất bà Trần Tuyết Phi cho thấy nước này sẵn sàng xem xét nghiêm túc vấn đề xâm nhập và can thiệp của ĐCSTQ ở địa phương. Bà Thịnh Tuyết cho rằng sự xâm nhập và can thiệp của dư luận là cơ sở rất quan trọng để ĐCSTQ xâm nhập vào các nước Âu Châu và Hoa Kỳ. Sự xâm nhập toàn cầu của ĐCSTQ đều có sự sắp xếp của dư luận và các hãng truyền thông tương ứng.