Thủ tướng Hà Lan thảo luận về gián điệp mạng, mâu thuẫn về vi mạch bán dẫn trong chuyến thăm Bắc Kinh
Các hạn chế đối với việc xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của công ty Hà Lan ASML sang Trung Quốc và hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc là những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tới Bắc Kinh từ ngày 26/03 đến ngày 27/03.
Hành vi gây hấn và các mối đe dọa quân sự do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những năm gần đây đã khiến Hoa Kỳ và các nước đồng minh lo ngại. Sau thông báo của chính phủ Hoa Kỳ về các hạn chế xuất cảng các loại vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc — nhằm ngăn chặn việc sử dụng những công nghệ này để củng cố sức mạnh cho quân đội Trung Quốc — Nhật Bản và Hà Lan cũng đã làm theo.
ASML là nhà cung cấp lớn nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn và là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất máy quang khắc cực tím (EUV) để chế tạo vi mạch bán dẫn tân tiến.
Hồi tháng Một, chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của ASML sang Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Rutte trong cuộc gặp ngày 27/03 rằng “Việc tách rời và phá vỡ các mối liên kết sẽ chẳng dẫn đến đâu, và hợp tác là lựa chọn duy nhất.”
Sau cuộc họp, ông Rutte từ chối phúc đáp các nghi vấn về việc liệu chính phủ của ông có thể từ chối cấp phép cho ASML xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc hay không. Ông Rutte cho biết, “Khi nói về lĩnh vực bán dẫn của chúng tôi và các công ty như ASML, nếu chúng tôi phải thực hiện các biện pháp (hạn chế xuất cảng), thì các biện pháp đó không bao giờ nhắm vào một quốc gia cụ thể, và chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm hạn chế tác động của việc đó.”
Mặc dù không bên nào tiết lộ kết quả cuộc họp liên quan đến việc cấp phép cho ASML xuất cảng sang Trung Quốc, nhưng các nhà quan sát tin rằng Hà Lan sẽ tiếp tục hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc.
Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng xét từ phản ứng của ông Tập với ông Rutte, rõ ràng là ĐCSTQ đã không đạt được điều họ muốn, và phía Hà Lan đã từ chối xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc.
Lo ngại về hoạt động gián điệp mạng của ĐCSTQ
Trong cuộc họp hôm 27/03, ông Rutte đã đề cập đến vụ việc gần đây về vụ gián điệp mạng của ĐCSTQ nhắm vào Bộ Quốc phòng Hà Lan. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã không hề đề cập đến vấn đề này trong bản tóm tắt cuộc họp mà bộ này công bố.
MIVD, cơ quan tình báo quân sự của Hà Lan cho biết hồi tháng Hai rằng các gián điệp mạng được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã tấn công hệ thống mạng mà Bộ Quốc phòng Hà Lan sử dụng.
Trong tuần này, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và New Zealand cũng đã vạch trần các hoạt động gián điệp mạng toàn cầu của ĐCSTQ.