Nông dân Đức phải chịu chi phí cho các quy định về cấm thuốc bảo vệ thực vật của EU
Với nhiều nông gia, việc sử dụng thuốc trừ sâu là tất yếu. Trong tương lai, Liên minh Âu Châu (EU) muốn chấm dứt việc này. Mục tiêu là tới năm 2030 sẽ giảm một nửa việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Một chỉ thị mới của EU sẽ sớm cấm sử dụng thuốc trừ sâu ở những khu vực nhạy cảm. Chỉ thị này nhằm giảm nguy cơ hủy hoại môi trường trong các hệ sinh thái mẫn cảm, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học.
Các khu vực bị cấm cũng bao gồm nhiều khu vực được sử dụng cho mục đích nông nghiệp trong các lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, thiên nhiên, chim, môi trường sống của hệ động-thực vật và các khu vực bảo vệ cảnh quan cũng như các công viên quốc gia, nơi có môi trường sống và các loài đặc biệt đáng được bảo vệ. Điều này có thể trở thành một vấn đề đối với nông dân Đức.
Bản đồ EU cho thấy mức độ quy định
Bất cứ ai nhìn vào bản đồ do Cơ quan Môi trường Âu Châu (EEA) lập nên, đều nhanh chóng nhận ra rằng: các lệnh cấm thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu gây thiệt hại cho nông dân ở Đức. Toàn bộ đất nước này được bọc trong các mảng màu tím khi thì nhiều, khi thì ít. Trong khi đó, nếu quý vị nhìn sang các quốc gia láng giềng thì các khu vực bị cấm chỉ là những khu vực biệt lập.
Cho đến nay, vẫn chưa có thống kê cụ thể về diện tích bị ảnh hưởng ở Đức. Bà Lisa Eichler, nghiên cứu viên tại Viện Phát triển Không gian Sinh thái Leibnitz (IÖR) và nhà sinh thái học, Tiến sĩ Carsten Brühl đến từ Đại học Kỹ thuật Kaiserslautern-Landau Rhineland-Palatinate (RPTU) đã tự mình thực hiện nhiệm vụ này. Họ công bố các phát hiện của mình hôm 20/02.
Nếu tính đến tất cả các khu vực mà các quy định quy hoạch hiện xác định là khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái, hai nhà nghiên cứu đã tính toán rằng lệnh cấm thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến tổng cộng 38.018 km² đất canh tác và 696 km² vườn cây ăn quả và vườn nho. Con số đó tương ứng với 31% tổng diện tích đất canh tác và 36% tổng diện tích trồng cây ăn quả và nho sản xuất rượu vang ở Đức.
North Rhine-Westphalia dẫn trước Brandenburg và Sachsen
Phần lớn — cụ thể là 19% diện tích đất canh tác và 25% diện tích trồng cây ăn quả và nho để sản xuất rượu vang — nằm trong các khu vực bảo vệ cảnh quan. North Rhine-Westphalia dẫn đầu với 39% diện tích đất canh tác, tiếp theo là Brandenburg (28%) và Sachsen (26%). Ở Rhineland-Palatinate, quy định này áp dụng cho 29% diện tích vườn cây ăn quả và vườn nho.
“Trong các cuộc thảo luận trước đây, người ta thường đặt câu hỏi, liệu lệnh cấm thuốc trừ sâu có thực sự được áp dụng đồng đều cho tất cả các loại khu vực được bảo vệ hay không. Ví dụ, đã có những cân nhắc để miễn các quy định nghiêm ngặt cho các khu vực bảo vệ cảnh quan. Chúng tôi cũng đã tính toán kịch bản này,” bà Eichler nói.
Nếu loại trừ các khu vực dành riêng cho bảo vệ cảnh quan khỏi tính toán, thì tỷ lệ diện tích nông nghiệp trong các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái lên tới khoảng 21,146 km² trên toàn nước Đức. Trong số này, 20,845 km² là đất canh tác và 301 km² là vườn cây ăn quả và vườn nho. Điều này có nghĩa là 17% diện tích đất canh tác và 16% diện tích trồng cây ăn quả và nho để sản xuất rượu vang ở Đức vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định hạn chế về thuốc trừ sâu.
Ở một số tiểu bang của liên bang Đức, ngay cả trong kịch bản này, vẫn sẽ có một tỷ lệ đất nông nghiệp trên mức trung bình ở những khu vực cấm sử dụng thuốc trừ sâu. Đối với đất canh tác, tỷ lệ này sẽ là 45% ở Hessen, 37% ở Baden-Württemberg và 34% ở Mecklenburg-Vorpommern, và 28% đối với vườn cây ăn quả và vườn nho ở Baden-Württemberg.
Theo Tiến sĩ Brühl, người đã nghiên cứu tác động của thuốc trừ sâu đối với môi trường trong 20 năm, thì các tính toán của họ sẽ mở ra một cuộc tranh luận mang tính xây dựng về quy định dự kiến của EU.
Nông dân bị đe dọa cấm hành nghề
Trước đây, đã có những cuộc biểu tình phản đối lớn từ những người trồng nho và nông dân, những người đã đến trước Ủy ban Âu Châu. Ông Andreas Glück, một nghị viên thiên tả ở Âu Châu, đến từ thị trấn Münsingen ở Schwäbische Alb, cho biết: “Ủy ban Âu Châu đã lùi bước vì họ đã xác định rằng họ sẽ không thông qua lệnh cấm toàn diện.” Theo Stuttgarter Nachrichten, ông đã mô tả dự thảo do Ủy ban Âu Châu đệ trình là một “đại thảm họa tuyệt đối.”
Theo quan điểm của ông, mục tiêu giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu được sử dụng ở các vùng trồng nho của Ủy ban Âu Châu là “không khả thi.” Ông chỉ ra rằng quá khứ cho thấy Đức đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện các tiêu chuẩn của EU. Trong khi ở các quốc gia EU khác, các quy định bị loại bỏ hoặc thực hiện dưới hình thức yếu kém, thì ở Đức, các quy định thắt chặt thường được ưu tiên thực thi hàng đầu. Ví dụ, quý vị đã chứng kiến điều đó trong quy định về bảo vệ dữ liệu.
Giám đốc điều hành của nhà sản xuất rượu vang Fellbacher Weingärtner đến từ Baden-Württemberg, ông Thomas Seibold, đã tóm tắt dự án của EU bằng những lời lẽ quyết liệt: “Việc trồng nho sẽ không còn khả thi trên một phần lớn diện tích được sử dụng trước đây, phần còn lại sẽ không phải là cơ sở cho một hoạt động kinh doanh đầy đủ. Về căn bản, đó sẽ là lệnh cấm người nông dân làm nho tiếp tục hành nghề của họ.”
Các tác động sau đó cũng sẽ được cảm nhận trong ngành công nghiệp đồ uống, ẩm thực, và du lịch. Các sản phẩm bảo vệ thực vật là cần thiết để chống lại bệnh nấm. Đối với ông Seibold, các kế hoạch của EU là một “trò đùa dở khóc dở cười.” Đầu tiên, Ủy ban EU tuyên bố rằng, cảnh quan canh tác được hình thành bởi nghề trồng nho và sản xuất trái cây nên được bảo tồn, nhưng sau đó ủy ban này lại gây nguy hiểm cho chính những hàng hóa được bảo vệ đó bằng một quy định mới về sản phẩm bảo vệ thực vật.
Do Susanne Ausic thực hiện
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức