Ý trở thành quốc gia đầu tiên ở EU tránh xa thực phẩm làm từ côn trùng và thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Hôm thứ Ba tuần trước (28/03), chính phủ Ý đã chấp thuận một dự luật về việc cấm sản xuất và sử dụng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong phòng thí nghiệm, trong bối cảnh nước này cố gắng bảo tồn di sản ngành thực phẩm của họ và tránh xa các loại thực phẩm tổng hợp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ý Francesco Lollobrigida viết trên Twitter hôm thứ Tư (29/03), “Đây thực sự là một cuộc chiến giữa các nền văn minh. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ mô hình sản xuất, chất lượng, nền văn hóa của chúng ta, và đơn giản là quyền được quyết định về lương thực của chúng ta.” Ông cho biết, “Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới nói không với thực phẩm tổng hợp.” Quý vị sẽ bị phạt lên tới 60,000 EUR (65,144 USD) nếu không tuân thủ quy định này. Nếu Nghị viện Ý thông qua đề xướng không sử dụng thực phẩm tổng hợp này, thì thực phẩm được sản xuất từ tế bào nuôi cấy hoặc các mô lấy từ động vật có xương sống sẽ không được phép sử dụng ở Ý.
Ông Lollobrigida, một thành viên của Đảng Anh Em Ý (FdI) hữu khuynh của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 28/03: “Theo quan điểm của chúng tôi, các sản phẩm từ phòng thí nghiệm là không bảo đảm chất lượng, sức khỏe và không bảo vệ nền văn hóa, truyền thống của chúng tôi.”
Năm ngoái (2022), nữ thủ tướng Meloni đã đổi tên Bộ Nông nghiệp thành Bộ Nông nghiệp và Chủ quyền Lương thực, và ông Lollobrigida là một nhà phê bình thẳng thắn về các chương trình lương thực của Liên minh Âu Châu.
Tổ chức vận động hành lang nông nghiệp Coldiretti đã ủng hộ hành động cấm thực phẩm tổng hợp mới nhất này và tuyên bố rằng dự luật kể trên là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp địa phương khỏi các công ty đa quốc gia. Cùng với tiền phạt, đề xướng này tìm cách đóng cửa các nhà sản xuất vi phạm luật và hạn chế họ nhận tài trợ công trong tối đa ba năm.
Sự phản đối từ các tổ chức phi chính phủ
Dự luật này đã bị một số người ủng hộ các sản phẩm nông nghiệp, nông sản được chế biến từ tế bào cũng như các tổ chức bảo vệ quyền động vật phản đối.
Bà Alice Ravenscroft, người đứng đầu chính sách tại chi nhánh Âu Châu của Viện Thực phẩm Tốt (GFI), một tổ chức phi chính phủ quốc tế đang từng bước đẩy mạnh thịt được nuôi cấy và làm từ thực vật, cho biết: “Việc thông qua luật như vậy sẽ đóng cửa tiềm năng kinh tế của lĩnh vực còn non trẻ này ở Ý, và kìm hãm tiến bộ khoa học cũng như các nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến khí hậu, đồng thời hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.”
“Ý sẽ bị bỏ lại phía sau, khi các quốc gia còn lại của châu Âu cùng các nước khác trên thế giới tiến tới một hệ thống lương thực ổn định và an toàn hơn. Và 54% người Ý muốn thử thịt được nuôi cấy và làm từ thực vật sẽ bị cấm làm như vậy.”
“Liên minh Âu Châu đã có sẵn một quy trình quản lý chặt chẽ để xác nhận tính an toàn của các loại thực phẩm mới như thịt nuôi cấy, và các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ và Singapore đã nhận thấy loại thực phẩm này là an toàn. Chính phủ nên để người dân Ý tự quyết định xem họ muốn ăn gì, thay vì bóp nghẹt quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng.”
Viện Thực phẩm Tốt (GFI) trích dẫn một nghiên cứu đã được bình duyệt, khi nói rằng thịt được nuôi cấy giảm 92% lượng khí thải so với thịt bò thông thường, giảm 94% ô nhiễm không khí liên quan đến sản xuất thịt và tiêu thụ ít đất canh tác hơn tới 90%.
Viện Thực phẩm Tốt (GFI) cho biết thêm, dự luật này khiến Ý thực thi trái ngược với các quốc gia Âu Châu khác như Hà Lan, Vương quốc Anh, và Tây Ban Nha, nơi mà chính phủ đang rót hàng triệu euro tài trợ cho thịt được nuôi cấy.
Nhóm chống giết mổ sống động vật LAV nói rằng chính sách này là “một cuộc chinh phạt chống lại sự tiến bộ mang tính ý thức hệ và phản khoa học,” trong khi Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (Organization for Animal Protection) nói rằng, thịt nuôi cấy là một “lựa chọn thay thế có đạo đức,” không gây hại cho động vật và bảo vệ môi trường.
Tổ chức Nông nghiệp Tế bào Âu Châu (Cellular Agriculture Europe) phàn nàn rằng, Ý đang hạn chế sự lựa chọn của những người tiêu dùng quan tâm đến quyền lợi động vật và môi trường.
Các nhà phê bình cho rằng luật mới sẽ không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Ý, vì sự tự do lưu hành của các sản phẩm và dịch vụ trong toàn khối châu Âu không bị ảnh hưởng.
Ăn côn trùng
Chính phủ bà Meloni cũng phản đối việc quảng bá côn trùng như một loại thực phẩm thay thế phù hợp — một xu hướng được Liên minh Âu Châu áp dụng và được các tổ chức của giới tinh hoa như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hậu thuẫn. Hồi tháng Một, Ủy ban Âu Châu đã chấp thuận thêm hai loại côn trùng dùng cho người trong khu vực Liên minh Âu Châu, ngay cả sau khi cơ quan này thừa nhận rằng có những lo ngại về việc côn trùng có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng.
Trước đó, trong tuần từ 20-26/03, bà Meloni cho biết chính phủ Ý đang chuẩn bị các chính sách về việc yêu cầu các công ty dán nhãn các sản phẩm có chứa hoặc có nguồn gốc từ côn trùng, sau khi cuộc tranh luận về việc sử dụng bột làm từ dế diễn ra.
“Chính phủ đã đưa ra bốn nghị định liên bộ sẽ giới thiệu nhãn thông tin trên các sản phẩm có chứa hoặc có nguồn gốc từ côn trùng,” bà Meloni viết trên Twitter. “Người dân phải có khả năng lựa chọn một cách có ý thức và được thông báo thông tin từ mọi góc độ quan điểm.”
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times