Nợ gia đình của Hoa Kỳ tăng vọt lên mức kỷ lục 17.5 ngàn tỷ USD
Tỷ lệ nợ quá hạn đang ở mức cao nhất kể từ Đại Suy Thoái.
Tổng nợ gia đình của Hoa Kỳ đã tăng thêm 212 tỷ USD để đạt mức cao nhất trong lịch sử 17.5 ngàn tỷ USD trong quý 4 năm 2023, theo dữ liệu mới từ Báo cáo Hàng quý về Nợ và Tín dụng Gia đình của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Nợ gia đình đã tăng 15% so với năm ngoái và tăng 46% kể từ năm 2021.
Tất cả các loại khoản vay đều góp phần khiến nợ gia đình tăng 5% tính theo quý trong ba tháng cuối năm 2023.
Đồng thời, cùng với mùa mua sắm nghỉ lễ, nợ thẻ tín dụng đã tăng thêm 50 tỷ USD lên mức kỷ lục mới là 1.129 ngàn tỷ USD. Con số này thể hiện mức tăng gần 15% so với quý 4 năm 2022.
Nợ vay mua nhà đã tăng thêm 112 tỷ USD lên 12.252 ngàn tỷ USD, trong khi hạn mức tín dụng vốn sở hữu nhà (HELOC) tăng 11 tỷ USD lên 360 tỷ USD. Báo cáo cho thấy những người đi vay đã sử dụng HELOC khi họ tái cấp vốn cho các khoản vay mua nhà đầu tiên của mình.
Các khoản cho vay mua xe hơi tiếp tục có xu hướng tăng, tăng thêm 12 tỷ USD lên 1.607 ngàn tỷ USD.
Nợ vay sinh viên, vốn được nối lại việc trả nợ hồi cuối năm ngoái, đã tăng thêm 2 tỷ USD lên mức 1.601 ngàn tỷ USD.
Ông John Kiernan, biên tập viên của WalletHub, cho biết khi các số liệu được điều chỉnh theo lạm phát, thì số tiền mà các gia đình nợ thấp hơn khoảng 5% so với mức cao nhất trong lịch sử vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008–2009.
“Số liệu thống kê nợ gia đình mới nhất vẽ ra một bức tranh có phần ảm đạm, cho thấy chúng ta nợ tổng cộng một mức kỷ lục 17.5 ngàn tỷ USD,” ông nói trong một tuyên bố. “Nhưng khi quý vị điều chỉnh theo lạm phát, mọi thứ có vẻ không đến nỗi tệ đến thế. Tổng số nợ đã điều chỉnh theo lạm phát trên thực tế là thấp hơn 5% so với mức cao nhất trong lịch sử được thiết lập vào năm 2008, và trong năm 2023 chúng ta đã khiến nợ tăng thêm ít hơn nhiều so với năm trước. Chắc chắn tình hình này không phải là lý tưởng, nhưng nó không đến nỗi tệ đến mức chưa từng có.”
Căng thẳng tài chính
Các nhà kinh tế nhân viên cảnh báo rằng báo cáo “cho thấy căng thẳng tài chính gia tăng, đặc biệt là ở các gia đình trẻ có thu nhập thấp.” Thành phần đáng chú ý nhất là sự gia tăng trong các khoản nợ quá hạn, đặc biệt là đối với các khoản cho vay mua xe hơi và nợ thẻ tín dụng “vẫn đang tăng trên mức trước đại dịch.”
Ước tính 8.5% dư nợ thẻ tín dụng đã quá hạn một tháng, tăng từ mức 7% trong quý 4 năm 2019. Đây là mức cao nhất kể từ Đại Suy Thoái.
Nợ thẻ tín dụng rơi vào tình trạng quá hạn nghiêm trọng (quá hạn 90 ngày trở lên) đã tăng lên 6.36%, tăng từ mức 4.01% vào cùng thời kỳ năm trước.
Các khoản nợ cho vay mua xe hơi quá hạn nghiêm trọng đã tăng lên 2.66%, tăng từ mức 2.22% đạt được trong quý 4 năm 2022. Tỷ lệ nợ quá hạn vay mua nhà tăng lên 0.82%, tăng từ mức 0.57%.
Nợ quá hạn của gia đình đã giảm xuống mức thấp lịch sử trong thời kỳ đại dịch virus corona do các khoản thanh toán kích thích, tiền tiết kiệm trong thời kỳ khủng hoảng, và việc hoãn trả các khoản vay sinh viên.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York viết: “Cả các khoản cho vay mua xe hơi và nợ thẻ tín dụng đều chứng kiến tình trạng nợ quá hạn mới ngày càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng, với tỷ lệ chuyển đổi sang nợ quá hạn hiện đã cao hơn mức trước đại dịch.”
“Tất cả các thế hệ đều có tỷ lệ chuyển đổi sang nợ quá hạn tăng mạnh trong hai năm qua, trong đó tỷ lệ của thế hệ Thiên Niên Kỷ (Millennials) và thế hệ Bùng Nổ Trẻ Sơ Sinh (Baby Boomers, những người sinh trong giai đoạn 1946-1964) hiện đã cao hơn mức trước đại dịch.”
Hiệu ứng lạm phát
Ông Tedd Rossman, nhà phân tích ngành cao cấp tại Bankrate, cho biết phần quan trọng trong câu chuyện nợ nần này là lạm phát cao và lãi suất tăng.
“Có một tác động tích lũy đối với hai yếu tố này,” ông Rossman cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều người mắc nhiều nợ hơn và trong thời gian dài hơn.”
Kể từ năm 2021, tỷ lệ lạm phát tích lũy là khoảng 18%, mặc dù tỷ lệ này cao hơn đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, và điện. Đồng thời, lãi suất đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn hai thập niên khi Hệ thống Dự trữ Liên bang cố gắng chế ngự lạm phát.
Trong khi tốc độ tăng lạm phát đã giảm từ mức đỉnh điểm 9.1% vào tháng Sáu năm 2022 xuống còn khoảng 3% như hiện nay, giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ vẫn tiếp tục tăng cao.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên ABC News, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã cảnh báo rằng giá cả sẽ không trở lại mức trước đại dịch, điều mà bà thừa nhận là người dân Mỹ đã nhận ra.
Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của CBS rằng giá vẫn cao hơn nhiều so với các mức trong thời kỳ trước cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng COVID và sẽ không giảm đi.
“Mức giá chung không giảm. Mà sẽ chỉ dao động. Và một số hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng giá, một số khác sẽ giảm giá,” ông Powell nói. “Nhưng nhìn chung, mức giá không có xu hướng giảm ngoại trừ trong những trường hợp khá khắc nghiệt.”
Điều kiện thị trường hiện tại khiến nhiều người Mỹ nói rằng họ đang gặp khó khăn.
Một cuộc thăm dò gần đây của Issues and Insights và TIPP cho thấy gần ⅔ (64%) số cử tri Hoa Kỳ cho biết “ngày nay họ kiếm được đồng nào tiêu đồng ấy.” Quan điểm cho rằng họ “hầu như chỉ đủ sống” được chia sẻ đồng đều giữa các cử tri Đảng Cộng Hòa (67%), cử tri Đảng Dân Chủ (63%), và cử tri độc lập (62%).
Bất chấp những lo ngại này, tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện trong vài tháng qua.
Chỉ số lạc quan kinh tế của RealClearMarkets/TIPP tháng Hai đã giảm xuống mức 44, thấp hơn mức ước tính đồng thuận 47.2. Chỉ số dưới 50 cho thấy mức độ căng thẳng ít hơn và bất cứ mức nào trên 50 đều cho thấy mức độ căng thẳng gia tăng.
Triển vọng tài chính cá nhân, thước đo cách người Mỹ cảm nhận về tình hình tài chính cá nhân của họ trong sáu tháng tới, đã giảm từ 55 xuống 53.4.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times