Nổ đường ống Nord Stream: Ai được, ai mất?
Gần như cứ trong hai “nhà vô địch ẩn danh” thì có một là doanh nghiệp của Đức, khiến cho thế giới ao ước sở hữu các công ty này. Do đó việc xem xét hệ quả của việc phá hủy Nord Stream đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức là rất cần thiết. Đây là một bài phân tích về chủ đề này.
(“Các nhà vô địch ẩn danh” — “hidden champions” — là những doanh nghiệp tương đối nhỏ nhưng rất thành công, các doanh nghiệp này hầu như hoạt động phía sau hậu trường và đôi khi là bí mật. Thuật ngữ này được học giả người Đức Hermann Simon đặt ra trong cuốn “Hidden Champions of the Twenty-First Century: The Success Strategies of Unknown World Market Leaders” của ông, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007).
Đầu tháng Mười năm ngoái (2022), kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ Jeffrey Sachs đã bình luận trên Bloomberg TV về các vụ nổ đường ống Nord Stream như sau: “Tôi dám cá rằng đây là hành động của Mỹ — có thể là hành động của Mỹ và Ba Lan.”
Ông trích dẫn bằng chứng thu thập được qua hệ thống radar về việc các trực thăng quân sự của Hoa Kỳ bay vòng quanh khu vực cùng việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken mô tả các vụ nổ là một “cơ hội to lớn” cho Hoa Kỳ như là lý do cho nhận định này. Ngoài ra, các chính trị gia hàng đầu của Hoa Kỳ đã cảnh báo trước về việc các đường ống có nguy cơ bị phá hủy. Theo kênh truyền hình ZDF của Đức, hôm 08/02/2022, Tổng thống Biden đã nói như sau: “Khi Nga xâm lược, có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội đi qua biên giới Ukraine. Khi đó sẽ không có Nord Stream 2 nào nữa. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này.” Khi được hỏi về việc điều này sẽ được thực hiện ra sao khi đường ống đang nằm dưới sự kiểm soát của Đức, Tổng thống Biden cho biết, “Tôi hứa với quý vị là chúng ta sẽ làm được.”
Ngoài ra, ông Jeffrey Sachs cũng đưa ra giải thích cho giả thuyết rằng Hoa Kỳ là thủ phạm đằng sau vụ việc thông qua các dẫn chứng thực tế rằng Hoa Kỳ cũng có các phương tiện kỹ thuật cần thiết để tiến hành công việc phá hủy như vậy. “Đó có thể là một chiếc Boeing P-8 Poseidon, loại phi cơ mà các hệ thống giám sát đã quan sát được”, kinh tế gia nổi tiếng này nói.
Cuối cùng, ông nhận xét: “Tôi biết điều này đi ngược lại với diễn ngôn của chúng ta, và ở phương Tây quý vị không được phép nói những điều như vậy, nhưng thực tế của vấn đề là khi tôi nói chuyện với mọi người trên toàn thế giới, họ tin rằng Hoa Kỳ đã làm điều đó.” Các ký giả Hoa Kỳ cũng sẽ nói điều này — nhưng chỉ là một cách riêng tư, chứ không công khai.
Về động cơ của Nga, ông Jeffrey Sachs lập luận rằng, không giống như Mỹ, Nga “không có lợi ích gì trong việc phá hủy những đường ống đó. Điều này đi ngược lại với lợi ích của Nga.” Ông Sachs cho rằng “Nga đang mất đi thu nhập, sự giàu có về tài chính, và năng lực thương lượng.”
Đây là những nhận xét đáng chú ý từ một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ trên một hãng thông tấn rất có uy tín. Bối cảnh của những bình luận này sẽ được đưa ra thảo luận dưới đây.
Ai được, ai mất?
Tại sao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lại mô tả các vụ nổ ở Nord Stream là một “cơ hội to lớn”? Bởi vì các vụ phá hủy này bảo đảm rằng nguồn cấp năng lượng giá rẻ cho Đức sẽ bị cắt trong một thời gian dài, bất kể nước này có quyết định chính trị nào đi chăng nữa.
Nghĩa là, trong tương lai giá khí đốt ở Đức bảo đảm sẽ cao hơn nhiều so với trước đây. Một mặt, đây là cơ hội to lớn cho việc xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng trực tiếp từ Hoa Kỳ sang Đức và Châu Âu, một ngành kinh doanh lợi nhuận cao đối với ngành công nghiệp khai thác bằng phương pháp cắt phá thủy lực của Hoa Kỳ.
Mặt khác, từ góc độ kinh tế và có lẽ là nghiêm trọng hơn nhiều, là thực tế rằng vị thế cạnh tranh của các nước Trung Âu, đặc biệt là Đức, qua đó sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Theo Handelsblatt, một tờ báo kinh doanh nổi tiếng của Đức, các doanh nghiệp Đức hiện đang trả cho khí đốt tự nhiên một chi phí cao hơn gấp 8 đến 9 lần so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cỡ vừa sản xuất các sản phẩm thâm dụng năng lượng, sẽ không thể tồn tại lâu dài. Do đó, các đại diện hàng đầu của ngành công nghiệp Đức đang nói về sự nguy hại của quá trình phi công nghiệp hóa ở Đức. Vì vậy vào ngày 29/08/2022, tờ Handelsblatt đã có bài viết với nhan đề như sau: “Đức mắc kẹt trong bẫy giá năng lượng — Trong các ngành công nghiệp then chốt, các công ty sẽ đóng cửa hàng loạt. Giá điện và khí đốt đắt hơn nhiều lần so với ở Hoa Kỳ và Châu Á — và đó là khi mà sự tăng giá mạnh vẫn chưa xảy ra. Các tập đoàn Đức lo sợ phi công nghiệp hóa.”
Chủ tịch Liên đoàn các Ngành công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm cho biết vào đầu tháng 09/2022: “Ngành công nghiệp đang bị đe dọa về mặt bản chất.” Tuyên bố này nên được nhắc lại thêm một lần nữa: Ngành công nghiệp đang bị đe dọa về mặt bản chất, theo chủ tịch BDI của Đức.
Hôm 20/07/2022, ông Martin Wansleben, Tổng Giám đốc Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), đã nêu rõ những tác động của việc phi công nghiệp hóa. Ông nói tại một cuộc họp báo: “Chúng ta đang ngày càng nghèo đi. Tôi sẽ vẽ cho quý vị một bức tranh về nước Đức: Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cuối cùng chúng ta bị nghèo đi từ 20-30%.”
20-30%, theo tổng giám đốc DIHK. Thật khó để tưởng tượng điều này có thể có ý nghĩa gì đối với người dân Đức, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Chỉ riêng số người đến các ngân hàng thực phẩm, nơi cấp đồ ăn cho những người thu nhập thấp, đã tăng gần gấp đôi trong hai năm qua, từ 1.1 triệu lên hơn 2 triệu. Làm thế nào mà những người này có thể trụ tiếp được khi mà thu nhập giảm từ 20-30%?
Kẻ khóc người cười
Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm trạng buồn khi các doanh nghiệp vừa ở Trung Âu phá sản trên diện rộng. Như đã đề cập, một doanh nghiệp vừa hoạt động yếu kém ở Đức sẽ làm hài lòng đối thủ cạnh tranh ở ngoại quốc. Nhưng việc này cũng đồng nghĩa rằng đây cơ hội tốt và giá rẻ để mua lại các doanh nghiệp này và bước vào thị trường đó.
Ngay từ năm 2018, các công ty đầu tư lớn của Mỹ như Blackrock hay Vanguard đã sở hữu 34.6% cổ phần của tất cả các công ty DAX (Deutscher Aktienindex, một chỉ số đại diện cho 30 công ty lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất nước Đức). 20% cổ phần khác thuộc về các công ty quản lý tài sản của Anh và Ireland. Đó là một lĩnh vực kinh doanh béo bở. Quý vị chỉ cần thanh toán một lần rồi nhận cổ tức mãi mãi, nghĩa là chừng nào DAX còn tồn tại, thì không cần làm việc mà cũng có thu nhập suốt đời. Về mặt kinh tế, đây là một dòng niên kim vĩnh viễn.
Vấn đề là: Mô hình kinh doanh này không hiệu quả với các doanh nghiệp quy mô vừa vì chúng không được niêm yết trên sàn chứng khoán mà chỉ thuộc sở hữu của các gia đình, và các gia đình thì chỉ muốn bán công ty trong những trường hợp khẩn cấp. Do đó, chiến tranh, suy thoái, và phá sản có thể là cơ hội tuyệt vời để các quỹ của Mỹ có được các doanh nghiệp vừa giá rẻ của Đức.
Do chính sách cho vay với lãi suất thấp của Hoa Kỳ trong vòng 15 năm qua, rất nhiều tiền nhàn rỗi cần đầu tư đã được hình thành, và hiện đang cần nhanh chóng tìm cách khai thác sinh lời. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính sở hữu các quỹ có tính thanh khoản rất cao. Kể từ trước khi áp dụng các đợt phong tỏa, tức là từ tháng 02/2020 đến 10/2022, tổng tiền gửi tại các ngân hàng Hoa Kỳ đã tăng hơn ⅓, từ mức 13,300 lên mức 17,900 tỷ USD. Các quỹ thanh khoản của các tập đoàn lớn cũng rất cao. Riêng năm 2020, theo The Economist, tổng tài sản thanh khoản của 3,000 tập đoàn lớn nhất thế giới đã “bùng nổ” thêm ⅓, từ 5,700 USD lên 7,600 tỷ USD.
Mua các viên ngọc trai của Đức
Cần những khoản tiền rất lớn để mua lại các doanh nghiệp vừa, được ví như những viên ngọc trai của Đức. Bên cạnh đó, lượng tiền mặt dự trữ chưa dùng đến (“dry powder”) của các quỹ cổ phần tư nhân chuyên về mua lại công ty là nhiều đáng kể. Theo Wall Street Journal, chỉ riêng trong năm 2022, các công ty cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ có khả năng huy động 1,000 tỷ USD vốn mới. Để so sánh: Tổng sản phẩm quốc nội của Đức là 3,600 tỷ euro trong năm 2021 — con số này tương ứng với khoảng 3,500 tỷ dollar Mỹ theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Nếu các doanh nghiệp vừa của Đức cạn kiệt tài chính thì điều này sẽ mang đến một “cơ hội to lớn” cho nguồn vốn dồi dào đang gấp rút tìm kiếm một khoản đầu tư sinh lời của Hoa Kỳ. Bởi vì theo một phương diện, quý vị có thể có được các doanh nghiệp với giá khá rẻ, vì trong các thương vụ mua lại thì giá bán của các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ bị ép xuống rất nhiều.
Nhưng có lẽ còn một phương diện khác quan trọng hơn: Một cuộc suy thoái mạnh mở ra khả năng mua lại các doanh nghiệp vừa của Đức trên diện rộng. Trong số đó có nhiều viên ngọc trai trước đây nằm ngoài tầm với của các quỹ Hoa Kỳ. Hơn 1,300 doanh nghiệp được mệnh danh là “các nhà vô địch ẩn danh”, những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong các thị trường ngách, là phân khúc thị trường nhỏ hơn được phát triển từ quy mô của thị trường lớn, lại là các doanh nghiệp vừa của Đức.
Đó là gần như là một nửa số nhà vô địch ẩn danh trên thế giới. Trong thời kỳ các doanh nghiệp gặp cơn khủng hoảng sống còn, thì các gia đình sở hữu những doanh nghiệp đó thường phải tìm kiếm các nguồn tài chính bên ngoài và để ngỏ doanh nghiệp của mình cho các nguồn vốn bên ngoài chảy vào, dù muốn hay không. Một cơ hội tuyệt vời cho đầu tư từ Mỹ. Việc phá hủy Nord Stream tạo điều kiện củng cố cơ hội thuận lợi này.
Chiến tranh kinh tế ở Châu Âu
Hơn nữa, trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã gặp vấn đề lớn với tình trạng dư thừa công suất. Năng lực sản xuất và sản xuất hàng loạt đã tăng nhanh hơn mà không tương xứng so với thu nhập của người dân trong bốn thập niên qua. Lý do cho việc này là sự phân phối không đồng đều liên tục gia tăng.
Để vẫn có thể bán ra toàn bộ sản phẩm được sản xuất ra thì cần phải tăng nhu cầu của người dân và việc này được duy trì thông qua việc cho phép khoản nợ của người dân tăng lên cũng như ngân hàng trung ương in nhiều tiền hơn. Do đó, một giải pháp khả thi cho vấn đề dư thừa công suất và nợ trong nước sẽ là làm suy yếu hoặc loại bỏ khả năng cạnh tranh ở ngoại quốc, đặc biệt là ở Đức, nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh gay gắt của Mỹ.
Do đó theo quan điểm của Hoa Kỳ, giá năng lượng cao kéo dài ở Đức là rất đáng hoan nghênh. Và đó là lý do tại sao ông Jeffrey Sachs chắc chắn đã đúng khi nói: “Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, thì khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu sẽ vẫn còn tiếp tục.”
Việc cho nổ đường ống Nord Stream và sự leo thang cuộc chiến Ukraine diễn ra sau đó — nếu các phương tiện truyền thông thành công trong việc đổ lỗi cho người Nga về các vụ nổ này — là tin rất tốt cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ vốn đang bị ngăn trở bởi tình trạng dư thừa công suất và ngành tài chính đang ngồi trên núi tiền, và như Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói, là một “cơ hội to lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.