Những vị quan thanh liêm trong lịch sử
Tô Chương xử án không thiên vị
Vào thời Đông Hán, có một người tên là Tô Chương, giữ chức Thứ sử Ký Châu. Trong thời gian ông làm Thứ sử, đúng lúc có một người bạn cũ làm Thái thú quận Thanh Hà thuộc quyền quản lý của ông.
Một lần, Tô Chương đến quận Thanh Hà tuần xét, phát hiện người bạn cũ của mình có hành vi trái luật như tham nhũng, lạm dụng luật pháp và nhận hối lộ. Ông quyết định lập án xét xử. Vào ngày hôm đó, Tô Chương đã chuẩn bị một bữa tiệc tại nơi ông đang ở để chiêu đãi người bạn cũ này. Trong bữa tiệc, hai người vừa uống rượu vừa trò chuyện, ôn lại tình bạn xưa. Cả hai đều cảm thấy rất thoải mái.
Thái thú quận Thanh Hà sớm biết Tô Chương muốn tra xét hành vi tham nhũng của mình, vài lần muốn lợi dụng cơ hội này để nói chuyện với ông. Thế nhưng Tô Chương đều lấy lý do là đang uống rượu không nói đến việc công, và luôn thay đổi chủ đề.
Khi Thái thú Thanh Hà thấy Tô Chương không nhắc đến hành vi tham nhũng và việc xấu ác của mình, còn thâm tình nói về những kỷ niệm xưa và tiếp đãi mình một cách nhiệt tình như vậy, bèn cho rằng Tô Chương đang cố ý bao che cho ông ta. Thế là, ông ta đắc ý, quên cả ý tứ, nói: “Mọi người đều có một ngày, còn riêng tôi có hai ngày!” Ý là nói: Với sự bảo hộ của Tô Thứ sử, thì không ai dám làm gì ông ta; ông ta có thể vô pháp vô thiên rồi.
Tô Chương nghe xong lời đó, liền giật mình, vẻ mặt tức giận nhìn ông ta, và nghiêm túc nói: “Tối nay, Tô Nhụ Văn tôi (Tô Chương) mời ông uống rượu. Đây là tình cảm cá nhân giữa bằng hữu cũ. Nhưng mà, tình riêng không thể thay thế phép công. Ngày mai trên công đường, tôi sẽ dùng thân phận Thứ sử Ký Châu xét xử hành vi vô pháp của ông. Ở đó sẽ không thể nói chuyện tình cảm cá nhân, mà chỉ có thể làm việc theo lẽ công bằng.”
Ngày hôm sau, Tô Chương thăng đường xử án. Quả nhiên, ông thiết diện vô tư và không hề quan tâm đến tình cảm bằng hữu cũ. Sau khi điều tra kỹ lưỡng hành vi vô pháp của Thái thú quận Thanh Hà, chiểu theo quy định của pháp luật đương thời, ông đã đưa ra hình phạt xứng đáng cho ông ta.
Khi người dân ở Ký Châu biết được sự việc này, họ đã vỗ tay khen ngợi Tô Chương là một vị quan thanh liêm, không thiên vị. Còn những quan lại đàn áp ức hiếp người dân, tham nhũng và lạm dụng luật pháp, thì nơm nớp lo sợ, hoang mang không thể chịu nổi dù chỉ một ngày. Nạn tham hủ trong xã hội lập tức biến mất.
(Theo “Tư Trị Thông Giám,” quyển 52”).
Thái thú một đồng tiền: Lưu Sủng
Lưu Sủng, Thái thú quận Hội Kê thời Đông Hán, luôn liêm khiết và phụng sự việc công. Năm ấy, ông sắp rời nhiệm sở và được chuyển về kinh thành để thăng chức. Trước khi rời đi, có năm ông lão tóc bạc trắng nhận ủy thác của lão bá tánh Thành Nam, từ xa xôi đến tiễn Lưu Thái thú.
Lưu Sủng cảm ơn các cụ già và nói với họ: “Những năm này, tôi không làm được gì nhiều cho mọi người. Các vị tuổi tác đã cao thế này mà vẫn còn phải đi một chặng đường dài để tiễn tôi. Tôi thực sự cảm thấy có lỗi.”
Các cụ già nói: “Chúng tôi sống nơi thâm sơn đại cốc, hiếm khi ra bên ngoài. Trước đây, quan lại trong thành chỉ biết tham tiền luyến vật, ngày đêm ham mê dục vọng. Ầm ĩ đến nỗi gà bay chó sủa. Bách tính không được sống yên ổn. Kể từ khi ngài làm Thái thú, quan lại không còn quấy rối bách tính nữa, ngay cả chó ở nông thôn cũng không sủa vào ban đêm. Trong mấy năm qua, chúng tôi được an cư lạc nghiệp. Chúng tôi rất biết ơn Thái thú. Khi nghe tin Thái thú sắp rời đi, mọi người đều luyến tiếc. Do mùa màng bận rộn, nên mọi người ủy thác mấy lão già chúng tôi đến tiễn biệt ngài để bày tỏ tấm lòng.”
Nói xong, mỗi ông lão đưa biếu Lưu Sủng một trăm đồng tiền làm lộ phí, và nói: “Thái thú nhiều năm kham khổ chuyên cần chính sự. Chúng tôi biết ngài về kinh thành không mang theo được mấy đồng tiền, nên mọi người đã gom góp lại một ít biếu ngài làm lộ phí!”
Lưu Sủng xúc động, nói: “Các vị lão nhân quá khen, những gì tôi đã làm được còn rất kém cỏi! Tâm ý của mọi người, tôi xin nhận. Còn số tiền này, tôi không thể nhận, các vị hãy mang về đi.”
Các cụ già không đồng ý, nhất quyết giao tiền cho Lưu Sủng.
Lưu Sủng không còn cách nào khác, đành phải lấy từ trên tay mỗi người một đồng xu làm biểu tượng cho việc đồng ý nhận tiền. Lúc này, các vị lão nhân mới vui vẻ nói lời từ biệt với Thái thú.
Sau khi Lưu Sủng nhìn thấy những lão nhân này đã đi xa, ông nhẹ nhàng bỏ mấy đồng xu vừa nhận được xuống sông.
Khi mọi người biết được chuyện này, họ hết lời khen ngợi và đặt cho Lưu Sủng mỹ danh “Thái thú một đồng tiền.” Địa danh này cũng được đổi thành “Tiền Thanh trấn” để tưởng nhớ ông.
Hiện nay, thị trấn Tiền Thanh ở phía bắc thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, là nơi Lưu Sủng bỏ tiền xuống sông.
(Theo “Hậu Hán thư, quyển 76, Tuần lại truyện, Lưu Sủng Truyện”, “Sơn Âm huyện chí”).
Tảng đá trước cổng phủ Thái thú
Lục Tích (188-219) là học giả nước Ngô thời Tam Quốc, sau này được Tôn Quyền bổ nhiệm làm Thái thú Uất Lâm. Ông là người học rộng biết nhiều, hết lòng với chức vụ đảm nhiệm, thanh liêm chính trực, cả đời thanh bạch. Lão bá tánh ở vùng Uất Lâm đều biết rất rõ về ông, ai ai cũng kính ngưỡng.
Người dân trong phạm vi ông quản lý đều an cư lạc nghiệp, trật tự xã hội rất ổn định. Mấy năm sau đó, Lục Tích chuẩn bị cáo lão hồi hương. Cư nhiên, gia tài của ông trống rỗng. Trước khi rời đi, mọi người giúp ông thu dọn hành lý. Ngoại trừ vài cuốn sách và một ít quần áo cũ, không còn gì thêm.
Vào thời điểm đó, giao thông đường bộ không thuận tiện. Lục Tích tuy không có nhiều đồ đạc nhưng vẫn cần thuê một chiếc thuyền để trở về quê hương bằng đường biển.
Ngày khởi hành, người chèo thuyền đến rất sớm. Lục Tích nhìn thấy người chèo thuyền tới, liền nhanh chóng lên thuyền. Một lúc sau không thấy ai chuyển đồ lên thuyền, người chèo thuyền cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Quan lớn, ngài còn có gì nữa không? Xin gọi người chuyển nhanh lên để chúng ta kịp rời bến, nếu không sẽ lỡ hành trình mất.”
Lục Tích nghe người chèo thuyền nói xong, liền giục: “Vậy thì chèo thuyền nhanh lên. Tôi không có đồ gì nữa!”
Người chèo thuyền vô cùng kinh ngạc, hỏi: “Cái gì cơ? Ngài làm Thái thú Uất Lâm nhiều năm như vậy, lẽ nào vẫn chưa tích lũy được một ít vàng bạc châu báu sao? Chưa mua được một ít tài sản quý giá sao?”
Lục Tích lắc đầu, biểu thị thực sự không còn đồ vật nào nữa. Ông thản nhiên nói: “Tôi thân gánh Vương mệnh, hưởng bổng lộc Vua ban cho mình. Sao có thể xằng bậy lấy tiền bạc của dân được? Vậy nên, mấy năm nay tôi không có gì tích góp.”
Người chèo thuyền nghe vậy, sinh lòng kính phục, sau đó cau mày nói: “Thưa ngài, cái này không thể được! Trên biển sóng to gió lớn, chiếc thuyền này nhẹ như một chiếc lá. Nếu chúng ta chỉ có một tý đồ đạc này mà vượt biển, nếu gặp sóng lớn, thuyền quá nhẹ không thể giữ vững thăng bằng và sẽ gặp rắc rối.”
Lục Tích cảm thấy người chèo thuyền nói có lý, bèn nhìn xung quanh. Quả thật, ông cũng cảm thấy chiếc thuyền thật sự quá nhẹ. Suy nghĩ một lúc, ông chỉ vào một hòn đá lớn trên bãi biển rồi nói: “Anh hãy mang hòn đá đó lên thuyền. Có hòn đá nặng như vậy đè xuống, hẳn là không còn nguy hiểm gì nữa đâu!” Người chèo thuyền bất lực thở dài, và tìm mấy người chuyển tảng đá lớn đó lên thuyền.
Lục Tích trở về quê hương Ngô Quận (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô). Bà con hàng xóm láng giềng cho rằng, ông làm quan lớn nhiều năm, nay vinh quang trở về quê hương, nhất định sẽ mang theo một chiếc thuyền chở đầy bảo vật quý hiếm. Vì vậy, mọi người sốt sắng đến giúp ông dỡ đồ trên thuyền. Không ngờ, ngoài vài cuốn sách và mấy bộ y phục cũ ra, thì chỉ có một tảng đá lớn. Tảng đá này là loại bảo bối gì vậy? Mọi người xì xào bàn luận. Người chèo thuyền bèn giải thích cho mọi người.
Dân làng nghe xong liền không ngớt lời khen ngợi Lục Tích là người thanh bạch liêm khiết trong công việc, và hòn đá này chính là bằng chứng tốt nhất. Vì vậy, dân làng đã giúp ông nhấc tảng đá lớn ra khỏi thuyền và đặt nó ở cổng nhà họ Lục. Nó được gọi là Đá Uất Lâm.
Về sau, tảng đá này trở thành bảo vật gia truyền của gia đình Lục Tích, và tồn tại ở đó hàng trăm năm.