Những vị quan thanh liêm trong lịch sử: Phạm Bàng thời Đông Hán
Vào cuối thời Đông Hán, hoạn quan chuyên quyền, chính trị tăm tối. Trong hoàn cảnh như vậy, Phạm Bàng (137~169) vẫn có thể ở trong vũng bùn mà không bị nhiễm bùn.
Công chính thanh liêm, quét sạch gian tà
Lúc đó, Ký Châu vì mất mùa, dân chúng lầm than, không còn cách nào để mưu sinh, người người liên tiếp tạo phản. Đứng trước tình hình này, triều đình đã bổ nhiệm Phạm Bàng, một người công chính thanh liêm, làm Thanh chiếu sứ, phái ông đến Ký Châu tuần tra.
Khi Phạm Bàng rời kinh nhậm chức, ở ông toát ra thần sắc khẳng khái, nghiêm chính, với hoài bão lớn quét sạch gian tà trong thiên hạ. Khi ông đến biên giới Ký Châu, những Huyện lệnh, Thái thú quận… ngày thường tham ô đã lũ lượt từ quan chạy trốn.
Trong thời gian làm quan ở Ký Châu, Phạm Bàng đã luận tội không ít quan lại bất chính, vậy nên ông rất được lòng dân, cũng được triều đình trọng dụng. Ông được bổ nhiệm làm Duyện thuộc (tên gọi chung chỉ các quan viên dưới quyền thời cổ đại) của Thái úy phủ.
Về sau, Hoàng đế đã hạ chiếu thư lệnh cho các Duyện thuộc của ba phủ Thái úy, Tư đồ, Tư không, đi sâu vào dân gian để điều tra, tìm hiểu những khó khăn của dân chúng cũng như những lợi và hại trong cách quản lý của các quan lại địa phương. Sau khi Phạm Bàng điều tra cẩn thận một đoạn thời gian, tổng cộng hơn hai mươi người bao gồm Thứ sử, Thái thú quận và thân hào giàu có đã bị luận tội.
Khi Thượng thư biết được chuyện này, đã không hề khách khí hỏi Phạm Bàng rằng: “Tại sao ông lại luận tội nhiều người như vậy? Phải chăng có tư tâm gì?” Phạm Bàng nghiêm nghị nói: “Những người mà tôi tố giác và luận tội đều là những kẻ tham ô hủ bại, gian ác tàn bạo, gây hại rất lớn cho bá tánh. Chỉ khi trung thần quét sạch gian tà thì quốc gia mới có nền chính trị thanh minh.”
Tuy nhiên sau sự việc này, Phạm Bàng hiểu rằng thân trong thời loạn thế, lý tưởng của mình căn bản không thể thực hiện, vậy nên đã gửi tấu chương lên Hoàng đế, nói rằng bản thân không xứng với chức vụ, xin từ quan. Không lâu sau, Thái thú quận Nhữ Nam là Tông Tư đã mời ông ra làm Công tào đại lý. Trong thời gian nhậm chức, Phạm Bàng hành sự quyết đoán dứt khoát, quyết tâm chỉnh đốn các quan lại địa phương.
Họa kết bè đảng
Phạm Bàng có một người cháu ngoại tên là Lý Tụng, là hậu duệ của công thần khai triều Bình Tây Vương Lý Thông. Vì Lý Tụng mang tiếng xấu ở quê nhà nên không được quan lại địa phương tiến cử. Vậy nên, anh ta không còn cách nào khác ngoài việc nhờ hoạn quan giúp đỡ để xin Thái thú Tông Tư bổ nhiệm, nhưng Phạm Bàng cho rằng Lý Tụng không thích hợp để làm quan nên đã gác lại thư bổ nhiệm. Tông Tư vì điều này mà nổi trận lôi đình, thậm chí còn tìm Văn thư Chu Linh để trút giận. Chu Linh chịu cơn thống khổ vì da thịt bị đánh, nói rằng: “Phạm đại nhân nói đúng! Ông ấy có pháp tắc, giống như dùng khoái đao trảm hủ lạn vậy. Hôm nay cho dù bị đánh chết, tôi cũng sẽ không làm trái quyết định của Phạm đại nhân.”
Về sau, hoạn quan đã mua chuộc một người tên là Lao Tu, xúi giục anh ta vu cáo hào tộc thế gia Lý Ưng và những người khác kết bè kết đảng phê phán triều đình. Hán Hoàn Đế sau khi biết tin đã rất tức giận, ra lệnh bắt giữ những người được gọi là “bè đảng” kia, chính là sự kiện “đảng cố chi họa” nổi tiếng trong lịch sử (ở đây là chỉ họa kết bè đảng lần đầu tiên trong lịch sử). Lúc đó có hơn hai trăm người đã bị liên lụy, bao gồm cả Đỗ Mật và Phạm Bàng.
Phạm Bàng bị giam trong đại lao, viên quan cai ngục nói với ông: “Phàm là người ngồi trong tù thì đều phải tế bái Cao Đào, Chủ quản hình ngục vào thời Thuấn Đế.” Phạm Bàng bác bỏ, nói rằng: “Cao Đào là một hiền thần chính trực. Ông ấy biết tôi vô tội, sẽ bảo vệ tôi trước mặt Thiên Đế. Nếu như tôi có tội, thì tế bái ông ấy có tác dụng gì!”
Hán Hoàn Đế phái hoạn quan Vương Phủ đến đại lao để thẩm vấn “bè đảng,” muốn tất cả các tù nhân phải đeo hình cụ, tập trung lại để thẩm vấn. Phạm Bàng và Viên Trung từ đằng sau tiến ra phía trước, tình nguyện bị khảo hình trước. Vương Phủ hỏi Phạm Bàng: “Ngươi thân là quan viên của quốc gia, tại sao lại kết bè kết đảng?” Phạm Bàng trả lời: “Tôi nỗ lực làm điều tốt, không ngờ lại có kết cục như thế này. Tôi không còn gì để nói, chỉ hy vọng rằng sau khi tôi chết, hãy chôn tôi cạnh núi Thủ Dương. Như vậy, tôi trên không phụ Thượng Thiên, dưới không hổ thẹn với những hiền nhân đã chết đói ở núi Thủ Dương – Bá Di và Thúc Tề.”
Phạm Bàng từ biệt mẫu thân
Vương Phủ nghe xong không khỏi xúc động, liền tháo tất cả các hình cụ trên người họ. Về sau được lệnh đại xá, hơn hai trăm người bao gồm cả Phạm Bàng đã được trả tự do. Vào năm Hán Linh Đế thứ hai, triều đình lại hạ lệnh quét sạch tất cả “bè đảng,” vì vậy Phạm Bàng lại trở thành mục tiêu. Khi Đốc bưu Ngô Đạo quận Nhữ Nam đến huyện Chinh Khương, quê hương của Phạm Bàng, liền tự nhốt mình trong phòng, ôm lấy chiếu thư khóc lóc thảm thiết.
Sau khi Phạm Bàng nghe được chuyện này, trong lòng thầm nghĩ ông ấy nhất định là không đành lòng bắt mình nên mới như vậy, thế là chủ động đến Huyện nha đầu thú. Khi Huyện lệnh thấy Phạm Bàng tự động đầu thú thì giật mình sửng sốt, vội cởi quan phục và nói với Phạm Bàng rằng: “Thiên hạ lớn như vậy, nhất định có chỗ cho ông dung thân, tại sao ông lại tới đầu thú! Chức quan này ta cũng không muốn làm nữa, chúng ta hãy cùng nhau đi thôi!” Với ngữ khí thập phần bình tĩnh, Phạm Bàng đáp rằng: “Chỉ cần tôi chết, tai họa sẽ theo đó kết thúc, sao có thể để ông phải chịu liên lụy, lại khiến mẹ già lưu lạc tứ phương!”
Trước khi bị đưa đến pháp trường, mẹ của Phạm Bàng đã đến đại lao để từ biệt ông. Phạm Bàng nói với mẹ rằng: “Đệ đệ rất hiếu thuận, có thể chăm sóc mẫu thân, còn con có thể xuống lòng đất cùng với phụ thân rồi. Xin mẫu thân hãy cắt đứt mối ân tình khó chia khó xả, đừng đau buồn thêm nữa.”