Những tác hại khôn lường khi trẻ em sử dụng thiết bị điện tử
Hàng năm mỗi khi trẻ em được kiểm tra định kỳ, nếu được hỏi “Trẻ có xem các loại màn hình điện tử như điện thoại di động, máy tính và TV hơn hai giờ mỗi ngày không?”, thì câu trả lời của phụ huynh luôn là: “Tất nhiên, đâu chỉ có hai giờ”.
Đây dường như đã là một hiện tượng bình thường, và trẻ không xem màn hình điện tử thì mới là bất thường. Ngay cả những em bé dưới một tuổi cũng không ngoại lệ, cha mẹ thường có thói quen lấy điện thoại ra để dỗ trẻ mỗi khi chúng quấy khóc, mè nheo. Chiếc điện thoại thông minh của cha mẹ đã trở thành “chiếc núm vú giả” của trẻ em.
Những ảnh hưởng lâu dài của việc cho trẻ xem màn hình điện tử quá sớm là gì? Rốt cuộc xem bao nhiêu mới là quá nhiều? Làm thế nào để phụ huynh có thể kiểm soát việc con trẻ thường xuyên dùng điện thoại di động và máy tính bảng?
Xem màn hình điện tử quá nhiều có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ.
Ngay từ năm 2018, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về tác động của màn hình điện tử đối với trẻ em. Họ phát hiện ra rằng nếu trẻ dành quá nhiều thời gian cho màn hình điện tử mỗi ngày, năng lực ngôn ngữ và tư duy của trẻ sẽ bị giảm sút đáng kể.
Trẻ em dưới 3 tuổi về cơ bản đều học “kỹ năng sống” bằng cách quan sát và bắt chước người khác. Não bộ trong thời thơ ấu phát triển rất nhanh, bằng cách quan sát môi trường sống xung quanh, trẻ sẽ nâng cao khả năng nhận thức và tương tác đối với thế giới. Ngược lại, thông tin do màn hình điện tử đưa ra là nội dung mang tính giải trí khá cao, dù là video giáo dục thì trẻ cũng chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Cách giáo dục một chiều, thiếu tương tác này sẽ dẫn đến tư duy của trẻ bị hạn hẹp, thiếu trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
Giai đoạn phát triển ngôn ngữ quan trọng nhất là giai đoạn mầm non dưới 5 tuổi. Sự phát triển của ngôn ngữ phải có sự tương tác, nghĩa là ngoài khả năng lĩnh hội ngôn ngữ như “nghe hiểu”, còn phải có khả năng biểu đạt ngôn ngữ bằng cách “nói”. Rất nhiều trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, tức là có thể nghe hiểu nhưng không diễn đạt được, đây chính là trở ngại mà giáo dục một chiều có thể gây ra.
Xem quá nhiều màn hình điện tử trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến thiếu ngủ. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng học tập trong ngày, khó tập trung, khả năng đọc viết và làm bài tập về nhà cũng giảm sút, hơn nữa còn có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ.
Giấc ngủ kém kết hợp với việc ít vận động ngoài trời sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, xem màn hình điện tử quá nhiều khiến trẻ dễ mắc chứng lo âu và trầm cảm. Nếu trẻ thường xuyên xem một số video có nội dung không lành mạnh như có xu hướng bạo lực v.v., thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ.
Chìa khóa để giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ: Cha mẹ cần làm gương
Bao nhiêu thời gian xem màn hình điện tử là quá nhiều cho trẻ? Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 02 tuổi không nên tiếp xúc và xem bất kỳ màn hình điện tử nào, kể cả điện thoại di động; trẻ em trên 02 tuổi thì chỉ nên giới hạn trong hai giờ mỗi ngày. Cha mẹ nên làm thế nào để hạn chế?
Bài viết do Bác sĩ Hoàng Ngạn Hồng (Grace Yen Hoong Ooi), Giám đốc phòng khám Nhi khoa Hạnh Phúc tại New York, cung cấp.
Lý Giai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ