Những người dân bị phong tỏa ở Tân Cương không thể về quê trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh
Nhiều người ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc không thể về thăm quê trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, còn được gọi là ‘Tuần lễ vàng Quốc khánh” bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng Mười, vì các biện pháp kiểm soát zero COVID-19 mà nhà cầm quyền nước này đang thực hiện. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong dân chúng để phản đối những cuộc phong tỏa không có hồi kết.
Phần lớn Tân Cương, là quê hương của của đa số người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, đã bị phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 50 ngày.
Anh Quốc, đến từ tỉnh Tứ Xuyên nhưng làm việc ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), Tân Cương, nói với The Epoch Times hôm 29/09 rằng vì khu phố mà anh sống hiện vẫn bị phong tỏa, nên anh ấy không được phép trở về quê thăm gia đình trong “Tuần lễ vàng Quốc khánh”.
“Không ai biết khi nào lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ. Chúng tôi phải làm xét nghiệm PCR mỗi ngày, bị giam hãm ở trong nhà, và không được phép rời khỏi khu phố. Mọi người đang phát điên. Đúng là thảm cảnh.”
Anh Quốc, người chỉ cung cấp họ của mình cho The Epoch Times vì sợ bị trả đũa, lưu ý rằng một số khu phố đã bị phong tỏa trở lại sau khi lệnh phong tỏa tạm thời được dỡ bỏ.
Bị mắc kẹt mà không có thức ăn
Anh Quốc nói rằng vì hoạt động đi lại bị hạn chế nghiêm ngặt, nên chuyện rời khỏi Tân Cương để về quê là rất khó thực hiện.
“Đi về quê tôi (Tứ Xuyên) cũng rắc rối lắm,” anh nói. “Không phải mỗi chuyện là tôi phải trả tiền cho việc cách ly; mà điều quan trọng là người dân ở đó sợ những người trở về từ Tân Cương [nơi ghi nhận có ca mắc COVID-19]. Bây giờ muốn rời khỏi Tân Cương cũng khó. Trạm kiểm soát đặt ở khắp mọi nơi.”
Anh Quốc nói với The Epoch Times rằng cuối cùng anh đã quyết định không về quê thăm gia đình trong năm nay, trong bối cảnh Tân Cương không có lương thực.
Anh nói, “Chính quyền Tân Cương rất tham nhũng, và có rất nhiều nhân viên trong ủy ban khu phố tự ý bán lại các túi rau dùng để phân phát cho người dân với giá 30 nhân dân tệ một túi và biển thủ số tiền đó cho riêng mình. Mặt hàng gì cũng tăng giá. Có khi trong túi có tiền mà chẳng tìm được thực phẩm để mua, chưa kể có những lúc siêu thị và cửa hàng còn không được phép mở cửa. Tóm lại, chuyện này thật kinh khủng.”
Các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa vô thời hạn
Ông Lý, một cư dân khác ở Ô Lỗ Mộc Tề, người chỉ cung cấp họ của mình vì sợ bị trả đũa, nói với The Epoch Times hôm 29/09 rằng các khu vực địa phương đã bị phong tỏa trong hơn hai tháng. Mới đây, người dân nhiều nơi đã xuống đường biểu tình và bị trấn áp.
“Vì nhiều người không có lương thực và nguồn thu nhập, họ đã biểu tình ở cả cộng đồng dân cư và huyện yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa,” ông Lý nói. “Trong khi cuộc biểu tình diễn ra, nhân viên chống dịch và cư dân đã xảy ra xô xát, sau đó họ đã đưa những người dân đó đi, lôi cổ họ đi!”
Hôm 25/09, một số lượng lớn người dân đã tràn ra các tuyến đường trong khu Vương Gia Lương ở Ô Lỗ Mộc Tề, để phản đối cuộc phong tỏa kéo dài gần hai tháng. Có người đã quỳ trước các nhân viên chống dịch của chính phủ và than khóc rằng “cả nhà tôi không thể sống được nữa.” Đoạn video này được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trước sức ép của dư luận, chính quyền địa phương đã dỡ bỏ phong tỏa ở khu vực đó.
“Mặc dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ ở một số khu phố, nhưng nó vẫn tiếp tục được duy trì ở nhiều khu vực lân cận khác,” ông Lý nói. “Chúng tôi đã bị cách ly tại nhà hơn hai tháng, và kỳ lạ thay, một số cư dân trong khu phong tỏa vẫn cho kết quả dương tính. Nhiều người chỉ bị cảm lạnh nhưng xét nghiệm dương tính với COVID. Điều đó dẫn đến những người khác sống trong cùng khu phố đó cũng bị cách ly ở nhà.”
“Các nhân viên của ủy ban khu phố thậm chí còn nói với chúng tôi rằng họ không hiểu tại sao một số cư dân vẫn có kết quả dương tính ngay cả khi tất cả cư dân đã được cách ly ở nhà trong hai tháng.”
Ông cũng nói rằng đợt phong tỏa này dường như kéo dài vô thời hạn.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times