Những lo ngại về thuế quan xe điện phủ bóng đen lên mối quan hệ EU-Trung Quốc
Liên minh Âu Châu dự kiến sẽ công bố mức thuế quan đối với xe điện Trung Quốc vào đầu tháng Sáu trong bối cảnh xói mòn niềm tin trong mối quan hệ EU-Trung Quốc.
Liên minh Âu Châu dự kiến sẽ công bố mức thuế quan đối với xe điện (EV) của Trung Quốc vào đầu tháng Sáu như một kết quả của cuộc điều tra chống trợ cấp mà Ủy ban Âu Châu tiến hành vào tháng Mười năm ngoái (2023).
Cuộc điều tra nhằm mục đích tìm hiểu xem liệu xe điện Trung Quốc xuất cảng sang thị trường EU có đang được trợ cấp quá mức, để dẫn đến các hoạt động thương mại không công bằng, hay không.
Trong khi EU vẫn đang điều tra về vấn đề này thì Hoa Kỳ đã sớm đi đến kết luận đó và đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc từ 25% lên 100% vào giữa tháng Năm. Mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 01/08. Các sản phẩm khác của Trung Quốc, như thép, nhôm, pin quang năng, và các vật tư y tế quan trọng cũng bị tăng thuế quan.
Trước khi ký sắc lệnh hôm 14/05, Tổng thống Joe Biden nói: “Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho tất cả những sản phẩm này, thúc đẩy các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều hơn mức mà phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ, sau đó bán phá giá các sản phẩm dư thừa ra thị trường với mức giá thấp không công bằng, khiến các nhà sản xuất khác trên thế giới bị phá sản.”
Hành động của Hoa Kỳ phần lớn là mang tính phòng ngừa vì xe điện do Trung Quốc sản xuất vẫn còn hiếm trên thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc ở châu Âu.
Theo Rhodium Group, một công ty nghiên cứu tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc, năm ngoái xe điện sản xuất tại Trung Quốc chiếm khoảng 20% thị trường Âu Châu. Báo cáo của họ cũng cho biết về mục tiêu của BYD — nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc — đó là tăng thị phần xe điện ở châu Âu lên 10%, tương đương với 920,000 chiếc EV vào năm 2030.
Theo Ủy ban Âu Châu, xe điện Trung Quốc rẻ hơn 20% so với các mẫu xe điện Âu Châu. BYD, nhà sản xuất EV lớn nhất Trung Quốc, đang chuẩn bị giới thiệu chiếc hatchback chạy điện Seagull giá hời của họ ra thị trường Âu Châu vào năm 2025 với mức giá dưới 20,000 euro (khoảng 21,500 USD).
Ông Diệp Diệu Nguyên (Yao-Yuan Yeh), giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Houston, dự đoán Ủy ban Âu Châu sẽ tìm thấy bằng chứng về việc Trung Quốc trợ cấp xe điện quá mức và áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch đối với xe điện Trung Quốc.
Theo quan điểm của ông, mức thuế mà châu Âu sẽ áp dụng đối với xe điện Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn mức thuế của Hoa Kỳ vì các nền kinh tế định hướng xuất cảng như Đức dễ bị tổn thương hơn trước các biện pháp trả đũa của Trung Quốc.
Ông cho rằng mức thuế tiềm năng của EU có thể lên tới 80%, trong khi Rhodium Group ước tính mức thuế này phải ở mức từ 45 đến 55% để tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa xe điện của Trung Quốc và xe điện Âu Châu.
Phản ứng ‘thống nhất’
Các nhà lãnh đạo thế giới đã thừa nhận rằng họ cần hợp tác để giải quyết tình trạng dư thừa công suất xe điện xuất cảng của Trung Quốc.
Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 hồi cuối tháng Năm, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã kêu gọi phản ứng chung của G7 trước tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc theo “cách thức thống nhất và mang tính chiến lược.”
Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cũng kêu gọi thành lập một “mặt trận thống nhất” chống lại các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc nhưng cảnh báo “tránh bất kỳ hình thức chiến tranh thương mại nào.” Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng có chung mối lo ngại; ông nói thêm rằng “chỉ có những kẻ thua cuộc trong các cuộc chiến tranh thương mại; những cuộc chiến như vậy là không thể thắng.”
Tại hội nghị kinh doanh ngày 25/05, Bộ trưởng Công nghiệp Ý Adolfo lên tiếng kêu gọi châu Âu làm theo chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Vương quốc Anh đang xem xét một cuộc điều tra chống trợ cấp tương tự.
Xói mòn niềm tin giữa EU và Trung Quốc
Vấn đề thuế quan xe điện phát sinh vào thời điểm quan hệ EU-Trung Quốc vừa bước sang một giai đoạn khác. Chính sách ban hành năm 2019 đã đánh dấu sự thay đổi, khi EU xem Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ có hệ thống.” Trước đó, Liên minh Âu Châu đã tiến hành hợp tác kinh tế với Trung Quốc và xem Trung Quốc là một đối tác chiến lược trong hơn một thập niên.
Tháng Chín năm ngoái (2023), trong Thông điệp Liên minh của bà, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng “thị trường toàn cầu đang tràn ngập xe điện rẻ hơn” với mức giá thấp giả tạo do “các khoản trợ cấp nhà nước to lớn” trước khi công bố mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc.
Để phản đối hành động của EU, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhựa Formaldehyde nhập cảng từ Hoa Kỳ và EU hồi tháng Năm, đồng thời điều tra rượu mạnh của Pháp vào tháng Một. Truyền thông nhà nước hôm 25/05 cũng cho biết Trung Quốc dự định sẽ tiến hành điều tra bán phá giá đối với thịt heo nhập cảng từ EU.
Theo ông Diệp, bất chấp các cuộc điều tra trả đũa, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU vẫn chưa đến mức đối đầu hoàn toàn.
“Tôi nghĩ mối quan hệ giữa song phương đang bế tắc. Mặc dù mối quan hệ này sẽ không cải thiện nhưng nó cũng sẽ không hoàn toàn xấu đi thành hai thái cực trong thương mại và đầu tư,” ông nói với The Epoch Times. Ông nói thêm rằng “Hoa Kỳ đang tác động để EU kháng cự Trung Quốc, nhưng châu Âu vẫn xem Nga là mối đe dọa lớn nhất.”
Bà Janka Oertel, người đứng đầu Chương trình Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu (ECFR), đã viết trong báo cáo tháng Một của bà rằng “vấn đề về niềm tin đã trở thành một đặc điểm chính trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.”
Trong báo cáo của mình, bà cho biết các quốc gia thành viên EU nên nhớ lại trải nghiệm của họ về loại bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc khỏi việc khai triển mạng lưới 5G vào năm 2019 và 2020: “Cuối cùng, những người ra quyết định ở châu Âu đã kết luận rằng niềm tin — hoặc việc họ thiếu niềm tin vào sản phẩm của Trung Quốc — là một yếu tố quyết định.”
Bà cảnh báo rằng rủi ro bảo mật liên quan đến xe điện Trung Quốc sẽ khó giải quyết hơn thiết bị viễn thông trong mạng 5G.
‘Điện thoại thông minh trên những bánh xe’
Bà Megan Khoo, cựu nhà phân tích quốc phòng, hiện là cố vấn về nghiên cứu và chính sách của Hong Kong Watch, nói với The Epoch Times rằng số lượng xe điện ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ đe dọa đến cơ sở hạ tầng giao thông theo cách tương tự như cách Huawei đe dọa mạng lưới viễn thông của châu Âu.
Hồi tháng Hai, gọi xe điện là “điện thoại thông minh trên những bánh xe” “được kết nối”, Tổng thống Biden đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra xem liệu xe điện Trung Quốc có gây ra rủi ro về dữ liệu hoặc cơ sở hạ tầng cho Hoa Kỳ hay không.
Nghị viện Anh đang xem xét vấn đề tương tự. Hồi tháng Một, Viện Ngành công nghiệp Xe hơi, một nhóm vận động thay mặt cho các nhân viên trong ngành xe hơi, đã viết trong một bản đệ trình lên Ủy ban Liên hợp về Chiến lược An ninh Quốc gia của Vương quốc Anh: “Việc xe điện được kết nối của Trung Quốc tràn ngập khắp đất nước có thể là Con ngựa thành Troy hiệu quả nhất mà giới lãnh đạo Trung Quốc nắm giữ trong tay để tác động đến Vương quốc Anh.”
Theo Luật phản gián của Trung Quốc, BYD hoặc bất kỳ công ty xe điện nào khác của Trung Quốc đều có nghĩa vụ phải giao nộp dữ liệu về người dùng ngoại quốc theo luật nếu được chính quyền yêu cầu.
Bà Khoo kêu gọi các quốc gia Âu Châu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt đối với việc sử dụng xe điện Trung Quốc tại các khu vực nhạy cảm nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh tiềm ẩn.