Những hoạt động giải trí lành mạnh này tốt hơn nhiều so với xem TV
Người hiện đại rất coi trọng các hoạt động giải trí, sau khi làm việc bận rộn, họ hy vọng có thể sử dụng các hoạt động giải trí để thư giãn và tự thưởng cho bản thân. Nhưng theo khảo sát, hoạt động giải trí phổ biến nhất lại là xem TV, giao tiếp xã hội và sử dụng máy tính.
Các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên dành thời gian rảnh rỗi hiện có để tham gia vào các hoạt động có lợi cho sức khỏe thể chất, tinh thần và não bộ. Bởi vì những hoạt động này không chỉ có thể giải tỏa căng thẳng mà còn có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), các hoạt động giải trí hàng ngày của người Mỹ trên 15 tuổi bao gồm xem TV, giao tiếp xã hội, sử dụng máy tính, chơi game, đọc sách hoặc tập thể dục. Nam giới dành 6 giờ mỗi ngày cho các hoạt động giải trí, nữ giới thì khoảng 5 giờ mỗi ngày, người già trên 75 tuổi là 8 giờ mỗi ngày, những người trung niên bận rộn nhất từ 35-44 tuổi cũng giành 4 giờ mỗi ngày để giải trí.
Xem TV xếp vị trí đầu trong danh sách các hoạt động giải trí, chiếm trung bình gần 3 giờ mỗi ngày, tức là hơn một nửa thời gian trung bình dành cho giải trí. Xếp thứ hai là giao tiếp xã hội, chiếm khoảng 38 phút mỗi ngày. Còn về đọc sách, người già trên 75 tuổi đọc ít nhất 1 giờ mỗi ngày, thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi thì chỉ đọc 8 phút mỗi ngày.
Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hoạt động giải trí nào là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng trong cuộc sống với nhịp độ nhanh như ngày nay, chúng ta thật sự cần phân bổ thời gian rảnh rỗi để tham gia vào các hoạt động sau, để bộ não của chúng ta cũng có thể “giải trí” một chút, đồng thời điều hòa tâm trí và cơ thể.
Chơi nhạc và sáng tác
Một nghiên cứu mới cho thấy việc chơi một nhạc cụ hoặc hát trong dàn đồng ca (không chỉ là nghe các bài hát) đều có thể mang lại lợi ích cho não bộ về nhiều phương diện.
Nghiên cứu vào năm 2003 của nhà thần kinh học Gottfried Schlaug thuộc Đại học Harvard đã phát hiện ra rằng, các nhạc sĩ chuyên nghiệp trưởng thành có thể tích phần chất xám trong bộ não lớn hơn so với những người không phải là nhạc sĩ.
Theo tạp chí National Geographic, việc cho trẻ 15 tháng tuổi luyện tập âm nhạc có thể tạo ra những thay đổi về cấu trúc trong não liên quan đến thính giác. Nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Khoa học Thần kinh Thính giác của Đại học Northwestern đã cung cấp những bằng chứng trực tiếp chứng minh rằng: việc đào tạo âm nhạc có thể sinh ra tác dụng sinh học đối với hệ thần kinh đang phát triển của trẻ em, giúp định hình lại bộ não từ đó cải thiện khả năng nhận biết âm thanh.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng chơi một nhạc cụ càng lâu thì lợi ích thu được càng lớn, ngay cả sau khi ngừng chơi. Các nhà nghiên cứu cho rằng thời điểm tốt nhất để học một nhạc cụ là trước 9 tuổi. Nhưng ngay cả khi lớn tuổi thì học một nhạc cụ vẫn có thể làm tăng sức mạnh của não bộ.
Bà Jennifer Bugos, trợ lý Giáo sư giáo dục âm nhạc tại Đại học Nam Florida đã nghiên cứu tác động của việc chơi piano đối với những người lớn trong độ tuổi từ 60 đến 85. Sau 6 tháng học piano, trí nhớ, sự lưu loát trong lời nói, tốc độ giải quyết thông tin, khả năng lập kế hoạch và các chức năng nhận thức khác của những người tham gia đều có những tiến bộ lớn so với những người không học piano.
Học ngôn ngữ thứ hai
Học ngôn ngữ thứ hai là một hoạt động khác giúp tăng cường sức khỏe não bộ và khả năng nhận thức. Không quan trọng bạn ở độ tuổi nào hay nói năng có lưu loát hay không, chỉ cần cố gắng học những điều cơ bản là có thể sinh ra tác dụng tích cực.
Không ít báo cáo cũng chứng minh rằng việc học ngôn ngữ có thể cải thiện khả năng đọc, khả năng nói lưu loát và trí thông minh tổng thể, đồng thời còn có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh Alzheimer. Ngoài ra, một số khoa học gia cho rằng (học song ngữ) buộc não phải chú ý đến cả hai ngôn ngữ, có thể loại bỏ những thông tin không liên quan và tập trung vào những thông tin quan trọng. Những kỹ năng này sẽ giúp người học song ngữ sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc tốt hơn, từ đó có khả năng làm nhiều việc một lúc hơn.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những người học song ngữ có nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh, có trí tuệ cảm xúc (EQ) và kỹ năng ra quyết định vượt trội.
Tham gia các hoạt động nghệ thuật hoặc thủ công
Khi chúng ta hoàn toàn tập trung vào một công việc phức tạp, bộ não sẽ quên đi những tác nhân gây căng thẳng khác. Một số chuyên gia cho rằng các hoạt động như đan lát, may vá sẽ giúp kích hoạt não bộ, giảm lo lắng và giúp tiến vào trạng thái tập trung, bình tĩnh và hạnh phúc.
Trong bài diễn giảng tại TED vào năm 2004, nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đã nói rằng: “Khi chúng ta đang làm công việc cần sự sáng tạo, khi bạn biết rằng những gì bạn muốn làm là khả thi, thì ngay cả khi công việc khó khăn, bạn cũng sẽ quên đi thời gian và bản thân, bởi vì bạn hòa mình vào nó”.
Nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng Catherine Carey Levisay cho rằng những hoạt động thủ công này có thể kích thích một số vùng não, chẳng hạn như trí nhớ, lực chú ý, xử lý hình ảnh không gian, khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Các nghiên cứu đã cho thấy tham gia vào các hoạt động sáng tác nghệ thuật như vẽ tranh, điêu khắc… có thể có những tác động tích cực tương tự đối với não bộ.
Đọc sách
Hầu hết mọi người đều nhận thức được lợi ích của việc đọc sách, nhưng có thể không thực hiện vì họ không biết rõ nó có lợi như thế nào. Kỳ thực, đọc là một hoạt động có tính phức tạp cao, cần nhiều vùng não cùng hoạt động, vậy nên có thể kích hoạt trí não, kích thích sự phát triển của các dây thần kinh não bộ, tăng cường khả năng tư duy.
Ngoài ra, đọc sách có thể giúp bạn hiểu hơn về niềm tin, ý định và mong muốn của mình, đồng thời cũng có thể so sánh nội tâm của bản thân mình với người khác. Nhất là khi đọc một cuốn tiểu thuyết, trải nghiệm hòa mình vào tình tiết của các nhân vật trong tiểu thuyết sẽ làm tăng sự đồng cảm của chúng ta.
Sudoku hay giải ô chữ không tốt cho não
Khái niệm về “Sudoku” của đa số mọi người chắc chắn không tách rời việc suy đoán các con số theo chiều dọc và chiều ngang, từ đó kích thích não bộ và trí nhớ. Tuy nhiên, những lợi ích kiểu này về thực chất là có phần hơi phóng đại.
Mặc dù trò chơi giải ô chữ sẽ cải thiện khả năng điền số, nhưng vì nó không sử dụng nhiều vùng não nên bản thân nó không giúp ích gì nhiều cho việc học tập. Vì vậy, nếu bạn vẫn thích chơi Sudoku hoặc giải ô chữ, tốt nhất bạn nên kết hợp việc học các kỹ thuật mới với sự sáng tạo để cải thiện kỹ năng nhận thức của mình.
Trò chơi điện tử tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mặc dù chơi trò chơi điện tử giúp cải thiện khả năng tập trung thị giác, nhưng đây có thể là do các game thủ sử dụng phần nhân đuôi của não nhiều hơn vùng hồi hải mã. Những người ỷ lại vào nhân đuôi có ít chất xám hơn và hoạt động chức năng não ở hồi hải mã thấp hơn. Điều này có nghĩa là chơi trò chơi điện tử trong thời gian dài có thể làm giảm sự phối hợp của hồi hải mã và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Thiền định
Thiền định giống như một môn tập luyện hơn là một sở thích, nhưng đây lại là cách hiệu quả nhất để định hình và thống nhất lại não bộ. Tiến sĩ Rebecca Gladding, một chuyên gia về bệnh trầm cảm, nói rằng tĩnh tọa 15~30 phút mỗi ngày có thể định hình lại kết nối của các vùng khác nhau trong não, cải thiện phản ứng cũng như phong cách ứng xử của người ngồi thiền với môi trường xung quanh.
Khi chúng ta ngồi thiền, hệ thống thần kinh sẽ xảy ra một số thay đổi: Đầu tiên, thiền định có thể tăng cường kết nối giữa các vùng khác nhau của não, điều chỉnh phản ứng của chúng ta với cảm xúc, khiến chúng ta nhìn nhận mọi thứ lý tính hơn, cân bằng hơn và ít “tự cho mình là trung tâm” hơn. “Tự cho mình là trung tâm” là một phần của não bộ, không ngừng cân nhắc đến bản thân, cũng như quan điểm và trải nghiệm của bản thân. Do đó, khi có một số nỗi sợ hãi tiềm ẩn hoặc sự việc đáng sợ xảy ra, thiền định có thể khiến chúng ta bớt lo lắng và có thể đối phó với chúng một cách lý tính và toàn diện hơn.
Thứ hai, thiền định giúp phá vỡ mối liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ giữa “tự cho mình là trung tâm” với trung tâm chi phối cảm giác/sợ hãi của cơ thể trong não bộ. Tác dụng của liên kết này là bất cứ khi nào chúng ta lo lắng về điều gì đó, chúng ta đều nhìn nhận lại vấn đề ở bản thân mình.
Trên thực tế, thiền định có thể cải thiện mối liên hệ giữa “tự cho mình là trung tâm” và phần não bộ xử lý thông tin về những người khác biệt, cũng chính là gia tăng sự đồng cảm. Điều này giải thích tại sao ngồi thiền có thể làm tăng sự đồng cảm của chúng ta với người khác, giúp chúng ta nhìn mọi thứ từ vị trí của người khác, nhất là đối với những người có quan điểm bất đồng.