Những giấc mơ viết lại lịch sử khoa học (Phần 2)
Tiếp theo Phần 1.
Giấc mơ đối với nhiều người vẫn còn rất bí ẩn, có người trong mơ đi đến Thiên Đường và Địa ngục, cũng có người dự đoán được tương lai qua giấc mơ. Ngoài ra, giấc mơ còn có thể truyền cảm hứng cho con người và từ đó thay đổi thế giới. Rất nhiều tri thức trong khoa học ngày nay kỳ thực đều lấy cảm hứng từ những giấc mơ. Dưới đây là 7 khoa học gia được truyền cảm hứng như vậy.
Trong phần trước, chúng ta đã biết đến những giấc mơ của Einstein, Mendeleev và Niels Bohr. Trên thực tế, ngoài những nhà vật lý và hóa học này, một số nhà toán học và sinh học khác cũng có được linh cảm đến từ những giấc mơ.
4. Hoàng tử Toán học Carl Gauss
Trong giấc mơ của mình, nhà toán học người Đức Carl Gauss đã nhìn thấy rõ ràng định luật cảm ứng từ, cũng chính là định luật Gauss nổi tiếng.
5. Nhà toán học thiên tài người Ấn Độ Ramanujan
Nhà toán học thiên tài Srinivasa Ramanujan sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Nam Ấn Độ vào năm 1887. Tương truyền, đã có một nữ Thần xuất hiện trong giấc mơ và chỉ cho ông các công thức về toán học. Vào thời điểm đó, người Ấn Độ không hiểu những công thức này, nhưng Hardy, một nhà toán học tại Đại học Cambridge, đã rất chấn động khi nhận được bức thư của Ramanujan vào năm 1913. Nhà toán học người Mỹ gốc Ấn Alladi đã đề cập đến câu chuyện này trong luận văn đăng trên tạp chí của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ.
Mẹ của Ramanujan cũng có một giấc mơ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của con trai bà. Ông Thayer Watkins, giáo sư kinh tế tại Đại học San Jose State đã viết trong một luận văn rằng: “Mẹ của Ramanujan đã mơ thấy con trai mình đang ngồi giữa một nhóm người Âu Châu với một vầng hào quang khổng lồ trên thân, điều này khiến bà tin rằng con trai mình sẽ đến Anh quốc.”
6. Otto Loewi, cha đẻ của khoa học thần kinh
Sự ra đời của ngành sinh học thần kinh cũng liên quan đến một giấc mơ. Tiến sĩ Otto Loewi được biết đến như là cha đẻ của ngành khoa học thần kinh. Ông đưa ra giả thuyết rằng các xung thần kinh có thể là một loại dẫn truyền hóa học, nhưng không biết làm thế nào để chứng minh điều đó.
Vào năm 1920, Otto Loewi đã có hai giấc mơ trong hai đêm liên tiếp. Trong mơ ông đã thiết kế một thí nghiệm sinh học để chứng minh lý thuyết của mình. Ngay sau đó, ông đã đưa nó vào thực tế, kết quả của thí nghiệm cho thấy các dây thần kinh không hề tác động trực tiếp lên cơ mà là thông qua cách thức giải phóng vật chất hóa học.
Khám phá này đã mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới, nhờ đó Tiến sĩ Loewi đã đạt giải Nobel về Sinh lý học và Y học vào năm 1936.
7. Giấc mơ về hóa thạch cá
Nhà sinh vật học và địa chất học người Mỹ gốc Thụy Sỹ Louis Agassiz từng nghiên cứu một khối hóa thạch cá chỉ lộ một phần cấu trúc. Agassiz không thể nhìn thấy đặc điểm của nó, và không thể tưởng tượng được cấu tạo của con cá rốt cuộc là như thế nào.
Ông chần chừ không dám mài khối hóa thạch, vì một khi làm thế thì có thể gây ra thiệt hại không thể sửa chữa được cho mẫu vật. Sau đó, trong ba đêm liên tiếp, ông đã nhìn thấy tất cả các đặc điểm của con cá trong giấc mơ của mình. Vợ ông, bà Elizabeth, đã viết trong hồi ký của mình rằng: “Hai đêm đầu tiên, anh ấy thức dậy và không thể nghĩ ra hình dạng của con cá. Vào đêm thứ ba, anh ấy đã chuẩn bị sẵn giấy bút để ghi lại những gì mình thấy trong mơ.”
“Anh ấy vội vã đến vườn bách thảo, và dưới sự hướng dẫn của bản phác thảo bằng tay, anh ấy đã bóc thành công bề mặt của khối hóa thạch. Nó vừa vặn là những phần còn lại của con cá, con cá hóa thạch đã lộ ra hoàn toàn trùng hợp với giấc mơ của anh ấy.”
Trương Tiểu Thanh thực hiện
Tô Minh Chân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ