Những điểm then chốt từ bản cáo trạng truy tố cựu TT trong sự kiện ngày 06/01
Bản cáo trạng mới nhất dành cho cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc ông tham gia vào các âm mưu phạm tội liên quan đến nỗ lực phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Tuy rằng trong bản cáo trạng, Biện lý Đặc biệt Jack Smith thừa nhận ông Trump có quyền công khai tuyên bố gian lận bầu cử và phản đối kết quả bầu cử thông qua các biện pháp “hợp pháp,” nhưng công tố viên này cũng cáo buộc rằng các hành động của cựu tổng thống đã vượt qua giới hạn hợp pháp.
Bản cáo trạng gồm bốn cáo buộc (pdf) cho rằng ông Trump âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, âm mưu cản trở việc xác nhận phiếu bầu vào ngày 06/01, và âm mưu chống lại quyền bầu cử. Cáo buộc đầu tiên có mức án tối đa là 5 năm tù, cáo buộc thứ hai và thứ ba, mỗi cáo buộc có mức án tối đa là 20 năm tù, trong khi cáo buộc cuối cùng có mức án tối đa là 10 năm tù.
Bản cáo trạng cáo buộc: “Mục đích của âm mưu này là lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách sử dụng các tuyên bố sai sự thật có chủ ý về gian lận bầu cử.”
Bản cáo trạng dài 45 trang này cũng nêu tên sáu “đồng phạm” không được nêu tên. Mặc dù vậy, năm trong số sáu người đó có thể được xác định dựa trên các mô tả và ngữ cảnh: ông Rudy Giuliani, luật sư cũ của ông Trump; các luật sư John Eastman, Sidney Powell, và Kenneth Cheseboro, và ông Jeffrey Clark, một cựu luật sư dân sự của Bộ Tư pháp.
Cáo buộc rằng ông Trump biết ‘các tuyên bố là sai sự thật’
Ông Smith cáo buộc cựu tổng thống và đồng phạm đã đưa ra một loạt “tuyên bố sai sự thật có chủ ý” về gian lận bầu cử. Bản cáo trạng đề cập đến những tuyên bố cụ thể của ông Trump và các đồng minh của ông về tình trạng gian lận cử tri ở các tiểu bang như Georgia, Pennsylvania, Michigan, và Arizona.
Để chứng minh cho cáo buộc rằng ông Trump biết những tuyên bố này là sai sự thật, bản cáo trạng liệt kê nhiều trường hợp mà các quan chức và cố vấn đã nói với tổng thống đương thời rằng “những tuyên bố của ông ấy là không đúng sự thật.”
Những người đó bao gồm các nhân viên cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông, các nhà lập pháp tiểu bang, Phó Tổng thống Mike Pence, các luật sư cao cấp của Tòa Bạch Ốc, lãnh đạo DOJ, Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe, và Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (CISA). Giám đốc của CISA đã bị ông Trump sa thải sau khi vị này đã công khai tuyên bố rằng các chuyên gia an ninh bầu cử tin rằng các tuyên bố gian lận là “không có cơ sở.”
Luật sư của ông Trump, ông John Lauro, đã bác bỏ cáo buộc rằng cựu tổng thống cố tình nói dối về cuộc bầu cử.
“Tôi muốn họ cố gắng chứng minh ngoài sự nghi ngờ hợp lý rằng ông Donald Trump tin rằng những cáo buộc này là sai sự thật,” ông Lauro nói với Fox News hôm thứ Ba (01/08).
“Ông ấy đã thấy được gì trong thời gian thực tế? Ông ấy thấy những thay đổi trong thủ tục bầu cử được cấp hành pháp — những người ở cấp tiểu bang, các quan chức bầu cử, chứ không phải các cơ quan lập pháp tiểu bang — thực hiện ngay giữa cuộc chơi.”
Kế hoạch đại cử tri thay thế
Bản cáo trạng cũng nhắm vào một kế hoạch được nhóm của ông Trump thông qua hồi tháng 12/2020 nhằm đệ trình một danh sách các đại cử tri thay thế ở bảy tiểu bang có kết quả bầu cử bị tranh chấp.
Theo bản cáo trạng, mục tiêu của kế hoạch này là “tạo ra một cuộc tranh cãi giả mạo trong quá trình chứng nhận [kết quả bầu cử] và đặt Phó Tổng thống — chủ trì với tư cách là Chủ tịch Thượng viện vào ngày 06/01/2021 — để thay thế các đại cử tri hợp pháp bằng các đại cử tri giả mạo [của ông Trump] và chứng nhận [ông Trump là] tổng thống.”
Theo bản cáo trạng, chiến lược này tiến triển từ những ý tưởng được trình bày chi tiết trong một bản ghi nhớ ngày 18/11 [2020] do ông Kenneth Chesebro, một luật sư của ông Trump và được xác định là đồng phạm thứ năm, soạn thảo. Nhưng kế hoạch đã phát triển hồi tháng Mười Hai [2020] để thêm vào sáu tiểu bang “có tranh chấp” khác — Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania, và Wisconsin.
Trong một thư điện tử ngày 08/12 [2020] của một biện lý ở Arizona, người vừa được ông Chesebro thông báo bằng miệng về kế hoạch này, biện lý đó mô tả cuộc trò chuyện của ông như sau.
“Ý tưởng [của ông Chesebro] về cơ bản là tất cả chúng ta (GA, WI, AZ, PA, v.v.) yêu cầu các đại cử tri của mình gửi phiếu bầu của họ (mặc dù phiếu bầu không hợp pháp theo luật liên bang — vì không có chữ ký của Thống đốc); để các nghị sĩ Quốc hội có thể tranh đấu về việc liệu những phiếu bầu đó có nên được kiểm đếm vào ngày 06/01 hay không.”
“(Có lẽ họ có thể lập luận rằng họ không bị luật liên bang ràng buộc vì họ là Quốc hội và xây dựng luật, v.v.) Kiểu hoang dã/sáng tạo”
Ông nói thêm: “Nhận xét của tôi với ông ấy là tôi đoán điều đó không có hại gì, (ít nhất là về mặt pháp lý) — tức là chúng tôi sẽ chỉ gửi phiếu bầu đại cử tri “giả mạo” cho ông Pence để “ai đó” trong Quốc hội có thể phản đối khi họ bắt đầu kiểm đếm phiếu, và bắt đầu tranh luận rằng “những phiếu bầu giả đó nên được kiểm đếm.”
Ông Lauro, một luật sư của ông Trump, phản đối việc cho rằng cách tiếp cận này bất hợp pháp.
“[Ông Trump] đã nhận được một lời khuyên của cố vấn, một bản ghi nhớ rất chi tiết từ một chuyên gia Hiến Pháp, người này nói: Thưa Tổng thống, các tiểu bang này đang phàn nàn về những gì đã xảy ra. Ông, với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp, có thẩm quyền yêu cầu Phó Tổng thống Pence tạm dừng cuộc biểu quyết vào ngày 06/01, yêu cầu các tiểu bang này kiểm tra và chứng nhận lại, và, theo cách đó, chúng tôi biết cuối cùng ai đã thắng cử,” ông Lauro nói trên Fox News.
“Và đó là điều duy nhất mà Tổng thống Trump gợi ý. Điều đó không có gì bất hợp pháp. Là người đứng đầu nhánh hành pháp thực thi luật pháp, ông ấy có quyền làm như thế và không có gì cản trở về điều đó.”
Ông Mike Pence
Bản cáo trạng nêu rõ, trong một số nỗ lực, bị cáo và đồng phạm đã cố gắng “tận dụng” ông Pence sử dụng “vai trò mang tính nghi thức” của mình để “thay đổi một cách gian lận kết quả bầu cử.”
Ông Pence đã từ chối làm theo. Bản cáo trạng nêu rõ, trong một cuộc trò chuyện với ông Trump vào ngày 01/01/2021, khi tổng thống đương thời tuyên bố theo Hiến Pháp, phó tổng thống có thẩm quyền từ chối hoặc trả lại phiếu bầu cho các tiểu bang, thì ông Pence “đã trả lời rằng ông ấy nghĩ Hiến Pháp không đặt cơ sở cho thẩm quyền như thế và điều đó không phù hợp. Ông Trump nói với ông Pence, “Ông quá sức trung thực.”
Bản cáo trạng nêu rõ rằng sau khi ông Pence liên tục từ chối gửi các phiếu đại cử tri riêng về cho các tiểu bang, ông Trump tiếp tục tuyên bố trước công chúng rằng phó tổng thống có quyền làm như vậy và “nêu kỳ vọng sai lầm trước công chúng” rằng ông Pence có thể làm như vậy vào ngày 06/01.
Ông Pence, hiện là một ứng cử viên cho chức tổng thống, và đang thua xa ông Trump trong các cuộc thăm dò, đã đưa ra tuyên bố ban đầu hôm thứ Ba (01/08), nói rằng bản cáo trạng “như một lời nhắc nhở quan trọng: bất kỳ ai đặt mình lên trên Hiến Pháp sẽ không bao giờ được làm tổng thống Hoa Kỳ.” Mặc dù ông nói rằng ông Trump “có quyền được suy đoán vô tội” nhưng việc ông ra ứng cử “có nghĩa là vụ việc ngày 06/01 được nhắc đến nhiều hơn và có nhiều điều phiền nhiễu hơn.”
Bản cáo trạng cũng cáo buộc ông Trump “đã cố gắng lợi dụng bạo lực và hỗn loạn” tại Điện Capitol vào ngày 06/01 bằng cách kêu gọi các nhà lập pháp vào tối hôm đó và cố gắng thuyết phục họ trì hoãn việc chứng nhận [kết quả bầu cử.]
Đối với ông Lauro, luật sư của ông Trump, nỗ lực phản đối kết quả bầu cử vào ngày 06/01 của cựu tổng thống không phải là hành vi phạm tội.
Ông Lauro lập luận: “Điều mà Tổng thống Trump nêu ra khi ông yêu cầu Phó Tổng thống Pence gửi lại [các phiếu bầu đại cử tri] cho các cơ quan lập pháp tiểu bang là để cho cơ quan lập pháp ở mỗi tiểu bang trong số các tiểu bang tranh chấp đó một cơ hội cuối cùng để đưa ra quyết định, bởi vì trên thực tế, các cơ quan lập pháp ở mỗi tiểu bang có khả năng chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các đại cử tri đủ tiêu chuẩn.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times