ĐỘC QUYỀN: Video an ninh đối lập với cách đưa tin về người đầu tiên tử vong tại Điện Capitol ngày 06/01
Ông Benjamin Philips gục ngã trước khi đám đông bị tấn công
Video an ninh mới tiết lộ, rằng người đầu tiên trong số bốn người ủng hộ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump qua đời vào ngày 06/01/2021, đã được chăm sóc y tế khẩn cấp cách xa đám đông đang gia tăng nhanh chóng ở quảng trường phía tây của Điện Capitol Hoa Kỳ — trước khi cảnh sát sử dụng bất kỳ loại vũ khí nổ nào.
Đoạn video từ camera an ninh của Cảnh sát Thủ đô mà The Epoch Times thu được làm dấy lên những ngờ vực về lối đưa tin phổ biến rằng ông Benjamin James Philips đã bị trúng lựu đạn của cảnh sát trước khi ông ngã quỵ vì một vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
Ông Philips, 50 tuổi, ở Bloomsburg, Pennsylvania, đã tổ chức một đoàn xe buýt gồm nhiều cư dân trong khu vực để đến Hoa Thịnh Đốn dự bài diễn văn của ông Trump tại The Ellipse. Ông đã đi theo chiếc xe buýt này trong một chiếc xe tải hạng nhẹ.
Ông bị tách khỏi nhóm khi lái xe đi tìm chỗ đậu. Ông đã đi xa tới tận Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày hôm đó nhưng không bao giờ có cơ hội trở về nhà.
Từ lâu, người ta cho rằng trường hợp tử vong của ông Philips có liên quan đến vũ khí chống bạo động của cảnh sát. Một phiên bản phổ biến của lối đưa tin này là ông đang ở giữa đám đông đang mở rộng nhanh chóng ở quảng trường phía tây bên dưới sân khấu chuyên dụng cho lễ nhậm chức thì bị trúng một quả đạn nổ do cảnh sát ném hoặc bắn.
Một tấm biển lớn với bức họa của một nghệ sĩ về ông Philips thường được nhìn thấy tại các sự kiện ngày 06/01 cho rằng ông đã “bị Cảnh sát Thủ đô sát hại.”
Tuy nhiên, đoạn video an ninh chưa được công bố trước đó, mà The Epoch Times có được từ cơ sở dữ liệu của Cảnh sát Thủ đô, cho thấy ông Philips đang bất tỉnh nhân sự và được những người biểu tình chăm sóc tại phía sau khu phức hợp giàn giáo lớn ở phía tây và cách xa đám đông chính.
Một camera an ninh ở mái vòm phía tây cho thấy khu vực nhỏ nơi ông Philips gục ngã sau đó đã bị đám đông xông vào lúc 12 giờ 58 phút 52 giây, ngay sau khi một đám đông lớn hơn nhiều phá hàng rào sắt bảo vệ quảng trường phía tây. Một số rào chắn kiêm giá để xe đạp đã bị xô đổ khi đám đông tràn lên.
Camera không được phóng to nên khó phân biệt các chi tiết, nhưng video dường như cho thấy ai đó loạng choạng và ngã xuống vào lúc 12 giờ 59 phút 17 giây tại vị trí mà sau đó ông Philips được nhìn thấy. Những người qua đường bắt đầu tụ tập xung quanh người bị gục ngã.
Video phóng to về nỗ lực cứu sống ông Philips bắt đầu lúc 1 giờ 02 phút 51 giây chiều. Đó là thời gian mà Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Thủ đô Hoa Kỳ đã chĩa một trong những camera an ninh của họ hướng về khu vực nơi ông ngã xuống. Mặc dù video quay cận cảnh không hiển thị thời điểm ông Philips gục xuống, nhưng cảnh quay xuất hiện ngay sau khi những người qua đường trợ giúp y tế và bắt đầu hô hấp nhân tạo cho ông.
Theo bản ghi âm ngày 06/01/2021 mà The Epoch Times thu được, lời kêu cứu đầu tiên trên kênh liên lạc vô tuyến của Cảnh sát Thủ đô được phát đi vào lúc 1 giờ 04 phút chiều.
Một nữ cảnh sát nói qua kênh liên lạc vô tuyến chính của Cảnh sát Thủ đô Hoa Kỳ (USCP), “Có ai có thể đến ứng cứu tại vị trí của tôi, mang theo máy khử rung tim ngoài tự động (AED) không? Phần cuối ở mặt phía tây có một người gục ngã ở đây, bất tỉnh, và không thở.”
Theo đoạn video an ninh được The Epoch Times xem xét, vào ngày 06/01/2021, những quả đạn đầu tiên của cảnh sát đã không được sử dụng vào đám đông phía tây cho đến 1 giờ 10 phút chiều, khoảng 10 phút sau cuộc xâm phạm đầu tiên vào phòng tuyến của cảnh sát gần Đài tưởng niệm Hòa bình. Đây là thời điểm xảy ra ngay trước khi ông Trump kết thúc bài diễn văn của mình tại The Ellipse, cách Điện Capitol hai dặm.
Theo thông tin liên lạc vô tuyến của cảnh sát mà The Epoch Times có được, Phó Cảnh sát trưởng Cảnh sát Điện Capitol Eric Waldow đã ra lệnh sử dụng vũ khí “sát thương thấp hơn” đối với đám đông ngay trước 1 giờ 06 phút chiều. Mãi đến gần năm phút sau, vũ khí mới thực sự được sử dụng.
“Tôi có một đám đông đang đánh nhau với các sĩ quan, xô đẩy, ném đồ đạc,” Phó cảnh sát trưởng Waldow truyền tin. “Tôi đã đưa ra cảnh báo về đạn hóa học. Tôi cần đội vũ khí sát thương thấp hơn bố trí phía trên tôi để xác định những kẻ kích động và bắt đầu khai triển. Thi hành, thi hành, thi hành!”
Video an ninh cho thấy lan can sắt và hàng rào chắn lối vào quảng trường phía tây đã bị người biểu tình xâm phạm lúc 12 giờ 58 phút 41 giây chiều. Hàng ngàn người nhanh chóng đứng chật ních trong quảng trường.
Việc sử dụng vũ khí nổ lần đầu tiên xảy ra ở phía nam của quảng trường — phía đối diện với mặt phía tây, nơi ông Philips đã ngã xuống.
Đoạn video an ninh quay từ trên cao được The Epoch Times xem xét cho thấy không có đạn dược nào của cảnh sát được sử dụng ở phía bắc của quảng trường cho đến 20 phút sau khi ông Philips gục ngã. Lúc này, ông Philips đang ở trong xe cấp cứu của Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Y tế Khẩn cấp Thủ đô.
Lúc 1 giờ 21 phút chiều, những phát đạn đầu tiên ở phía đó của quảng trường được bắn vào đám đông. Lúc 1 giờ 25 phút chiều, người ta nhìn thấy hai tia sáng phía bắc trung tâm quảng trường. Vài giây sau, hai vụ nổ lớn hơn đã tạo ra một vòng tròn xung quanh nơi các viên đạn rơi xuống. Có thể thấy được điều này đã gây thịnh nộ cho những người biểu tình.
Máy quay gắn trên thân cảnh sát (bodycam) và video an ninh cho thấy, trong một giờ tiếp theo, hơn 40 phát đạn đã phát nổ trong đám đông, hầu hết số đạn đó là ở nửa phía bắc của quảng trường phía tây.
Một người phụ nữ có vẻ như mang theo bộ dụng cụ y tế đã phụ trách thực hiện hô hấp nhân tạo cho ông Philips. Bà và một sĩ quan Cảnh sát Thủ đô Hoa Kỳ thay phiên thực hiện động tác ép tim.
“Xin thông báo rằng người ở phía tây bắc của sân thượng phía tây hiện đang được hô hấp nhân tạo,” một nam sĩ quan USCP nói với Trung tâm Chỉ huy cảnh sát. “Hãy cho xe cứu thương đi xuống vỉa hè phía tây bắc.”
Một người đàn ông mặc đầy đủ trang bị chiến thuật ngụy trang đứng gần đó đưa tay trái ra cầu nguyện và sau đó một số người khác trong đám đông cũng tham gia cùng.
Đoạn video cho thấy một nhóm người chứng kiến sự việc đã đưa ra ý kiến về cách tốt nhất để cung cấp các thiết bị hỗ trợ sự sống cho ông Philips.
Một sĩ quan Cảnh sát Thủ đô lo ngại rằng đám đông đang trở nên quá kích động.
“Chúng tôi cần chiếc xe cứu thương này,” ông ấy nói qua đài USCP lúc 1 giờ 13 phút chiều. “Chúng tôi sắp mất kiểm soát với đám đông ở đây rồi.”
‘Không chịu xuống’
Vào khoảng 1 giờ 15 phút chiều, một sĩ quan hổn hển thông báo rằng đội cứu hộ của Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Y tế Khẩn cấp Thủ đô sẽ không xuống giàn giáo nơi ông Philips nằm trên vỉa hè.
“Họ đang đưa bệnh nhân lên xe cứu thương ngay bây giờ,” vị sĩ quan này hét lên qua vô tuyến. “Họ không chịu xuống.”
Một sĩ quan khác cho biết, “Nhóm đang đưa người đó lên xe cấp cứu theo hướng tây bắc.”
Khoảng hơn một chục người qua đường và cảnh sát đã đặt một chiếc giá để xe đạp lên vỉa hè. Sau khi đặt ông Philips lên, cả nhóm nhấc chiếc giá lên và khiêng đi như một chiếc cáng chiến trường.
Một người phụ nữ ngồi lên người ông Philips và tiếp tục làm hô hấp nhân tạo khi cả nhóm khiêng họ lên vỉa hè khoảng 100 thước đến chỗ Đội cứu hộ 18. Họ chuyển ông Philips cho nhân viên y tế lúc 1 giờ 19 phút chiều.
Theo Văn phòng Giám định viên Y tế Thủ đô, ông Philips qua đời do đột quỵ. Trường hợp tử vong của ông được nhà nghiên cứu bệnh học, Tiến sĩ Fernando Diaz, liệt kê là “tự nhiên” và nguyên nhân là do xơ vữa động mạch vì huyết áp tăng cao.
Ông Philips là một lập trình viên máy tính và nhà phát minh đồ chơi tự kinh doanh. Ông đã thành lập Trumparoo LLC, công ty tiếp thị dòng sản phẩm đồ chơi lấy cảm hứng từ ông Trump và bán ra thị trường vào năm 2020.
“Trumparoo” là một con kangaroo được trang trí bằng kiểu tóc xoắn theo phong cách ông Trump. Ông Philips đã phát triển một trang web kiểu truyền thông xã hội cho Trumparoo, một diễn đàn mà các chủ sở hữu món đồ chơi này có thể giao lưu với nhau.
Ông Philips nảy ra ý tưởng này sau khi thấy nữ diễn viên Alyssa Milano đăng trên mạng xã hội hình Trumpy Bear, một sản phẩm gấu nhồi bông đồ chơi có kiểu tóc và cà vạt đỏ đặc trưng của ông Trump.
“Tôi nghĩ một con kangaroo thậm chí còn tốt hơn một con gấu,” ông Philips nói với tờ báo địa phương Press Enterprise vào tháng 09/2020. “Loài kangaroo là những chiến binh.”
Ông đã phát triển các nhân vật khác trong dòng Trumparoo, bao gồm “Fightin’ Trumparoo the Heavyweight” (Võ sĩ Hạng nặng Trumparoo), “Fightin’ Trumparoo the Hippo” (Võ sĩ Hà mã Trumparoo), và “Count Trumpula” (Bá tước Trumpula).
Ông Philips đã tổ chức một cuộc tập hợp ở Bloomsburg vào ngày 14/11/2020 để phản đối gian lận bầu cử. Đồng thời, ông đã thành lập trang web ScummyDemocrats.com để đưa ra quan điểm của ông về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông gọi trang web này là Dự án Trách nhiệm Giải trình cho Các Thành viên Đảng Dân Chủ Cặn bã. Tiêu đề trang chủ có nội dung: “Hãy nhớ những gì họ đã làm.”
Vào ngày 06/01/2021, ông đã lái xe tải đến Hoa Thịnh Đốn trong khi những người ủng hộ ông Trump khác đi xe khách. Ông nói với một tờ báo ở Philadelphia rằng ông rất háo hức muốn nghe những gì ông Trump sẽ nói tại Ellipse.
“Có vẻ như ông ấy gọi chúng ta đến đó là có lý do,” ông Philips nói. “Tôi nghĩ một điều gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra mà chưa ai nói đến. Tôi nghĩ ông ấy có một con át chủ bài.”
Ông Philips đã nói chuyện cởi mở về gian lận bầu cử và ý nghĩa của cuộc tập hợp sắp tới với phóng viên Julia Terruso của tờ Philadelphia Inquirer. Trong một cuộc phỏng vấn với cô Julia trong chuyến đi đến Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021, ông đã nói những điều mà sau này hóa ra lại trở thành những lời tiên đoán trước.
“Thành thật mà nói, đó giống như ngày đầu tiên trong phần còn lại của cuộc đời chúng ta,” ông Philips nói. “Họ nên đặt tên cho năm nay là Năm Số Không vì sẽ có điều gì đó xảy ra.”
Vân Sa và Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times