‘Cô ấy đã van nài và cầu xin’: Một người biểu tình hôm 06/01 nhớ lại cảnh tượng Rosanne Boyland tử vong
“Sự việc ngày hôm đó cứ như trong địa ngục vậy.”
Anh Philip Anderson không muốn nhắc về những phút giây đó trong ngày 06/01 tại Điện Capitol. Điều đã xảy ra là quá đau lòng, ngay cả khi chia sẻ với gia đình và bè bạn.
“Quả là đáng sợ khi thậm chí nhắc đến sự việc đó. Tôi không muốn nhớ lại điều đó cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, cho đến ngày tôi qua đời,” người đàn ông 26 tuổi này chia sẻ với The Epoch Times. “Đó là vụ việc kinh hoàng nhất mà tôi từng trải qua.”
Anh Anderson nằm dưới cùng trong một đám đông người bị ngã chồng lên nhau vì một vụ giẫm đạp để chạy ra khỏi đường hầm West Terrace khi cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông biểu tình.
Đứng ngay bên cạnh anh là cô Rosanne Boyland, 34 tuổi, đến từ Kennesaw, tiểu bang Georgia. Họ bị đè bởi sức nặng của một đám đông khoảng từ bốn đến năm người. Điều đó đã tạo nên một sự bóp nghẹt khôn tả. Cơn đau ngày càng trở nên tồi tệ hơn do thiếu oxy.
“Bạn chỉ có thể nằm yên. Bạn chỉ đang trao đổi không khí với những người đang nằm trên mặt đất với mình,” anh Anderson cho biết. “Nếu cử động dù chỉ một chút thôi, xương ở chân bạn sẽ gãy, xương ở cánh tay bạn sẽ gãy. Tôi đang nghĩ, ‘Tôi phải nằm yên bất động và hy vọng rằng sẽ không bị giẫm đạp đến vỡ đầu.’”
Bi kịch trong đường hầm
Tất cả đã thay đổi trong chốc lát.
Anh Anderson và cô Boyland đã cùng lúc đi vào đường hầm vào buổi chiều hôm đó. Họ không quen biết nhau, nhưng anh Anderson sẽ đóng một vai trò quan trọng cho người ủng hộ cựu Tổng thống Trump đến từ tiểu bang Georgia này trong những phút giây bi thảm cuối cùng của cô.
“Tôi không quen cô ấy. Tôi không biết gì về cô ấy cả,” anh Anderson cho biết. “Tôi thậm chí còn không biết đến sự hiện diện của cô ấy cho đến khi tôi nhìn thấy cô ấy từ khóe mắt của mình.”
Đường hầm chật cứng người, mọi người chen chúc nhau, chiều ngang của đường hầm ken dày khoảng hơn chục người và chiều sâu khoảng từ 20 đến 25 người xếp hàng. Đám đông đang cố gắng tiếp cận các cánh cửa dẫn đến Điện Capitol.
Tuy nhiên, cảnh sát đã thực hiện các kế hoạch khác. Họ xịt một loại khí gas (hơi cay) nào đó vào đám đông. Loại khí gas này dường như đã hút hết không khí ra khỏi đường hầm.
“Tôi cảm nhận được điều đó, bởi vì tôi không thể thở được. Cảm giác chính là như thế,” anh Anderson cho biết. “Do đó, tôi quay người lại và bỏ chạy khỏi chỗ đó. Tôi cố gắng thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Nếu tôi vẫn đứng đó, thì tôi thực sự sẽ có cảm giác như mình sắp chết. ‘Bạn sẽ không thể thở được ở trong đó nếu không chạy ra ngoài ngay lập tức.’”
Đám đông chạy tán loạn ra khỏi đường hầm, lao xuống các bậc thang như thác đổ. Anh Anderson không còn cảm giác thấy đôi chân của mình. Anh ngã nhào, tiếp đất như một vận động viên bơi lội thực hiện một cú nhảy úp bụng xuống nước. Những người biểu tình đồng cảnh ngộ té ngã chồng chất xung quanh anh.
“Không phải là tôi bị vấp ngã hay gặp phải bất cứ điều gì tương tự. Tôi không thể hít đủ không khí để có thể cử động được tay chân mình. Và rồi tôi đã gục ngã.”
Có thể thấy rõ nỗi kinh hoàng khi sức nặng của một đám đông đè bẹp lên những người phía dưới. Anh Anderson và cô Boyland nằm sát nhau ở dưới cùng.
“Cô ấy đã van nài và cầu xin. Cô ấy đã cố gắng hét lên nhưng không thể hét to lên được,” anh Anderson cho biết. “Cô ấy đã rất bất lực và đó là lúc cô ấy cố rướn ra ngoài. Cô ấy nắm lấy tay tôi. Cô ấy vươn tay ra để nắm lấy một thứ gì đó. Khi cô ấy cảm nhận được cánh tay tôi, cô ấy đã nắm lấy bàn tay tôi. Tuy nhiên, cô ấy đã không thể giữ được lâu.”
Anh Anderson cảm thấy đau đớn đến mức, anh đã cố gắng chuẩn bị tâm lý cho cái chết của mình.
‘Các anh đang giết người đấy!’
Anh Anderson cho biết: “Tôi có thể cảm nhận được mình đang chết dần chết mòn. Tôi có thể cảm thấy điều đó. Đó là giây phút đáng sợ nhất. Tôi chấp nhận rằng mình sẽ chết. Vào thời điểm đó tôi chỉ biết cầu nguyện với Chúa, ‘Xin hãy cho con đến được nơi cơn đau dừng lại, bởi vì con chỉ cần đến được nơi đó thôi.’”
Anh Anderson tin rằng cô Boyland biết rằng thời gian của mình đang dần cạn kiệt một cách nhanh chóng.
“Cô ấy đang nắm lấy bàn tay tôi và sau đó tay cô ấy đã buông ra hoàn toàn,” anh Anderson kể lại. “Tôi khá chắc rằng cô ấy đã hoàn toàn chấp nhận vào thời điểm đó rằng cô ấy sẽ chết. Cô ấy biết rằng mọi thứ đang kết thúc.”
Anh Anderson, một nhà hoạt động theo xu hướng bảo tồn truyền thống đến từ Mesquite, tiểu bang Texas, có lẽ đã gặp số phận tương tự nếu không nhờ sự giúp đỡ của một người biểu tình đi cùng tên Jake Lang. Anh ấy đã có mặt ở ngay lối vào đường hầm, cầu xin cảnh sát ngừng xô đẩy những người chạy ra khỏi đường hầm lên đám đông người đang nằm chất đống.
Video giám sát cho thấy anh Lang, người đeo mặt nạ phòng độc, huơ tay một cách điên cuồng về phía cảnh sát.
“Tôi hét lên, ‘Dừng lại! Xin hãy dừng lại! Các anh đang giết người đấy. Đừng xô đẩy nữa!’” anh Lang chia sẻ với The Epoch Times trong một buổi phỏng vấn từ nhà tù của Quận Columbia, nơi anh đang bị tạm giam chờ xét xử về các cáo buộc liên quan đến vụ việc hôm 06/01.
Anh Lang đã cố gắng lôi cô Boyland ra khỏi đám đông người đang nằm chất đống, nhưng mỗi khi anh giúp lôi một người ra khỏi mớ lộn xộn đó, thì một người khác lại ngã chồng lên trên.
“Mỗi lần tôi kéo một người ra khỏi cô ấy, thì cảnh sát lại xô ngã vài người khác lên đám đông người đang nằm bên trên cô ấy,” anh Lang nói. “Vì vậy, cô ấy bị mắc kẹt ở phía dưới cùng của đống người ngổn ngang này.”
Anh Lang thấy rằng anh Anderson không bị đè quá chặt, do vậy tiếp đến đã cố gắng di chuyển anh ấy ra khỏi đó. Khi dìu anh Anderson trên tay, anh ấy nhận thấy rằng lưỡi của chàng trai trẻ này đang bị thè ra ngoài.
“Thực hiện động tác của một cái ‘ôm gấu’ (ôm thật chặt từ đằng sau, hai tay vòng dưới cánh tay người được ôm — dịch giả), tôi có thể nâng toàn bộ cơ thể anh ấy lên phía trên ngực mình,” anh Lang kể lại. “Tôi lôi anh ấy ra khỏi đống người ngổn ngang này và tôi bắt đầu kéo lê anh ấy xuống các bậc thang.” Anh Lang đưa anh Anderson đến một trạm y tế, tại đó các tình nguyện viên đã hồi sức cho anh ấy.
Cô Boyland đã bị đánh khi đang bất tỉnh
Một lát sau, cô Boyland được cứu thoát khỏi đám đông người nằm chồng chất, nhưng cô đã không còn hơi thở. Những người biểu tình cố gắng hỗ trợ cho cô về mặt y tế, tuy nhiên cảnh sát đã xịt hơi cay vào nhiều người trong số họ.
Anh Justin Winchell, một người bạn cũng đến từ Georgia của cô, đã cầu xin cảnh sát giúp đỡ. Trong cảnh quay trích xuất từ bodycam (camera an ninh gắn trên người của cảnh sát), có thể thấy anh kêu lên, “Rosanne! Rosanne! Rosanne!” Giọng anh ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn. “Cô ấy sắp chết rồi! Cô ấy sắp chết rồi! … Tôi cần một ai đó! Cô ấy đã chết rồi!”
Tại thời điểm đó, một số người biểu tình phẫn nộ đã tấn công hàng dài cảnh sát và giao chiến bằng tay đôi.
Đoạn video từ bodycam cho thấy cô Boyland nằm trên nền bê tông gần đó, bất tỉnh nhân sự. Sau đó, một sĩ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát Thủ đô Hoa Thịnh Đốn bắt đầu đánh đập cô Boyland khi cô đang bất tỉnh, liên tục đánh vào sườn và đầu của cô ấy.
Sự bàng hoàng của anh Winchell thể hiện rõ qua nét mặt kinh hoàng của anh trong cảnh quay được ghi lại trên một video từ bodycam.
Sở Cảnh sát Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã từ chối yêu cầu về Đạo luật Tự do Thông tin của The Epoch Times đối với cảnh quay qua bodycam của viên sĩ quan này.
Sở đã không phúc đáp các câu hỏi từ The Epoch Times về tình huống xung quanh cái chết của cô Boyland.
Giám định viên y tế của thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã phán quyết rằng cô Boyland tử vong do sử dụng quá liều thuốc theo toa. Người nhà cho biết cô Boyland đã được kê loại thuốc này để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Không rõ liệu hồ sơ khám nghiệm tử thi có ghi lại bất kỳ thương tích nào do bị đánh đập hoặc có bằng chứng nào ghi nhận việc cô Boyland bị giẫm đạp dẫn đến tử vong hay không. Giám định viên sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào ngoài nguyên nhân và cách thức tử vong. Ông cho rằng việc cô Boyland từ vong là một tai nạn.
Kết luận đó không làm anh Anderson nguôi ngoai. “Cô ấy thật sự rất ổn, đi lại như thường: như tất cả mọi người vậy,” anh cho biết. “Điểm khác biệt là cô ấy đã hít phải hơi cay và cô ấy đã bị đè nghiến xuống và bị xịt hơi cay. Và sau khi tất cả những điều đó đã xảy đến với cô ấy, cô ấy đã bị dùi cui đánh gục.”
“Việc đánh đập cô ấy chỉ là giọt nước tràn ly thôi,” anh Anderson cho biết. “Có lẽ cô ấy cũng sẽ tử vong ngay cả khi việc đó không xảy ra. Nhưng thành thật mà nói, việc làm đó đã khiến kết cục cô ấy tử vong là điều chắc chắn, nếu lúc đó cô ấy vẫn chưa tử vong.”
Cả anh Lang và anh Anderson đều bị sang chấn tâm lý từ những vụ việc mà họ chứng kiến hôm 06/01.
“Tôi bị chứng rối loạn sau sang chấn (PTSD) rất nặng nề, tỉnh dậy sau cơn ác mộng và nhìn thấy khuôn mặt của cô ấy,” anh Lang chia sẻ. “Điều đó quá kinh khủng vì nó không có sự kết thúc. Họ đã sát hại cô ấy và họ sẽ không tiết lộ thông tin của viên sĩ quan kia.”
Anh Anderson cho biết anh rất tức giận trước những miêu tả về cô Boyland trên các phương tiện truyền thông dòng chính, nói về cô như là một kẻ khủng bố trong nước.
“Cô ấy chẳng làm gì cả. Cô ấy không tấn công bất kỳ ai. Cô ấy thậm chí không nói lời nào với bất kỳ ai,” anh Anderson cho biết. “Chúng ta có nửa số dân của đất nước này nói rằng Rosanne là một kẻ khủng bố, cô ấy đã nhận được hậu quả xứng đáng. Vì điều gì chứ? Cô ấy không làm gì hết. Điều đó thật điên rồ đối với tôi.”
Ông Joseph Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected].
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: