ĐỘC QUYỀN: Video kịch tính mới cho thấy những nỗ lực cấp cứu cô Rosanne Boyland vào ngày 06/01/2021
Một video được ghi lại từ máy quay gắn trên thân (bodycam) mới đầy ấn tượng của Sở Cảnh sát Thủ đô cho thấy các sĩ quan và nhân viên y tế từ ba cơ quan cảnh sát đã làm việc trong 15 phút để cố gắng hồi sinh cô Rosanne Boyland đã không còn sức sống sau khi cô bị kéo lê bằng chân qua đường hầm Lower West Terrace vào ngày 06/01/2021.
Những nỗ lực khẩn cấp để khiến trái tim của cô Boyland đập trở lại hoàn toàn trái ngược với 10 phút trước đó bên ngoài đường hầm, nơi những người biểu tình van nài cảnh sát trợ giúp y tế, nhưng những lời cầu xin của họ đã bị phớt lờ. Cô Boyland, 34 tuổi, đến từ Kennesaw, Georgia, là người cuối cùng trong số bốn người thiệt mạng tại Điện Capitol ngày hôm đó.
Đoạn video từ máy quay gắn trên thân của Sĩ quan MPD Sarah Beaver mà The Epoch Times thu thập được cung cấp cái nhìn gần nhất và chi tiết nhất về những nỗ lực cứu sinh bên trong lối vào đường hầm dẫn đến Điện Capitol ngay sau 4 giờ 30 phút chiều.
Một nhóm bao gồm các sĩ quan chiến thuật từ các lực lượng Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ (USPP), Sở Cảnh sát Thủ đô (MPD), và Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ (USCP) bắt đầu làm hô hấp nhân tạo.
The Epoch Times cũng có được liên lạc vô tuyến từ Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ, những trao đổi mà sẽ bổ sung thêm chi tiết cho câu chuyện bi thảm của cô Boyland, một trong bốn người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã tử vong tại Điện Capitol hôm 06/01.
Theo video an ninh CCTV được phát hành năm 2021, cô Boyland bước vào đường hầm đó vào khoảng 4 giờ 18 phút chiều giữa một đám đông chật cứng.
Cảnh sát xả khí vào đường hầm
Các nhân chứng cho biết, một khoảng thời gian ngắn sau, một đám mây khí do cảnh sát khai triển đã lan ra, thế chỗ cho khí oxy trong đường hầm Lower West Terrace. Điều đó đã gây ra một vụ giẫm đạp khi đám đông người biểu tình hoảng loạn chạy ra ngoài hít thở không khí.
Sĩ quan Beaver đứng bên trong cánh cửa đôi của Điện Capitol. Máy quay gắn trên thân của cô đã ghi lại cảnh khí lan ra lúc 4 giờ 20 phút chiều. Một số đám khí bị thổi ngược trở lại vào bên trong Điện Capitol.
Đoạn video cũng cho thấy một sĩ quan bắn hơi cay vào đám đông này ngay trước khi xảy ra vụ giẫm đạp.
Cô Boyland là một trong những người đầu tiên trong đám đông ngã xuống. Theo các nhân chứng, cô bị mắc kẹt khi những người biểu tình khác vấp ngã hoặc bị cảnh sát xô đẩy lên người cô.
Vào lúc 4 giờ 21 phút chiều, máy quay gắn trên thân của cô Beaver đã ghi lại giọng nói của một người đàn ông hét lên, “Ôi Chúa ơi, một người phụ nữ đã ngã xuống!”
Khoảng 30 giây sau, cùng giọng nói đó hét lên: “Có một phụ nữ đang bị đè nghiến!”
Đoạn video bodycam cũng đã ghi lại giọng nói của người biểu tình Luke Coffee đến từ Dallas lúc 4 giờ 23 phút chiều, “Mọi người hãy cầu nguyện! Dừng lại và cầu nguyện! Dừng lại và cầu nguyện!”
Ngay trước 4 giờ 24 phút chiều, một người biểu tình khác hét lên, “Các anh đang sát nhân đấy!”
Hai phút sau, bạn của cô Boyland, anh Justin Winchell, kêu lên: “Chúa ơi! Cô ấy chết mất rồi! Cô ấy chết mất rồi! Rose!”
“Rosanne! Tôi cần một ai đó! Cô ấy chết mất rồi! … Tôi cần một ai đó! Tôi cần một bác sĩ!”
Sĩ quan cảnh sát Lila Morris, người vừa đi đến lối vào đường hầm và nấp sau một người biểu tình, đã nhặt một chiếc gậy gỗ bị ném vào đường hầm và đánh anh Coffee.
Sau đó, cô Morris trút cơn thịnh nộ của mình lên cô Boyland đang nằm bất tỉnh nhân sự, đánh cô một nhát vào xương sườn và hai nhát vào đầu, các đoạn video ghi hình từ máy quay trên thân cho thấy. Video về các nỗ lực giải cứu bên trong Điện Capitol cho thấy một vệt đỏ trên trán cô Boyland, nhưng không rõ vết thương đó có phải là do cú đánh của cô Morris hay không.
Cảnh sát Thủ đô xác định rằng hành động của cô Morris là “hợp lý một cách khách quan,” và nữ sĩ quan này không bị buộc tội hay bị kỷ luật vì đã đánh cô Boyland khi cô ấy đang bất tỉnh.
Những người ngoài cuộc đã kéo cô Boyland ra khỏi hàng cảnh sát và đưa cô ấy xuống các bậc thang để họ có thể bắt đầu thực hiện hô hấp nhân tạo. Lúc 4 giờ 30 phút chiều, họ mang cô trở lại hàng ngũ cảnh sát và đặt cô ngay trước mặt các sĩ quan.
“Gọi bác sĩ đi!” người biểu tình Ronald McAbee hét lên.
Lúc 4 giờ 31 phút chiều, cảnh sát tóm lấy chân cô Boyland và kéo cô dọc đường hầm vào bên trong Điện Capitol.
Theo video từ máy quay gắn trên thân của Sĩ quan MPD Michael Dowling, một sĩ quan MPD đã bắt đầu hô hấp nhân tạo cho cô Boyland chỉ vài giây trước 4 giờ 32 phút chiều.
AED bị trục trặc
Qua liên lạc vô tuyến của USCP, một sĩ quan nói, “MPD đang báo lại rằng họ có một trường hợp khẩn cấp y tế ở mặt phía tây và họ cần một máy AED.”
Máy khử rung tim ngoài tự động (AED) là một thiết bị y tế phân tích nhịp tim của một người và có thể gây sốc điện để khử rung tim.
Sĩ quan Beaver và một sĩ quan khác đã làm việc để áp các miếng sốc điện của máy AED vào ngực của cô Boyland lúc 4 giờ 33 phút chiều, video ghi lại được từ máy quay gắn trên thân của cô ấy cho thấy. Thiết bị này dường như không được kết nối với nguồn điện. “Tôi không biết làm sốc điện như thế nào,” cô Beaver nói.
Một sĩ quan khác lấy một cặp miếng AED thứ hai từ cùng một bộ thiết bị. Giọng nói ghi âm tự động từ thiết bị này báo rằng, “Kiểm tra kết nối khay điện cực.”
Một bộ AED thứ hai được đặt xuống sàn bên cạnh cô Boyland khi quá trình hồi sức cấp cứu tiếp tục. Sau khi các miếng sốc điện được áp vào, thiết bị này đưa ra một cảnh báo không được chạm vào người cô Boyland trong lúc nó đang đo nhịp tim. “Không nên sốc điện,” giọng nói từ thiết bị này cho biết. “Hãy ép ngực và hà hơi thổi ngạt.”
Theo tài liệu trong ngành, AED không được thiết kế để khắc phục tình trạng vô tâm thu (asystole), một loại trạng thái ngừng tim khi hệ thống điện của tim bị hỏng. Tình trạng vô tâm thu biểu hiện dưới dạng một đường thẳng trên điện tâm đồ.
Cảnh sát công viên cứu hộ trực tiếp
Ba thành viên của một nhóm chiến thuật thuộc lực lượng Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ đã dẫn đầu các nỗ lực giải cứu cô Boyland. Trong video, một người bóp mặt nạ van túi ambu để cung cấp oxy trong khi các sĩ quan khác thực hiện ép tim hô hấp nhân tạo.
Ngay trước 4 giờ 40 phút chiều, một trong các sĩ quan Cảnh sát Công viên đã báo cáo rằng, “Tôi thấy hơi thở hổn hển thoi thóp, nhưng không có mạch.” Hơi thở nông và ngắt quãng, là dấu hiệu cho thấy một người sắp tử vong. Theo WebMD, hơi thở dồn dập cũng là một dấu hiệu cho thấy não vẫn còn sống.
Ngay trước lúc 4 giờ 40 phút chiều, một giọng nói trong video cho biết: “Cô ấy đang lạnh dần.”
Một phút sau, một sĩ quan Cảnh sát Công viên khác luồn một ống thở xuống cổ họng cô Boyland và nối chiếc ống này với một túi hồi sức. Người sĩ quan thực hiện hô hấp nhân tạo phải đeo mặt nạ phòng độc vì không khí trong hành lang tràn đầy hơi cay.
Theo liên lạc vô tuyến của USCP, nhóm EMS 72 từ Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô (FEMS) đã băng qua hàng rào phía nam của Điện Capitol lúc 4 giờ 40 phút chiều và đang trên đường đến vị trí của cô Boyland.
Vào lúc 4 giờ 45 phút chiều, cô Boyland được nâng từ sàn nhà lên một chiếc xe đẩy hai bánh tạm thời và được đưa đi đến chỗ nhóm các nhân viên cứu hộ đến từ Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô (FEMS).
Nhóm EMS đã tiếp quản việc chăm sóc cô Boyland lúc 4 giờ 51 phút chiều, theo dòng thời gian mà Sở Cứu hỏa và Cứu thương Thủ đô cung cấp cho gia đình cô. Việc truyền tĩnh mạch nước muối đã được bắt đầu và hoạt động hồi sức cấp cứu còn tiếp tục trong 20 phút nữa, với epinephrine được sử dụng mỗi bốn phút một lần. Sau tám liều, nguồn cung cấp epinephrine đã hết.
Lúc 5 giờ 10 phút chiều, EMS 72 yêu cầu cho phép chuyển cô Boyland đến Bệnh viện Đại học George Washington. Sự cho phép “đã không được cấp,” theo thông tin được cung cấp cho gia đình cô Boyland. Không có lời giải thích nào được đưa ra.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times