Những câu chuyện về tình trạng ‘phổi trắng’ tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc
Khi cha của anh Phàn Đăng (Fan Deng), cựu xướng ngôn viên nổi tiếng của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, bắt đầu ngủ gật thường xuyên hơn trong ngày, gia đình anh đã không lo lắng gì vì tưởng rằng mọi thứ vẫn bình thường.
Vì xét cho cùng, hiện tượng này không phải là hiếm đối với một người ở độ tuổi 80. Tinh thần của cha anh vẫn linh mẫn và ông vẫn ăn ngon miệng như mọi khi. Nhưng khi gia đình sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để đề phòng, thì họ phát hiện ra nồng độ oxy trong máu của ông thấp ở mức đáng báo động, chỉ 88%, thấp hơn 4% so với ngưỡng cần được chăm sóc y tế. Vào thời điểm gia đình đưa ông đến bệnh viện, nồng độ oxy trong máu của ông đã giảm xuống mức 60.
Chỉ sau một loạt các lần chụp X-quang tại bệnh viện, thì gia đình anh Phàn Đăng mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình: Phổi của cha anh hầu như chỉ toàn màu trắng. Ngược lại, nếu như phổi khỏe mạnh, thì khi chụp X-quang hoặc CT thường sẽ xuất hiện các vùng tối.
Cha của anh đã qua đời sau ba đêm ở bệnh viện.
Anh Phàn đã chia sẻ câu chuyện này trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi tràn ngập những câu chuyện tương tự của gia đình và bằng hữu của các nạn nhân được cho là có các triệu chứng tương tự ở phổi.
“Phổi trắng”, từng là một cụm từ ít được biết đến, đã trở thành thuật ngữ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc trong bối cảnh đợt bùng phát COVID lan rộng đang quét qua Trung Quốc, trước khi các nhà kiểm duyệt vào cuộc để xóa bỏ những thảo luận về hiện tượng này. Các mảng màu trắng biểu hiện cho các vùng phổi bị viêm nhiễm, vốn gây ra lượng dịch tích tụ trong khoang màng phổi.
Hiện tượng này làm dấy lên lo ngại rằng chủng virus này đã đột biến hoặc các biến thể COVID trước đây đang thúc đẩy đợt bùng phát mới nhất này. Chính quyền Trung Quốc, vốn đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt vì từ chối chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát này, khẳng định rằng biến thể Omicron là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm lần này, rằng không có biến thể mới nào xuất hiện và không có biến thể nào trước đó của virus đã tái xuất hiện.
Giải thích chính thức và sự lo lắng của người dân
Người cao niên không phải là nhóm duy nhất được báo cáo mắc hội chứng phổi trắng. Các bản tin mới đây của giới truyền thông Trung Quốc và các bài đăng trên mạng xã hội đã mô tả về hiện tượng này ở các bệnh nhân trẻ từ 20 đến 40 tuổi, trong đó bệnh nhân trẻ nhất chỉ mới 12 tuổi.
Tỷ lệ tử vong là khoảng 40% đối với những người mắc bệnh phổi trắng nghiêm trọng. Ông Trương Lê (Zhang Li), phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Thượng Hải, nói với các hãng thông tấn nhà nước rằng ngay cả đối với những người khỏi bệnh, thì phổi của họ cũng khó có thể trở lại trạng thái bình thường như xưa, và hầu hết bệnh nhân sẽ để lại di chứng xơ phổi, hay các vết sẹo ở phổi.
Ông và nhiều chuyên gia hàng đầu khác của Trung Quốc cho biết những bệnh nhân bị phổi trắng — theo định nghĩa của họ là những người mà khoảng ¾ phổi của họ hiển thị màu trắng trên phim chụp X-quang — chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số các bệnh nhân nhiễm COVID.
Trong một bài xã luận gửi đến hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tài Tân, ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán, đồng thời là Bí thư Đảng ủy của trường, cho biết: “Mọi trường hợp viêm phổi nặng đều sẽ gây ra hiện tượng phổi trắng.”
“Tuy tỷ lệ bệnh nhân bị ‘phổi trắng’ không cao, nhưng nếu như số lượng là rất lớn, thì về mặt lâm sàng, chúng ta sẽ quan sát thấy số người bị ‘phổi trắng’ tăng lên.”
Khi được hỏi liệu biến thể Omicron có thể dẫn đến hội chứng trên hay không, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia, đã không trả lời trực tiếp câu hỏi nhưng nhấn mạnh rằng phổi trắng không liên quan gì đến các biến thể COVID ban đầu hoặc việc chích ngừa bằng các loại vaccine của Trung Quốc. Chính xác hơn là, nhiều mầm bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi như vậy, và “một số lượng đáng kể” bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe, một quan chức của ủy ban này cho biết tại một cuộc họp báo vào tuần trước (26/12/2022-01/01/2023).
Tuy nhiên, những tuyên bố chính thức đó đã không đủ để trấn an nhiều người dân Trung Quốc.
Một bác sĩ ẩn danh đeo tấm chắn giọt bắn bên ngoài khẩu trang y tế cho biết ông đã chẩn đoán cho 120 bệnh nhân COVID trong khoảng thời gian tám giờ, trong đó ⅓ bị bệnh nặng và có tới 20 người, chiếm khoảng 16%, có triệu chứng phổi trắng.
“Hiện tượng phổi trắng không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi,” ông nói trong một video được chia sẻ trên trang tiểu blog Weibo của Trung Quốc, trong đó có một tài liệu liệt kê chi tiết các bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
“Có những người ở độ tuổi 20, 40, và 60. Tôi đang cảm thấy hơi hoang mang.”
Những câu chuyện thực tế
Giống như cha của người từng dẫn chương trình CCTV, một số bệnh nhân bị phổi trắng có rất ít các dấu hiệu bên ngoài như sốt hoặc ho, vốn là những triệu chứng điển hình hơn khi bị nhiễm COVID. Các bác sĩ mô tả đây là tình trạng “giảm oxy huyết thầm lặng”: tình trạng lượng oxy trong cơ thể thấp đến mức đáng báo động.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, người dân từ nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc cho biết họ đã từng chứng kiến những trường hợp như vậy ở những người thân thiết với họ. Hầu hết những người được phỏng vấn đều yêu cầu được ẩn danh vì sợ bị trả thù.
Một blogger ở siêu đô thị phía tây nam Trùng Khánh đã kể về một người bạn học cũ đã xuất hiện các triệu chứng phổi trắng trong thời gian hồi phục sau khi bị nhiễm COVID nhẹ.
Người này nói với The Epoch Times: “Bác sĩ nói rằng sẽ rất nguy hiểm nếu họ đợi lâu hơn một chút.”
Ông Trương, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải, cho biết khoảng thời gian tối ưu nhất để điều trị “các trường hợp viêm phổi nặng” là 72 giờ. Nhưng đối với nhiều người, điều này là bất khả thi bởi vì hiện tại để được chăm sóc y tế kịp thời là chuyện rất khó khăn. Các bệnh viện và phòng khám trên khắp Trung Quốc đã quá tải trong những tuần qua kể từ khi số ca nhiễm tăng đột biến.
Một bệnh nhân bị phổi trắng đến từ Tô Châu, một thành phố gần Thượng Hải, cho biết anh không thể nhập viện sau khi được chẩn đoán bị viêm phổi kép và viêm phổi do virus.
“Không có giường bệnh,” anh nói với The Epoch Times.
Một người đàn ông đến từ Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2020, bị nhiễm chủng virus này cùng với vợ và mẹ của mình. Mẹ anh bị nặng nhất và hầu như không ăn uống được gì. Sau khi đi một vòng tới các bệnh viện lớn đều đã chật ních người nhiễm bệnh, họ đưa bà vào một bệnh viện nhỏ ở địa phương, nơi bà được cho dùng thuốc chống viêm trong hai ngày.
“Kết quả kiểm tra cho thấy bà bị nhiễm trùng phổi. Bác sĩ không nói gì nhiều, nhưng tôi linh cảm rằng bà cũng bị ‘phổi trắng,’” anh nói với The Epoch Times hôm 30/12/2022.
“Ngày nào khu dân cư của tôi cũng có người tử vong, chuyện này diễn ra liên tục,” anh nói, và cho biết thêm rằng hầu hết trong số họ là người cao niên. “Xung quanh tôi, nếu một người trong gia đình nhiễm bệnh, thì tất cả những người còn lại sẽ bị nhiễm bệnh. Không ai thoát được cả.” Anh nói thêm rằng bạn của anh đã mất mẹ hai ngày sau khi đi chụp phổi và phát hiện phổi trắng.
Hiện tại, giải pháp của anh là sử dụng huyết thanh (còn gọi là globulin miễn dịch) để điều trị một số bệnh nhiễm trùng nhất định. Loại thuốc điều trị này được bán với giá tăng gấp tám lần ở một số khu vực, sau khi một số người trên mạng đã công nhận đây là loại thuốc giúp làm giảm bệnh tình. Nhờ quen biết, anh đã mua được 10 hộp.
Không rõ có bao nhiêu ca tử vong được xem là do COVID như vậy. Con số chính thức của Trung Quốc cho đến nay thấp đến mức một nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới hôm 03/01 đã kêu gọi Trung Quốc đưa ra “một bức tranh thực tế hơn về những gì đang thực sự diễn ra.”
Chính quyền Trung Quốc gần đây đã ngừng công bố số ca nhiễm bệnh hàng ngày, điều này cũng khiến nhiều người hoài nghi, nhưng các quan chức y tế cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều thành phố lớn đã vượt quá 50%, và có thể là cao tới mức 80% ở Bắc Kinh. Một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Ủy ban Y tế Quốc gia tiết lộ rằng chính quyền ước tính có 250 triệu ca nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12/2022.
Một cư dân Bắc Kinh họ Vương cho biết ông phải đặt lịch hẹn trước 25 ngày để hỏa táng anh trai mình, người đã qua đời ba ngày sau khi được chẩn đoán suy hô hấp.
Gần đây, ông đến thăm một người bạn có triệu chứng phổi trắng tại bệnh viện và giật mình khi thấy một đống thi thể nằm la liệt ở hành lang.
“Họ yêu cầu tôi ra ngoài ngay sau khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, nói với tôi rằng phòng của họ phải giải quyết đống thi thể này. Ngày nào cũng có người tử vong ở đó,” ông Vương kể với The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh và Dịch Như
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times