Những câu chuyện lạ thời Tam Quốc (P.2): Thần thú Hoàng Long hai lần xuất hiện tại quê hương Tào Tháo
Vào năm Hi Bình thứ 5 thời Hán Linh Đế (tức năm 176), một hôm, trên bầu trời huyện Tiêu nước Bái, xuất hiện một con Hoàng Long (rồng vàng) tỏa ra sắc vàng óng ánh cả một vùng, nhẹ nhàng thoăn thoắt bay lượn phía chân trời. Dân chúng theo nhau ngẩng đầu chăm chú dõi theo và đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc, tin tức cũng nhanh chóng truyền đến kinh thành.
Hoàng Long xuất hiện lần đầu
Lúc ấy, Quang Lộc đại phu Kiều Huyền hỏi Thái sử lệnh Đơn Dương: “Đây là điềm lành gì chăng?”
Đơn Dương là người có cá tính yêu thích “bỏ đàn sống riêng”, ngôn hành không giống với thói tục, đặc biệt giỏi về quan sát tinh tượng và suy tính lịch số.
Đơn Dương trầm ngâm một hồi, rồi nói: “Thần thú Hoàng Long xuất hiện, cho thấy vùng đất này sẽ có vương giả hưng khởi. Hơn nữa, căn cứ tinh tượng này mà suy tính, từ giờ trở đi, không đến năm mươi năm sau, Hoàng Long sẽ còn xuất hiện ở nơi này một lần nữa.”
Tuy nhiên, tiên đoán của Đơn Dương cũng không khiến nhiều người chú ý, chỉ có một người tên là Ân Đăng đã đem dự ngôn này lặng lẽ ghi chép lại.
Quê hương của Tào Tháo
Huyện Tiêu nước Bái chính là quê hương của Thiên cổ anh hùng Tào Tháo, cũng chính là huyện Bặc tỉnh An Huy ngày nay.
Huyện Tiêu là một thành cổ, đã tồn tại từ thời Xuân Thu, trải qua nhà Tần và hai đời nhà Hán, đều là nơi trung tâm trị lý của phủ quận. Nơi đây toàn cảnh địa thế bằng phẳng, có con sông Oa chảy xuyên lệch từ Tây Bắc về hướng Đông Nam. Tào Tháo đã trải qua những năm tháng tuổi thơ tinh nghịch ở nơi này.
Năm đó khi Rồng vàng xuất hiện lần đầu tiên ở huyện Bái, Tào Tháo đã 22 tuổi, đang nhậm chức Bắc Đô úy ở Lạc Dương, ông chấp pháp nghiêm minh, khiến cho một nhóm hoàng thân quốc thích vừa tức vừa sợ.
Trong thời gian mười năm sau đó, Tào Tháo chìm nổi quan trường. Ông lòng ôm chí lớn, chính trực chu toàn, đã gặp rất nhiều cản trở. Thế là ông quyết định cáo bệnh từ quan, rời xa chốn triều đình lắm thị phi, trở về cố hương lắng đọng tâm tình.
Trở về cố hương, Tào Tháo xây cất một tinh xá tại nơi cách huyện Tiêu năm dặm về phía Đông, xin miễn tiếp khách, trải qua cuộc sống của người dân thường, xuân hạ đọc sách, thu đông săn bắn.
Năm đó (năm 187), trưởng tử Tào Phi cũng chào đời tại huyện Tiêu. Lúc Tào Phi ra đời, có một đám mây màu xanh hình thù giống chiếc xe có lọng che, bao phủ ở phía trên căn phòng. Người xem khí cho rằng đây cũng không phải là khí của nhân thần, mà là hiện tượng cực quý.
Hoàng Long tái xuất hiện
Năm sau, Tào Tháo trở lại triều đình, đảm nhiệm chức Điển quân Hiệu úy của một trong Tây viên Bát hiệu úy, lại một lần nữa vì nhà Hán mà gia nhập chốn quan trường. Về sau ông là tướng nhà Hán, một lòng phò tá Hán thất. Trải qua chinh chiến hơn ba mươi năm, mãi đến tháng Giêng năm Kiến An thứ 25 (tức năm 220), ông qua đời ở Lạc Dương.
Tháng 3 cùng năm đó, huyện Tiêu lại xuất hiện Rồng vàng. Tiên đoán của Đơn Dương đã trở thành sự thật, đến tháng 10, Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Tào Phi, Tào Ngụy chính thức được thành lập.
Từ diễn biến của lịch sử đã chứng thực, Rồng vàng xuất hiện lần đầu tiên, báo trước Tào Tháo với thân phận tướng của nhà Hán một mình chống đỡ cho Hán thất, là một bậc vương giả chân chính. Rồng vàng tái xuất hiện, báo trước con trai của Tào Tháo là Tào Phi thụ nhận Thiên mệnh lên thay nhà Hán.
Huyện Tiêu nước Bái cũng là quê hương của rất nhiều anh hùng trong Tam Quốc, bao gồm Thần y Hoa Đà, còn có Hứa Chử là cận vệ của Tào Tháo, cùng các chư tướng họ Hạ Hầu, v.v, chính là một thời với bao nhiêu hào kiệt vậy!
Lý Dực Vân thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ