Những câu chuyện ít biết về ‘Điêu Thuyền’
Theo mô tả trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, mỹ nhân Điêu Thuyền có dung mạo xinh đẹp Trăng nhường Nguyệt thẹn, có tấm lòng trung hiếu với phụ thân và đất nước.
Những năm cuối thời Đông Hán có tên gian thần Đổng Trác chuyên quyền tàn bạo, họa loạn Triều cương, chèn ép Thiên tử, mua chuộc chư hầu, sau đó còn sát hại ấu Đế và Thái hậu, kéo bè kết phái bành trướng thế lực, lạm sát Đại thần. Con nuôi của hắn là Lã Bố dũng mãnh dị thường, luôn kề cận bên nghĩa phụ.
Trước cảnh kẻ gian lộng quyền hoành hành khiến Triều chính hỗn loạn, nhân dân lầm than, quần thần bị áp bức mà lực bất tòng tâm, bách quan văn võ dù rất bất bình nhưng không nghĩ ra biện pháp khả dĩ nào. Tư đồ Vương Duãn là trung thần, vì cứu thiên hạ và muôn dân Đại hán, đã nhờ nghĩa nữ Điêu Thuyền tương trợ, diệt trừ tặc thần.
Để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của nghĩa phụ, Điêu Thuyền đã nguyện hiến thân hỗ trợ nghĩa phụ tiêu diệt gian thần loạn quốc trong một chiến trường không đạn pháo khói thuốc.
Điêu Thuyền được người người biết đến với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đã tình nguyện hiến thân để trừ gian diệt ác cho đất nước, để lại tiếng thơm muôn đời. Dù thời thế không ngừng xoay vần, nàng từ đầu đến cuối vẫn xinh đẹp yêu kiều, tài năng xuất chúng. Nàng đã hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để hoàn thành sứ mệnh cứu giúp nước nhà Đại Hán.
Nhắc đến mỹ nhân thời đại Điêu Thuyền, bạn có biết, ở Trung Quốc cổ đại còn có không ít những giai thoại liên quan đến “Điêu thuyền”? Tuy nhiên, Điêu thuyền này lại không phải là nàng Điêu Thuyền được đề cập ở đầu bài viết. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Triệu Vũ Linh Vương mặc hồ phục, đội mũ Điêu thuyền
Thời Trung Quốc cổ đại, các quan chức và quý tộc triều đình sẽ đội mũ quan, một trong số đó có một thứ gọi là “Điêu thuyền” được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc suốt hàng nghìn năm.
“Điêu” và “thuyền” vốn là hai thứ khác nhau, nhưng làm thế nào để biến chúng ăn khớp với nhau và trở thành mũ quan quyền quý? Điều này có liên quan đến Triệu Vũ Lăng Vương thời chiến quốc.
Triệu Ung, Quân chủ nước Triệu (356-295 TCN), cũng chính là Triệu Vũ Linh Vương nổi tiếng trong lịch sử. Trong quãng thời gian trị vì đất nước, ông thi hành chính sách “hồ phục kỵ xạ”. Khí hậu phương Bắc lạnh lẽo khắc nghiệt, người Hồ dùng mũ lông chồn (Hán việt là ‘Điêu’) để đội đầu, Triệu Vũ Linh Vương đã bắt chước y quan của người Hồ, trên đầu trang trí kim đương, phía trước gắn lông chồn, tượng trưng cho chức quan hiển hách lẫy lừng. Trong “Thông điển – Lễ thập thất – Kiến hoa quan” của Đỗ Hữu triều Đường viết rằng: “Huệ (惠) giả, thuyền (蟪) dã, kì quan văn tế như thiền dực, cố danh huệ văn.” Hai chữ ‘huệ’ (惠) và ‘thuyền’ (蟪) đồng âm với nhau, chữ ‘thuyền’ (蟪) tức là con ve sầu, do những trang trí trên mũ quan mỏng như cánh ve sầu nên nó còn được gọi là “Triệu huệ văn quan.”
Trong “Độc đoạn” của Thái Ung thời Đông Hán ghi rằng: “Triệu Vũ Linh Vương hiệu hồ phục thủy thi điêu thuyền chi sức, Tần diệt triệu, dĩ kỳ quân quan tứ thị trung.” Ý tứ là Triệu Vũ Linh Vương bắt chước quan phục của người Hồ, bắt đầu sử dụng điêu thuyền làm phục sức. Tần Thuỷ Hoàng sau khi thống nhất sáu nước đã ban tặng mũ quan của quân chủ nước Triệu cho các cận thần của ông. “Triệu huệ văn quan” sau đó đã phát triển và trở thành quan miện của Quan lại quyền quý, gọi là ‘Điêu thuyền quan’.
Trong “Tống sử, Quyển nhất bách ngũ thập nhị, Dư phục tứ” đã mô tả về Điêu thuyền quan như sau: “Điêu thuyền quan nhất danh lung cân, chức đằng tất chi, hình chính phương, như bình cân trách. Sức dĩ ngân, tiền hữu ngân hoa, thượng chuế đại mạo thiền, tả hữu vi tam tiểu thiền, ngự ngọc tị, tả sáp điêu vĩ. Tam công, thân vương thị từ đại triêu hội, tắc gia vu tiến hiền quan nhi phục chi.” Ý tứ là Mũ quan điêu thuyền là tên của một loại mũ miện chụp đầu, dệt từ sợi đằng tất, có hình vuông, giống như chiếc khăn vấn đầu bằng phẳng. Các vật trang trí bằng bạc, phía trước có hoa bạc, phía trên thêu con ve sầu (thuyền) đồi mồi, hai bên trái phải có ba con ve sầu nhỏ, phần lõm gắn ngọc, bên trái gắn lông chồn. Tam công, Đế vương, Thị từ khi lên Triều, sẽ được mặc thêm hiền quan này.
Ve sầu (thuyền) sống cao uống sạch, chồn (điêu) màu sắc hài hòa
Hai chữ “điêu” (con chồn) và “thuyền” (con ve sầu) trong chiếc mũ Điêu thuyền quan có ngụ ý gì?
Trong cuốn “Đông phục tạp chú” của Từ Quảng thời Đông Tấn viết rằng: “Thuyền thủ thanh cao ẩm lộ nhi bất thực, Điêu thủ tử úy ôn nhuận nhi quang thải bất chương chước.” Thuyền (con ve sầu) bò ra khỏi đất, lột xác và mọc cánh bay lên. Nó sống trên cành cao, hút nhựa cây và ăn sương để sống, nên ve sầu còn mang ngụ ý cuộc sống ẩn giật mà thanh cao. Còn Điêu (con chồn), màu lông hài hòa không gây loá mắt.
Trong “Cổ kim chú” của Thôi Báo thời Tây Tấn viết rằng: “Điêu thuyền, hồ phục dã, điêu giả thủ kì hữu văn thải nhi bất bỉnh hoán, ngoại nhu dịch nhi nội cương kính dã, thiền thủ kì thanh hư thức biến dã, tại vị giả hữu văn nhi bất tự diệu, hữu vũ nhi bất kì nhân, thanh hư tự mục, thức thì nhi động dã.” Ý tứ rằng: Trên những chiếc mũ quan trang trí ve sầu, mượn hình tượng ve sầu sống trên cành cao để ẩn dụ cho những vị quan có địa vị cao nhưng không được hành sự mờ ám. Văn thần không khoe khoang, võ tướng không hung hăng, phải không ngừng trau dồi đạo đức, sống thanh liêm công chính.
Vận may của Hàn sĩ “Điêu thuyền”
Vào thời Nam triều, Đại Thần Giang Yêm (444-505), xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Năm 13 tuổi, cha của Giang Yêm qua đời. Tuy gia cảnh nghèo khó, nhưng Giang Yêm rất cần cù chăm chủ, lại vô cùng ham học hỏi và sáng tác văn chương. Khi không phải đi học, cậu thường lên núi chặt củi bán để phụng dưỡng mẫu thân.
Một ngày nọ, trên đường đốn củi Giang Yêm nhặt được một chiếc mũ Điêu thuyền. Cậu định bán đi để lấy tiền mua ít ngũ cốc nuôi mẹ. Giang mẫu nói: “Chiếc mũ Điêu thuyền này là điềm lành cho con. Con tài hoa đức hạnh như thế, làm gì có chuyện cả đời nghèo khó bần hàn vậy được? Con hãy giữ nó lại, đợi ngày làm quan Thị trung thì đội nó.”
Thị trung là một chức quan ngang hàng Thừa tướng. Bởi vì chức quan này có thể tự do ra vào cung cấm, hầu cận bên cạnh Hoàng đế, là chức quan quyền quý theo dõi chuyện triều chính, cũng là một trong những biểu tượng nhận được sự tín nhiệm của Hoàng đế.
Vào những năm đầu sau khi Đế Thuấn lên ngôi nhà Minh (năm 477), Tề Vương Tiêu Đạo Thành nghe nói Giang Yêm rất có tài, nên đã triệu ông vào làm quan. Từ đó về sau, quan vận của Giang Yêm ngày một hanh thông, thanh danh hiển hách. Quả nhiên mẫu thân của Giang Yêm đã tiên liệu chính xác.
Lão tướng Nam Triều: Điêu thuyền này có được nhờ mũ tướng quân
Cũng vào thời Nam triều, xuất hiện vị tướng Chu Bàn Long (414-493) thời Nam Tống. Mỗi khi lâm trận nghênh địch, ông đều rất dũng mãnh quả cảm, bất khả chiến bại. Trong một trận chiến, Chu Bàn Long biết được con trai mình là Phụng Thư chỉ dẫn theo 200 người, rơi vào vòng vây của hàng vạn quân địch, ông liền phi ngựa lao thẳng đến trận địch. Hai cha con anh dũng chiến đấu, cuối cùng thoát khỏi vòng vây. Trận chiến này khiến danh tiếng hai cha con họ nổi như cồn, cũng khiến quân địch Bắc Ngụy rụt rè e sợ.
Sau này khi Chu Bàn Long tuổi tác đã cao, không thể tiếp tục trấn giữ biên quan, ông bèn dâng tấu xin từ quan. Tuy triều đình đã ân chuẩn nhưng lại phong ông làm Tán kỵ thường thị, Quang lộc đại phu (một hàm tước danh dự tôn quý). Tán kỵ thường thị cũng chính là thị tùng của Hoàng Đế. Theo quy chế y quan, Tán kỵ thường thị phải đội mũ quan Điêu thuyền.
Khi Tề Vũ Đế nhìn mũ quan Điêu thuyền của Chu Bàn Long, đã cười nói: “Ái khanh thấy chiếc mũ Điêu thuyền này so với chiếc mũ đâu mâu [mũ tướng quân] thế nào?”
Chu Bàn Long chỉ lên chiếc mũ trên đầu nói: “Chiếc mũ điêu thuyền này do chiếc mũ đâu mâu sinh ra.”
Câu chuyện nhỏ này đã trở thành chuyện vui lúc bấy giờ.
Đỗ Nhược thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ