Một họa sĩ tài hoa qua đời sau nhiều năm chịu áp lực về tinh thần
Loạt bài về những họa sĩ nổi tiếng bị bức hại vì đức tin và những thành tựu nghệ thuật của họ
Trịnh Nghệ Hân có mọi thứ. Cô là một họa sĩ nổi tiếng, thành công trong mảng sơn dầu và thư pháp, chồng cô là Lý Chính Thiên, là một nhà triết học, nhà thiết kế, một họa sĩ và giáo sư nghệ thuật đoạt nhiều giải thưởng lớn.
Cặp đôi nổi tiếng tận hưởng cuộc sống hạnh phúc tại Chu Hải, một thành phố ven biển miền nam Trung Quốc.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi cô Trịnh bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Môn tu luyện này đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp kể từ tháng 07/1999.
Lần đầu tiên cô bị bắt là vào tháng 03/2001. Cô bị đưa đến một trung tâm tẩy não và bị tra tấn. Ngay sau đó cô bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong một năm.
Cô được trả tự do vào tháng 4 năm sau, nhưng vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, nên chính quyền đã chuyển cô đến một cơ sở tẩy não khác. Khi cô vẫn kiên trì với đức tin của mình, cô đã bị đưa trở lại trại lao động cưỡng bức này thêm hai năm nữa.
Theo trang Minghui.org, các học viên Pháp Luân Công khác bị giam giữ cùng thời điểm với cô Trịnh nhớ rằng cô ấy là một phụ nữ xinh đẹp và thanh lịch với tính cách dịu dàng. Ấy vậy mà người nghệ sĩ tài hoa này đã bị làm nhục và bị tra tấn tàn nhẫn tại trại lao động cưỡng bức đó.
Khi cô tiếp tục không chấp nhận từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, nhà cầm quyền đã tách riêng cô để áp dụng những biện pháp hà khắc hơn. Cô liên tục bị theo dõi và không được ngủ, bị biệt giam, không được tắm, và bị đánh bằng một chiếc giày cao gót.
Năm 2003, chồng cô được giới truyền thông phỏng vấn sau khi đạt được Giải nhất trong một cuộc thi thiết kế sáng tạo quốc tế được tổ chức tại Nhật Bản. Nhân cơ hội này, anh đã thỉnh cầu trả tự do cho cô Trịnh.
Anh nói với các phóng viên rằng sức khỏe của anh đang xấu đi và anh cần vợ ở nhà để chăm sóc. Không lâu sau, vào tháng 04/2004, cô Trịnh đã được trả tự do trước khi mãn hạn.
Không một ngày bình yên
Tuy vậy, mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Sau khi được thả, cặp vợ chồng nữ họa sĩ Trịnh đã bị cảnh sát giám sát suốt ngày đêm. Họ không thể xuất hiện trên truyền hình hoặc được đưa tin trên báo chí. Họ không thể rời khỏi Trung Quốc.
Cô Trịnh không được phép đi lại để triển lãm hoặc làm những việc khác, và điện thoại của cô bị nghe lén.
Không có quyền tự do thể hiện bản thân và không thể sống hết mình với đam mê nghệ thuật, cô cảm thấy áp lực tinh thần rất lớn và trở nên trầm cảm nặng.
Cô càng thêm đau đớn khi chứng kiến mẹ cô, bà Dương Hoán Anh, cũng là một học viên Pháp Luân Công, thường xuyên bắt giữ và tống giam. Sức khỏe cô suy sụp nhanh chóng. Năm 2011, một làn sóng mới bắt giữ các học viên địa phương, trong đó có rất nhiều học viên mà cô quen biết, càng khiến cô thêm đau khổ.
Sức khỏe cô tiếp tục xấu đi và cô đã qua đời vào năm 2012 ở tuổi 45.
Thử thách của mẹ cô Trịnh
Mẹ của cô Trịnh cũng phải trải qua địa ngục trần gian do chiến dịch bức hại này.
Từ tháng 09/2000 đến tháng 09/2003, bà Dương Hoán Anh liên tục bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não, trung tâm cai nghiện ma túy và trại giam, từ hai tuần đến một năm.
Bà bị kết án 18 tháng lao động cưỡng bức vào tháng 03/2005. Bà bị buộc phải xem các video vu khống về Pháp Luân Công trong 5 tháng liền. Bà không được phép ngủ và có lần phải đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt suốt ba tiếng đồng hồ.
Một năm sau khi được trả tự do, bà Dương bị bắt lại và bị kết án bất hợp pháp vào tháng 05/2007 thêm 18 tháng lao động cưỡng bức. Bà bị những phạm nhân nghiện ma túy thô lỗ theo dõi. Các lính canh thay phiên nhau gây áp lực buộc bà phải từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà đã bị bắt phải đứng trong nhiều giờ khi kiên quyết không từ bỏ đức tin của mình. Chân bà sưng phù lên và bà bị sụt cân nghiêm trọng. Bà không thể tự chăm sóc bản thân và phải được bế nếu muốn vào nhà vệ sinh.
Sau khi được trả tự do vào tháng 10/2008 và hồi phục sức khỏe, bà đã bỏ nhà ra đi để tránh bị bắt trở lại.
Năm 2015, nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của con gái, bà Dương đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Cộng, người đã phát động chiến dịch bức hại vào năm 1999 gây ra bao tang thương cho các học viên Pháp Luân Công và gia đình họ.
Bà Dương nói rằng cuộc bức hại đã khiến con gái bà qua đời. Bà kết luận trong đơn tố cáo rằng: “Tôi từng có một gia đình hạnh phúc, một người chồng yêu thương và bốn người con hiếu thuận. Đáng lẽ tôi đã có thể dành cả tuổi già cho năm đứa cháu.”
“Tuy nhiên, chỉ vì tôi tu luyện Pháp Luân Công mà con gái tôi đã qua đời và gia đình tôi tan nát.”
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times