Nhóm doanh nghiệp Âu Châu cảnh báo về việc mất lòng tin vào Trung Quốc
THƯỢNG HẢI — Một nhóm công nghiệp hàng đầu của Âu Châu đã cảnh báo vào hôm thứ Tư (21/09) rằng các công ty đang mất niềm tin vào Trung Quốc và vị thế là điểm đến đầu tư của nước này đang bị xói mòn, với lý do chính sách COVID-19 “không linh hoạt và được thực hiện không nhất quán” là một yếu tố then chốt.
Phòng Thương mại Âu Châu đã công bố những lời cảnh báo trên trong một báo cáo mà họ cho biết có ý kiến đóng góp từ 1,800 công ty thành viên, trong đó có 967 khuyến nghị cho Trung Quốc, Liên minh Âu Châu, và các công ty Âu Châu liên quan đến hoạt động kinh doanh tại nước này.
Ví dụ, báo cáo này động chạm đến các vấn đề từ Đài Loan đến thương mại, đã nói chẳng hạn như chính quyền Trung Quốc nên kiềm chế “những thay đổi chính sách thất thường,” tăng cường hợp tác với Liên minh Âu Châu và tăng cường các chuyến bay quốc tế.
Báo cáo cho biết thêm, Liên minh Âu Châu nên chủ động tác động vào Trung Quốc và phản bác các lời kêu gọi rút lui.
Giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đã xuất hiện “sự trái ngược hoàn toàn” trong năm qua, khi các quốc gia khác vẫn cam kết toàn cầu hóa còn Trung Quốc thì tiếp tục hướng vào bên trong, Chủ tịch Phòng Thương mại Âu Châu, ông Joerg Wuttke, cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông nói: “Thế giới sống với miễn dịch cộng đồng và Trung Quốc chờ đợi cho đến khi thế giới thoát khỏi Omicron, điều này đương nhiên là khó xảy ra,”đề cập đến lập trường Zero-COVID cứng nhắc của chính quyền Trung Quốc, điều này đã dẫn đến các đợt phong tỏa thường xuyên và giữ cho biên giới hầu như đóng cửa với quốc tế.
Bên cạnh COVID-19, Phòng Thương mại Âu Châu cho biết việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bị đình trệ, sự di cư của công dân Âu Châu ra khỏi Trung Quốc cùng với việc hạn chế đi lại đối với nhân viên Trung Quốc ra ngoại quốc cũng như gia tăng chính trị hóa kinh doanh cũng đang làm tổn hại đến sức hấp dẫn của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết số lượng kỷ lục các doanh nghiệp muốn chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc đã lên kế hoạch sang các thị trường khác.
Hồi tháng trước (08/2022), một nhà vận động hành lang kinh doanh của Hoa Kỳ cho biết các biện pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19 của Trung Quốc đã khiến mối bang giao Mỹ-Trung trở thành mối quan tâm hàng đầu của các công ty Mỹ tại nước này.
Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn yêu cầu khách du lịch phải cách ly khi đến, và ông Wuttke cho biết phòng thương mại vẫn hy vọng rằng các hạn chế có thể được nới lỏng sau cuộc họp định kỳ 5 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bắt đầu vào ngày 16/10.
Mặc dù ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba mang tính lịch sử, vẫn chưa rõ ai sẽ tham gia cùng ông trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và ai sẽ thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sẽ nghỉ hưu vào tháng Ba với bổn phận chính là quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Wuttke nói rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người được cho là sẽ nghỉ hưu từ vị trí hiện tại, luôn ủng hộ việc cải cách và “sẽ khó thay thế.”
Do Josh Horwitz của Reuters thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times