Nhóm chuyên gia ngành: Kinh tế Đức sẽ chỉ tăng trưởng 0.3% vào năm 2024
Một số chuyên gia dự đoán Đức sẽ trải qua ‘cuộc suy thoái kéo dài hai năm đầu tiên kể từ đầu những năm 2000’ trong năm nay.
Một nhóm chuyên gia ngành đã dự đoán Đức sẽ chỉ có tăng trưởng một chút vào năm 2024 khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này giảm lần đầu tiên vào năm ngoái (2023) kể từ năm 2020.
Theo một tuyên bố hôm 16/01, Liên đoàn các Ngành công nghiệp Đức (BDI) dự kiến nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0.3% vào năm 2024, trong khi nền kinh tế toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng 2.9%. Đức là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu.
“Nền kinh tế ở Đức đang bế tắc. So với hầu hết các quốc gia công nghiệp lớn khác, đất nước chúng ta đang tụt lại phía sau nhiều hơn,” Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm nói tại Berlin hôm 16/01. “Chúng tôi không thấy bất kỳ cơ hội giải giải thoát nhanh chóng nào vào năm 2024.”
Bình luận của ông Russwurm được đưa ra khi Destatis, văn phòng thống kê liên bang của Đức, tiết lộ hôm 15/01 rằng GDP của nước này đã giảm 0.3% trong năm 2023.
Chủ tịch Destatis Ruth Brand cho biết tại một cuộc họp báo ở Berlin: “Sự phát triển kinh tế nhìn chung đã chững lại ở Đức vào năm 2023 trong một môi trường tiếp tục bị đánh dấu bởi nhiều cuộc khủng hoảng.”
“Mặc dù giá cả đã giảm gần đây, nhưng giá vẫn ở mức cao ở tất cả các giai đoạn của quá trình kinh tế và gây cản trở tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện tài chính không thuận lợi do lãi suất tăng và nhu cầu trong và ngoài nước yếu hơn cũng gây thiệt hại.”
Do đó, nền kinh tế Đức đã không thể tiếp tục phục hồi sau “cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng” trong năm đại dịch 2020.
Mức giảm 0.3% GDP là mức giảm đầu tiên kể từ năm 2020 và chỉ là mức giảm tốc độ tăng trưởng hàng năm thứ hai trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2023.
Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING của Hà Lan, nói với The Guardian rằng “không có sự phục hồi sắp xảy ra” đối với nền kinh tế Đức. Đất nước này “có vẻ sắp trải qua cuộc suy thoái kéo dài hai năm đầu tiên kể từ đầu những năm 2000.”
Ông nói, “Chúng tôi dự đoán tình trạng trì trệ và suy thoái nông hiện nay sẽ tiếp tục. Trên thực tế, nguy cơ năm 2024 sẽ lại là một năm suy thoái nữa là rất cao.”
Hồi tháng Mười (2023), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán Đức sẽ là quốc gia có GDP kém nhất trong số các nền kinh tế phát triển vào năm 2023. Mặc dù cơ quan này dự đoán tất cả các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng dương vào năm ngoái, nhưng Đức thì là ngoại lệ, vì IMF dự đoán mức sụt giảm 0.5%.
Ông Russwurm nêu lên rằng mức tăng trưởng rất thấp của Đức được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân, do lạm phát giảm và sức mua tăng lên. BDI cho biết, một số yếu tố kinh tế năm nay “thậm chí còn khó khăn hơn” so với năm 2023.
Chủ tịch BDI cho biết, mặc dù đã có tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ lạm phát, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất dần dần, nhưng những sự kiện như vậy sẽ chỉ có tác động rõ rệt đến nền kinh tế thực từ mùa xuân năm 2025.
Các vấn đề kinh tế của Đức
Nói về các khía cạnh chính trị ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức, ông Russwurm cho rằng các chính trị gia nước này đã khiến mọi việc trở nên quá phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và tạo ra sự bất ổn trong doanh nghiệp và người dân. Ông kêu gọi tất cả các đảng dân chủ cùng nhau đưa ra những quyết định mà đất nước đang khẩn cấp yêu cầu.
Nước Đức đã bị rung chuyển bởi các cuộc đình công của những người lái tàu và nông dân trong những tuần gần đây.
Trong khi các yêu cầu đối với lương và giờ làm việc đã khiến các nhân viên tàu đình công, nông dân lại biểu tình vì các chính sách của chính phủ ảnh hưởng tiêu cực đến họ, bao gồm giảm trợ cấp nông nghiệp và chấm dứt miễn thuế xanh cho các phương tiện nông nghiệp. Cộng đồng nông dân Đức khẳng định những chính sách như vậy sẽ đe dọa tới sự sống còn của họ.
Chủ tịch BDI cho rằng việc xây dựng các nhà máy điện dự phòng hydro để chuyển đổi năng lượng là vấn đề then chốt cần hành động khẩn cấp. Ông Russwurm cho biết, chừng nào việc xây dựng của họ vẫn còn trong tình trạng lấp lửng vì các vấn đề về mô hình kinh doanh và tài chính, thì Đức sẽ vẫn phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than.
“Kịch bản này chính xác là đang đến gần hơn mỗi ngày.” Ông nói, tình huống như vậy sẽ gây bối rối cho Đức, quốc gia có kế hoạch khử carbon đầy tham vọng.
Tháng trước (12/2023), Berlin đã quyết định cắt giảm nguồn tài trợ nhằm mục đích chuyển đổi xanh của Đức và cắt giảm trợ cấp cho các dự án quang năng và năng lượng truyền thống nhằm giải quyết khoản thâm hụt 17 tỷ euro (khoảng 18.3 tỷ USD) trong ngân sách nước này.
Ông Russwurm cũng chỉ trích Đạo luật Thẩm định Chuỗi Cung ứng Âu Châu và Đạo luật AI. Đạo luật Thẩm định của EU nhằm yêu cầu các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về các tác động môi trường và xã hội của họ. Đạo luật AI đề ra các quy định cho hệ thống trí tuệ nhân tạo ở Liên minh Âu Châu.
Ông nói: “Chúng ta cần một thị trường nội bộ, mà bằng vào lợi ích kinh tế có được nhờ quy mô, cũng cho phép mở rộng quy mô của việc tạo ra các giá trị công nghiệp theo định hướng tương lai, không chỉ về số hóa mà còn trong tất cả các lĩnh vực nói chung.”
Ông Russwurm cho biết các cuộc bầu cử khác nhau ở châu Âu — chẳng hạn như cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Brandenburg, Sachsen, và Thüringen — cùng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay là “vô cùng quan trọng” đối với đất nước.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, ông Russwurm đã cảnh báo rằng các ngành công nghiệp Đức có thể rời khỏi nước này vì điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Ông nói trong một sự kiện: “Cảm giác thiếu kiên nhẫn và không chắc chắn đang lan rộng trong nhiều doanh nhân.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times