Đức: Các cuộc biểu tình của nông dân lan rộng
Nông dân chặn đường cao tốc, ngã ba đường, và kho trung tâm của các chuỗi siêu thị bằng máy kéo.
BERLIN — Tối hôm 14/01, ngoài nông dân, còn có các chủ cửa hàng, tài xế xe tải, thợ mộc địa phương, người bán thịt trong làng, các gia đình, thậm chí cả các thị trưởng của Đức đã tuần hành trên các đoạn đường cao tốc trong thời tiết băng giá.
Ngày hôm sau, 15/01, những nông dân này lại gặp nhau, lần này là ở thủ đô. Hàng trăm người trong số họ từ khắp nước Đức đã lái máy kéo hàng giờ qua đêm đến Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng của quốc gia này.
Nhiều nông dân đang biểu tình trên khắp đất nước cho biết rằng họ là những người kiếm được số tiền mà chính phủ đang chi tiêu lãng phí.
Đức vừa chứng kiến tuần hành động đầu tiên do Hiệp hội Nông dân Đức tổ chức. Họ dùng máy kéo để chặn đường cao tốc, nút giao thông, và kho trung tâm của các chuỗi siêu thị. Họ tổ chức các cuộc biểu tình và làm tê liệt các con đường đi đến trung tâm thành phố hoặc toàn bộ thị trấn.
Chuyện gì đang xảy ra ở Đức?
Chính phủ Đức rất không được lòng dân. Theo một cuộc thăm dò gần đây của viện nghiên cứu dư luận INSA, hơn 3/4 số người được hỏi — 76% — không tán thành các chính sách hiện hành. 72% không hài lòng với kết quả làm việc của Thủ tướng Olaf Scholz — và con số đó đang tăng lên. Những lời kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới ngày càng lan rộng.
Tuần trước (08-14/01), Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck từ Đảng Xanh đã nhận được một bức thư ngỏ từ khu vực bầu cử của ông gần biên giới Đan Mạch về các cuộc biểu tình: Người đứng đầu quận và cả 13 thị trưởng đã tham gia biểu tình cùng nông dân. Bức thư của họ lưu ý về điều thường được gọi là “bong bóng chính trị Berlin.” Một trong những ví dụ mà họ liệt kê: Sau trận lũ lụt ở biển Baltic vào tháng 10/2023, chính phủ Đức đã từ chối viện trợ cho việc gia cố đê điều. Trong khi đó, Đức đã viện trợ 10 tỷ USD cho Ấn Độ để giúp chống lại các mối đe dọa liên quan đến khí hậu. Điều đó đã làm phật lòng nhiều người tham gia biểu tình.
Điều khiến cho nông dân cảm thấy quá sức chịu đựng là việc cắt trợ cấp ngay trước Giáng Sinh. Kể từ đó, tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.
Chính phủ hết tiền
Vào tháng 11/2023, tòa án cao nhất của Đức đã ra phán quyết rằng việc phân bổ 60 tỷ USD trong ngân sách của Berlin là vi hiến. Mặc dù số tiền này đã được phê chuẩn dưới dạng khoản vay khẩn cấp do COVID, nhưng chính phủ ông Scholz muốn sử dụng khoản tiền này cho các biện pháp về khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Kể từ đó, chính phủ đã phải nỗ lực tiết kiệm các khoản tiền để bù đắp vào lỗ hổng ngân sách. Một trong những biện pháp là chấm dứt trợ cấp nhiên liệu diesel. Đối với các trang trại quy mô trung bình ở Đức, điều này có nghĩa là chi phí tăng thêm ít nhất là 3,000 USD mỗi năm. Một biện pháp khác là bãi bỏ việc giảm thuế đối với xe nông nghiệp.
Ngân sách của nông dân đã phụ thuộc phần lớn vào các quỹ này. Trung bình, trợ cấp chiếm 45% thu nhập của nông dân. Không phải tất cả nông dân đều có thể trang trải chi phí trong ngành nông nghiệp vốn đã mang tính hiệu suất cao ở Đức.
Từ năm 2010 đến 2020, 36,100 trang trại ở Đức đã ngừng hoạt động. Điều đó tương ứng với trung bình 10 trang trại ngừng hoạt động mỗi ngày, dẫn đến cứ 7 việc làm trong lĩnh vực này thì có 1 người bị mất việc. Nhiều nông dân không tìm được người nối nghiệp hoặc đang gặp khó khăn do các quy định, tình trạng quan liêu, áp lực giá từ các chuỗi siêu thị lớn. Gần đây hơn, họ cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng cao, lạm phát, các quy định về phân bón, và tiền mua máy móc.
Có bao nhiêu người đã xuống đường?
Dưới đây là ước tính thận trọng về số lượng máy kéo và các loại xe cộ khác được cảnh sát báo cáo tại các cuộc biểu tình và đoàn xe ở bảy tiểu bang chủ yếu là bang nông nghiệp vào ngày 08/01.
Baden-Württemberg, 33,000 xe; Sachsen, 24,000 xe; Nordrhein-Westfalen, 22,000 xe (trong đó có 17,000 máy kéo); Rheinland-Pfalz, 13,000 xe; Mecklenburg-Vorpommern, 7,300 xe; Schleswig-Holstein, lên tới 10,000 xe; và Hessen — chỉ riêng trong một cuộc biểu tình — hơn 2,000 máy kéo.
Đó là tổng cộng khoảng 110,000 phương tiện di chuyển, chủ yếu là máy kéo và xe tải. Để dễ bề so sánh, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), vào năm 2023, có 255,000 trang trại và 876,000 nông dân ở Đức — ở một quốc gia có dân số khoảng 84 triệu người.
Bà Hanna Timmermann, một nông dân hữu cơ đến từ Hamburg, cho biết tại cuộc biểu tình ở Berlin, “Chúng tôi muốn có những chính sách hợp lý và dựa trên thực tế. Đó không phải là về chính phủ đèn giao thông (gồm ba màu của liên minh ba đảng), cũng chẳng phải là một vấn đề đảng phái, mà là về thực tế là các quyết định đã được đưa ra trong nhiều năm đã tạo thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp. Chúng ta muốn nâng cao tiêu chuẩn của mình, nhưng chúng ta ắt phải có đủ khả năng chi trả để làm như vậy.”
“Đây không chỉ là vấn đề sống còn của riêng một ngành nghề,” bà Angelika Barbe, một nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng đến từ Đông Đức cũ và cựu nghị viên liên bang, nói trước Cổng Brandenburg. “Mà đó cũng là vấn đề về lương thực. Cho dù đó là những người dân bình thường phải chịu chi phí sưởi ấm, hay là các chủ cửa hàng không còn gì và không còn đủ khả năng trang trải chi phí xây dựng, quý vị có thể thấy rằng ở khắp mọi nơi đều xuất hiện vấn đề.”
Theo ông Hans-Joachim Ziehmann, những người nông dân chỉ là những người tiên phong. Doanh nhân và nhà sản xuất thực phẩm đến từ Berlin này tin rằng “có rất, rất nhiều điều cần phải diễn ra” trong tương lai gần để đưa đất nước trở lại một nền tảng vững chắc.
“Chế độ quan liêu vô lý, thuế leo thang, và vô số điều luật trái ngược nhau đến khó tin. Tình hình không thể tiếp tục như thế này được nữa.”
Lo ngại về phong trào ‘áo vàng’ mới
Một trong những mối lo ngại lớn nhất của chính phủ là các cuộc biểu tình sẽ lan rộng — một dạng “phong trào áo vàng” như ở Pháp.
Nông dân và tài xế xe tải cũng đang xuống đường ở Romania. Hôm 11/01, hàng trăm tài xế xe tải đã tổ chức một cuộc biểu tình. Nông dân từ Hà Lan, Hungary, và các nước khác ở châu Âu cũng tham gia biểu tình ở Đức.
“Thật vui khi thấy rằng ở Đức, nông dân Đức đã tổ chức một cuộc tuần hành gây ấn tượng như vậy vì lợi ích của chính họ,” một người Hungary ở Berlin cho biết. “Chúng tôi hơi ghen tị vì điều này gần như không thể xảy ra ở Hungary.”
Nông dân đã đạt được gì?
Thứ nhất, cuộc biểu tình của nông dân đã phát triển thành cuộc biểu tình của giai tầng trung lưu và chủ doanh nghiệp nhỏ ở Đức. Đại đa số người Đức — 69% — ủng hộ các cuộc biểu tình và chỉ 22% lên tiếng phản đối, theo một cuộc thăm dò của INSA hôm 09/01.
Thứ hai, kế hoạch loại bỏ ưu đãi giảm thuế đối với xe nông nghiệp đã bị hủy bỏ. Vẫn còn tranh cãi về việc có cắt giảm trợ cấp dầu diesel nông nghiệp hay không. Hiệp hội Nông dân Đức đang đe dọa sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi chính sách đó cũng được dỡ bỏ.
Thứ ba, người dân Đức nhận thấy rằng các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới đều muốn tiết kiệm ngoại trừ chính phủ nước mình. Nhiều công dân trong nước đang nhận thấy thực tế này và đây là một lý do khiến nhiều người tham gia. Việc mở rộng Phủ Thủ tướng (Bundeskanzleramt) dự kiến sẽ tiêu tốn 800 triệu USD, và có thể cuối cùng sẽ lên đến 1 tỷ USD, gần bằng số tiền mà nông dân sẽ phải trả nhiều hơn sau đợt cắt giảm gần đây.
Thứ tư, hành động của nông dân diễn ra ôn hòa. Cuộc biểu tình trên toàn quốc được nhiều người ủng hộ hơn dự kiến. Việc truyền thông đưa tin rằng các cuộc biểu tình đang bị các lực lượng cực đoan cố tình kích động hoặc bị những kẻ cực đoan cánh hữu xâm nhập đã thất bại. Các nhà tổ chức rõ ràng đã tránh xa các nhóm cực đoan và những lời kêu gọi bạo lực.
Nghiêm túc xem xét sự bất mãn của người dân
“Vì nếu không làm vậy thì chúng tôi sẽ không được lắng nghe nên chúng tôi phải ‘làm phiền một chút’ — nhưng chỉ trong khuôn khổ pháp lý,” ông Micha Engelhardt, một nông dân biểu tình ở tiểu bang Thüringen, cho hay. “Mục tiêu chính là rút lại hai chính sách, [và] thứ hai, nhìn chung chúng tôi biểu tình phản đối để có thể đối thoại nhiều hơn, để có các giải pháp thiết thực, và nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn từ các chính trị gia.”
Điều này sẽ bảo đảm rằng “những quyết định sai lầm như vậy sẽ không xảy ra nữa.”
“Các chính trị gia nên tạo ra các khuôn khổ để chúng tôi có thể theo kịp cạnh tranh quốc tế mà không cần trợ cấp,” ông nói và lấy thuế diesel làm ví dụ.
“Chúng tôi sẽ không cần hoàn thuế dầu diesel nếu mức thuế không quá cao. Hầu như không có quốc gia nào khác có mức thuế này cao đến vậy.”
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times