Đảng Cộng Hòa đề xướng dự luật cắt tài trợ cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới và ngăn chặn việc ‘tái thiết lối sống của chúng ta’
Một nhóm thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đưa ra một dự luật mới để cấm Hoa Kỳ tài trợ cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Một số dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đề xướng một dự luật cấm dùng tiền thuế của người Mỹ để tài trợ cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đồng thời chỉ trích tổ chức xuyên quốc gia này và các mục tiêu của họ là sai lầm, theo chủ nghĩa tinh hoa, và “chống Mỹ.”
Theo một thông cáo báo chí hôm 19/01, dự luật này, được gọi là Đạo luật Cắt tài trợ Davos, sẽ cấm bất kỳ khoản kinh phí nào được cấp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ — hoặc bất kỳ bộ nào hoặc cơ quan nào khác có liên quan đến vấn đề đó — tài trợ cho WEF.
“Việc buộc những người đóng thuế Mỹ tài trợ cho các chuyến đi trượt tuyết hàng năm của những người theo chủ nghĩa tinh hoa toàn cầu hẹp hòi là một điều vô lý — nếu không nói là đáng trách,” Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), một trong những nhà tài trợ của dự luật, cho biết trong một tuyên bố. “Diễn đàn Kinh tế Thế giới không xứng đáng nhận được một xu tài trợ nào từ Mỹ, và đã đến lúc chúng tôi cắt ngân sách cho Davos.”
Tham gia cùng ông Perry trong việc đồng bảo trợ cho dự luật này còn có các Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin), Paul Gosal (Cộng Hòa-Arizona), Diana Harshbarger (Cộng Hòa-Tennessee), Andy Ogles (Cộng Hòa-Tennessee), và Matt Rosendale (Cộng Hòa-Montana).
Ông Tiffany cho biết trong một tuyên bố rằng “Đạo luật Cắt tài trợ Davos sẽ bảo đảm rằng tiền thuế của Hoa Kỳ không tài trợ cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới và việc họ tái thiết lối sống của chúng ta.”
“Tái thiết” rõ ràng là ám chỉ đến một tập hợp các ý tưởng do người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đưa ra trong cuốn sách mà ông là đồng tác giả có nhan đề “The Great Reset” (Đại Tái Thiết). Theo đó, ông đã tóm tắt trong một bài xã luận rằng đó là một nỗ lực điều phối toàn cầu nhằm “sửa chữa tất cả các phương diện trong các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta” mà trong đó mọi quốc gia, gồm có Hoa Kỳ, “phải tham gia.”
Đại Tái Thiết
Ông Schwab mô tả nghị trình Đại Tái Thiết có ba phần chính: một là “lèo lái thị trường hướng tới những kết quả công bằng hơn,” trong đó có việc rút lại trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và có thể áp đặt thuế tài sản.
Theo ông Schwab, phần thứ hai của nghị trình này là đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm rằng các khoản đầu tư đều hướng tới việc đạt được “các mục tiêu chung, chẳng hạn như bình đẳng và bền vững,” bao gồm cả cơ sở hạ tầng “xanh,” đồng thời tạo ra một hệ thống kiểu “cây gậy và củ cà rốt” (carrot-and-stick) với những ưu đãi để buộc các ngành phải đáp ứng các chỉ số về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG).
Phần thứ ba của nghị trình Đại Tái Thiết sẽ là “khai thác những đổi mới của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư,” chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo để “trợ giúp lợi ích cộng đồng” và giải quyết các thách thức về sức khỏe và xã hội, chẳng hạn như tạo ra các quy định truy tìm các ca nhiễm bệnh hoặc theo dõi tình trạng chích ngừa.
Trong các cuộc họp của WEF năm nay (diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/01), Vương hậu Máxima của Hà Lan, một nhà vận động công bằng xã hội kỳ cựu và từng là Người ủng hộ Đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Tài chính Toàn diện cho Phát triển (UNSGSA), đã kêu gọi việc áp dụng rộng rãi thẻ căn cước kỹ thuật số sinh trắc học có thể được các chính phủ sử dụng để theo dõi “ai đã thực sự chích ngừa hay chưa chích ngừa.”
Sự phản đối của Đảng Cộng Hòa
Đảng Cộng Hòa phản đối việc Hoa Kỳ tài trợ cho WEF là vì họ cho rằng đây là một diễn đàn cho phép giới tinh hoa trên toàn cầu cũng như các nhà lãnh đạo của các quốc gia như Trung Quốc và Iran thúc đẩy các biện pháp làm phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ.
Trong nhiều năm qua Hoa Kỳ đã chi trả hàng triệu dollar để tài trợ cho WEF và hội nghị thường niên của giới tinh hoa toàn cầu trong tổ chức này. Đảng Cộng Hòa cho rằng các cuộc thảo luận trong tổ chức này bao gồm “những ý tưởng ghê tởm như đoàn kết toàn cầu và ăn sâu bọ để giải quyết nạn đói trên thế giới.”
Ông Schwab đã nhấn mạnh trong cuốn “Đại Tái Thiết” rằng, WEF cùng các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã ủng hộ cách quản trị từ trên xuống để kiểm soát các mối đe dọa khác nhau, trong đó có việc chỉnh lý lại chủ nghĩa tư bản để phân bổ lợi ích một cách đồng đều hơn và củng cố cấu trúc toàn cầu của các tổ chức đa quốc gia.
Các nhà phê bình cho rằng WEF đại diện cho một nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm làm suy yếu chủ quyền quốc gia bằng cách tập trung quyền lực và ra quyết định gây tổn hại đến sự tự do cá nhân và các cộng đồng địa phương.
Những lo ngại cũng đã phát sinh khi các giải pháp mà diễn đàn này đề xướng có liên quan đến mức độ cao của chủ nghĩa can thiệp về kinh tế từ chính phủ, và liên quan đến thao túng xã hội của giới tinh hoa, những người mà các nhà phê bình cho là luôn muốn áp đặt các giá trị và niềm tin cấp tiến lên những người dân có tư tưởng truyền thống.
Đề xướng ngừng tài trợ cho WEF của Đảng Cộng Hòa được đưa ra vào ngày cuối cùng của hội nghị thường niên của tổ chức này — bế mạc hôm 19/01 tại Davos, Thụy Sĩ.
WEF lo ngại ông Trump
Các nhà quan sát nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay tại Davos, chiến thắng kỷ lục của cựu Tổng thống Donald Trump hôm 15/01 tại Iowa đã trở thành chủ đề để bàn tán — và là tâm điểm chú ý.
Một trong những người tham dự hội nghị WEF là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu Christine Lagarde, đã công khai chỉ trích cựu tổng thống Trump.
“Tất cả chúng tôi đều lo lắng về điều này bởi vì Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất, một quốc gia với sức mạnh quân sự lớn nhất trên thế giới, và là một ngọn hải đăng của nền dân chủ kèm theo tất cả những điểm mạnh và điểm yếu,” bà cho biết khi hỏi về cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 17/01.
“Chúng ta cần phải vô cùng chú ý,” bà cho biết thêm.
Bà Lagarde, người từng giữ chức vụ giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã mô tả cựu Tổng thống Trump là một “mối đe dọa” rất rõ ràng đối với châu Âu. Bà đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn gần đây với France 2, trong đó trích dẫn quan điểm của cựu Tổng thống Trump về thuế quan, NATO, và biến đổi khí hậu.
Vào ngày bế mạc hội nghị WEF, bà Lagarde cho rằng nếu như cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong nỗ lực quay trở lại Tòa Bạch Ốc thì chiến lược hiệu quả nhất sẽ là tiếp tục công kích.
“Theo cách chúng tôi muốn nhìn nhận, thì cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công,” bà cho biết trong một cuộc thảo luận hôm 19/01.
“Để tấn công một cách phù hợp, chúng ta cần phải trở nên mạnh mẽ trước. Vậy để trở nên mạnh mẽ có nghĩa là cần có một thị trường mạnh, bền vững, và có một thị trường duy nhất thiết thực.”
Ông Philipp Hildebrand, cựu giám đốc ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và hiện là phó chủ tịch đương nhiệm của BlackRock, cũng bày tỏ quan điểm tương tự về cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ.
“Như quý vị đã biết, chúng ta đã từng trải qua chuyện này; chúng ta đã vượt qua, vậy thì chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra,” ông Hildebrand nói với Bloomberg tại Davos. “Hiển nhiên, từ góc độ của Âu Châu, từ góc độ Đại Tây Dương với một kiểu toàn cầu hóa, thì hiển nhiên đây là một mối lo ngại to lớn.”
Ông Gordon Brown, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, cũng bày tỏ lo ngại như vậy về mối đe dọa mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể gây ra, tin rằng điều đó có thể ảnh hưởng không chỉ đến Hoa Kỳ mà còn đến các quốc gia khác.
“Tôi lo ngại về mối đe dọa từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump,” ông nói với CNBC tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Thụy Sĩ hôm 17/01.
Về phần mình, cựu Tổng thống Trump đã tới Davos hai lần vào năm 2018 và 2020 để tham dự các cuộc họp của WEF.
Trong bài diễn văn quan trọng vào năm 2020 của mình, ông đã ca ngợi các chính sách bảo hộ thương mại của mình và vị thế của Mỹ quốc với tư cách là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan
Thanh Nguyên và Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times