Nhờ xem chương trình truyền hình Nam Hàn, cô gái đã quyết tâm trốn khỏi Bắc Hàn
“Sau khi xem các chương trình truyền hình về cuộc sống ở Nam Hàn, tôi đã quyết định đào thoát khỏi Bắc Hàn… Vì biết rằng Nam Hàn sẽ tiếp nhận chúng tôi, nên tôi đã chọn đến Nam Hàn. Nếu bảo tôi đi Trung Quốc, tôi sẽ không đi.”
Vào tháng Mười năm ngoái, một phụ nữ trẻ người Bắc Hàn cùng mẹ của cô đã vượt biển Nhật Bản (ở Nam Hàn gọi là “Biển Đông”) bằng thuyền gỗ để đến Nam Hàn. Cô đã cho biết như vậy tại buổi công bố “Báo cáo Nhân quyền Bắc Hàn năm 2024” được Trung tâm Ghi chép Nhân quyền Bắc Hàn thuộc Bộ Thống nhất Nam Hàn tổ chức gần đây.
Quyết định trốn khỏi Bắc Hàn sau khi xem phim và chương trình truyền hình của Nam Hàn
Cô gái trẻ đào thoát khỏi Bắc Hàn tên là A, khoảng hơn 20 tuổi. Cô cho biết khi sống ở Bắc Hàn, cô thường xuyên xem phim và chương trình truyền hình của Nam Hàn, tất cả những thứ này đều được mua từ người Trung Quốc.
“Những bộ phim truyền hình Nam Hàn rất được giới trẻ Bắc Hàn yêu thích, bao gồm ‘Bản tình ca mùa đông,’ ‘Chuyện tình mùa thu,’ ‘Quý ông và tiểu thư,’ ‘Lớp học Itaewon,’ ‘Hậu duệ mặt trời,’ ‘Thư ký Kim sao thế?,’ ‘Những người thừa kế,’ ‘Vì sao đưa anh tới’ và rất nhiều bộ phim khác… Khi xem những nội dung này trên truyền hình, tâm trạng tôi dao động mạnh: Tại sao chúng ta phải sống như thế này?”
“Chúng tôi đã xem các chương trình do đài truyền hình Nam Hàn sản xuất, khi biết rằng Nam Hàn sẽ tiếp nhận chúng tôi, từ đó tôi bắt đầu [có ý nghĩ đến Nam Hàn]. Vì nếu bảo tôi đi Trung Quốc, tôi sẽ không đi. Nếu bảo tôi sống ở một quốc gia khác không phải là dân tộc của mình, tôi nghĩ cũng không thể sống nổi. Vì biết rằng Nam Hàn sẽ tiếp nhận chúng tôi, nên tôi đã mạo hiểm để đến đây. Nếu không thể bảo đảm điều kiện sinh tồn, thì sống ở đây hay ở Bắc Hàn đối với tôi cũng đều như nhau,” cô giải thích lý do chọn đào thoát sang Nam Hàn.
Cô A còn cho biết, vì không thể chịu đựng được cuộc sống bi thảm ở Bắc Hàn, cô đã từng tự sát, “Tại nơi đó, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây tôi đều cảm thấy nghẹt thở.”
Nhưng nhờ xem các chương trình truyền hình của Nam Hàn, cô đã có hy vọng và mơ ước về thế giới bên ngoài, cũng nhận ra không thể tiếp tục sống ở Bắc Hàn nữa.
Cô và mẹ đã lên thuyền để trốn khỏi Bắc Hàn. Mặc dù suốt hành trình họ gặp phải những cơn sóng dữ trên biển nhưng cô cũng không mất đi quyết tâm tìm kiếm tự do. Cô khẳng khái nói, “Dù có thể bỏ mạng trong quá trình trốn chạy, tôi cũng không muốn tiếp tục sống như vậy nữa.” Biết rằng xác suất mất mạng là 70%, cô và mẹ vẫn bất chấp nguy hiểm tính mạng để chạy trốn, và họ đã thành công.
Nếu người dân biết được sự thật về thế giới bên ngoài, sẽ có nhiều người hơn nữa cố gắng đào thoát khỏi Bắc Hàn
Cô A cho biết, thực tế ở Bắc Hàn có rất nhiều người không biết cách xem truyền hình Nam Hàn. “Vì bận rộn mưu sinh, rất nhiều người không có thời gian để quan tâm đến việc xem truyền hình Nam Hàn. Họ không biết gì về cách thế giới vận hành… Rất ít người biết được chính phủ Nam Hàn đối xử với chúng tôi như thế nào, hầu như đều hoàn toàn không biết gì.”
Cô cho rằng nếu người dân Bắc Hàn có thể xem chương trình truyền hình Nam Hàn nhiều hơn thì có lẽ họ sẽ cố gắng chạy thoát. Nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra, phần nào vì mỗi ngày chính quyền Bắc Hàn đều tiến hành kiểm duyệt.
Cô còn nói thêm, hiện nay rất ít người đào thoát khỏi Bắc Hàn bởi vì tất cả các tuyến đường đều bị phong tỏa, nếu những người có ý định đào thoát bị quân đội phát hiện thì họ sẽ bị xử bắn ngay lập tức.
Người dân Bắc Hàn vô cùng bất mãn với ông Kim Jong-un
Cô A cũng tiết lộ quan điểm của người dân Bắc Hàn về ông Kim Jong-un. Cô nói rằng: “Thực tế, chúng tôi không thể nói xấu ông Kim Jong-un ở nơi công cộng,” nhưng họ sẽ thể hiện cảm xúc này với những người thân thiết như người nhà và bạn bè. Cô còn nói rằng, khi những người đào thoát giao tiếp với nhau, không ai có nhận định tốt về ông Kim Jong-un. Tương tự, khi ở Bắc Hàn, mặc dù không công khai bày tỏ, nhưng trong lòng mọi người đều không hài lòng đối với ông Kim Jong-un.
Cô A cũng chia sẻ thêm rằng, giới trẻ Bắc Hàn khi nhắc đến Kim Jong-un thường hay than thở như: “Tại sao bây giờ lại khiến chúng ta khổ sở đến vậy? Một ông vua không có người dân thì có ích gì? Các quan chức cao cấp đều rất xấu xa, v.v.”
Ngoài ra, cô A còn giải thích rằng có rất nhiều trường hợp về những thanh niên bị xử bắn vì xem phim truyền hình của Nam Hàn. Cô kể rằng nhà nước cấm mọi hoạt động thương mại, khiến cho cuộc sống của hầu hết người dân gặp khó khăn, do đó không ai có ấn tượng tốt về ông Kim Jong-un.
Kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn
“Trước đây, người dân Bắc Hàn thực sự không biết gì về vấn đề nhân quyền… nhưng bây giờ chúng tôi cũng bắt đầu kêu gọi nhân quyền,” cô A cho biết, và nói thêm rằng người dân Bắc Hàn cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề nhân quyền.
Cô A cho biết: “Tại sao họ không tôn trọng chúng tôi về mặt nhân quyền? … Nếu trong lúc đánh nhau bị gãy mất một cái răng, người gây ra thương tích sẽ bị phạt đi lao động. Ở Bắc Hàn cũng có những luật như vậy… mặc dù khi chúng tôi không biết thì luật đó sẽ không được thực thi, nhưng nếu chúng tôi đã biết và thực hiện yêu cầu thì đôi khi cũng sẽ có hiệu quả…” Cô nói rằng để sự phản đối của mình có hiệu quả hơn, cô đã học một số luật về nhân quyền ở Bắc Hàn.
Cô A còn nói thêm rằng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền tại đây. “Trong các trại giam ở Bắc Hàn, khi những người bị tra tấn đau đớn chịu không nổi phải gào thét lên, những kẻ tra tấn sẽ mắng chửi bắt họ đừng gào thét lớn tiếng. Những kẻ tra tấn làm vậy vì ho lo ngại; có quá nhiều người trên thế giới lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn… Do đó, tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế cần phải lên án nhiều hơn nữa về vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn.”