Nhật Bản và các nước G-7 khác tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga
TOKYO — Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các nhà lãnh đạo khác của các nước thuộc Nhóm G-7 đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga vì cuộc chiến của nước này với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G-7 trực tuyến hôm thứ Sáu (24/02) để đánh dấu một năm ngày bắt đầu xảy cuộc xâm lược này.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố rằng họ tái cam kết “tăng cường trợ giúp về phương diện ngoại giao, tài chính, và quân sự cho Ukraine, tăng phí tổn lên Nga và những quốc gia ủng hộ nỗ lực chiến tranh của nước này,” và chống lại tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.
Các nước G-7 này cũng khẳng định họ phối hợp hành động để “tiếp tục chống lại khả năng tiến hành xâm lược bất hợp pháp của Nga” và cam kết ngăn chặn Nga có được khí tài và công nghệ quân sự. Họ cũng kêu gọi các nước khác ngừng trợ giúp quân sự cho Nga.
Ông Kishida, với tư cách là chủ tịch G-7 năm nay, cũng tuyên bố Nhật Bản sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, bao gồm đóng băng tài sản của khoảng 120 cá nhân và tổ chức, đồng thời cấm xuất cảng phi cơ không người lái và các vật liệu khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
“Để tuyệt đối không cho phép thay đổi hiện trạng một chiều, chúng ta phải kiên quyết ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga để lấy lại hòa bình và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp,” ông Kishida nói trong một cuộc họp báo trước khi chủ trì một hội nghị từ xa với các nhà lãnh đạo G-7 khác và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Ông nói: “G-7 đảm nhận phần cốt lõi của cam kết quốc tế để làm như vậy.”
Tại hội nghị thượng đỉnh này, ông Kishida đã sắp xếp để thảo luận về những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến của Nga với Ukraine và làm sao để trợ giúp cho sự phục hồi của Ukraine và khẳng định sự đoàn kết của G-7 đối với quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Ông Kishida lưu ý mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương cho Nga, và nói rằng Nhật Bản sẽ hợp tác với G-7 và các nước khác để gửi đi một “thông điệp rõ ràng” tới các nước thứ ba phải ngừng cung cấp vũ khí cho Nga.
Ông Kishida cũng bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (21/02) rằng ông sẽ đình chỉ sự tham gia của Moscow vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Nga và Hoa Kỳ.
“Mối đe dọa hạt nhân của Nga là không thể chấp nhận được, và việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân không bao giờ nên xảy ra,” ông Kishida, người có khu vực bầu cử ở Hiroshima, cho biết tại cuộc họp báo này. “Là quốc gia duy nhất trên thế giới hứng chịu các cuộc tấn công hạt nhân, lịch sử 77 năm sử dụng vũ khí phi hạt nhân không nên bị Nga làm hoen ố.”
Khi thế giới quan sát ngày đánh dấu một năm cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khoảng 1,000 người đã biểu tình vào tối hôm thứ Sáu (24/02) tại Công viên Hibiya của Tokyo, giương cao các biểu ngữ có nội dung: “Nước Nga, hãy ngừng xâm lược Ukraine.” Bên ngoài Đại học Liên Hiệp Quốc ở Tokyo, những người biểu tình đã tổ chức một buổi thắp nến cầu nguyện. Và tại chùa Zenkoji ở Nagano, miền trung Nhật Bản, khoảng 30 nhà sư đã cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.
Tại một cuộc họp báo chung ở Tokyo, các nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Thụy Điển, EU, Lithuania và Thụy Điển kêu gọi sự hiệp lực vì Ukraine và lên án Nga. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho rằng ông Putin đã sai khi cáo buộc NATO mở rộng về phía đông. Ông cho biết các thành viên mới nhất của NATO đã mở rộng về phía tây bằng ý chí tự do của họ bởi vì phương Tây có “một sức hút” với quyền tự quyết, tự do, và tôn trọng các cá nhân.
Cũng trong hôm thứ Sáu, trong một hội thảo tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa bất vụ lợi, các chuyên gia an ninh và hạt nhân đã đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ Thủ tướng Kishida để bắt đầu các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima nhằm thiết lập một khuôn khổ để bảo vệ các cơ sở hạt nhân trong các khu vực xung đột, đáp lại các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Nga vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Do các nguyên tắc hòa bình của mình, nên sự trợ giúp của Nhật Bản dành cho Ukraine chỉ giới hạn ở các khí tài quân sự phi chiến đấu như mũ bảo hiểm, áo chống đạn và phi cơ không người lái, cùng các nguồn cung cấp nhân đạo chẳng hạn như những máy phát điện.
Ông Kishida là nhà lãnh đạo G-7 duy nhất chưa đến thăm Ukraine. Áp lực đang gia tăng trong nước để ông Kishida đến thăm Kyiv trước khi ông chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima này. Khi được hỏi về một chuyến thăm tiềm năng, ông Kishida cho biết ông đang “cân nhắc” một chuyến thăm, cân nhắc các cách để bảo đảm an toàn và bí mật, nhưng chưa có quyết định chính thức nào.
Nhật Bản đã cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu tham gia trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược của nước này và cung cấp trợ giúp nhân đạo và kinh tế cho Ukraine. Nhật Bản đã nhanh chóng phản ứng vì lo ngại tác động có thể xảy ra của một cuộc chiến ở Đông Á, nơi quân đội của chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng hung hăng và leo thang căng thẳng xung quanh Đài Loan tự trị. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của họ, bất chấp thực tế rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, có chính phủ được bầu cử dân chủ, và Hiến Pháp riêng.
Tại hội nghị trực tuyến G-7, ông Kishida cũng giải thích sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Ukraine. Điều đó bao gồm khoản viện trợ tài chính mới trị giá 5.5 tỷ USD mà ông Kishida đã công bố hôm thứ Hai, nâng tổng số trợ giúp của Nhật Bản cho Ukraine lên hơn 7 tỷ USD.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times