Tổng thống Biden không có kế hoạch xin lỗi về vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima
Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống (TT) Joe Biden không có kế hoạch đưa ra lời xin lỗi thay mặt cho Hoa Kỳ về việc sử dụng bom nguyên tử ở Hiroshima trong Đệ nhị Thế chiến.
Hôm 18/05, TT Biden đến Hiroshima để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Đại cường quốc (G-7), trở thành tổng thống đương nhiệm thứ hai của Hoa Kỳ sau ông Barack Obama đến thăm thành phố phía tây Nhật Bản này.
Các phóng viên đã hỏi Tòa Bạch Ốc vài lần trong những tuần gần đây rằng liệu tổng thống có đưa ra lời xin lỗi khi ở đó hay không.
Khi được hỏi về lời xin lỗi, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trả lời: “Không.”
“Tổng thống sẽ không đưa ra tuyên bố tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Ông ấy sẽ tham gia cùng với các nhà lãnh đạo G-7 khác trong lễ đặt vòng hoa và một vài sự kiện khác,” ông Sullivan nói với các ký giả hôm 17/05 trên Không lực Một khi đang trên đường tới Nhật Bản.
“Nhưng theo quan điểm của ông ấy, thì đây không phải là một buổi gặp song phương. Đây là ông ấy, với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo G-7, đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với lịch sử cũng như sự tôn trọng đối với Thủ tướng [Fumio] Kishida, người tất nhiên là đến từ Hiroshima.”
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, TT Biden và các nhà lãnh đạo G-7 khác sẽ đến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình và gặp gỡ những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử san bằng thành phố này 78 năm về trước.
Trong Đệ nhị Thế chiến, một oanh tạc cơ B-29 của Hoa Kỳ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới xuống thành phố Hiroshima vào ngày 06/08/1945. Vụ nổ được cho là đã trực tiếp sát hại 80,000 người, trong khi hàng chục ngàn người khác đã thiệt mạng vì bị nhiễm phóng xạ.
Ba ngày sau, quả bom nguyên tử thứ hai được kích nổ ở thành phố Nagasaki, theo ước tính đã sát hại khoảng 40,000 người.
Ngay sau các vụ thả bom này, Nhật Hoàng Hirohito đã đọc một bài diễn văn trước toàn dân Nhật Bản trên đài phát thanh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trong Đệ nhị Thế chiến, nói rằng “kẻ thù đã bắt đầu sử dụng một loại bom mới và tàn ác nhất, sức sát thương của nó quả thực là không thể nào đo đếm được.”
Chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ xin lỗi về các vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki.
Năm 2016, ông Obama trở thành tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên kể từ năm 1945 đến thăm Hiroshima và tham quan công viên tưởng niệm này cùng với Thủ tướng đương thời Shinzo Abe. Trong chuyến thăm của mình, ông đã đọc một bài diễn văn và ôm ông Shigeaki Mori, một người sống sót sau hai vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Người Nhật Bản dùng cụm từ “hibakusha” (có thể dịch ra là “những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ”) để chỉ những nạn nhân này.
“Một ngày nào đó, tiếng nói của hibakusha sẽ không còn ở bên chúng ta để làm chứng. Nhưng ký ức về buổi sáng ngày 06/08/1945 hẳn không bao giờ phai mờ.”
“Ký ức đó giúp chúng ta buông bỏ sự tự mãn. Nó thúc đẩy tầm nhìn đạo đức của chúng ta. Nó đã giúp chúng ta thay đổi,” ông Obama nói trong bài diễn văn của mình, đồng thời kêu gọi “một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”
Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, còn được gọi là Vòm Bom Nguyên tử, là công trình kiến trúc duy nhất còn tồn tại ở khu vực bom nguyên tử phát nổ. Tòa nhà tọa lạc bên bờ sông Motoyasu này được xây dựng vào năm 1914 với các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của thời kỳ đó và được sử dụng làm phòng triển lãm để trưng bày các sản phẩm của các nhà sản xuất địa phương.
Ông Kishida đã chọn Hiroshima là nơi tổ chức G-7 năm nay như một cơ hội mang tính biểu tượng để kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay dự kiến sẽ nêu bật lịch sử của Hiroshima và cố gắng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nga, về những nguy hiểm khôn lường của các loại vũ khí hạt nhân.
“Ông Kishida đến từ Hiroshima và tin tưởng sâu sắc vào chương trình giải trừ quân bị. Ông ấy là người dẫn đầu chuyến thăm của ông Obama khi ông ấy cùng ông Abe tới thăm Hiroshima vào năm 2016,” ông Christopher Johnstone, cố vấn cao cấp và chủ tịch về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết trong một cuộc họp báo.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times