Nhật Bản: Bắt giữ giám đốc tổ chức bất vụ lợi làm trung gian ghép tạng trái phép ở ngoại quốc
Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho hoạt động cấy ghép nội tạng
Hôm 07/02, Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo đã bắt giữ người đứng đầu một tổ chức bất vụ lợi với cáo buộc vi phạm luật cấy ghép nội tạng của Nhật Bản. Từ năm 2017 đến năm 2020, tổ chức này đã đưa bệnh nhân của mình đến Trung Quốc để ghép tạng. Diễn biến này nêu bật hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc đối với các tù nhân lương tâm.
Ông Hiromichi Kikuchi, 62 tuổi, là chủ tịch của Hội Trợ giúp Bệnh nhân Nan y. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Nhật Bản, tổ chức của ông Kikuchi đã hoạt động như một dịch vụ trung gian để giúp đưa các bệnh nhân Nhật Bản cần cấy ghép nội tạng đến Trung Quốc, Trung Á, và các nước Đông Âu để ghép tạng mà không có sự chấp thuận của chính phủ Nhật Bản. Ông Kikuchi được cho là đã kiếm được lợi nhuận rất lớn [từ hoạt động này].
Luật cấy ghép nội tạng của Nhật Bản nghiêm cấm buôn bán nội tạng hoặc làm trung gian để sắp đặt các ca ghép tạng mà không có sự cho phép của chính phủ. Những người vi phạm sẽ bị phạt tù tới một năm, phạt tiền tới 1 triệu yên (khoảng 7,500 USD), hoặc cả hai.
Tổ chức của ông Kikuchi bị cáo buộc đã liên lạc với Belarus vào tháng Mười năm ngoái, tuyên bố rằng họ được chính phủ Nhật Bản công nhận và đề nghị nước này tiếp nhận bệnh nhân đến thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép.
Năm ngày trước khi bị bắt, hôm 02/02, ông Kikuchi nói với đài truyền hình công cộng NHK của Nhật Bản rằng, “Cho đến nay, chúng tôi đã kết nối khoảng 180 bệnh nhân với các bệnh viện ở khoảng sáu quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Kyrgyzstan, nhưng chúng tôi không tham gia vào việc lựa chọn cụ thể người hiến tặng, chúng tôi cũng không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc dàn xếp người hiến tặng.”
“Vả lại, tất cả các ca phẫu thuật đều được thực hiện ở hải ngoại theo tiêu chuẩn của các quốc gia liên quan, vì vậy chúng tôi cho rằng không cần thiết phải xin phép Bộ Y tế, Lao động, và Phúc lợi (Nhật Bản).”
Sở Cảnh sát Thủ đô cho biết đây là trường hợp đầu tiên ở Nhật Bản liên quan đến cấy ghép nội tạng ở ngoại quốc bị tố cáo vì nghi ngờ thực hiện các hoạt động trung gian không được cấp phép.
Hàng trăm người tìm đến dịch vụ ghép tạng ở ngoại quốc
Cảnh sát đã thu giữ được nhiều tài liệu trong vụ án này, trong đó có một danh sách khoảng 150 bệnh nhân đã tìm kiếm sự trợ giúp từ tổ chức của ông Kikuchi. Trong quá trình điều tra, họ đã phát hiện ra một loạt tội danh khiến vụ việc này trở thành một vụ án hình sự.
Theo các nhà điều tra, từ tháng Mười đến tháng Mười Một năm 2021, ông Kikuchi đã gợi ý cho một người đàn ông Tokyo khoảng 40 tuổi bị xơ gan ra hải ngoại ghép gan, đồng thời ông cũng chuẩn bị cho bệnh nhân này một bức thư giới thiệu của bệnh viện. Tuy nhiên, ông Kikuchi đã không xin phép chính phủ trong quá trình này.
Gia đình của người đàn ông nói trên đã trả cho tổ chức của ông Kikuchi khoảng 33 triệu yên (khoảng 250,000 USD) cho ca phẫu thuật ghép gan và chi phí đi lại tới Belarus. Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, những ca cấy ghép như vậy ở Belarus thường tốn chi phí khoảng 16 triệu yên (khoảng 120,000 USD).
Sau khi thanh toán xong, bệnh nhân này đã bay đến Belarus vào tháng 01/2022. Sau một tháng, một bệnh viện ở thủ đô Minsk đã tiếp nhận ông để tiến hành phẫu thuật ghép gan.
Hoạt động không có sự cho phép của chính phủ
Trong quá trình điều tra, ông Kikuchi thú nhận rằng ông đã gợi ý cho bệnh nhân tiến hành phẫu thuật cấy ghép nhưng ông không cho rằng hành động của mình là vi phạm pháp luật, lập luận rằng phẫu thuật cấy ghép ở ngoại quốc không cần phải có giấy phép của chính phủ Nhật Bản.
Cảnh sát Tokyo xác định rằng một loạt các hành động của ông Kikuchi, bao gồm tìm người nhận tạng và chuẩn bị thư giới thiệu, đã cấu thành hành vi làm trung gian, và theo luật cấy ghép tạng của Nhật Bản thì đây là hành vi bất hợp pháp.
Trong một cuộc họp báo hôm 06/02, Chánh văn phòng Nội các Matsuno Hirokazu cho biết, “Thật vô cùng đáng tiếc nếu việc này được thực hiện mà không có sự cho phép.”
Bộ Y tế, Lao động, và Phúc lợi Nhật Bản cho biết họ hiện đang hợp tác với các nhóm liên quan để thu thập thông tin về các trường hợp tương tự nhằm ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra trong tương lai. Từ giờ trở đi, cơ quan này sẽ cung cấp thông tin chính xác về việc hiến tặng nội tạng và tiến hành các bước nhằm bảo đảm việc cấy ghép nội tạng được thực hiện đúng cách tại Nhật Bản.
Trung Quốc: Điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng
Ông Nemoto, một cư dân Tokyo, nói với The Epoch Times hôm 10/02 rằng tổ chức của ông Kikuchi bấy lâu nay đã hoạt động như một tác nhân trung gian cho các ca cấy ghép nội tạng ở hải ngoại. Tuy nhiên, trước nay chính phủ Nhật Bản không để ý tới tổ chức đó, đến giờ họ mới phát hiện ra thực tế này.
Ông Nemoto nói, “[Hội đó] từ lâu đã giới thiệu người dân đến những nơi như Trung Quốc để ghép tạng. Nhưng lần này, chính phủ đã quyết định ngừng phủ nhận thực tế rằng hội đó là trung gian. Tôi nghĩ điều này có liên quan đến việc Nhật Bản thay đổi thái độ đối với Trung Quốc.”
Hội Trợ giúp Bệnh nhân Nan y đã được đăng ký với tư cách là một tổ chức bất vụ lợi tại Tokyo vào ngày 08/06/2007, với ông Kikuchi là người đại diện theo pháp luật. Tổ chức này cũng có một văn phòng tại Yokohama, một thành phố Nhật Bản tọa lạc tại phía nam thủ đô Tokyo.
Theo các báo cáo thường niên công khai trên trang web của tổ chức này, Trung Quốc là quốc gia mục tiêu chính cho cấy ghép nội tạng từ tháng 06/2017 đến tháng 05/2019. Trong khoảng thời gian đó, tổ chức này xác nhận đã sắp xếp cho 19 trong số 29 bệnh nhân Nhật Bản được ghi nhận trong các tài liệu đến Trung Quốc để ghép tạng, dựa trên dữ liệu công khai.
Thu nhập hoạt động của tổ chức này vào thời điểm đó là 88 triệu yên (khoảng 668,900 USD), chiếm 61% tổng thu nhập hoạt động trong 5 năm qua.
Cô Chu Uyển Kỳ (Zhu Wan-qi), một luật sư nhân quyền của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 10/02 rằng đây là một trường hợp điển hình của du lịch cấy ghép nội tạng, trong đó người nhận đến các quốc gia nơi những người dễ bị tổn thương và người nghèo đóng vai trò là nguồn nội tạng, còn tổ chức của ông Kikuchi là cầu nối.
Cô cho biết luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức hiện đang được thúc đẩy ở các quốc gia trên thế giới.
Theo cô Chu, hơn 20 nhà lập pháp ở Đài Loan đã ký một lá thư ủng hộ việc cấm hoạt động này, và một số nhà lập pháp của Nhật Bản cũng đang hợp tác và thúc đẩy việc sửa đổi luật cấy ghép nội địa của nước họ.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Chuyên gia và nhà bình luận các vấn đề thời sự về Trung Quốc Lê Dịch Minh (Li Yiming) nói với The Epoch Times hôm 10/02 rằng cộng đồng quốc tế đã biết đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên diện rộng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc — nhờ một số nhóm nhân quyền quốc tế đã nỗ lực không ngừng trong việc truyền tải sự thật này kể từ năm 2006.
Ông Lý cho biết, “Mọi thành viên của tổ chức trung gian ghép tạng đó đều biết sự thật này. Trang web của tổ chức này đề cập rằng họ biết Tuyên bố Istanbul mà cộng đồng y tế quốc tế đã ban hành, nhưng tổ chức này nhấn mạnh rằng tuyên bố đó không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, vì vậy họ có thể làm trung gian thúc đẩy hoạt động cấy ghép nội tạng ở ngoại quốc mà không phạm pháp. Vì muốn kiếm tiền mà họ đã hoàn toàn xem thường đạo đức và luân lý căn bản nhất của con người.”
Một Hội nghị thượng đỉnh đã được triệu tập từ ngày 30/04 đến ngày 02/05/2008 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm “đưa ra một tuyên bố cuối cùng để đi đến sự đồng thuận” về nạn buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng. “Tuyên bố Istanbul” (pdf) giải thích cặn kẽ về các vấn đề về du lịch ghép tạng, buôn bán nội tạng, và buôn bán người vì mục đích lấy nội tạng, đồng thời cung cấp các hướng dẫn đạo đức cho việc hiến tặng nội tạng và thực hành cấy ghép tạng.
Bản tuyên bố này “tuyên bố rằng những người bán nội tạng vì nghèo khổ đang bị bóc lột, cho dù là bởi những người giàu hơn trong chính đất nước của họ hay bởi các khách du lịch ghép tạng từ ngoại quốc. [Và rằng] khách du lịch ghép tạng có nguy cơ bị tổn hại về mặt thể chất do cấy ghép trái phép và không được kiểm soát,” theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM).
Hoạt động ‘mổ cướp nội tạng’ quy mô lớn do ĐCSTQ thực hiện
Bà Toshimi Ida, giám đốc Hiệp hội Cân nhắc về Du lịch Ghép tạng Nhật Bản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 10/02 rằng người dân Nhật Bản đang dần nhận ra sự thật về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Và vụ bắt giữ ông Kikuchi có thể nâng cao nhận thức về vấn đề mà chính quyền Trung Quốc đang cố gắng che đậy.
Bà Ida nói, “Chúng tôi đã tổ chức hơn 140 buổi trình chiếu ở nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản. Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ. Tuy nhiên, trước lượng dữ kiện thực tế áp đảo, họ thực sự cảm nhận được sự tà ác và khủng bố của chính quyền Trung Quốc.”
“Mặc dù vụ bắt giữ này chỉ nhằm vào các hoạt động kinh doanh phi đạo đức và bất hợp pháp của bị cáo, nhưng vụ án này chắc chắn sẽ phơi bày sự thật lớn hơn. Mổ cướp nội tạng không còn là chủ đề không thể động chạm đến ở Nhật Bản nữa. Những tội ác mà ĐCSTQ gây ra sớm muộn cũng sẽ bị phơi bày trong xã hội Nhật Bản.”
Hiệp hội Cân nhắc về Du lịch Ghép tạng Nhật Bản bất vụ lợi này được thành lập vào năm 2016 và được Văn phòng Nội các Nhật Bản chứng nhận vào năm 2019. Mục đích của tổ chức này là ngăn chặn người Nhật Bản đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Sứ mệnh của họ là nâng cao nhận thức về vấn đề này trong giới chính trị gia, giới y tế, và giới pháp luật, cũng như công chúng, đồng thời thúc đẩy việc sửa đổi và cải thiện luật ghép tạng ở Nhật Bản thông qua nhiều hoạt động như tổ chức các buổi hội thảo, chiếu phim, đến thăm các nghị viên, làm đơn thỉnh nguyện, hay tổ chức các buổi trưng bày bích chương, cùng nhiều hoạt động khác.