Nhật Bản bắt đầu khai thác đất hiếm từ đáy biển sâu vào năm 2024
Nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn tài nguyên quan trọng, Nhật Bản trù hoạch bắt đầu hoạt động khai thác kim loại đất hiếm từ khu vực xung quanh đảo Minamitorishima vào năm 2024.
Việc phát triển các công nghệ khai thác nhằm hiện thực hóa nỗ lực này sẽ bắt đầu vào năm tới (2023). Bùn giàu khoáng sản đất hiếm có thể tìm thấy dưới đáy biển ở độ sâu 6,000 mét. Do đó, để sử dụng nguồn tài nguyên này, trước tiên Tokyo cần phải phát triển các công nghệ có thể đủ sức khai thác ở độ sâu như vậy. Khai thác dưới biển sâu phải đối mặt với một số rào cản kỹ thuật. Không giống như khai thác dầu và khí vốn được rút lên sau khi khoan lỗ, bùn cần được lấy ra bằng các phương pháp khác như dùng máy bơm.
Các nguyên tố đất hiếm là 17 kim loại hiếm thiết yếu trong các linh kiện hiện đại như chất bán dẫn, động cơ điện, tấm quang năng, v.v. Hiện tại, hầu hết các kim loại hiếm của Nhật Bản đều là hàng nhập cảng, trong đó Trung Quốc chiếm 60% nguồn cung ứng.
Theo Nikkei Asia, chiến lược An ninh Quốc gia mới đây nhất của Nhật Bản nêu rõ:
“Nhật Bản sẽ hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia cụ thể, tiến hành xây dựng các cơ sở sản xuất và phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, đồng thời bảo đảm nguồn cung ổn định cho các loại hàng hóa quan trọng, bao gồm cả đất hiếm.”
Giữa tháng Tám và tháng Chín, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc bơm bùn lắng đọng từ độ sâu 2,470 mét. Trong ngân sách bổ sung thứ hai cho năm tài khóa 2022, cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản đã phê chuẩn 6 tỷ Yên (44 triệu USD) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khai thác đất hiếm.
Đất hiếm ở Nhật Bản
Bùn giàu các loại nguyên tố đất hiếm và yttri (REY) có một số ưu điểm như “hàm lượng nguyên tố đất hiếm cao (đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm nặng [HREE] từ Eu đến Lu), tồn tại với số lượng lớn, ít nguyên tố phóng xạ (U và Th), đồng thời dễ chiết luyện và thu hồi. Do đó, lớp bùn này được dự đoán sẽ trở thành một nguồn tài nguyên khoáng sản mới đầy hứa hẹn,” một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nature cho biết.
Eu là ký hiệu viết tắt của Europium, Lu là Lutetium, U là Uranium, và Th là Thorium. Vào năm 2013, bùn với trầm tích biển sâu chứa 2,000 phần triệu (ppm) đến hơn 5,000 phần triệu các nguyên tố đất hiếm và yttrium (REY) đã được tìm thấy trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản (EEZ) xung quanh đảo Minamitorishima.
Nhóm nghiên cứu này đã tính toán hàm lượng REY trong khu vực này chứa nhiều hơn 16 triệu tấn oxide đất hiếm và tin rằng khu vực này có tiềm năng cung cấp một số loại đất hiếm nhất định trên “cơ sở bán vô hạn trên một số phương diện” cho thế giới.
Các tác giả cho biết khu vực này được ước tính có khả năng cung cấp Yttrium đủ phục vụ cho nhu cầu nội địa trong khoảng 780 năm, Europium trong 620 năm, Terbium trong 420 năm, và Dysprosium trong 730 năm.
Hành động của Hoa Kỳ
Việc Nhật Bản thúc đẩy cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp đất hiếm là một chính sách mà Hoa Thịnh Đốn cũng đang theo đuổi. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang thực hiện các bước để bảo đảm rằng các công ty quốc phòng của Mỹ độc lập với Trung Quốc càng nhiều càng tốt.
Hồi tháng Chín, Ngũ Giác Đài đã ngừng việc giao phản lực cơ thế hệ thứ năm F-35 sau khi phát hiện ra rằng một nam châm được sử dụng trong chiến cơ này được làm từ hợp kim samarium và coban có xuất xứ từ Trung Quốc.
Một tháng sau khi ngừng giao các phản lực cơ này, một quan chức quốc phòng đã ký giấy miễn trừ để nối lại hoạt động giao hàng. Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đã gọi hành động miễn trừ này là một minh chứng về sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm đất hiếm của Trung Quốc, và xác nhận rằng Bắc Kinh có thể khiến quân đội Hoa Kỳ phải quỳ phục bằng cách hạn chế xuất cảng các nguồn tài nguyên đó.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times