Lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 41 năm
TOKYO — Dữ liệu hôm thứ Sáu (25/02) cho thấy lạm phát tiêu dùng căn bản của Nhật Bản đã đạt một mức cao mới trong 41 năm hồi tháng 01/2023 khi các công ty chuyển chi phí cao hơn cho các gia đình, khiến ngân hàng trung ương (BOJ) chịu áp lực phải loại bỏ chương trình kích thích chi tiêu lớn của mình.
Dữ liệu này nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi giá nhiên liệu và nhu yếu phẩm hàng ngày tăng cao ảnh hưởng đến các gia đình, trong đó nhiều người vẫn chưa thấy tiền lương tăng đủ để bù đắp cho chi phí sinh hoạt cao hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng căn bản (CPI) trên toàn quốc, vốn loại trừ thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng bao gồm chi phí năng lượng, trong tháng 01/2023 cao hơn 4.2% so với một năm trước đó, phù hợp với dự báo trung bình của thị trường và tăng nhanh từ mức tăng hàng năm 4.0% trong tháng 12/2022.
Mức tăng của tháng Một là cao nhất kể từ tháng 09/1981, khi chi phí nhiên liệu đã tăng vọt do cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông và ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào nhập cảng của Nhật Bản.
Dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng cốt lõi hiện đã vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong 9 tháng liên tiếp, chủ yếu phản ánh sự gia tăng liên tục của chi phí nhiên liệu và nguyên liệu thô.
Ông Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Lạm phát có thể sẽ đạt đỉnh vào tháng 01/2023 nhưng có thể không giảm xuống dưới mục tiêu 2% của BOJ trong một thời gian.”
“Nhưng có những câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát gia tăng có kéo dài hay không, vì tỷ lệ lạm phát này vẫn chủ yếu do giá lương thực và nhiên liệu chi phối,” ông nói.
Thống đốc sắp nhậm chức Kazuo Ueda phải đối mặt với một thách thức trong việc duy trì chính sách kiểm soát lợi suất của BOJ, chính sách này đã bị thị trường vốn đặt cược rằng lạm phát mạnh sẽ buộc ngân hàng phải tăng lãi suất phản đối.
Nói trước quốc hội, ông Ueda cho biết BOJ phải duy trì lãi suất cực thấp vì lạm phát gia tăng gần đây chủ yếu là do chi phí nhập cảng nguyên liệu thô tăng chứ không phải do nhu cầu mạnh.
“Xu hướng lạm phát của Nhật Bản có thể sẽ tăng dần. Nhưng sẽ mất một thời gian để lạm phát đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững và ổn định của BOJ,” ông nói tại một phiên điều trần xác nhận của hạ viện hôm thứ Sáu (24/02).
Với sự chấp thuận của quốc hội, ông Ueda dự kiến sẽ kế nhiệm ông Haruhiko Kuroda đương nhiệm khi nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc vào tháng Tư tới. Tại cuộc họp chính sách đầu tiên của ông Ueda vào ngày 28/04, BOJ sẽ lần đầu tiên công bố dự báo lạm phát cho đến năm tài khóa 2025.
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được suy thoái trong quý 4 năm ngoái nhưng phục hồi chậm hơn nhiều so với dự kiến do đầu tư kinh doanh sụt giảm.
Khiêm Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times