Chính phủ TT Biden mở rộng áp dụng các hạn chế vi mạch đối với Trung Quốc cho Ma Cao
Lo ngại về việc các vi mạch cao cấp và thiết bị sản xuất vi mạch rơi vào tay Bắc Kinh thông qua Ma Cao, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã mở rộng các hạn chế xuất cảng vi mạch nghiêm ngặt để áp dụng cho cả Ma Cao.
Tháng 10/2022, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố các hạn chế xuất cảng vi mạch nghiêm ngặt nhất đối với Trung Quốc. Hôm 17/01, chính phủ TT Biden tiếp tục áp đặt các hạn chế xuất cảng tương tự đối với Ma Cao, một trong những đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố trong Công báo Liên bang (Federal Register) số ngày 17/01 rằng, các hạn chế xuất cảng mới nhất đối với Ma Cao sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng của khu vực này; Ma Cao vẫn sẽ là một điểm đến độc lập với Trung Quốc.
BIS áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng bổ sung đối với các mạch tích hợp điện toán tân tiến (I.C.s). Các mặt hàng máy điện toán có chứa các I.C.s như vậy hoặc một số dự án sản xuất chất bán dẫn nhất định sẽ bị hạn chế.
Bản cập nhật mới nhất cũng sửa đổi Quy định Quản lý Xuất cảng (EAR) để hạn chế một số hoạt động cụ thể của các pháp nhân Hoa Kỳ. Bản cập nhật này cấm “người Mỹ” hỗ trợ các nhà máy ở Trung Quốc đại lục phát triển hoặc sản xuất vi mạch tân tiến mà không được cho phép.
Ông Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Hoa Kỳ và là đối tác của Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP, nói với tờ Wall Street Journal rằng “người Mỹ” bao gồm những người có hộ chiếu Hoa Kỳ, có thẻ xanh, và các công ty Hoa Kỳ.
Trong thông báo mới nhất, BIS đề cập rằng bằng cách mở rộng áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với Trung Quốc cho Ma Cao, Hoa Kỳ sẽ đạt được các mục tiêu chính sách trong các quy định trước đây một cách hiệu quả hơn.
BIS giải thích thêm rằng việc Bộ Thương mại đưa ra một quyết định như vậy được xem là “cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ” để không bị rơi vào tay ĐCSTQ.
Mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan
Mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan và các chiến thuật hung hăng, khiêu khích của họ ở Biển Đông đã khiến Hoa Kỳ tăng cường cảnh giác đối với chính quyền này và coi đây là mối đe dọa số một.
Các vi mạch điện toán tân tiến là cần thiết để phát triển vũ khí có độ chính xác cao. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào việc thúc đẩy phát triển vi mạch ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, hầu hết công nghệ vi mạch toàn cầu đều đến từ Hoa Kỳ.
Để ngăn chính phủ Trung Quốc có được vi mạch cao cấp để tăng cường các ứng dụng khoa học và công nghệ của họ, chẳng hạn như hiện đại hóa quân sự, trí tuệ nhân tạo (A.I.), và siêu máy điện toán, Hoa Kỳ đang cắt đứt quyền tiếp cận của Bắc Kinh với công nghệ vi mạch thông qua các biện pháp kiểm soát xuất cảng.
Tháng 10/2022, khi Hoa Kỳ công bố các hạn chế xuất cảng vi mạch đối với Trung Quốc, thì các quan chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ giải thích: “Chúng tôi tin rằng một số hệ thống xử lý dữ liệu phức tạp, vốn dựa trên các vi mạch của Hoa Kỳ, phần mềm, công nghệ công cụ của Hoa Kỳ, góp phần vào quá trình hiện đại hóa quân đội (của Trung Quốc), bao gồm cả việc phát triển các vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hạt nhân.”
Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng năng lực của những siêu máy điện toán này cũng đang được sử dụng cho các hoạt động khác đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của nước này. Bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát và hạn chế đối với các mặt hàng như vậy, chính phủ Hoa Kỳ giảm thiểu khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các hệ thống máy điện toán tân tiến để tiến hành giám sát và theo dõi người dân trên quy mô lớn mà không quan tâm đến việc vi phạm và lạm dụng nhân quyền.
Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Hà Lan
Hôm 17/01, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Tòa Bạch Ốc. Có những lo ngại về việc liệu Hà Lan sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch cho ĐCSTQ.
Theo thông tin mới nhất, TT Biden đã ca ngợi những nỗ lực của Hà Lan trong việc trợ giúp Ukraine và nhấn mạnh rằng hai nước cần tăng cường hợp tác và cùng nhau giải quyết các mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Hoa Kỳ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ Hà Lan và công ty ASML của Hà Lan.
Chương trình chính trị Nieuwsuur của Hà Lan đã phỏng vấn ông Rutte sau khi ông đến thăm Tòa Bạch Ốc.
Ông Rutte nói rằng chính phủ Hà Lan và chính phủ Mỹ đang thúc đẩy các cuộc thảo luận có liên quan về việc áp đặt các hạn chế xuất cảng vi mạch đối với Trung Quốc. Ông tin rằng Hà Lan và Hoa Kỳ sẽ có thể đạt được những kết quả tốt đẹp khi hợp lực cùng nhau.
Hai chính phủ cũng xem xét lại việc Hoa Kỳ yêu cầu Hà Lan áp dụng các hạn chế được áp đặt hồi tháng 10/2022 của chính phủ TT Biden đối với Trung Quốc, nghị trình đằng sau là nhằm cản trở sự phát triển của ngành sản xuất vi mạch của Trung Quốc và làm chậm sự tiến bộ công nghệ cũng như việc xuất cảng những thành tựu hiện đại hóa quân sự của nước này. Nhưng cả hai chính phủ đều không tiết lộ các chi tiết của cuộc đàm phán.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng các quốc gia phương Tây không thể đánh mất vị trí dẫn đầu về công nghệ bán dẫn tân tiến; điều quan trọng là bất kỳ “quốc gia không mong muốn” nào sẽ không thể sử dụng vi mạch bán dẫn tân tiến cho mục đích quân sự.
Ông cho biết chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục thảo luận với Hoa Kỳ và các đối tác chính phủ khác, nhưng “Chuỗi cung ứng toàn cầu trong phân khúc công nghệ tương đối đơn giản thì không nên bị các hạn chế xuất cảng làm gián đoạn.”
Việc Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc đối với các vi mạch cao cấp và thiết bị sản xuất vi mạch là để ngăn ĐCSTQ sử dụng các vi mạch bán dẫn tân tiến để sản xuất vũ khí tân tiến, cải thiện khả năng giám sát trong khi coi thường nhân quyền.
Đại công ty công nghệ Hà Lan ASML là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các thiết bị quang khắc sản xuất vi mạch, còn Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ASML.
Năm 2021, 15% doanh số bán hàng của ASML đến từ Trung Quốc.
Nếu Hà Lan tuân theo các quy định mới của chính phủ Hoa Kỳ, thì tổng doanh thu trị giá khoảng 2 tỷ EUR (2.2 tỷ USD) của nước này có thể bị ảnh hưởng.
Politico đưa tin rằng ASML vẫn chưa bán bất kỳ máy quang khắc siêu cực tím (EUV) nào cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan vẫn chưa rõ liệu họ có tiếp tục hạn chế xuất cảng hơn nữa thiết bị liên quan đến vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc hay không.
Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản
Hôm 13/01/2023, TT Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc. Hoa Kỳ cũng kêu gọi Nhật Bản thắt chặt các hạn chế xuất cảng vi mạch đối với Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 17/01, ông Pat Gelsinger, Giám đốc Điều hành của Intel, cho biết vị trí của trữ lượng dầu mỏ đã định hình địa chính trị trong 50 năm qua. Nhưng trong 50 năm tới, nền chính trị toàn cầu sẽ bị chi phối bởi tính sẵn có của vi mạch, thương mại, và đầu tư.
Ông Tạ Thiên (Frank Xie Tian), một giáo sư tại Khoa Quản trị Kinh doanh Aiken thuộc Đại học South Carolina, chỉ ra rằng một liên minh không chia rẽ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Hà Lan sẽ cắt đứt hoàn toàn tham vọng phát triển vi mạch của Trung Quốc.
Vị giáo sư này giải thích: “Nếu Trung Quốc muốn tự mình phát triển công nghệ vi mạch, thì tôi e rằng đó không phải là vấn đề trong một hoặc hai năm hay năm hoặc mười năm, mà là một khoảng thời gian dài hơn rất nhiều, và có thể không bao giờ thực hiện được.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times