Hoa Kỳ và Nhật Bản ký thỏa thuận nhằm bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng quốc phòng
Hôm 12/01, các bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký hai biên bản ghi nhớ để mở rộng hợp tác trong các công nghệ tân tiến và chuỗi cung ứng quốc phòng, trong bối cảnh cả hai quốc gia đều tìm cách đẩy mạnh liên minh song phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã ký các thỏa thuận trong một cuộc họp tại Ngũ Giác Đài, mà ông Austin mô tả là “một thời khắc quan trọng” đối với liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bản ghi nhớ đầu tiên nhằm hỗ trợ các nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ bằng cách sử dụng các công nghệ tân tiến, chẳng hạn như vũ khí vi sóng công suất cao, các hệ thống tự hành, và chống vũ khí siêu thanh.
Theo bản ghi nhớ thứ hai, họ đã đồng ý trao đổi “ưu tiên hỗ trợ đối ứng” đối với các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến quốc phòng cho phép cả hai bên yêu cầu giải quyết nhanh các nguồn lực công nghiệp để khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
On January 12 (EST), #DMHamada held a meeting with @SecDef Austin in the U.S. Based on the “2+2”discussion, they had candid discussions on concrete measures of bilateral defense cooperation under their new strategies.🇯🇵🇺🇸#JMOD #JSDF @DeptofDefense Readout→https://t.co/O2DxK91FD3 pic.twitter.com/YJWIEtqVVg
— Japan Ministry of Defense/Self-Defense Forces (@ModJapan_en) January 13, 2023
Ông Austin cho biết: “Để hỗ trợ các lực lượng của Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác liên minh hướng tới những mục tiêu này, Hoa Kỳ và Nhật Bản phải tập trung các nỗ lực hợp tác của chúng ta nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của liên minh để đáp ứng các yêu cầu về lực lượng trong tương lai và hậu cần bền vững.”
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cả hai bên đã đồng ý bắt đầu “các cuộc thảo luận chuyên sâu” về vai trò và nhiệm vụ của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản, đặc biệt là về hoạt động của các vũ khí phản công trong khuôn khổ hợp tác song phương, sau khi Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ.
Nhật Bản đã thông qua ba tài liệu quốc phòng quan trọng hồi tháng Mười Hai, một trong số đó là Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó gọi Trung Quốc cộng sản là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Nhật Bản đang tìm cách sở hữu năng lực phản công, một hành động được nhiều người xem là đi ngược lại Hiến Pháp thời hậu chiến của quốc gia này.
Ông Austin bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản. Ông nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả [việc sử dụng] khả năng răn đe mở rộng của Hoa Kỳ được cung cấp bằng toàn bộ các vũ khí thông thường cũng như vũ khí hạt nhân.
Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết trong một tuyên bố, “Các bộ trưởng khẳng định rằng liên minh này luôn vững vàng trước những thách thức và kiên định ủng hộ các giá trị và chuẩn mực dân chủ chung vốn là nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản
Các cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau cuộc họp an ninh “hai cộng hai” ở Hoa Thịnh Đốn giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong đó các bộ trưởng đã đồng ý tối ưu hóa vị thế của lực lượng của Hoa Kỳ tại Nhật Bản.
Ông Austin cho biết tại cuộc họp an ninh này rằng Hoa Kỳ sẽ tổ chức lại Trung đoàn Pháo binh 12 thành Trung đoàn Duyên hải Thủy quân lục chiến 12, phù hợp với quá trình tái cấu trúc hiện tại của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu ở các khu vực đổ bộ phân tán chống lại các cường quốc.
Ông cho biết đội hình mới sẽ được trang bị các năng lực tình báo, giám sát, và trinh sát tân tiến, cũng như các hệ thống chống hạm và chống vận tải “phù hợp với môi trường đe dọa hiện tại và tương lai.”
Ông Austin nhắc lại rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đồng minh của mình và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ Nhật Bản khỏi bị tấn công, bao gồm cả viện đến vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, ông nói, Hoa Kỳ công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku như một phần của cam kết này. Nhật Bản kiểm soát phần lớn quần đảo Senkaku, nằm ở biển Hoa Đông, kể từ năm 1895, nhưng chính quyền Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này vào những năm 1970 và gọi Senkaku là quần đảo Điếu Ngư.
“Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn đồng hành trước các hành động gây bất ổn của Trung Quốc,” ông Austin nói.
“Tôi muốn tái khẳng định cam kết chắc chắn của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng tất cả khả năng, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, và nhấn mạnh rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Chung áp dụng cho Quần đảo Senkaku.”
Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh Chung năm 1960 giữa hai nước quy định rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị bên thứ ba tấn công.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times