Nhân sinh cảm ngộ: Tấm biển hiệu không có chữ
Tôi tiếp quản công việc mua sắm từ mẹ tôi đã được một thời gian rồi! Không giống như mẹ ngày ngày đi chợ, tôi đơn giản hóa và thực hiện nhiệm vụ mà mẹ giao hai lần trong một tuần. Tôi học tập kinh nghiệm của mẹ, chiếu theo đó để mua rau trái ở cửa hàng này, mua tôm cá ở cửa hàng kia, cứ như vậy cũng có thể làm một cách suôn sẻ, không phụ lòng giao phó của mẹ.
Thế nhưng, qua một thời gian, tôi phát hiện, mỗi lần đến tiệm bán thịt của bà A tôi đều cảm thấy căng thẳng. Bởi vì bà chủ tiệm với gương mặt tươi cười niềm nở đón khách ấy luôn cân dư số lượng người mua yêu cầu, rồi hỏi khách: như thế này được không? Thế nên, để tránh lâm vào tình huống khó xử, tôi quyết định chuyển sang mua thịt ở tiệm của ông B.
Cửa tiệm của ông B cách cửa tiệm bà A chưa đầy 10m, phương thức buôn bán hoàn toàn khác với cửa tiệm bà A, khách cần mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, thỉnh thoảng có lỡ cân quá lượng thì chủ động bớt lại để phù hợp với yêu cầu của khách. Ở đây, tôi cảm nhận được sự chân thành và tôn trọng của chủ tiệm. Tôi nghĩ, đây chính là tấm “biển hiệu” không có chữ của họ, và đã nhận được sự yêu thích cũng như tin tưởng của khách hàng.
Bán hàng thực ra là bán “danh dự và uy tín.” Trong danh dự và uy tín này, sự chân thành và tôn trọng là điều không thể thiếu, là thứ bảo đảm cho sự ưu ái của khách hàng, cũng là tấm “biển hiệu” để người kinh doanh đổi lấy lợi nhuận từ thương trường. Hơn nữa, tấm “biển hiệu” không chữ này trường tồn mãi mãi, không thể thay thế.
Một người bán hàng thông minh sẽ cố gắng xây dựng mối quan hệ tin cậy và cùng có lợi lâu dài với khách hàng. Đây chính là sự thành tín, nó cần dựa vào sự thành thật, sản phẩm chất lượng tốt, cách phục vụ hài lòng và giá cả hợp lý để duy trì.
Chân thành và uy tín hoàn toàn không chỉ là một khẩu hiệu hoa mỹ dễ nghe, mà nó là từng chi tiết nhỏ và hành động thực tế. Từ việc coi trọng danh dự của thương nhân, cho đến trung thực giữ chữ tín, không gian lận lừa đảo, không giở trò mánh khóe… mới có thể xây dựng thương hiệu thành công, từ đó hình thành danh tiếng tốt đẹp.
Nói về đạo lý kinh doanh, có người nhận định rằng: Kỹ năng kinh doanh là có hạn, đạo lý kinh doanh là vô hạn, kỹ năng kinh doanh là một loại bản lĩnh, đạo lý kinh doanh là một loại cảnh giới.
Doanh nhân nổi tiếng Hồ Tuyết Nham thời nhà Thanh đã kết luận rằng: Sự thành bại trong cạnh tranh thương mại, cuối cùng được quyết định bởi sự tu dưỡng bản thân của những người làm kinh doanh.
Ngoài ra, khi buôn bán trao đổi, chủ tiệm và khách hàng hình thành một loại tương hỗ lẫn nhau. Chủ tiệm có thành tín hay không, là một “biển hiệu” không có chữ; như vậy, khách hàng đang kén cá chọn canh, tính toán chi li, hay là có thể thông tình đạt lý, đơn giản dễ chịu…, đây cũng là một loại “biển hiệu” không chữ, đều đang phản ánh phẩm cách và đức hạnh của chính họ.