Nhân sinh cảm ngộ: Giao tiếp bằng trái tim
Khoảng thời gian trước, có một gia đình người ngoại quốc chuyển đến sống bên cạnh nhà tôi. Gia đình họ có hai cô con gái và đều có học qua tiếng Trung. Thi thoảng gặp nhau, họ sẽ nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Trung, nói rất lưu loát.
Một lần nọ, chồng tôi đưa các con ra ngoài vui chơi. Mấy cha con đứng trên một cây cầu nhỏ, ngắm nhìn những chiếc lá và cánh hoa trôi lững lờ trên sông. Góc nhìn của trẻ thơ không giống như góc nhìn của người lớn. Những chiếc lá trôi nổi trên sông mà người lớn nhìn thấy kia, có thể là những con thuyền trong câu chuyện của các bé, còn những cánh hoa dập dềnh kia có thể là những đám mây nhiều sắc mầu từ trên trời sa xuống mặt nước. Các con nghĩ ra nhiều câu chuyện khác nhau, tưởng tượng ra những con cá, con tôm nhỏ sống trong lòng sông và phiêu lưu trong thế giới lá cây và cánh hoa ấy như thế nào.
Chồng tôi vừa lắng nghe câu chuyện của các con, vừa lên tiếng phụ họa thích thú. Anh đã bị câu chuyện của các con hấp dẫn. Lúc này, có một cô bé đi tới xin giúp đỡ. Cô bé nhờ chồng tôi giữ giúp mình chiếc xe đạp, và nói rằng mình cần nhặt vài thứ. Cây cầu này khá dốc, nếu các con tự đẩy xe lên cầu vốn dĩ đã hơi khó, cô bé lại phải khom người xuống để nhặt đồ vật thì chắc chắn cần phải có người giúp đỡ. Việc giúp đỡ này đối với chồng tôi thì chỉ là một cái nhấc tay mà thôi. Anh đưa tay ra giữ vững chiếc xe, ánh mắt vẫn nhìn chăm chú vào mặt nước, tiếp tục lắng nghe các con kể câu chuyện cá tôm trong dòng sông.
Cô bé ấy nhặt đồ vật lên, rồi đỡ lấy chiếc xe đạp và lễ phép nói cảm ơn chồng tôi. Cô bé để ý thấy mọi người đều đang nhìn vào mặt nước, nên cũng bước tới nhìn. Cô bé còn bình luận rằng, trông những cánh hoa và lá cây nhẹ nhàng như những chiếc lông vũ. Chồng tôi nghe vậy, cảm thấy cô bé miêu tả rất sinh động. Anh quay qua mỉm cười nhìn cô bé, chợt nhận ra đó chính là cô bé của gia đình người ngoại quốc ở sát bên nhà mình. Anh vô cùng kinh ngạc.
Nãy giờ trò chuyện, chồng tôi luôn nghĩ rằng cô bé nhờ sự giúp đỡ này là một cô bé người bản địa. Anh vươn tay ra giữ giúp chiếc xe, là thiện ý muốn giúp đỡ người lạ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Sau đó anh thản nhiên trò chuyện đôi ba câu về những cánh hoa và lá cây trôi nổi trên mặt nước. Đó là sự thưởng thức và yêu thích đối với thiên nhiên, không mang theo bất kỳ lợi ích hay mục đích gì. Nói tóm lại, những chuyện vừa rồi chẳng qua chỉ là sự quan tâm bình thường giữa người với người, cũng có sự giao lưu nhẹ nhàng đơn giản giữa tâm hồn với nhau.
Chồng tôi cảm khái rằng, nếu lúc ấy quay qua nhìn khuôn mặt của cô bé một chút, thì khi vươn tay ra giữ giúp chiếc xe và khi trò chuyện có lẽ anh sẽ không tùy ý như vậy. Dù sao người ngoại quốc vẫn chưa quen với cuộc sống nơi đây, nên hẳn là anh phải cư xử nhã nhặn với cô bé, hẳn nên chủ động giúp đỡ hơn. Khi nói chuyện, có lẽ anh không nên nói giống thường ngày như vậy, mà có thể sẽ nói chậm hơn, chọn những từ đơn giản hơn, vì e ngại cô bé sẽ nghe không hiểu. Vì anh không biết cô bé nhờ giúp đỡ là người ngoại quốc, cho nên anh đã hành động và thể hiện bản thân chân thực nhất. Nhưng nhờ vậy, họ đã có cuộc giao lưu chân thành, tự nhiên và thật lòng nhất.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ