Nhà văn 89 tuổi lên án ĐCSTQ vì chính sách zero COVID trong thư ngỏ gửi Thủ tướng
Lệnh bắt buộc xét nghiệm PCR trên diện rộng và phong tỏa ngẫu nhiên các thành phố đã gây ra nhiều nỗi bất bình trong xã hội Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong những tháng qua trên khắp đất nước, bao gồm cả ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Quý Dương, Trùng Khánh, và Vũ Hán. Trong thời gian này, người dân Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự bất bình của họ trên mạng, phản đối các chính sách zero COVID hà khắc của nhà cầm quyền.
“Đảng [Đảng Cộng sản Trung Quốc] nên điều hành công việc của đảng, còn chính phủ nên điều hành công việc của chính phủ. Nhưng bây giờ đảng điều hành mọi thứ, vậy thì chính phủ làm cái gì đây? Trong đại dịch, [đảng] phong tỏa các thành phố và phong bế đường phố. Nào là xét nghiệm PCR hàng ngày, nào là mã vàng và mã đỏ, nào là đưa mọi người đi cách ly — mọi thứ thật hỗn loạn và lộn xộn. Dân chúng ai nấy đều bất bình, nhưng không có nơi nào để ta thán.”
Những lời này là một phần của bức thư ngỏ gửi cho Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Lý Khắc Cường, được đăng trực tuyến hôm 22/09 bởi ông Thiết Lưu (Tie Liu), một nhà văn kiêm cựu ký giả Trung Quốc 89 tuổi, lên án các chính sách zero COVID hà khắc của ĐCSTQ và yêu cầu một lời giải thích về bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho các chính sách đó.
Trong tiếng Hoa, Thiết Lưu có nghĩa là “dòng chảy sắt”, là bút danh của ông Hoàng Trạch Vinh (Huang Zerong), một cựu ký giả của Nhật báo Thành Đô. Cụ ông tuổi bát tuần bộc trực thẳng thắn này là người gốc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc và là một nhà phê bình ĐCSTQ rất sôi nổi.
Lên án ĐCSTQ vì chính sách zero COVID
Ông Thiết Lưu không hài lòng với các chính sách zero COVID của đảng.
Bức thư ngỏ của ông Thiết Lưu viết, “Trong thời gian các thành phố bị phong tỏa và đường xá bị phong bế, một số người đã nhảy lầu tự tử; một số người thì phát điên; một số người bị bệnh nguy kịch thì tử vong vì họ không thể vào bệnh viện nếu không làm xét nghiệm acid nucleic.”
Ông Thiết Lưu đã so sánh Quốc Dân Đảng, còn được gọi là Trung Quốc Quốc dân Đảng, là đảng cầm quyền ở Trung Quốc trước năm 1949, với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bức thư của ông.
Ông hồi tưởng lại năm 1943, thời điểm mà Quốc Dân Đảng còn đang nắm quyền, đất nước đã trải qua một trận dịch tả. Ông cho biết bệnh tả rất dễ lây lan và nghiêm trọng, với các triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa. Hồi đó, hai người dân sống cùng dãy phố với ông đã qua đời chỉ trong hai tuần.
Lá thư của ông Thiết Lưu viết, “Nhưng Quốc Dân Đảng không bao giờ phong tỏa thành phố hay đường phố, cũng như không gây phiền toái cho những người dân thường xung quanh. Bây giờ không có ca tử vong nào [vì bệnh COVID-19 ở Thành Đô], nhưng [ĐCSTQ không để cho] dân chúng được sống một cuộc sống yên bình.”
Ông cũng viết về vụ tai nạn xe buýt khiến 27 người thiệt mạng trong quá trình chở người dân đi cách ly hôm 18/09 ở Quý Châu.
Ông lên án bí thư thành ủy Quý Dương vì đã xem thường tính mạng của người dân.
Ông Thiết Lưu viết, “Bí thư thành ủy, người gây ra thảm án này, chỉ biết cúi đầu! Lòng dân có phục không? Theo tôi, ông ta nên bị bắt và tống vào tù, và nên treo cờ rủ để tưởng nhớ [các nạn nhân của vụ tai nạn xe buýt này].”
Ông Thiết Lưu đã hỏi ông Lý Khắc Cường liệu quy định xét nghiệm PCR có phải là quy định của Quốc Vụ Viện hay không, và nếu câu trả lời là có thì cơ sở pháp lý cho một quy định như vậy là gì.
Nhà phê bình viết, “Đất nước chúng ta có hiến pháp và nhiều luật khác nhau. Dù sao thì tôi cũng chưa tìm ra điều khoản nào cấm vào bệnh viện nếu không có giấy xét nghiệm acid nucleic. Vì vậy, tôi viết thư gửi lên Quốc Vụ viện hy vọng nhận được một lời giải thích rõ ràng.”
Bệnh viện không tiếp nhận vì từ chối làm xét nghiệm PCR
Bản thân ông Thiết Lưu chính là nạn nhân của các quy định xét nghiệm PCR.
“Nếu không có xét nghiệm PCR, quý vị không được phép vào bệnh viện, siêu thị, làng mạc, hay thị trấn. Đây là quy định gì vậy? Không có cơ sở pháp lý nào hết!” ông Thiết Lưu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 25/09.
Hôm 22/09, ông nói ông đã đến gặp bác sĩ tại Khoa Ngoại trú Đặc biệt của Bệnh viện Tây Thành Đô để khám bệnh và xin đơn thuốc, nhưng bệnh viện không cho ông vào vì ông không có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR.
Ông Thiết Lưu nói, “Tôi đã gần 90 tuổi, sức khỏe rất yếu, lại còn là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.”
Vì ông lui về sống ở một thị trấn nhỏ cách Thành Đô khoảng 40 dặm để an hưởng tuổi già và hồi phục sức khỏe, phần lớn thời gian ông chỉ ở trong nhà và hiếm khi ra ngoài tụ tập tiệc tùng, nên ông không muốn làm xét nghiệm PCR hay chích vaccine COVID.
Vì vậy, ông hỏi những người có thẩm quyền trong bệnh viện xem quy định nào của chính phủ yêu cầu phải xét nghiệm PCR mới được vào bệnh viện.
Người có thẩm quyền trong bệnh viện không thể cho ông xem những quy định như vậy, nhưng họ cũng không cho ông vào, ông nói.
“Họ thậm chí còn đẩy tôi ra,” ông Thiết Lưu nói thêm, “Họ thậm chí còn đe dọa chuyển mã sức khỏe màu xanh lá cây của tôi thành màu đỏ nếu tôi từ chối làm xét nghiệm PCR vào ngày hôm đó.”
Ở Trung Quốc, những người có mã sức khỏe màu đỏ sẽ không được ra khỏi nhà trong nhà hoặc bị đưa đến các trung tâm cách ly.
Điều đó đã thúc đẩy ông Thiết Lưu quyết định viết một bức thư ngỏ cho thủ tướng.
“Tôi đã sống đến tuổi này rồi, có gì khiến tôi phải sợ hãi nữa đâu. Tôi chỉ muốn biết rõ quy định này có phải là của Quốc Vụ viện hay không. Nếu không, tại sao các bệnh viện lại không tiếp nhận bệnh nhân.”
Ông Thiết Lưu cho biết nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi ông đăng bức thư ngỏ của mình lên mạng. Bức thư này sau đó đã bị xóa và hiện không thể tìm thấy trên mạng xã hội Trung Quốc.
Bà Cao Du (Gao Yu), một ký giả tự do và là một nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc, đã đăng bức thư này trong một dòng Tweet hôm 24/09. Bà đã nhiều lần bị bức hại vì đã đưa tin về cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và sau đó là vì các báo cáo độc lập của bà về nền kinh tế và chính trị Trung Quốc, theo IFEX, một mạng lưới quốc tế gồm hơn 100 tổ chức phi chính phủ “ủng hộ quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của tất cả mọi người.”
年近90的铁流,晚期癌症患者,谪居四川小鎮,因拒核酸和疫苗,無法就醫。無奈之下,致信李克強總理。 pic.twitter.com/A0ycLOa8MM
— 高瑜 (@gaoyu200812) September 24, 2022
“Nhiều người đã đăng lại bức thư ngỏ của tôi và khen ngợi tôi vì đã lên tiếng cho những người dân bình thường,” ông Thiết Lưu nói với ấn phẩm.
Thành Đô vẫn thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt bất chấp trận động đất mạnh 6.8 độ Richter vào ngày 05/09, tâm chấn của trận động đất này chỉ cách thành phố 125 dặm (hơn 200 km).
Thẳng thắn phê bình ĐCSTQ
Ông Thiết Lưu khuyến khích người dân Trung Quốc hãy dũng cảm lên tiếng.
“Có quá ít người Trung Quốc dám nói ra sự thật và dám nói thật lòng mình,” ông thở dài. “Mọi người đều sợ. Nhưng quý vị càng sợ, thì [chính quyền] càng bắt nạt người dân. Quý vị càng sợ, họ càng không cho quý vị cơ hội ngóc đầu lên. Họ [chính quyền cộng sản] chỉ biết làm ẩu làm liều và đi gây chuyện xung quanh. Đất nước không có pháp quyền gì cả.”
Ông Thiết Lưu là một nhà phê bình thẳng thắn đối với ĐCSTQ. Trải nghiệm của ông đã được Viện Nghiên cứu Vấn đề Trung Quốc, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Alhambra, California, đưa tin vào năm 2015.
Vào những năm 1950, ông Thiết Lưu từng làm ký giả cho tờ Nhật báo Thành Đô. Năm 1957, ông bị chụp mũ là “phản cách mạng” vì những lời chỉ trích ĐCSTQ trên báo và bị đưa vào trại lao động. Ông đã ở đó 23 năm cho đến khi được trả tự do vào năm 1980.
Năm 2010, ông thành lập Quỹ Báo chí Thiết Lưu với khoản đóng góp 1 triệu nhân dân tệ (140.000 USD) để hỗ trợ các ký giả và nhà văn bị đàn áp vì quyền tự do báo chí.
Vào tháng 10/2010, một nhóm ký giả Trung Quốc, trong đó có ông Thiết Lưu, đã gửi một lá thư kiến nghị tập thể đến cơ quan lập pháp bù nhìn của nhà cầm quyền cộng sản kêu gọi quyền tự do báo chí và xóa bỏ kiểm duyệt truyền thông.
Năm 2014, ông bị bắt và bị buộc tội “gây rối” và “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” vì đã xuất bản hồi ký của những người bị bức hại dưới thời cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông và đăng những lời chỉ trích ông Lưu Vân Sơn, trưởng ban tuyên truyền của ĐCSTQ, lên mạng.
Nhà hoạt động nhân quyền: ‘Hình mẫu cho những người trẻ tuổi’
Anh Cao Phi (Gao Fei), một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đã đánh giá cao hành động dũng cảm của ông Thiết Lưu trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 25/09.
“Ông Thiết Lưu đã bước ra để nói sự thật, điều này thực sự đáng ngưỡng mộ,” anh Cao Phi nói. “Ông ấy là một hình mẫu cho những người trẻ tuổi chúng tôi và đáng được khen ngợi.”
Anh Cao nói rằng rất nhiều bệnh nhân ở Trung Quốc đã tử vong vì họ không có phiếu xét nghiệm PCR và do đó không được điều trị y tế kịp thời trong đại dịch.
“Ngày càng có nhiều người phàn nàn về các chính sách zero COVID”, anh Cao nói, “Người dân đã chán ngấy các biện pháp phòng chống dịch bệnh vô lý và vô nhân đạo này rồi.”
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times