ĐCSTQ tăng cường đàn áp Pháp Luân Công để ngăn chặn phơi bày tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường đàn áp một môn tu luyện tinh thần trong bối cảnh đại dịch để ngăn chặn các học viên của môn tập này phơi bày cho thế giới tình hình COVID-19 ở Trung Quốc, theo một báo cáo do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp công bố.
Báo cáo khám phá những thông tin cập nhật và diễn biến mới nhất trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ cộng sản Trung Quốc bức hại tàn bạo kể từ năm 1999.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, bất chấp những hạn chế áp đặt do đại dịch, các vụ bắt giữ và sách nhiễu đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng đầu năm 2020 và gần gấp ba vào năm 2021 — so với cùng thời kỳ năm 2019.
Theo báo cáo, mục đích của ĐCSTQ là ngăn cản nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công nhằm thu thập thông tin tại hiện trường về cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công điều hành “mạng lưới thông tin và truyền thông hoạt động bí mật lớn nhất ở Trung Quốc,” báo cáo cho biết. Báo cáo này được họ phát triển trong khi tìm cách giải khai các thông tin sai trái mà ĐCSTQ lan truyền về môn tu luyện này trong cuộc bức hại kéo dài đã hai thập niên.
Trấn áp ‘cộng đồng người tố cáo’
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần xoay quanh các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, vào thời điểm đó ước tính có 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Lo sợ số lượng học viên này là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát độc tài của mình, chế độ cộng sản đã khởi xướng một chiến dịch rộng khắp bắt đầu từ tháng 07/1999 và tiếp diễn đến tận ngày nay để đàn áp Pháp Luân Công và các học viên của môn này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Những học viên bị giam giữ cũng là các nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức, trong đó các học viên đã bị sát hại để lấy nội tạng ở Trung Quốc, số lượng là không thể kể xiết.
Một phần quan trọng trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ là chiến dịch thông tin bôi nhọ môn tu luyện này, nhằm mục đích khiến người dân Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công và các học viên của môn này. Để đạt được mục tiêu đó, nhà cầm quyền đã chủ yếu dựa vào tuyên truyền, gieo rắc thù hận chống lại Pháp Luân Công bằng cách phỉ báng môn tu luyện và bôi nhọ học viên của môn này.
Đáp lại, các học viên Pháp Luân Công đã tình nguyện bước ra, toàn tâm toàn ý trong việc vạch trần tuyên truyền của ĐCSTQ, tạo thành một mạng lưới những người trở nên “rất thông thạo trong việc đưa tin tức ra khỏi Trung Quốc, cũng như thu thập tin tức ở Trung Quốc,” ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết tại hội thảo trên web do trung tâm tổ chức hôm 09/05, mang tên “Đại dịch, Bức hại và Đẩy lùi: Xu hướng và Phân tích từ Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và Hơn thế nữa” (“Pandemic, Persecution and Pushback: Trends and Analysis from the Suppression of Falun Gong in China and Beyond”).
Ông Browde giải thích, cuộc bức hại đã chuyển từ chỉ nhằm mục đích tiêu diệt một nhóm thiểu số tâm linh sang “đàn áp một [cộng đồng] người tố giác toàn cầu có hiệu quả cao đang bóc trần những tội ác của ĐCSTQ trên phạm vi quốc tế và nói cho người dân Trung Quốc sự thật về những gì nhà cầm quyền đang làm đối với Pháp Luân Công và lịch sử thực sự của ĐCSTQ.”
Các trường hợp bị bức hại gia tăng
Theo báo cáo, kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, những thông tin về các vụ sách nhiễu và bắt giữ học viên Pháp Luân Công đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là khi so sánh dữ liệu từ hai quý đầu năm 2020 và 2021 với năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID (2019).
Cụ thể, đây là số vụ bắt giữ và sách nhiễu được Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ghi chép lại: 3,383 trường hợp trong sáu tháng đầu năm 2019; 5,952 trường hợp trong sáu tháng đầu năm 2020; 9,470 trường hợp trong sáu tháng đầu năm 2021.
Số trường hợp thiệt mạng do lạm dụng và tra tấn đã lên tới 256 người kể từ đầu năm 2020, như đã nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, vì việc đưa thông tin nhạy cảm ra khỏi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nên số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều.
Báo cáo kết luận rằng ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp đối với cộng đồng học viên Pháp Luân Công như một phương pháp để can thiệp vào “luồng thông tin tự do xung quanh cuộc khủng hoảng sức khỏe.”
Các sự kiện lớn đưa Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý, chẳng hạn như Thế vận hội Mùa Đông 2022, đồng nghĩa với việc đàn áp sẽ được thực hiện gắt gao hơn. Ví dụ, tỉnh Hà Bắc, nơi các địa điểm diễn ra Thế vận hội tọa lạc, đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong các vụ bắt bớ, như được nêu trong báo cáo.
Báo cáo đề cập thêm hai trường hợp làm lộ thông tin nội bộ đáng chú ý.
Sự biến mất của anh Phương Bân
Vào giai đoạn đầu của đại dịch, trong lúc ĐCSTQ coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sức khỏe, anh Phương Bân (Fang Bin) — người tự xưng là một ký giả công dân — đã ghi lại video quay cảnh các bệnh viện chật kín ở Vũ Hán, cũng cho thấy một đống thi thể gồm tám tử thi bên trong một chiếc xe tải của một nhà tang lễ gần một bệnh viện.
Anh đã đăng tải video nói trên lên YouTube, một trang web bị phong tỏa dưới sự kiểm soát mạng internet chặt chẽ của Trung Quốc. Video này đã được lan truyền rộng rãi.
Vài ngày sau, anh Phương bị bắt và sau đó bặt vô âm tín. Gần hai năm sau, anh được cho là bị giam tại Trung tâm giam giữ Giang Ngạn. Tuy nhiên, người ta vẫn không chắc về tung tích của anh.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, trước đây chính quyền Trung Quốc đã giam giữ anh Phương hơn bốn năm, trong khoảng thời gian đó anh đã bị “tra tấn dã man vì tín tâm của mình đối với Pháp Luân Công.”
Bỏ tù bà Hứa Na
ĐCSTQ cũng bắt bà Hứa Na (Xu Na), một phụ nữ 53 tuổi, cùng 11 học viên Pháp Luân Công, vì đã cung cấp các bức ảnh trong thời gian Bắc Kinh bị “đại dịch tàn phá”.
Bà Hứa sau đó đã bị truy tố hồi tháng 04/2021 vì đã cung cấp thông tin về đại dịch ở Bắc Kinh cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Bà Hứa bị kết án tám năm tù hồi tháng 01/2022.
Chồng của bà, ông Vu Trụ (Yu Zhou), bị tra tấn đến tử vong vào năm 2008 trong quá trình ông bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ quận Thông Châu, thành phố Bắc Kinh.