Học viên Pháp Luân Công thoát khỏi hiểm họa cộng sản: ‘Đức tin giúp vượt qua những thời điểm khó khăn’
Điều mà ông Lưu Văn Vũ (Winston Liu) tìm thấy ở Pháp Luân Công là một hệ thống tu luyện và các nguyên lý, không chỉ cho phép ông tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, mà còn lấp đầy khoảng trống trong tâm ông.
Rốt cuộc, có những ý nghĩa và mục đích vượt xa cuộc sống tẻ nhạt theo thói quen thường nhật.
Tuy nhiên, ngay khi chân lý mới này phát triển, bóng tối của sự đố kỵ đã lan rộng khắp tâm trí và suy nghĩ của những kẻ mưu toan kiểm soát.
Chẳng bao lâu, bóng tối đó đã phủ lên những công viên đầy nắng nơi Pháp Luân Công được tập luyện ngoài trời, và sự tự do mà các học viên thực hiện các động tác vốn hướng tới nội tâm an hòa đã bị nỗi sợ hãi che khuất.
Mặc dù ông Lưu đã nhiều năm thoát khỏi cuộc bức hại ở Trung Quốc vì là một học viên Pháp Luân Công và hiện giờ là một kỹ sư hóa học ở Greenville, North Carolina, nhưng ông cho biết những gì ông hiện đang chứng kiến ở Hoa Kỳ không khác với thứ mà ông đã thoát ly, đó là lý do tại sao ông kể câu chuyện của mình.
Ông Lưu cho hay ông bắt đầu tu luyện sau khi thấy bạn gái của ông khi đó có một sức khỏe tốt thông qua môn tu luyện này, điều mà bản thân ông Lưu nói rằng ông từng rất mong ước.
Sau khi đọc cuốn sách chính, Chuyển Pháp Luân, ông Lưu nói rằng “các nguyên lý và các bài giảng về chân, thiện, và nhẫn đã khiến ông cảm động.”
“Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, giống như nhiều người Trung Quốc, đời sống tinh thần của tôi trống rỗng vì các giá trị văn hóa truyền thống đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phá hủy, vì vậy khi tôi gặp được những tôn chỉ về cách trở thành một người tốt, có trách nhiệm hơn với bản thân và những người khác này, tôi rất vui mừng,” ông Lưu chia sẻ với The Epoch Times. “Sau khi trở thành một học viên, tôi đã trở thành một người tử tế hơn, hoạt bát hơn với nội tâm bình hòa.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện do Đại Sư Lý Hồng Chí sáng lập vào đầu những năm 1990, và bắt nguồn từ truyền thống của Phật gia và Đạo gia.
Pháp Luân Công có hai phần gồm cải thiện bản thân thông qua việc học các bài giảng, và thực hành một loạt các bài tập khí công và thiền định.
Ông Lưu giải thích rằng vào đầu những năm 1990, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở cửa thị trường của mình ra thế giới, và từ bỏ sự kiểm soát đối với các tập quán văn hóa bị cấm trước đây, điều này cho phép các cộng đồng học viên Pháp Luân Công phát triển, và tự do tập luyện trên khắp Trung Quốc.
“Bởi vì Pháp Luân Công phù hợp với các giáo lý và giá trị truyền thống, nên môn tu luyện này đã trở nên rất phổ biến và được mọi người đón nhận ngay lập tức,” ông Lưu nói.
Nhưng sự phát triển này đã không kéo dài lâu, ông nói.
Ông Lưu trích dẫn một báo cáo có nhan đề “The Battle for China’s Spirit” (“Cuộc Chiến Giành Linh Hồn Trung Hoa”) từ một tổ chức nhân quyền và tự do dân sự tên là Freedom House, trong đó liệt kê các lý do tại sao ĐCSTQ coi Pháp Luân Công là một mối đe dọa, trước hết là vì sự phổ biến của môn tu luyện này.
“Năm 1999, số học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 đến 100 triệu người, đây là con số mà ĐCSTQ đã công bố vào nửa đầu năm 1999 dựa trên việc họ giám sát Pháp Luân Công rất chặt chẽ,” ông nói.
Con số này có nghĩa là số lượng các học viên Pháp Luân Công còn đông hơn ĐCSTQ, lúc đó có 63 triệu đảng viên, điều mà ông Lưu cho rằng đã khiến ĐCSTQ lo sợ.
“Lý do thứ hai là Pháp Luân Công khuyến khích theo đuổi sự chân thành, thiện lương, hòa ái, và nhẫn nhịn, trong khi ĐCSTQ khuyến khích theo đuổi chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và tham gia các cuộc đấu tranh chính trị,” ông nói. “Nền tảng của ĐCSTQ là đòi hỏi lòng trung thành. Nó khiến sự hòa hợp của cộng đồng trở thành thù địch, hận thù, và đấu tranh.”
Ông Lưu cũng cho biết, Pháp Luân Công không có một tư cách hội viên chính thức để yêu cầu phải có danh sách các thành viên.
“Kể từ khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực vào năm 1949, họ đã theo dõi các nhóm [dân chúng] một cách chặt chẽ,” ông nói. “Họ muốn thành lập các chi bộ ĐCSTQ bên trong nội bộ bất kỳ nhóm dân sự nào, bao gồm cả Pháp Luân Công, sự áp đặt này đi ngược lại các nguyên lý của Pháp Luân Công.”
Sống trong sợ hãi
Ông Lưu cho biết kết quả là, sự áp bức đã ngày càng gia tăng từ năm 1996 đến năm 1999 khi Pháp Luân công vẫn có thể được tập ở nơi công cộng, mặc dù một số quan chức ĐCSTQ vẫn giữ cái nhìn thiện cảm với môn tu luyện này.
Ông Lưu nói, cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã bị cấm vào năm 1999 khi truyền thông nhà nước phát động một chiến dịch bôi nhọ mạnh mẽ chống lại Pháp Luân Công.
Vào thời điểm đó, ông Lưu là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, cùng với bạn gái của mình, người mà sau đó ông đã kết hôn vào thời điểm một tháng trước khi các cuộc tấn công rộng khắp nhắm vào Pháp Luân Công bắt đầu diễn ra.
“Tôi bắt đầu tu luyện từ tháng 06/1998, đúng vào thời điểm có tin tức phỉ báng Pháp Luân Công từ đài truyền hình lớn nhất của Bắc Kinh,” ông cho biết. “Các học viên đã khiếu nại lên đài truyền hình này, và sau đó nhà đài đã sửa lại tin tức của mình và đưa ra một tuyên bố.”
Ông Lưu cho hay các học viên Pháp Luân Công thấy họ phải thỉnh nguyện các quan chức chính phủ và các phương tiện truyền thông để các cơ quan này ngừng cuộc bức hại của mình.
Vào ngày 20/07/1999, nhà độc tài Giang Trạch Dân của ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc chống lại Pháp Luân Công.
“Tôi vẫn nhớ rõ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tiến hành tuyên truyền thù hận 24/7,” ông nói. “Đó là một khoảng thời gian thực sự khó khăn đối với chúng tôi.”
Chiến dịch tuyên truyền thù hận trên toàn quốc này đã bao gồm cả trường đại học của ông, nơi bắt đầu những nỗ lực tuyên truyền hướng tới các sinh viên, nhằm mục đích hướng họ rời xa Pháp Luân Công.
“Tôi thường tự hỏi, nếu một đảng chính trị tuyên bố các nguyên tắc phổ quát chân, thiện, nhẫn là xấu, thì điều gì là tốt đây?” ông Lưu hỏi. “Là con người, chúng ta nên kiên định với những giá trị tốt đẹp, và không thỏa hiệp những giá trị này vì những lợi ích khác.”
Đối với nhiều người, sự vâng lời đối với tuyên truyền của ĐCSTQ đã lấn át sự thật về các nguyên lý của Pháp Luân Công, ông Lưu nhận xét.
Ông Lưu cho hay ông đã thấy các đồng môn xung quanh mình bị bắt giữ, và không bao giờ gặp lại bất kỳ ai trong số họ.
Khi nghe tin nhiều người trong số họ bị tra tấn đến thiệt mạng, ông Lưu cho hay ông “đã sống trong sợ hãi.”
Ông Lưu cho biết, một quan chức của ĐCSTQ đã đến nhà ông hồi tháng 01/2000.
“Bà ấy nói, ‘Đi với tôi; đừng có hỏi,’” ông Lưu nói.
“Bà ấy đưa tôi đến một khu nhà trọ, cách thành phố Bắc Kinh 40 dặm, nơi họ đã chuẩn bị sẵn một lớp tẩy não,” ông Lưu nhớ lại.
Mặc dù cha mẹ của ông Lưu không phải là học viên, nhưng các quan chức ĐCSTQ cũng đã giam giữ họ, sử dụng họ để uy hiếp “nhằm hủy hoại ý chí của tôi,” ông kể.
Họ đã lợi dụng mẹ ông và khiến bà khóc lóc trước mặt ông hàng ngày, trong số các phương pháp tẩy não khác.
“Mẹ tôi dần đổ bệnh và không thể ngủ được,” ông kể. “Các quan chức ĐCSTQ đã không chữa trị cho bà. Một quan chức nói với tôi rằng nếu tôi không từ bỏ Pháp Luân Công, thì cha mẹ tôi và tôi sẽ vĩnh viễn ở đó.”
Để mẹ mình được điều trị, ông Lưu đã phải nói từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng ông vẫn luôn lưu giữ môn tu luyện này trong trái tim và tâm trí của mình.
Vào ngày 18/06/2000, ông Lưu lại bị bắt giam, lần này là 38 ngày, vì đã cầm biểu ngữ ủng hộ Pháp Luân Công trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn.
Ông kể ông đã viết một bài chia sẻ về trải nghiệm của mình, được đăng trên trang web minghui.org của các học viên Pháp Luân Công.
“Bài chia sẻ này khiến các nhà chức trách ĐCSTQ tức giận, và vào ngày 01/01/2001, công an đã đột nhập vào căn hộ của tôi, bắt cóc tôi và vợ cũ của tôi, và đưa chúng tôi đến một trại tạm giam,” ông cho biết.
Ông bị buộc tội phổ biến và lan truyền thông tin về Pháp Luân Công trên internet.
“Kết thúc phiên xét xử, tôi bị kết án ba năm tù, và vợ cũ của tôi bị kết án 12 năm tù,” ông Lưu cho hay.
Ông Lưu giải thích rằng số năm bị kết án được xác định bởi lượng thông tin đã lan truyền.
Vì vợ ông đã tham gia vào một chiến dịch thả bóng bay mang thông tin về Pháp Luân Công, cũng như các nỗ lực gửi thư điện tử hàng loạt đến nhiều người hơn, nên mức án tù của bà cao hơn của ông Lưu.
Ông Lưu đã phải chịu đựng sự tra tấn về thể chất và tinh thần trong tù, và vào cuối thời gian ngồi tù, tóc của ông đã bạc đi nhiều và ông gần như bị suy sụp về tinh thần.
Ông đã bị khám sức khỏe tổng quát cùng 40 học viên khác, tại thời điểm đó các lính canh đã nói với ông rằng việc khám đó là bình thường, ông cho biết.
Sau đó, trong năm 2006, ông phát hiện ra rằng các học viên đã bị nhắm mục tiêu cho việc thu hoạch nội tạng tiềm năng, đây là một phần của nền kinh tế khủng khiếp của ĐCSTQ liên quan đến việc cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm.
“Tôi tin rằng nếu tôi là một trong số những người hiến tạng không tự nguyện đó, tôi có thể bị sát hại bất cứ lúc nào nếu chỉ số thể chất của tôi phù hợp với một bệnh nhân, người đang cần thay thế nội tạng,” ông Lưu kể.
Sau khi mãn hạn ba năm tù, ông Lưu trở lại Đại học Thanh Hoa, nơi ông lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật nhiệt vào năm 2005.
Tại thời điểm đó, vợ ông đã ở tù 10 năm, và sau đó, họ ly hôn vào năm 2014.
“Cô ấy không thể có được một hộ chiếu để đi cùng tôi, vì vậy cô ấy nói với tôi, “Anh cần phải tiếp tục cuộc sống của mình,’” ông Lưu giãi bày. “Trong khoảng 15 năm chung sống, chúng tôi đã ở bên nhau chưa đầy một năm.”
‘Cảm giác chạm tới tự do’
Ông Lưu có cơ hội theo học chương trình đào tạo tiến sĩ với học bổng, nhưng để đến được đó và thoát khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ, cần có sự khéo léo.
“Tôi thực sự không tin rằng ĐCSTQ sẽ để tôi đi,” ông Lưu nói.
Ông Lưu đã mua vé phi cơ của một hãng hàng không Nhật Bản, thay vì một hãng của Trung Quốc, và ông mang theo mình không chỉ có hành lý, mà còn cả nỗi sợ.
“Tôi là một người bị nhắm tới. Đó là một môi trường đầy thù địch, vì vậy tôi đã rất lo lắng cho đến tận khi tôi hạ cánh,” ông cho biết.
Ông Lưu không mang theo tài liệu nào liên quan đến Pháp Luân Công, và ông nói càng ít càng tốt để tránh gây sự chú ý, ông nhớ lại.
Ông cho biết mỗi lần kiểm tra hộ chiếu là một lần thần kinh của ông căng như dây đàn.
Cuối cùng, ông đã thở phào nhẹ nhõm khi hạ cánh.
Theo ông, đã đến lúc ông phải nói lời từ biệt, không chỉ với nỗi sợ hãi, sự hành hung và sách nhiễu không ngừng, mà còn với gia đình mình.
Với những người thân yêu của mình, ông nói: “Con xin lỗi vì đã rời khỏi đất nước này; xin hãy tự chăm sóc bản thân.”
Sau đó, ông Lưu đã khóc, khi biết rằng rốt cuộc ông sẽ được an toàn ở một đất nước chấp nhận ông là người tị nạn và cho phép ông trở thành một công dân Canada.
Một buổi sáng Chủ Nhật, ông Lưu bắt gặp một cảnh tượng mà ông nghĩ rằng ông đã không được chứng kiến trong nhiều năm: các học viên Pháp Luân Công đang luyện công công khai trong công viên ở Calgary, Canada, điều mà ông Lưu nói đã khiến mắt ông ngấn lệ.
“Đó là cảm giác chạm tới tự do,” ông cho biết. “Họ đã tập rất thoải mái và yên bình; như thể tôi đi lạc vào một hành tinh khác.”
Khi theo học tại Đại học Calgary, ông Lưu đã có được bằng thạc sĩ thứ hai của mình về công nghệ hóa học, trước khi chuyển đến Wyoming vào năm 2012, sau đó đến North Carolina.
Bóng tối quen thuộc
Kể từ khi ở Mỹ, ông Lưu cho biết đã có những điều mà ông gọi là các xu hướng đáng lo ngại, khiến ông nhớ về cách mà ĐCSTQ thực hiện những thủ đoạn thiết kế xã hội ở Trung Quốc.
Theo ông Lưu, thuyết sắc tộc trọng yếu (CRT), văn hóa tẩy chay, phong trào cắt ngân sách cảnh sát, và kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông Mỹ, tất cả đều đã được ĐCSTQ sử dụng.
“Thuyết sắc tộc trọng yếu là một nỗ lực nhằm chia rẽ người dân và khuyến khích họ thù hận lẫn nhau,” ông nói. “Đó là mánh khóe của chế độ cộng sản để thiết lập quyền lực và kiểm soát người dân.”
CRT là một triết học theo chủ nghĩa Marx, vốn tuyên bố xã hội là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người áp bức và những người bị áp bức, cụ thể là gán cho những người da trắng là những kẻ áp bức và tất cả các chủng tộc khác là những người bị áp bức.
Một phương pháp khác của hệ tư tưởng cộng sản là phá hủy đi các gia đình, mà theo ông Lưu điều này đã được thực hiện trong cuộc Cách mạng Văn hóa khi nhà độc tài cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông xóa bỏ “Tứ cựu”, một khẩu hiệu quy cho những tư tưởng, văn hóa, thói quen, và phong tục truyền thống của người dân mà theo ông Mao, cần phải bị xóa bỏ để đảng phát triển mạnh.
“Tôi đã thấy những nét tương đồng trong văn hóa tẩy chay vốn khuyến khích cùng thứ hệ tư tưởng làm đảo lộn văn hóa, truyền thống, các Tổ phụ Lập quốc, và các nguyên tắc của đất nước,” ông cho biết. “Thông thường, các giá trị truyền thống bao gồm các tiêu chuẩn đạo đức giữ cho xã hội hài hòa.”
Theo ông Lưu, hệ tư tưởng cộng sản đòi hỏi lòng trung thành, vốn không để lại nhiều chỗ trống cho niềm tin tâm linh.
“Chế độ cộng sản luôn muốn mọi người tôn thờ chế độ cộng sản chứ không phải tôn thờ Chúa, và không khuyến khích mọi người tin vào Hiến Pháp. Hiến Pháp ở một quốc gia cộng sản chỉ là một mẩu giấy có thể được sửa đổi khi cần,” ông kết luận.
Theo ông Lưu, đó là lý do tại sao ông tin rằng đang có một phong trào cắt giảm ngân sách cảnh sát: loại bỏ những cảnh sát trung thành với Hiến Pháp và thay thế họ bằng những người chấp pháp trung thành với một chính phủ mới.
Đối với ông Lưu, việc nhìn thấy những nét tương đồng này đã gợi lên “những ký ức thực sự tồi tệ,” ông nói.
Ông cho rằng cũng có sự kiểm duyệt trên truyền thông, lấy việc đưa tin về Pháp Luân Công như một ví dụ.
“Vào thời kỳ đầu của cuộc bức hại, truyền thông phương Tây thường xuyên đưa tin về Pháp Luân Công,” ông nói, khi nhắc đến phóng viên Ian Johnson của Wall Street Journal, người đã đạt giải Pulitzer năm 2001 về Đưa tin Quốc tế.
Kể từ đó, đã có một sự thay đổi đáng kể về cách Pháp Luân Công được đưa tin trên truyền thông Mỹ, với nhiều nền tảng lặp lại “tuyên truyền thù hận” của ĐCSTQ, ông nói.
Ông Lưu cho rằng truyền thông đã tràn ngập với việc tự kiểm duyệt, với các ký giả cấp tiến, những người có tư tưởng đi ngược lại các nguyên lý của Pháp Luân Công.
“Những câu chuyện về các nạn nhân của cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công không hữu ích cho nghị trình xã hội của họ, mặc dù các học viên Pháp Luân Công không bao giờ cố gắng áp đặt quan điểm của họ lên bất kỳ ai,” ông nói. “Giới tinh hoa thiên tả xem các bài giảng của Pháp Luân Công và các giá trị của môn tu luyện này là một mối đe dọa đối với nghị trình của họ, và khi tôi nhận ra điều này, tôi đã thực sự trở nên lo ngại.”
Ông tự nghĩ, cảm giác này lẽ ra nên chỉ thuộc về quá khứ thôi, nhưng ở đây những quan điểm quen thuộc của ĐCSTQ đang được truyền thông cánh tả lặp lại.
“Họ có bị ĐCSTQ tác động không?” ông cho biết ông đã tự vấn bản thân như vậy. “Tôi không thể đưa ra câu trả lời, nhưng tôi đã kinh ngạc về sự đạo đức giả của văn hóa đến từ giới tinh hoa này.”
Một giải pháp ở cấp cơ sở
Dưới “tấm bình phong của nghị trình thiên tả”, ông Lưu cho hay ông lo ngại rằng có một kế hoạch để có được “sự kiểm soát toàn bộ” đối với cuộc sống của người dân Mỹ.
Để thoát khỏi điều này, ông Lưu cho rằng người Mỹ cần có “chiến dịch vận động cho sự thật.”
“Không dễ để biết được sự thật vì các đại công ty truyền thông cố gắng khiến mọi người nhầm lẫn,” ông nói. “Họ bóp méo rất nhiều thứ xảy ra ở Hoa Kỳ, và nếu quý vị cố gắng nói lên sự thật trên mạng xã hội, thì quý vị sẽ bị gán nhãn là thông tin sai lệch.”
Phối hợp bằng các tổ chức cơ sở, như nhiều người đã làm ở Trung Quốc với các cơ sở in ấn bí mật với nguy cơ phải đối diện án tù và cái chết, đó là những gì mà theo ông Lưu, có thể là một chiến lược hiệu quả để loại bỏ những tuyên truyền sai sự thật đang được lan truyền từ mọi phía.
“Bởi vì người dân Trung Quốc bị bao trùm bởi những tuyên truyền chống Pháp Luân Công, nên chúng tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để chống lại sự tấn công của ĐCSTQ, là tạo điều kiện cho sự thay đổi từ bên trong Trung Quốc,” ông nói.
Ông Lưu cho biết các học viên Pháp Luân Công đã thực hiện chiến dịch thông tin lớn nhất trong lịch sử hiện đại như một sự phản kháng bất bạo động đối với sự đàn áp của ĐCSTQ, theo đó các học viên đang vận hành hơn 200,000 cơ sở in ấn bí mật để sản xuất các tờ rơi, các tập sách mỏng, và các phương thức thông tin khác mà họ phân phát vào ban đêm, “và bất chấp an nguy của bản thân.”
“Unsilenced” (“Lời Kêu Gọi Trong Im Lặng”), một bộ phim về các sinh viên Đại học Thanh Hoa đã chấp nhận mạo hiểm tính mạng để tiết lộ cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ, với sự giúp đỡ của một ký giả ở Chicago, đã được công chiếu hồi tháng 01/2022. Phim do nhà làm phim người Canada Leon Lee đạo diễn.
Ông Lưu cho rằng bộ phim này đã giúp cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Các học viên ở ngoại quốc đã chống lại việc kiểm duyệt internet ở Trung Quốc. Họ đã thành lập các nhóm khoa học gia máy điện toán để phát triển nhu liệu, “giúp cho hàng triệu người ở Trung Quốc đột phá tường lửa của ĐCSTQ.”
Tại sao người Mỹ cần quan tâm
Theo ông Lưu, có một số lý do thực tế khiến người Mỹ không nên dung thứ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, một trong số đó là cuộc bức hại mang theo tội ác trong ngành công nghiệp y khoa của ĐCSTQ, thông qua việc che giấu đại dịch COVID và thu hoạch nội tạng.
“Nếu phương Tây đã điều tra và yêu cầu sự minh bạch trong hệ thống y tế của Trung Quốc về vấn đề lạm dụng cấy ghép nội tạng nhắm vào Pháp Luân Công, thì lẽ ra họ đã biết sớm hơn về đợt bùng phát COVID-19 hồi tháng 12/2019, và có thể đã cứu sống nhiều người,” ông Lưu nói. “Người Mỹ nghĩ việc che đậy này là một trò đùa, nhưng đối với người Trung Quốc, tất cả chúng tôi đều biết rằng che đậy là phản ứng thông thường của chính quyền cộng sản đối với các sự kiện khẩn cấp dân sự và lạm dụng nhân quyền.”
Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công
Hôm nay, ông Lưu kể câu chuyện của mình để nâng cao nhận thức về sự lạm dụng của ĐCSTQ, bản chất của đảng này, và cách nó tác động đến người dân Mỹ, để ngăn chặn bóng đen này hoàn toàn bao phủ lên Hoa Kỳ.
Ông Lưu đã tham dự một hội nghị cấp tiểu bang của Đảng Cộng Hòa, dành cho các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ ở North Carolina, để khuyến khích họ đồng bảo trợ cho Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, một đạo luật “nhằm mục đích chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và bảo vệ các bệnh nhân cấy ghép của Mỹ và cộng đồng y tế quốc tế khỏi việc vô tình tiếp tay cho tội ác này.”
Dự luật này do Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) giới thiệu hôm 16/12/2021.
Đức tin giúp vượt qua những thời điểm khó khăn
Ông Lưu nói rằng nhờ có Pháp Luân Công, ông đã có thể không xem những kẻ bức hại ông và các đồng môn của ông là thù địch, mà là những người bệnh hoạn đã bị tuyên truyền của ĐCSTQ đầu độc.
Và trong suốt những thời điểm khó khăn của cuộc bức hại, ông Lưu cho biết ông sẽ dành thời gian để tự hỏi bản thân, “Mình nên sống thế nào để cuộc đời mình có ý nghĩa?”
“Dưới sự chuyên chế của chế độ Cộng sản Trung Quốc, một học viên Pháp Luân Công sẽ có hai sự lựa chọn,” ông cho biết. “Lựa chọn thứ nhất là làm một nô lệ của chế độ này. Làm vậy có nghĩa là xóa sạch không còn nhân tính và sống không có phẩm giá. Đây là cách sống mà chế độ cộng sản Trung Quốc mong đợi mọi người dân Trung Quốc sẽ có kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền.”
Lựa chọn thứ hai, theo ông Lưu, là giữ gìn vẻ đẹp nội tâm của tinh thần con người — không bị tác động bởi ngoại cảnh hay hoàn cảnh thay đổi chóng vánh, và theo đuổi các giá trị truyền thống như chân, thiện, nhẫn, ông nói.
“Lựa chọn thứ nhất sẽ khiến tôi sống trong một thế giới nội tâm tăm tối, ích kỷ; lựa chọn thứ hai sẽ khiến tôi thực sự hạnh phúc từ trong tâm và sống một cuộc sống có phẩm giá,” ông nói. “Từ những bài giảng của Pháp Luân Công, tôi trân trọng sự lựa chọn thứ hai này.”
Dẫu biết rằng thân xác ông có thể mất đi, nhưng ông thấy rằng ông vẫn có thể kiên định hành trình nội tâm của mình nhờ vào sự tu luyện.
“Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Để quay trở về với chân ngã của mình,” ông nói. “Đây là đức tin đã giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn.”
Ông Matt McGregor đưa tin từ North và South Carolina cho The Epoch Times. Quý vị có thể gửi những ý tưởng về câu chuyện của mình cho ông ấy tại: [email protected].