Bị bỏ đói và kiểm duyệt, cư dân trong khu phong tỏa ở Quý Dương cầu cứu
Cư dân của cộng đồng dân cư lớn nhất Trung Quốc đã xuống đường tụ tập vào ngày Tết Trung Thu để phản đối tình trạng thiếu lương thực do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của nhà cầm quyền cộng sản gây ra. Chính quyền địa phương đã điều động hàng trăm công an đến để bịt miệng những cư dân tụ tập.
Tỉnh Quý Châu phía tây nam của Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô của mình trong đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây nhất kể từ hôm 02/09, bằng cách cho đóng cửa các doanh nghiệp và giam hãm người dân trong nơi cư trú của họ.
Cộng đồng Hoa Quả Viên, nằm ở Quận Nam Minh của thành phố Quý Dương, đã được “quản lý tĩnh toàn khu vực,” một thuật ngữ về phong tỏa mà nhà cầm quyền cộng sản mới phát minh ra.
Các cụm từ nói về phong tỏa mới khác được chính quyền cộng sản này sử dụng bao gồm “quản lý tĩnh”, “không bước chân ra khỏi cửa”, và “cách ly tại nhà”, sau khi từ “phong tỏa” gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư Trung Quốc bất mãn.
Hoa Quả Viên là dự án cải tạo khu ổ chuột lớn nhất Trung Quốc, với tổng diện tích 1,000 ha và 311 tòa nhà cao tầng với chiều cao trung bình trên 40 tầng. Đây là nơi cư ngụ của 450,000 người và 40,500 doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương chỉ cho phép một siêu thị mở cửa phục vụ người dân trong cộng đồng siêu đông dân này, theo cổng thông tin tài chính nhà nước Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc. Một người dân nói với kênh Tài Tân rằng siêu thị đã hết hàng và người dân không nhận được thực phẩm từ chính quyền cũng như không thể mua thực phẩm qua các kênh thương mại điện tử.
Hôm 10/09, hơn 1,000 cư dân ở Hoa Quả Viên đã xuống khu tiền sảnh để phản đối các biện pháp cách ly hà khắc và yêu cầu chính quyền bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, một người dân nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 12/09.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình chỉ kéo dài một đêm. Hôm 11/09, 400 cảnh sát đã được huy động đến Hoa Quả Viên để trấn áp các cuộc biểu tình, người dân cho biết.
Một báo cáo chính thức của China News, một cơ quan ngôn luận của nhà nước, xác nhận rằng 400 cảnh sát “đã lập tức tập hợp và tức tốc đến Hoa Quả Viên để thực hiện hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh” lúc 11 giờ 30 phút tối hôm 11/09.
Quý Dương đã ghi nhận một ca nhiễm có triệu chứng và 70 ca nhiễm không có triệu chứng tính đến hôm 13/09, theo hãng thông tấn chính thức của địa phương Nhật báo Quý Châu. Văn phòng y tế thành phố Quý Dương đã bổ sung thêm 25 khu vực có nguy cơ cao, tám trong số đó nằm ở Hoa Quả Viên.
Biểu tình vào Tết Trung Thu
Đoạn phim mà ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times thu thập được cho thấy mọi người đang tụ tập trong một khu nhà cao tầng. Những người mặc quần áo bảo hộ dùng loa phóng thanh đề nghị mọi người không tụ tập trong thời gian đại dịch bùng phát.
Cô Trương (hóa danh), một cư dân của Hoa Quả Viên, nói rằng nhiều người đang chết đói do phong tỏa và tình trạng thiếu lương thực hiện tại là do chính quyền sơ suất.
Cô còn nói với ấn bản hôm 12/09 rằng có một lượng lớn thực phẩm được quyên góp, nhưng số thực phẩm đó đã bị chặn bởi công ty quản lý tài sản, họ đã để thực phẩm thối rữa hoặc bán với giá cao.
Theo cô Trương, các cuộc biểu tình nổ ra sau hành động của công ty quản lý tài sản Homnicen Group, công ty này đã phong tỏa tất cả các thang máy trong Khu M của cộng đồng Hoa Quả Viên hôm 10/09.
Hoa Quả Viên được chia thành khoảng 20 khu vực, Tài Tân đưa tin.
“Hôm 10/09 là Tết Trung Thu,” cô Trương nói, và cho biết thêm rằng công ty này đã yêu cầu người dân để toàn bộ rác sinh hoạt trước cửa nhà, bất chấp mùi hôi thối bốc lên trong thời tiết mùa hè nóng nực.
Cô Trương cho biết: “Công ty quản lý tài sản cũng giữ lại toàn bộ bánh trung thu và rau củ quả [được quyên góp cho cư dân], đóng gói lại, và yêu cầu cư dân trả tiền để mua.”
Theo cô Trương, những cư dân giận dữ của Khu M ra khỏi các tòa nhà, xuống đường tụ tập biểu tình để đòi quyền lợi.
Cô cho biết người dân ở làng Thái Gia Quan ở ngoại ô phía tây Quý Dương cũng biểu tình phản đối tình trạng thiếu lương thực và các biện pháp phong tỏa vào cùng ngày hôm đó.
Một người đàn ông nói tiếng địa phương đã được nghe thấy trong đoạn video rằng tất cả cư dân của Khu M đều đã xuống đường biểu tình và rằng công ty quản lý tài sản này đang bán thực phẩm quyên góp cho cư dân.
The Epoch Times đã không thể kiểm chứng tính xác thực của cảnh quay này.
Thực phẩm quyên góp bị công ty quản lý tài sản ngăn chặn, đóng gói lại để bán
Theo cô Trương, toàn bộ cộng đồng Hoa Quả Viên đã bị cách ly kể từ hôm 03/09, và chính quyền chỉ cung cấp cho người dân một túi thực phẩm có một cây bắp cải Trung Quốc, một củ hành tây, hai củ khoai tây, hai nhánh gừng, và một củ tỏi.
Cô nói rằng chính quyền địa phương đã gửi tất cả số thực phẩm đó đến công ty quản lý tài sản để phân phát.
“Nhưng Homnicen Group tích trữ toàn bộ chỗ thực phẩm ấy, đóng gói lại, và bán chúng cho chúng tôi với giá cao,” cô Trương nói với ấn bản này.
Cô Trương cho biết, “Một túi gồm một cây bắp cải, hai củ cà rốt, vài quả ớt xanh, hai quả cà chua, hai quả cà tím, hai nhánh gừng, và một củ tỏi được rao bán với giá từ 59 nhân dân tệ (8.5 USD) đến 99 nhân dân tệ (14 USD). Họ rao giá theo cảm tính; nếu chúng tôi không mua từ họ, thì chúng tôi sẽ không có gì để ăn.”
Một đoạn ghi âm được chia sẻ với The Epoch Times cho thấy một nữ nhân viên của chính quyền thừa nhận rằng công ty quản lý tài sản này đã lấy số thực phẩm quyên góp.
Một người dân, người tự xưng đến từ Khu M, được nghe thấy đang hỏi cô nhân viên này tại sao không có nguồn cung cấp nào được phân phát cho cư dân. Nhân viên này đã trả lời rằng công ty quản lý tài sản đã giữ toàn bộ nhu yếu phẩm trong nhà kho của họ.
“Chúng tôi đã báo cáo những gì các vị [cư dân] đã nói với chúng tôi cho lên chính quyền cấp trên. Lãnh đạo sẽ đưa ra biện pháp. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tức từ họ. Chúng tôi phải chờ quyết định của họ,” người phụ nữ này nói.
The Epoch Times không thể kiểm chứng tính xác thực của bản ghi trên.
Cô Trương nói với The Epoch Times rằng công ty quản lý tài sản đó đôi khi để rau quả thối ở tầng trệt và nói với cư dân rằng họ có thể đến lựa. “Nhưng chỗ rau ấy héo úa, lá thì dập nát, và nước trong hoa quả thì chảy ra; không thể nào ăn được,” cô Trương cho biết.
Bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, cần sự giúp đỡ và chú ý từ bên ngoài
Cô đã kêu gọi thế giới bên ngoài quan tâm chú ý và cứu giúp người dân ở đây.
Cô Trương cho hay, “Ở chỗ chúng tôi, nhiều người đang chết đói, nhưng các bài đăng và cảnh quay video của chúng tôi đều bị cấm ở Trung Quốc. Vào đêm chúng tôi biểu tình, có hai người, tự xưng là phóng viên, đã không đưa tin về tình hình của chúng tôi. Thay vào đó, họ liên tục thực hiện các cuộc gọi tại chỗ để cấm và xóa việc phát trực tiếp của chúng tôi.”
“Xin hãy giúp chúng tôi lan tỏa thông tin này và kêu gọi sự chú ý [của thế giới bên ngoài] đến các vấn đề quản lý ở Quý Dương,” cô nói với The Epoch Times.
Phản hồi của công ty quản lý tài sản
The Epoch Times đã gọi cho bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty quản lý tài sản này hôm 13/09 để xin bình luận.
Một nhân viên nữ, không cung cấp danh tính, nói với tờ báo rằng họ đã cho ngừng thang máy theo lệnh của chính quyền địa phương, đó là “để kiểm soát hoạt động đi lại trong thời kỳ đại dịch.”
Cô đã đề nghị cư dân hãy giữ lấy bằng chứng về việc thực phẩm được đóng gói lại để bán, đồng thời nói thêm rằng việc phân phát nhu yếu phẩm phải do các nhân viên chính quyền thực hiện. “Chúng tôi hỗ trợ họ [nhân viên nhà nước] phân phát [nguồn cung cấp thực phẩm]. Còn chính quyền sẽ quyết định phân phối bao nhiêu và cho ai,” cô nói.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times